Người dân băng qua đường tại quận Hoàng Phố ở Thượng Hải, Trung Quốc, vào ngày 6/6/2024. (Ảnh: Hector Retamal /AFP qua Getty Images)

 

 

Trung Quốc đang gặp những vấn đề đáng lo ngại với cả giá tiêu dùng và giá sản xuất.

 

Số liệu lạm phát mới nhất của Trung Quốc hẳn đang khiến chính quyền Bắc Kinh mất ngủ. Việc hoàn toàn không có lạm phát tiêu dùng cho thấy người tiêu dùng Trung Quốc có những vấn đề sâu hơn cuộc khủng hoảng bất động sản, mặc dù điều đó vốn đã là rất tệ. Đồng thời, giá sản xuất giảm cho thấy ngoài các vấn đề của người tiêu dùng, những người lập kế hoạch ở Bắc Kinh đã khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn bằng cách bóp méo nền kinh tế Trung Quốc.

 

Số liệu về giá cả mới nhất từ ​​Cục Thống kê Quốc gia của Bắc Kinh cho thấy những thông tin đáng lo ngại. Giá tiêu dùng chỉ tăng 0,2% vào tháng 6 so với mức của một năm trước. Kết quả này thấp hơn nhiều so với kỳ vọng đồng thuận là tăng 0,4% và thậm chí là mức tăng 0,3% của tháng 5. Đối với những nước đang phải gánh chịu lạm phát, những con số như vậy có thể được hoan nghênh, nhưng trong một nền kinh tế như của Trung Quốc vốn đang cần phải kích thích chi tiêu của người tiêu dùng một cách tuyệt vọng, thì điều đó cho thấy sự thất bại. Trong khi đó, giá cả ở nơi mà các cơ quan thống kê Trung Quốc gọi là "cổng nhà máy" và phần còn lại của thế giới gọi là giá sản xuất vào tháng 6 đã giảm 0,8% so với mức của một năm trước. Do đó, tháng 6 là tháng thứ 21 liên tiếp có mức giảm như vậy. Áp lực giảm giá dai dẳng này cho thấy tình trạng cung vượt cầu. Các nhà máy Trung Quốc đang sản xuất nhiều hơn mức người Trung Quốc hoặc người nước ngoài mong muốn.

 

Những vấn đề này bắt nguồn từ việc người tiêu dùng Trung Quốc thiếu nhiệt tình trong chi tiêu. Việc họ ngại ngần chi tiêu không phải là điều bất ngờ. Suy giảm kinh tế chung của Trung Quốc đã kìm hãm tiền lương và nơi mà tiền lương không giảm hoàn toàn, chúng cũng đã làm thất vọng những kỳ vọng được hình thành trong giai đoạn tăng trưởng nhanh kéo dài của nền kinh tế này. Gánh nặng của những diễn biến này đã tác động mạnh nhất đến nhóm thu nhập trung bình và thấp của nền kinh tế.

 

Di sản của lệnh phong tỏa và sự gián đoạn công việc trong cả đại dịch và giai đoạn dài theo sau khi mà Bắc Kinh áp dụng chính sách zero-COVID chắc chắn đã khiến người lao động Trung Quốc cảm thấy rằng họ không thể kiếm được tiền như trước đây họ từng nghĩ và do đó làm xói mòn thêm niềm tin của người tiêu dùng. Nếu điều này vẫn chưa đủ, cuộc khủng hoảng bất động sản đã khiến giá trị bất động sản nhà ở giảm xuống. Theo China Real Estate Information Corp., 100 công ty bất động sản lớn nhất của nước này báo cáo giá đã giảm khoảng 17% so với một năm trước. Vì một phần lớn tài sản của hầu hết người Trung Quốc đều nằm trong nhà ở nên cảm giác giàu có và việc sẵn lòng chi tiêu đã bị ảnh hưởng.

 

Giá sản xuất giảm cho thấy một câu chuyện còn đáng lo ngại hơn. Năm ngoái, Bắc Kinh, thất vọng vì chi tiêu của người tiêu dùng bị hạn chế, đã tìm cách thúc đẩy kinh tế bằng cách tăng cường năng lực sản xuất trong những lĩnh vực mà những người hoạch định của Bắc Kinh nghĩ rằng sẽ thống trị tương lai - những thiết bị điện tử tinh vi như pin, xe điện (EV), pin mặt trời, v.v. Nhưng như có thể thấy rõ từ việc giá sản xuất giảm, không có đủ nhu cầu cho năng lực tăng thêm này. Không nghi ngờ gì nữa, vấn đề này sẽ phát sinh trong mọi trường hợp, nhưng nó trở nên đặc biệt gay gắt vì các nước phương Tây đã có hành động hạn chế nhập khẩu từ Trung Quốc. Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu đã áp dụng các mức thuế quan khác nhau đối với xe điện, pin và pin mặt trời do Trung Quốc sản xuất, trong đó Hoa Kỳ áp dụng rộng và mạnh mẽ hơn Châu Âu - nhưng cả hai đều đã có hành động.

 

Theo đó, xuất khẩu của Trung Quốc sang EU và Hoa Kỳ đã giảm trong 5 tháng qua, 10% đối với EU và 17% đối với Hoa Kỳ. Bất chấp những sự sụt giảm này, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc nhìn chung vẫn tăng, chủ yếu là do kim ngạch xuất khẩu sang Nga tăng 60%, kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ Latinh tăng khoảng 17% và kim ngạch xuất khẩu sang Đông Nam Á tăng 7%. Doanh số bán hàng tăng ở Nga rõ ràng phản ánh lệnh cấm vận trên phạm vi rộng của phương Tây đối với Nga, khiến Trung Quốc trở thành một trong những nguồn cung cấp duy nhất. Doanh số bán hàng tăng ở Mỹ Latinh và Đông Nam Á chủ yếu phản ánh các lô hàng linh kiện và bộ phận được chuyển đến các nhà máy Trung Quốc đặt ở đó để tránh những hạn chế của Mỹ và Châu Âu. Hoa Kỳ và EU đang thực hiện các bước để ngăn chặn trò đánh lừa này.

 

Ngay cả khi người Mỹ và người Châu Âu chào đón sản phẩm của Trung Quốc hơn, thì nỗ lực xây dựng năng lực sản xuất của Bắc Kinh để thay thế cho nhu cầu tiêu dùng yếu kém sẽ vẫn là một sai lầm. Trong nhiều năm nay, nhiều tổ chức quốc tế, chẳng hạn như Quỹ Tiền tệ Quốc tế, đã khuyên Bắc Kinh nên phụ thuộc ít hơn vào xuất khẩu hàng hóa sản xuất và phụ thuộc nhiều hơn vào mô hình tăng trưởng do thị trường trong nước thúc đẩy. Thỉnh thoảng, Bắc Kinh đã tiếp thu lời khuyên này và khẳng định rằng sự điều chỉnh như vậy là chính sách của họ.

 

Sự tập trung vào việc sản xuất mà Bắc Kinh đã quyết định vào năm ngoái đi ngược lại với sự điều chỉnh cơ bản cần thiết này và, do thái độ thay đổi ở Hoa Kỳ và Châu Âu, nó là đặc biệt không đúng lúc. Việc giá ở cổng nhà máy giảm mạnh cho thấy mức độ nghiêm trọng của sai lầm đó và cho thấy sự hiện diện của một vấn đề khác nữa trong nền kinh tế của Trung Quốc.

 

 

 

 

Milton Ezrati

 

Tác giả Milton Ezrati là biên tập viên của The National Interest - một chi nhánh của Trung tâm Nghiên cứu Nguồn Nhân lực tại Đại học Buffalo (SUNY), và là chuyên gia kinh tế trưởng của Vested - công ty truyền thông có trụ sở tại New York. Trước khi gia nhập Vested, ông từng là chuyên viên chiến lược thị trường và chuyên gia kinh tế trưởng cho Lord, Abbett & Co. Ông thường xuyên viết bài cho City Journal và viết blog cho Forbes. Cuốn sách mới nhất của ông có nhan đề "Thirty Tomorrows: The Next Three Decades of Globalization, Demographics, and How We Will Live" (30 mươi năm sau: Ba thập kỷ tiếp theo của toàn cầu hóa, nhân khẩu học, và cách chúng ta sẽ sinh sống

 

(ntdvn.net)