Ảnh: Sở Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ (CBP).

 

 

Sở Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ (CBP) tiết lộ hôm 1/7 rằng, tại thành phố Newark của tiểu bang New Jersey, họ đã thu giữ một lô hàng sản phẩm tóc bị nghi ngờ làm từ tóc người trị giá 800.000 USD. Lô hàng có nguồn gốc từ Tân Cương, Trung Quốc, nơi chính quyền Trung Quốc lập nên các trại tập trung.

 

Theo tờ Breitbart, CBP không kết luận chắc chắn rằng, liệu các sản phẩm tóc này có phải được làm từ tóc của người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác đang bị giam giữ trong các trại tập trung ở Tân Cương, Trung Quốc hay không. Tuy nhiên, trong một tuyên bố, CBP cho biết lô hàng này có khả năng được sản xuất bởi lao động cưỡng bức.

 

“Các sản phẩm này là một phần của lô hàng gần 13 tấn sản phẩm tóc trị giá hơn 800.000 USD”, CBP cho biết và xác nhận đây là tài sản của Công ty Sản phẩm Tóc Meixin huyện Lop thuộc khu tự trị Tân Cương, Trung Quốc. Công ty này là một trong ba công ty gần đây đã bị Hoa Kỳ liệt vào danh sách đen do họ sử dụng lao động cưỡng bức.

 

CBP cho biết  “Vào ngày 17/6, CBP đã chỉ thị các cảng nhập cảnh trên toàn nước Mỹ tạm giữ tất cả các sản phẩm đó dựa trên thông tin chỉ ra một cách hợp lý rằng, chúng được sản xuất với việc sử dụng lao động là tù nhân”.

 

Ủy viên Brenda Smith, của CBP, cho biết. “Quá trình sản xuất các sản phẩm này đã vi phạm nhân quyền. Lệnh tịch thu sẽ gửi một thông điệp rõ ràng và trực tiếp đến toàn thể các công ty đang làm ăn với Hoa Kỳ rằng các hành vi phạm pháp và vô nhân đạo sẽ không được chấp nhận trong các chuỗi cung ứng của Mỹ”.

 

Đây là lần thứ hai trong năm nay, CBP thu giữ lô hàng sản phẩm tóc đến từ Trung Quốc, dựa trên những nghi ngờ rằng những lao động tạo ra các sản phẩm này phải chịu đựng các hành vi vi phạm nhân quyền.

 

Cô Rushan Abbas, một nhà hoạt động người Mỹ gốc Duy Ngô Nhĩ có chị gái đã bị mất tích ở Trung Quốc gần hai năm trước, và cô nghi ngờ chị mình đang bị giam giữ trong trại tập trung cho biết, những phụ nữ hay đi nối tóc nên nghĩ về nguồn gốc mà tóc mình dùng để nối và những người làm ra chúng.

 

“Điều này rất đau lòng đối với chúng tôi”, cô nói. “Tôi muốn mọi người nghĩ về chế độ nô lệ mà mọi người đang chứng kiến ngày hôm nay. Chị tôi đang ngồi đâu đó và bị buộc phải làm gì đó”.

 

Một sản phẩm trong lô hàng bị Mỹ thu giữ (ảnh: CBP).

 

 

Trước đó, nhiều nguồn tin cho biết, vào giữa năm 2019, chính quyền Trung Quốc đã xây dựng tới 1.200 trại tập trung ở Tân Cương để giam giữ người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác. Nhiều người trốn thoát đã lên tiếng tố cáo rằng, trong trại giam, họ bị tra tấn, cưỡng bức lao động, hãm hiếp, triệt sản, phá thai…..

 

Nhiều nguồn tin cũng chỉ ra rằng, hàng chục tập đoàn đa quốc gia có liên quan đến các nhà máy sử dụng lao động cưỡng bức ở Tân Cương. Một số công ty sau đó tuyên bố sẽ đưa doanh nghiệp của họ ra khỏi Tân Cương. Tuy nhiên, có nhiều video cho thấy, chính quyền Trung Quốc đã đưa hàng ngàn người Duy Ngô Nhĩ ra khỏi Tân Cương để đến các tỉnh khác. Điều này cho thấy, các công ty quốc tế sẽ khó đảm bảo rằng các nhà máy của họ ở Trung Quốc mặc dù đã di dời khỏi Tân Cương không sử dụng lao động cưỡng bức.

 

Vào thời điểm dịch Covid-19 hoành hành ở Trung Quốc, có nhiều tin tức cho biết, trong khi các tỉnh, thành ở Trung Quốc bị phong tỏa dẫn đến nhiều công nhân không thể tới các nhà máy làm việc, chính quyền nước này đã đưa những người bị giam giữ trong các trại tập trung ra khỏi Tân Cương đến làm việc trong các nhà máy.