Tác giả,Kelly Ng
Vai trò,BBC News
Cảnh sát đưa những người ủng hộ Tổng thống Nam Hàn bị luận tội Yoon Suk-yeol ra khỏi khu vực bên ngoài dinh thự của ông ở Seoul. Ảnh: Getty Images.
NAM HÀN - Dù điều đến hơn 100 cảnh sát, và dù nắm trong tay lệnh bắt giữ, nhưng giới chức trách Nam Hàn vẫn không thể bắt nổi Tổng thống Yoon Suk-yeol, dù ông này đã bị đình chỉ chức vụ, sau một cuộc đối đầu kéo dài sáu giờ bên ngoài nhà của ông.
Sáu giờ chính là khoảng thời gian của cuộc đối đầu khi lực lượng an ninh của ông Yoon tạo thành một bức tường người và dùng xe hơi để chặn đường đơn vị cảnh sát bắt giữ, theo truyền thông trong nước.
Chính giới Nam Hàn đã trải qua một tháng vô tiền khoáng hậu.
Lệnh thiết quân luật gây sốc nhưng chết yểu của ông Yoon đã dẫn tới một cuộc bỏ phiếu luận tội chống lại ông. Tiếp đó là cuộc điều tra hình sự, rồi ông này từ chối yêu cầu trình diện để thẩm vấn, và, vào đầu tuần này là một lệnh bắt giữ.
Nhà lãnh đạo cánh hữu này vẫn có một sự hậu thuẫn mạnh mẽ. Vào sáng thứ Sáu ngày 3/1, hàng ngàn người đã tập trung bên ngoài dinh thự tổng thống để phản đối việc bắt giữ.
Tuy nhiên, theo nhiều nguồn tin, ông Yoon hiện là một lãnh đạo bị mất uy tín, bị quốc hội luận tội và đình chỉ chức vụ, và đang chờ quyết định từ tòa án hiến pháp về chuyện loại bỏ hay phục chức cho ông.
Vậy vì sao việc bắt ông lại gặp khó khăn đến như thế?
Những người bảo vệ tổng thống
Mặc dù ông Yoon đã bị tước quyền tổng thống - sau khi bị giới lập pháp bỏ phiếu luận tội – nhưng ông vẫn có quyền được bảo vệ an ninh.
Và lực lượng này này đóng vai trò chính yếu trong việc chặn đứng việc bắt giữ hôm 3/1.
Cơ quan an ninh bảo vệ tổng thống (PSS) có thể đã hành động vì lòng trung thành với ông Yoon hoặc vì "hiểu sai về vai trò pháp lý và hiến pháp của họ", theo ông Mason Richey, phó giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Ngoại ngữ Hankuk ở Seoul.
NGUỒN HÌNH ẢNH,REUTERS
Những người biểu tình phản đối ông Yoon đã xô xát với cảnh sát sau khi các nhà điều tra không thể bắt giữ tổng thống bị luận tội
Do ông Yoon đã bị đình chỉ chức vụ, PSS lẽ ra phải nhận chỉ thị từ Tổng thống tạm quyền Choi Sang-mok.
Ông Richey cho biết, "Họ hoặc chưa được Tổng thống tạm quyền Choi chỉ đạo, hoặc họ từ chối thực hiện mệnh lệnh của ông ấy".
Một số chuyên gia cho rằng các sĩ quan an ninh đang thể hiện "lòng trung thành vô điều kiện" với ông Yoon, thay vì trung thành với chức vụ tổng thống.
Các chuyên gia chỉ ra rằng người đứng đầu PSS, Park Jong-joon, đã được ông Yoon bổ nhiệm vào vị trí này vào tháng 9/2024.
Lật sư Christopher Jumin Lee, một chuyên gia về Nam Hàn tại Mỹ, nhận định, "Có thể ông Yoon đã cài cắm những người trung thành cứng rắn vào tổ chức này để chuẩn bị cho chính tình huống này".
Tiền nhiệm của ông Park là cựu Bộ trưởng Quốc phòng Kim Yong-hyun, cũng chính là người bị cáo buộc đã cố vấn cho ông Yoon ban lệnh thiết quân luật. Ông Kim hiện đang bị tạm giam để thẩm vấn trong cuộc điều tra hình sự đối với ông Yoon.
Rủi ro leo thang
Giải pháp "đơn giản nhất", theo luật sư Lee, là Tổng thống tạm quyền Choi ra lệnh cho PSS rút lui trong thời gian này.
Ông nói, "Nếu ông không sẵn sàng làm thế thì đó có thể là lý do để quốc hội luận tội chính ông ấy".
Ông Choi, trước đó là bộ trưởng Tài chính, đã đứng ra lãnh đạo đất nước sau khi các nhà lập pháp bỏ phiếu luận tội người kế nhiệm đầu tiên của ông Yoon là Thủ tướng Han Duck-soo.
Thế bế tắc chính trị này cũng phản ánh sự phân cực trong chính giới Nam Hàn giữa một bên là người ủng hộ ông Yoon và quyết định áp dụng thiết quân luật, và một bên là những người phản đối. Nhưng sự khác biệt không đơn giản chỉ dừng lại ở đó.
Đa số dân Nam Hàn đều đồng tình rằng việc ông Yoon tuyên bố thiết quân luật vào ngày 3/12 là sai và ông cần phải chịu trách nhiệm cho điều đó, nhưng họ lại không thể đồng thuận về cách thức chịu trách nhiệm giải trình như thế nào, theo bà Duyeon Kim, học giả cấp cao tại CNAS, trung tâm nghiên cứu về một nền an ninh mới của Mỹ.
Bà giải thích, "Các nhân tố liên quan không thống nhất về quy trình, thủ tục và cơ sở pháp lý của họ, điều này đang làm gia tăng sự bất ổn chính trị hiện tại".
Sự bất ổn này cũng tạo ra thế giằng co căng thẳng như cuộc đối đầu hôm 3/1 ở trong và ngoài dinh thự tổng thống Yoon, nơi những người ủng hộ ông đã cắm trại trong nhiều ngày, dẫn đến các lời lẽ gay gắt và thậm chí là xô xát với cảnh sát.
Giáo sư Mason nói lực lượng thực thi pháp luật có thể trở lại với quân số đông hơn và có thể sử dụng vũ lực, nhưng điều này sẽ "rất nguy hiểm".
NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES
PSS cũng được trang bị vũ khí hạng nặng, vì vậy, lực lượng thực thi bắt giữ cũng sẽ phải tránh bất kỳ sự leo thang nào.
Ông Lee đặt câu hỏi, "Điều gì sẽ xảy ra nếu cảnh sát xuất hiện trở lại và có thêm các lệnh bắt giữ các thành viên PSS, [PSS] từ chối tuân thủ và sau đó rút súng ra?".
Hiện tại, cảnh sát cho biết họ đang điều tra giám đốc và phó giám đốc PSS về tội cản trở thi hành công vụ - vì vậy có thể sẽ có thêm các cáo buộc và lệnh bắt giữ.
Hệ quả của lệnh thiết quân luật mà ông Yoon ban hành cũng là một thử thách đối với Văn phòng Điều tra Tham nhũng (CIO) đang điều tra ông.
CIO mới chỉ hoạt động được bốn năm. Cơ quan này được thành lập nhằm đối phó lại sự phẫn nộ của công chúng đối với cựu tổng thống Park Geun-hye, người bị luận tội, bị phế truất và sau đó bị bỏ tù vì một vụ bê bối tham nhũng.
So với các tổng thống Nam Hàn đã từng bị bỏ tù trước đây, ông Yoon là tổng thống đầu tiên phải đối mặt với lệnh bắt giữ trước khi rời nhiệm sở.
Các cơ quan điều tra có thời hạn đến ngày 6/1 để bắt ông Yoon trước khi lệnh bắt hiện tại hết hiệu lực.
Họ có thể tiếp tục tìm cách bắt ông Yoon vào cuối tuần này, dù cuối tuần sẽ gặp nhiều thách thức hơn nếu đám đông ủng hộ ông càng lúc càng đông. Họ cũng có thể lại xin thêm một lệnh bắt mới và tìm cách bắt tổng thống thêm một lần nữa.
Với việc Nam Hàn giờ đây đã lún sâu vào một miền vô tiền khoáng hậu, sự bất ổn có thể sẽ chưa dừng lại.
Ewe Koh tường thuật bổ túc.
(Theo BBC Việt ngữ)