Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 125.509 trường hợp mắc COVID-19 và 4.748 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu tăng lên trên 8,5 triệu người. Dịch đang có xu hướng trở lại và lây lan trên diện rộng hơn.
Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 16/6/2020. Ảnh: THX
Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 19/6 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 8.555.365 ca, trong đó có 455.200 người thiệt mạng.
Dịch bệnh đến nay đã xuất hiện và lây lan ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 4.503.093 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch giảm xuống còn 54.612 và 3.597.072 ca đang điều trị tích cực.
Dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, vẫn tiềm ẩn nguy cơ lớn. Diễn biến lo ngại bắt đầu xuất hiện trở lại ở châu Á, sau khi một số quốc gia đối mặt với nguy cơ bùng phát đợt dịch thứ hai, như Trung Quốc, Hàn Quốc, trong khi số lượng bệnh nhận tăng mạnh tại Ấn Độ.
Dù châu Âu tiếp tục xu thế "hạ nhiệt", tạo điều kiện để các quốc gia tại châu lục này nới lỏng các biện pháp phòng dịch và từng bước mở cửa biên giới, khôi phục hoạt động kinh tế, virus SARS-CoV-2 tiếp tục hoành hành dữ dội ở nhiều khu vực khác trên thế giới.
Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại trung tâm y tế quốc gia ở Moskva, Nga ngày 14/5/2020. Ảnh: THX
Brazil với 1.083 ca tử vong là quốc gia có nhiều bệnh nhân thiệt mạng vì virus SARS-CoV-2 nhất thế giới được ghi nhận trong riêng 24 giờ qua.
Tính tới sáng 19/6 theo giờ Việt Nam, Brazil có tổng cộng 978.142 ca mắc COVID-19 và 47.748, nhiều thứ hai thế giới sau Mỹ.
Trên bình diện khu vực, Nam Mỹ tiếp tục là điểm nóng của đại dịch COVID-19 với số ca nhiễm đặc biệt tăng mạnh trong những ngày gần đây tại Brazil, Peru và Chile... Brazil hiện cũng là nước có số ca mắc COVID-19 cao thứ hai thế giới.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại New York, Mỹ, ngày 17/6/2020. Ảnh: THX
Hiện Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất trong tổng số 213 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới có dịch COVID-19. Tới sáng 19/6, Mỹ ghi nhận tổng cộng 2.259.952 ca mắc bệnh và 120.543 trường hợp tử vong.
Dù vậy, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 18/6 khẳng định Mỹ sẽ không đóng cửa các doanh nghiệp một lần nữa sau khi một số bang ở nước này ghi nhận số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gia tăng.
Tuyên bố trên được ông Trump đưa ra sau khi Cố vấn Kinh tế của Nhà Trắng Larry Cudlow và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin đều cảnh báo Mỹ không thể đóng cửa nền kinh tế một lần nữa. Các nhà hàng, phòng tập gym, trường học và nhiều địa điểm khác ở Mỹ đã buộc phải đóng cửa hồi tháng Ba vừa qua nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan, dẫn đến hàng triệu người mất việc làm.
Tổng thống Trump coi vực dậy nền kinh tế là trọng tâm trong nỗ lực tái tranh cử trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới.
Cửa khẩu biên giới Canada-Mỹ tại Lansdowne, bang Ontario (Mỹ) đóng cửa do dịch COVID-19 ngày 22/3/2020. Ảnh: AFP
Ngày 18/6, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Canada đã vượt mốc 100.000 ca. Mặc dù tốc độ lây lan của virus này có xu hướng chậm lại ở “xứ sở lá phong”, nhưng các chuyên gia y tế cảnh báo Canada vẫn đang phải đối mặt với những thách thức lớn.
Hiện Canada nằm trong nhóm 20 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19. Các cơ quan chức năng của Canada thừa nhận đã không chuẩn bị tốt để ứng phó với tình trạng đại dịch lây lan mạnh tại các cơ sở dưỡng lão, nơi chiếm hơn 80% số ca tử vong do virus SARS-CoV-2.
Theo số liệu thống kê của hãng tin Anh Reuters, tại Canada đã có 8.266 trường hợp tử vong do COVID-19, đứng thứ 12 trên thế giới.
Trong khi 10 tỉnh của Canada đang dần mở cửa trở lại nền kinh tế, thì hai thành phố lớn nhất Canada là Montreal và Toronto vẫn đang áp đặt nhiều biện pháp hạn chế.
Người dân giao thương tại khu chợ biên giới giữa Đức với Ba Lan ở Lubieszyn, miền Tây Bắc Ba Lan ngày 13/6/2020, thời điểm lệnh dỡ bỏ hạn chế nhập cảnh bắt đầu có hiệu lực ở Ba Lan. Ảnh: AFP
Trong khi đó, từ ngày 27/6 tới, Đan Mạch sẽ cho phép công dân từ các nước châu Âu có số ca lây nhiễm virus SARS-CoV-2 ở mức thấp nhập cảnh nước này.
Trong thông báo ngày 18/6, Bộ Ngoại giao Đan Mạch cho biết nước này sẽ tiến hành đánh giá 22 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) và những nước không phải thành viên EU trong Khu vực tự do đi lại Schengen như Na Uy cùng Vương quốc Anh căn cứ theo các tiêu chí khách quan.
Theo bộ trên, một nước sẽ được phân loại là có mức độ lây nhiễm thấp khi có dưới 20 người mắc bệnh/100.000 dân/tuần. Hiện Đan Mạch đã mở cửa biên giới cho du khách đến từ Iceland, Đức và Na Uy. Các du khách sẽ chỉ được phép vào nước này với điều kiện họ phải có thời gian lưu trú ít nhất 6 đêm.
Phun khử trùng đường phố nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Barcelona, Tây Ban Nha ngày 15/5/2020. Ảnh: THX
Tây Ban Nha đã mở cửa biên giới cho một nhóm du khách Đức trong một dự án thí điểm cho phép 10.000 du khách tới nghỉ dưỡng tại quần đảo Balearic của nước này sau khi dịch bệnh COVID-19 đã có dấu hiệu cải thiện.
Nhiều khách du lịch đeo khẩu trang đã xếp hàng tại sân bay Duesseldorf của Đức để đáp chuyến bay của hãng hàng không TUI tới thành phố Palma trên đảo Mallorca của Tây Ban Nha. Họ háo hức được trải nghiệm một kỳ nghỉ vào thời điểm giãn cách xã hội khi chỉ còn hai tuần nữa là Tây Ban Nha mở cửa biên giới hoàn toàn.
Các khách sạn trên đảo chỉ được hoạt động ở mức giới hạn, với 50% công suất phòng và sẽ lắp camera hồng ngoại để đo thân nhiệt của khách tại lối vào khách sạn.
Cảnh sát Đức kiểm tra xe cộ chạy qua lại tại khu vực biên giới với quốc gia láng giềng Áo gần Oberaudorf (Đức) trong bối cảnh lệnh hạn chế đi lại do dịch COVID-19 được ban bố, ngày 7/5/2020. Ảnh: AFP
Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, một số thành phố châu Âu lại một lần nữa phải áp dụng các biện pháp phong tỏa sau khi tình trạng lây nhiễm COVID-19 có dấu hiệu tái phát trong những ngày qua.
Tại Đức, phát ngôn viên của quận Gütersloh tại bang Nordrhein-Westfalen thông báo, các trường học và nhà trẻ của địa phương này sẽ phải đóng cửa để làm chậm đà lây lan của vi rút SARS-Cov-2 sau khi một ổ dịch được phát hiện tại một hãng thịt trong vùng này.
Tại phía Bắc của Hy Lạp, làng Echinos tại Xanthi cũng bị cách ly nghiêm ngặt trong 7 ngày nhằm tránh sự lây lan của COVID-19. 73 ca nhiễm mới và 4 trường hợp tử vong đã được thống kê tại làng này trong những ngày qua. Nguy cơ bùng phát dịch trở lại đang là mối lo ngại đối với chính phủ Hy Lạp khi mà chỉ còn vài ngày nữa là tới mùa du lịch.
Người dân dùng bữa tại một nhà hàng ở Athens, Hy Lạp ngày 30/5/2020. Ảnh: THX
Tại Slovenia, Chủ tịch Ủy ban Kiểm soát COVID-19 thuộc Bộ Y tế đã yêu cầu việc kiểm soát chặt chẽ tại các đường biên giới cần phải thực hiện ngay lập tức sau khi các ca nhiễm mới COVID-19 lại gia tăng tại nước ngoài.
Bulgaria cũng đã ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 tăng kỷ lục trong ngày 17/06, với 112 ca nhiễm mới, theo đó tổng số ca nhiễm bệnh tại nước này là 3.453 ca.
Người dân đi thuyền tại Venice, Italy, ngày 29/5/2020. Ảnh: AFP
Còn theo số liệu của Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy công bố, trong ngày 18/6, nước này ghi nhận thêm 331 ca nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 238.159 trường hợp.
Trong khi đó, số ca tử vong cho căn bệnh này đã tăng lên 34.514 trường hợp (tăng 66 ca). Có 1.089 ca hồi phục trong ngày, nâng tổng số ca hồi phục lên 180.544 ca. Số ca phải điều trị tích cực tăng trở lại với 168 ca (tăng 5 ca).
Tổng số ca phải nhập viện tại Italy hiện còn 2.867 ca trong tổng số ca bệnh hiện tại 23.101 người.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 khi tham quan hội chợ sách ở Moskva, Nga, ngày 6/6/2020. Ảnh: THX
Tại Moskva, Bộ Quốc phòng Nga ngày 18/6 cho biết các bác sĩ quân y Nga và Pháp đã thảo luận các biện pháp điều trị bệnh nhân COVID-19 đang trong tình trạng nguy kịch.
Sự hợp tác giữa hai nước ban đầu được Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và người đồng cấp Pháp Florence Parly nhất trí và các chuyên gia quân y đã tổ chức một cuộc họp trực tuyến để thảo luận các phương thức điều trị bệnh nhân thể nặng.
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 17/6/2020. Ảnh: THX
Ở châu Á, Trung Quốc đang hết sức cảnh giác trước nguy cơ làn sóng đại dịch COVID-19 thứ hai sau khi Bắc Kinh liên tục ghi nhận hàng chục ca nhiễm mới mỗi ngày trong 1 tuần qua.
Tổng số ca nhiễm trong 7 ngày qua liên quan đến các ổ dịch mới tại chợ đầu mối thực phẩm Tân Phát Địa lớn nhất châu Á và khu chợ bán buôn thứ hai ở quận Hải Điến, đã lên tới 158 ca. Chính quyền thành phố Bắc Kinh đã quyết định ngừng mọi sự kiện thể thao, đóng cửa các phòng tập gym, các trường học, ngừng hàng nghìn chuyến bay đến và đi từ thành phố này.
Nhiều thành phố đã áp dụng cách ly bắt buộc đối với người từ Bắc Kinh.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 khi mua thực phẩm tại siêu thị ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 14/6/2020. Ảnh: THX
Chuyên gia dịch tễ học hàng đầu tại Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc (CDC) Ngô Tôn Hữu nhận định đợt bùng phát dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở thủ đô Bắc Kinh đã được kiểm soát, nhưng vẫn còn nguy cơ xuất hiện các ca mắc mới trong hai ngày tới.
Theo ông, đợt dịch tại Bắc Kinh lần này đã đạt đỉnh vào ngày 13/6 vừa qua. Ông cũng giải thích rằng việc xuất hiện các ca nhiễm mới không có nghĩa là những bệnh nhân đó mới bị mắc bệnh. Ví dụ, 21 trường hợp mới phát hiện hôm 17/6 đều bị nhiễm bệnh trước ngày 12/6.
Vòng tròn biểu tượng Olympic tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 25/3/2020. Ảnh: Kyodo
Trong ngày 18/6, Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo cho biết nước này sẽ dỡ bỏ các biện pháp hạn chế đi lại giữa các địa phương từ ngày 19/6 do tình hình dịch COVID-19 ở nước này đã được khống chế.
Trước đó, ngày 25/5, Thủ tướng Abe đã quyết định dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc. Tuy nhiên, người dân vẫn được khuyến cáo tránh đến và đi từ thủ đô Tokyo cùng với 3 tỉnh lân cận nằm trong vùng thủ đô gồm Chiba, Kanagawa và Saitama, và tỉnh Hokkaido nằm ở miền Bắc nước này nếu không có việc cần thiết hoặc khẩn cấp.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 trên một đường phố ở Tokyo, Nhật Bản, ngày 25/5/2020. Ảnh: AFP
Tokyo là địa phương có số ca mắc COVID-19 cao nhất trong số 47 tỉnh, thành ở Nhật Bản, trong khi tỉnh Hokkaido gần đây đã phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm mới.
Theo giới phân tích, việc nới lỏng hoạt động đi lại giữa các địa phương sẽ mở đường cho sự phục hồi của ngành du lịch trong bối cảnh Chính phủ Nhật Bản tìm cách vực dậy ngành công nghiệp không khói này sau dịch COVID-19.
Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cảnh báo Nhật Bản vẫn có thể chứng kiến một làn sóng lây nhiễm mới nếu người dân mất cảnh giác.
Tính đến ngày 18/6, Nhật Bản đã xác nhận hơn 17.600 trường hợp mắc COVID-19 (không bao gồm các trường hợp mắc bệnh trên du thuyền Diamond Princess), trong đó có gần 950 người tử vong.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Tonekabon, miền bắc Iran, ngày 16/6/2020. Ảnh: THX
Tại Trung Đông, Bộ Y tế Iran ngày 18/6 công bố số liệu thống kê cho thấy, trong 24 giờ qua, Iran đã ghi nhận 87 ca tử vong do COVID-19, qua đó nâng tổng số bệnh nhân đã thiệt mạng do căn bệnh nguy hiểm này lên 9.272 người.
Tổng số trường hợp mắc COVID-19 ở Iran hiện là 197.647 người, trong số này có 156.991 người đã khỏi bệnh. Theo hãng thông tấn Mizan của Iran, số liệu thống kê đã cho thấy trong những ngày gần đây cứ trung bình từ 12 phút đến 15 phút lại có một người Iran thiệt mạng do COVID-19.
Kiểm tra thân nhiệt cho người dân tại một trung tâm mua sắm ở Riyadh, Saudi Arabia nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, ngày 4/5/2020. Ảnh: AFP
Cùng ngày, Bộ Y tế Saudi Arabia cho hay, tổng số trường hợp mắc COVID-19 ở nước này hiện đã lên tới 145.991 người sau khi ghi nhận thêm 4.757 ca nhiễm mới. Ngoài ra, trong vòng 1 ngày qua, Saudi Arabia cũng đã có thêm 48 trường hợp tử vong do COVID-19, qua đó nâng tổng số bệnh nhân tử vong lên 1.139 người.
Tại Ai Cập, Bộ Y tế nước này cùng ngày thông báo, đã ghi nhận thêm 1.218 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số trường hợp mắc COVID-19 lên tới 50.437 người. Bên cạnh đó, cũng đã có thêm 88 trường hợp tử vong do COVID-19, hiện tổng số người tử vong do căn bệnh này ở Ai Cập là 1.938 người.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 7/6/2020. Ảnh: THX
Trong khi đó tại Thổ Nhĩ Kỳ, nhà chức trách nước này đã quyết định áp đặt lệnh giới nghiêm có giới hạn vào những ngày cuối tuần. Đây được coi là một phần của những biện pháp chống dịch COVID-19 trong bối cảnh các kỳ thi ở các trường phổ thông và đại học đang đến gần.
Theo Bộ trưởng Koca, tổng số người tử vong do COVID-19 ở nước này hiện là 4.882 người trong khi số ca mắc COVID-19 đã lên đến 184.031.
Trong khi đó, trong 24 giờ qua, cũng đã có 1.382 bệnh nhân đã bình phục hoàn toàn, qua đó nâng tổng số người đã khỏi bệnh lên 156.022 người. Số ca mắc COVID-19 ở Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng nhẹ trong thời gian gần đây kể từ khi nước này dỡ bỏ một số hạn chế và nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội.
Người dân đi chợ tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới sáng 19/6, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có thêm 1.278 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng trên 3.660 người.
Trong 24 giờ qua, khối ASEAN chỉ có hai quốc gia Indonesia và Philippines ghi nhận ca tử vong vì virus SARS-CoV-2. Indonesia dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp nhất và hiện nước này đã dẫn đầu khu vực cả về số lượng ca mắc bệnh cũng như tử vong vì COVID-19. Trong ngày, khu vực có đến 8 nước ghi nhận các ca mắc mới.
Virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 3.669 người dân ở khu vực này, tăng 71 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 124.622 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 67.640 trường hợp.
Du khách đeo khẩu trang tại Thái Lan. Ảnh: AFP
Singapore vẫn là quốc gia ASEAN có số ca mắc cao nhất. Về tổng thể, dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại hai nước Indonesia và Philippines.
Các nước khác trong khu vực đang kiểm soát tốt địch bệnh và đời sống kinh tế-xã hội bắt đầu trở lại nhịp. Nhiều nước ASEAN đang đẩy nhanh quá trình mở cửa trở lại và khôi phục hoạt động kinh tế xã hội.