Việc chưa rõ người kế vị, cùng thực tế Triều Tiên đã thử nghiệm thành công vũ khí hạt nhân, khiến thế giới lo âu trước tin đồn về sức khỏe nhà lãnh đạo Kim Jong Un.

 

Những thông tin gây hoang mang, đôi lúc là trái ngược về sức khỏe của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un xuất hiện trên truyền thông quốc tế hôm 21/4.

 

Chẳng bao lâu sau, những đồn đoán dữ dội nổi lên về vị trí hiện tại, tình trạng sức khỏe của nhà lãnh đạo cũng như tương lai chính quyền Triều Tiên, theo CNN.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un trong cuộc diễn tập của quân đội, ảnh do KCNA công bố hôm 10/4. Ảnh: KCNA.

 

Sức khỏe ông Kim Jong Un là bí mật

Những tin đồn bắt đầu xuất hiện sau khi ông Kim không tham dự ngày sinh nhật cố lãnh đạo Kim Nhật Thành hôm 15/4, vốn là ngày lễ quan trọng nhất ở Triều Tiên. Điều này làm dấy lên nghi ngờ về tình trạng sức khỏe của ông.



Daily NK, một báo điện tử Hàn Quốc chuyên về tình hình Triều Tiên, đưa tin ông Kim đã trải qua can thiệp y tế về tim mạch hôm 12/4 và được điều trị tại khu nghỉ dưỡng ở Hyangsan, gần Bình Nhưỡng.

 

Theo CNN, một quan chức Mỹ cho biết Washington đang theo dõi thông tin tình báo về việc ông Kim gặp vấn đề sức khỏe nghiêm trọng sau khi trải qua phẫu thuật. Một nguồn thạo tin tình báo khác xác nhận với CNN cho biết Mỹ đang theo sát các thông tin về sức khỏe của nhà lãnh đạo Triều Tiên.

 

Tuy nhiên, một quan chức Hàn Quốc khẳng định ông Kim "được cho là đang có mặt ở địa điểm khác tại Triều Tiên, không phải ở Bình Nhưỡng, cùng các quan chức cấp cao Triều Tiên", đồng thời "không thấy tín hiệu bất thường nào để khẳng định thông tin về tình trạng sức khỏe của ông Kim".

 

Thực tế, lộ trình hàng ngày và tình hình sức khỏe của ông Kim là những thông tin được Triều Tiên bảo vệ bí mật nhất, chỉ những quan chức thân cận nhất của nhà lãnh đạo mới có thể tiếp cận. CNN nhận định những tin đồn và thông tin sai lệch, vì vậy, là điều không thể tránh.

 

Andrei Lankov, chuyên gia về quan hệ liên Triều tại Đại học Kookmin, Hàn Quốc, nhận định rất ít người tại Triều Tiên biết những thông tin chi tiết về đời sống cá nhân của ông Kim, và những người nắm được thông tin này "không sẵn sàng chia sẻ", bởi nguy cơ về tính mạng nếu tiết lộ.

 

"Họ (những người thân cận với ông Kim) sẽ chẳng được lợi lộc gì nếu nói với người khác về những gì họ biết", giáo sư Lankov đánh giá.

 

Các chuyên gia và truyền thông nước ngoài gặp nhiều khó khăn để tìm kiếm thông tin về cuộc sống diễn ra bên trong Triều Tiên. Các chuyên gia và nhà phân tích nghiên cứu về Triều Tiên dựa vào tất cả những gì họ thu thập được, từ ảnh vệ tinh về lộ trình di chuyển của các cá nhân, tới những bài phân tích của truyền thông nhà nước Triều Tiên, để đánh giá tình hình.

 

NK News, website thông tin về Triều Tiên, thậm chí có mục theo dấu giới lãnh đạo Bình Nhưỡng, theo đó cho phép độc giả tìm kiếm số lần nhà lãnh đạo Kim Jong Un và các quan chức cấp cao Triều Tiên khác xuất hiện hoặc được nhắc tới trên truyền thông của nước này.

 

Đồn đoán về vị trí hoặc tình hình sức khỏe của ông Kim thường không chính xác. Tuy nhiên, những đồn đoán như vậy vẫn liên tiếp xuất hiện bởi hai nguyên nhân, Triều Tiên chưa có người kế vị và câu hỏi về chương trình hạt nhân.

 

Chưa rõ người kế vị

Từ khi thành lập năm 1948, Triều Tiên đã nằm dưới chế độ cha truyền con nối, với nhà lãnh đạo đầu tiên là Kim Nhật Thành. Con trai ông, Kim Jong Il, tiếp quản vị trí lãnh đạo đất nước sau cái chết của nhà lập quốc năm 1994, và nắm quyền 17 năm. Năm 2011, ông Kim Jong Il qua đời, để lại vị trí lãnh đạo đất nước cho con trai là ông Kim Jong Un.

 

Trong 3 lần chuyển giao quyền lực, công chúng Triều Tiên đều được thông báo về người kế vị trước khi nhà lãnh đạo đương nhiệm qua đời.

Hiện nay, cả 3 người con của ông Kim Jong Un được cho là chưa đến tuổi trưởng thành. Dù một trong số này được "quy hoạch" cho vị trí lãnh đạo tương lai, đứa trẻ vẫn cần giai đoạn chuyển tiếp, khi điều hành đất nước với tư cách tạm quyền, điều chưa từng có tại Triều Tiên.

 

Bà Kim Yo Jong là chính trị gia đang nổi lên tại Triều Tiên. Ảnh: Reuters.

 

Michael Madden, chuyên gia về Triều Tiên, cho rằng có khoảng 10-20 kịch bản khác nhau có thể xảy ra nếu nhà lãnh đạo Kim Jong Un không thể tiếp tục điều hành đất nước. Ông Madden cho rằng Triều Tiên có khả năng chọn đường lối phát triển như Liên Xô sau 1953, tức mô hình lãnh đạo tập thể.

 

Một kịch bản khác, theo ông Madden, là Triều Tiên sẽ được dẫn dắt bởi bà Kim Jo Yong, em gái ông Kim Jong Un, và các trợ lý thân tín, cơ chế này sẽ tồn tại cho tới khi người kế vị ông Kim đủ trưởng thành để trực tiếp nắm quyền.

 

Kim Yo Jong là một trong những thành viên nổi bật nhất trong dàn lãnh đạo Triều Tiên kể từ khi bà có chuyến thăm Hàn Quốc dịp Olympics Pyeongchang 2018. Một lựa chọn khác trong gia đình ông Kim là người anh trai Kim Jong Chol, tuy nhiên ông này được cho là không tham gia nhiều vào chính trị.

 

Ông Madden nhấn mạnh dù Triều Tiên có thể chưa có một kế hoạch kế vị rõ ràng, "nước này đã có cơ chế bảo đảm sự liên tục của chính phủ".

 

"Sự liên tục của chế độ là điều then chốt. Họ có khả năng đó là bởi họ có vũ khí hạt nhân, họ phải duy trì sự chỉ huy và kiểm soát ổn định đối với kho khí tài hạt nhân", ông Madden nói.

 

Câu hỏi về vũ khí hạt nhân

An ninh cùng câu hỏi điều gì sẽ xảy ra với vũ khí hạt nhân của Triều Tiên trong trường hợp chuyển giao quyền lực là vấn đề được Washington, Seoul và Bắc Kinh quan tâm nhất.

 

"Các quốc gia muốn công chúng và quốc gia khác chỉ biết vừa đủ thông tin. Họ muốn minh bạch về khả năng, nhưng mơ hồ về các thủ tục và cách hành động, để làm gia tăng khả năng răn đe", giáo sư Vipin Narang, chuyên gia về chiến lược và vũ khí hạt nhân từ Đại học MIT, đánh giá.

 

Vũ khí hạt nhân của Triều Tiên là một trong những vấn đề bí mật bậc nhất của nước này. Không có nhiều thông tin về số đầu đạn mà Bình Nhưỡng sở hữu, cũng như độ tin cậy của chúng. Người ta cũng không rõ các đầu đạn có thể được bắn bằng tên lửa hay tàu ngầm, cũng như cách nhà lãnh đạo Kim Jong Un chỉ huy và kiểm soát chúng.

 

Các chuyên gia tình báo ước tính Bình Nhưỡng có khoảng vài chục đầu đạn hạt nhân, dựa trên lượng vật liệu phóng xạ Triều Tiên sản xuất tại các cơ sở làm giàu. Tuy nhiên, số lượng chính xác là một dấu hỏi chưa có lời giải đáp.

 

"Chúng tôi không biết nhiều về cách họ xử quản lý vũ khí hạt nhân trong thời bình", ông Narang nói.

 

Dù Triều Tiên, về mặt kỹ thuật, vẫn trong tình trạng chiến tranh với Hàn Quốc và Mỹ, ông Narang nhận định nhiều vũ khí hạt nhân của Triều Tiên có thể chưa được lắp ráp và "có vẻ có rất ít hệ thống sẵn sàng khai hỏa".

 

 

Triều Tiên được cho là đã thử nghiệm thành công vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa. Ảnh: KCNA.

 

Tuy nhiên, chuyên gia từ MIT cho rằng không cần quá lo ngại về an ninh kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên trong trường hợp bất trắc xảy ra với nhà lãnh đạo Kim Jong Un vì nguyên nhân tự nhiên.

 

Việc ông Kim vắng mặt trong sự kiện trọng đại vừa qua nhắc nhở giới chức tình báo và chính sách các nước liên quan đến tương lai của Triều Tiên về một câu hỏi không mấy dễ chịu: "Chính xác thì nhà lãnh đạo được hình tượng hóa sẽ trao lại quyền lực thế nào?".

 

Rất ít người bên ngoài Triều Tiên biết chắc câu trả lời. Thế nhưng, câu trả lời này có tầm quan trọng to lớn với giới chức Bắc Kinh, Seoul cũng như Washington, bởi họ phải đánh giá liệu ông Kim, nếu ra đi, có để lại khoảng trống quyền lực khổng lồ tại quốc gia đã thử nghiệm thành công vũ khí hạt nhân, và cả tên lửa đạn đạo liên lục địa có khả năng mang theo chúng.