Tổng thống Mỹ Joe Biden trong bài phát biểu trên truyền hình toàn quốc (Mỹ) vào ngày 19/10/2023. Ảnh chụp từ video của Tòa Bạch Ốc trên youtube đăng vào ngày 21/10/2023.

 

 

HOA KỲ - Biden áp thuế 100% lên xe điện Trung Quốc, ảnh hưởng Bắc Kinh như thế nào?

 

 

Mức thuế mà Mỹ áp đặt lên Trung Quốc

Ngày 15/5, tờ WSJ đăng bài viết với tiêu đề: ‘Mức thuế mới của Biden nhắm vào xe điện, chip, thiết bị y tế và các sản phẩm khác của Trung Quốc cao bao nhiêu?’. Trong đó đưa ra một loạt thuế quan mà chính quyền Biden áp lên Trung Quốc.

 

Mức thuế áp lên xe điện Trung Quốc sẽ tăng gấp 4 lần, từ 25% lên 100%.

 

Mỹ tăng thuế từ 7,5% lên 25% với pin lithium cho xe điện, từ 25% lên 50% với tế bào quang điện dùng để chế tạo các tấm pin mặt trời, từ 0% lên 25% với một số khoáng sản quan trọng. Mức thuế với một số sản phẩm thép, nhôm sẽ là 25%.

 

Thuế đối với cổng trục giàn (cẩu chuyên dùng để nâng hạ, xếp dỡ container tại các cảng biển, bến bãi) tăng từ 0% lên 25%, với ống và kim tiêm tăng từ 0% lên 50%, một số thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) sử dụng trong các cơ sở y tế tăng từ 0% lên 25%. Vào năm 2025, thuế đối với chất bán dẫn sẽ tăng gấp đôi lên 50%.

 

Trong một loạt mức thuế ở trên, nổi bật là mức thuế 100% đối với xe điện Trung Quốc. Nhưng có một số người cho rằng, tính đến quý một năm 2024, hãng xe Geely của Trung Quốc bán vào Mỹ khoảng hơn 2000 chiếc xe hơi điện thương hiệu Polestar. Còn lượng xe mà Mỹ bán ra là 15 triệu chiếc. Cho nên, 2000 chiếc xe Trung Quốc vào được Mỹ là con số ‘muối bỏ biển’. Do đó, có người mới cho rằng, Mỹ áp thuế 100% lên xe điện Trung Quốc sẽ không ảnh hưởng tới Trung Quốc. Nhưng vấn đề này không thể nhìn nhận như vậy.

 

Thứ nhất, việc tăng thuế quan cho thấy Mỹ đã thể hiện một thái độ rất cứng rắn. Hiện nay, Mỹ đang thực hiện một biện pháp phòng ngừa, gọi là ‘khúc đột tỷ tân’ (曲突徙薪: uốn lại ống khói và dọn dẹp củi khô bên cạnh để tránh lửa bén vào củi khi đốt lò). Điều này nghĩa là, động thái này của Mỹ chính là để đề phòng rủi ro, nhằm ngăn chặn việc xe hơi điện Trung Quốc tràn ngập thị trường Mỹ sẽ dẫn đến các công ty xe hơi Mỹ bị phá sản.

 

Hiện nay Âu châu đang gặp khó khăn, bởi vì nhiều công ty xe hơi của Âu châu đang bị Trung Quốc chèn ép đến mức không thể sinh tồn. Do đó, Âu châu hiện đang điều tra về việc liệu xe hơi điện Trung Quốc có trợ cấp từ chính phủ Trung Quốc hay không. Nếu kết quả cuộc điều tra xác nhận rằng thực sự có trợ cấp, Âu châu thậm chí có thể áp thuế bổ sung, tức là xe điện nhập cảng vào Âu châu trước đây cũng phải chịu thuế. Biện pháp phòng ngừa này giúp các công ty xe hơi Âu châu có thể sinh tồn. Cho nên, việc Mỹ tăng thuế lần này trước hết là biểu hiện một thái độ cứng rắn của Mỹ.

 

Thứ hai, một khi bắt đầu cuộc chiến thuế quan, thì Mỹ có thể ‘hôm nay tăng thuế 7%, ngày mai có thể tăng lên 70%’. Do đó, mức thuế sẽ không bị giới hạn, đồng thời cũng không hạn chế ở một vài sản phẩm của Trung Quốc.

 

Thứ ba, khi Mỹ bắt đầu tăng thuế thì Âu châu sẽ theo sau. Nếu Mỹ tăng thuế ở nhiều lĩnh vực (không chỉ giới hạn ở xe hơi điện hay tấm pin mặt trời) thì Âu châu cũng buộc phải tăng thuế. Vì sao? Bởi vì nếu không tăng thuế, một khi hàng hóa Trung Quốc không ‘tràn’ vào Mỹ, thì sẽ ‘tràn’ vào Âu châu. Do đó, Âu châu cũng phải xây dựng hàng rào thuế quan cho riêng mình.

 

 

Làm thế nào Trung Quốc dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực xe điện và pin mặt trời?

Ngày 15/5, tờ báo lớn nhất nước Mỹ là The New York Times đăng bài viết với tiêu đề: ‘Trung Quốc làm thế nào dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực xe điện và pin mặt trời’.

 

Trong đó The New York Times đưa tin rằng, Trung Quốc hiện đang sản xuất 1/3 hàng hóa toàn cầu, nhiều hơn cả Mỹ, Đức, Nhật Bản, Nam Hàn và Anh cộng lại. Thặng dư thương mại từ những mặt hàng này tương đương 10% GDP Trung Quốc.

 

Các nhà lãnh đạo hàng đầu ở Mỹ và Âu châu đã bắt đầu kêu gọi Trung Quốc giảm xuất cảng ra thế giới và tăng nhập cảng. Tổng thống Joe Biden hôm thứ Ba (14/5) đã tăng mạnh thuế quan đối với xe điện, tấm pin mặt trời và các hàng hóa khác của Trung Quốc.

 

Nhưng chính sách công nghiệp của Trung Quốc có trọng tâm nhất quán, bởi vì gần một thập niên trước, Trung Quốc đã đưa ra kế hoạch đầy tham vọng mang tên ‘Made in China 2025’, với hy vọng thay thế các sản phẩm nhập cảng chủ lực bằng các sản phẩm sản xuất trong nước ở 10 lĩnh vực sản xuất tiên tiến. Hệ thống ngân hàng Trung Quốc do nhà nước kiểm soát đã chỉ đạo việc cho vay đối với các ngành công nghiệp then chốt này.

 

Cách thức hoạt động của chiến lược này như sau: Cơ quan quản lý hạn chế những sự lựa chọn đầu tư dành các hộ gia đình Trung Quốc, cho nên người dân đành phải gửi tiền vào ngân hàng. Sau đó, các ngân hàng cho các công ty khởi nghiệp và các doanh nghiệp khác vay vốn với lãi suất thấp.

 

Theo báo cáo của ngân hàng trung ương Trung Quốc, các khoản cho vay công nghiệp ròng đã tăng đáng kể, từ 83 tỷ USD năm 2019 lên đến 670 tỷ USD vào năm 2023, tức là trong 4 năm tăng 8 lần.

 

Chính phủ trung ương chỉ đạo chính quyền địa phương hỗ trợ các ngành công nghiệp trọng điểm. Các sự trợ giúp đến từ đất giá rẻ cho các nhà máy, đường cao tốc mới cho phương tiện vận chuyển hàng hóa, đường sắt cao tốc và các cơ sở hạ tầng khác.

 

Theo tính toán của Viện Kinh tế Thế giới Kiel, chính phủ Trung Quốc đã trợ cấp trực tiếp cho hơn 99% công ty niêm yết của Trung Quốc vào năm 2022.

 

Đồng thời, Trung Quốc giữ mức lương thấp cho công nhân để giúp các công ty sản xuất trong nước Trung Quốc có sức cạnh tranh tốt hơn (bởi vì giảm được chi phí tiền lương). Các chương trình trợ cấp đã giúp phát triển nhiều ngành công nghiệp ở Trung Quốc.

 

Ngành công nghiệp xe hơi là một ví dụ điển hình về việc Trung Quốc có thể giành được vị thế thống trị về sản xuất một cách nhanh chóng.

 

4 năm trước, Trung Quốc vẫn còn là nước xuất cảng xe hơi ‘yếu’, họ chỉ xuất cảng 1 triệu xe hơi giá rẻ mỗi năm tới các thị trường như Trung Đông và các khu vực kém giàu có khác. Hiện nay, Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản và Đức để trở thành nước xuất cảng xe hơi lớn nhất thế giới. Trung Quốc hiện nay xuất cảng gần 6 triệu xe hơi mỗi năm, bao gồm xe thể thao đa dụng, xe bán tải và xe tải. 3/4 số xe hơi xuất cảng này là xe hơi chạy bằng xăng.

 

Các công ty sản xuất xe hơi chạy bằng pin của Trung Quốc đang mở rộng năng lực sản xuất và xây dựng đội tàu để vận chuyển xe hơi đến các thị trường ở xa hơn, đặc biệt là Âu châu. Các công ty sản xuất xe hơi Trung Quốc sẽ tung ra thị trường 71 mẫu xe điện tại Trung Quốc trong năm nay. Nhiều mẫu xe trong số đó được trang bị nhiều option tiên tiến, nhưng lại có giá thành thấp hơn so với các mẫu xe tương đương ở phương tây.

 

Về ngành sản xuất pin, khi Trung Quốc bắt đầu sản xuất pin xe điện, nước này đã tụt hậu rất xa so với phương tây. Chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu yêu cầu các công ty phương tây chuyển giao các công nghệ then chốt cho các đối tác Trung Quốc ngay từ năm 2011.

 

Các công ty sản xuất pin của Trung Quốc hiện đang sản xuất pin cho hầu hết các loại xe điện trên thế giới.

 

Theo một báo cáo mới từ Hội đồng Đại Tây Dương, một nhóm nghiên cứu có trụ sở tại Washington, xuất cảng pin lithium của Trung Quốc đã tăng từ 13 tỷ USD năm 2019 lên đến 65 tỷ USD vào năm 2023. Gần 2/3 số pin này được xuất cảng sang Âu châu và Bắc Mỹ.

 

Về vấn đề sản xuất tấm pin mặt trời, Trung Quốc từ lâu đã ưu tiên sử dụng các tấm pin mặt trời để giảm sự phụ thuộc vào dầu nhập cảng và các nhiên liệu hóa thạch khác.

 

Năng lực sản xuất tấm pin mặt trời của Trung Quốc đã tăng gấp 10 lần từ năm 2008 đến năm 2012, khiến giá tấm pin mặt trời thế giới giảm khoảng 75%, đồng thời cũng khiến cho nhiều nhà máy ở Mỹ và Âu châu phải đóng cửa.

 

Các công ty Trung Quốc hiện đang sản xuất gần như tất cả các tấm pin mặt trời trên thế giới. Xuất cảng tế bào quang điện của Trung Quốc đã tăng hơn gấp đôi trong 4 năm qua, đạt 44 tỷ USD vào năm 2023.

 

Về lĩnh vực bán dẫn, các biện pháp kiểm soát xuất cảng của Hoa Kỳ hạn chế xuất cảng sang Trung Quốc các chất bán dẫn tiên tiến nhất và công cụ sản xuất chúng. Nhưng bán dẫn tiên tiến chỉ chiếm khoảng 5% thị phần.

 

Với sự trợ giúp khổng lồ từ chính phủ, các công ty Trung Quốc đã trở nên cạnh tranh hơn trong lĩnh vực bán dẫn cấp trung và cấp thấp, vốn chiếm 95% thị phần.

 

Mặc dù chính phủ có can thiệp bằng các trợ cấp cho doanh nghiệp, nhưng Trung Quốc tuyên bố rằng thặng dư thương mại ngày càng tăng là kết quả hợp lý của việc các công ty Trung Quốc cải thiện khả năng cạnh tranh của họ.

 

(Theo ntdvn.net)