Công ty đường sắt quốc gia Pháp SNCF giới thiệu TGV M - tàu cao tốc thế hệ mới dự kiến được khai triển năm 2025, ga Lyon (gare de Lyon), Paris, Pháp, ngày 31/07/2023. © CC/Rémi Simonnin

 

 

Pháp sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong xây dựng đường sắt cao tốc. Đây là lĩnh vực mà Pháp có thế mạnh và Việt Nam có kế hoạch thực hiện trong khuôn khổ dự án lên đến 67 tỷ đô-la với tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 1.541 km, tốc độ thiết kế 350 km/giờ. Hai nước đã ký Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực Giao thông-Vận tải nhân nhân chuyến công du Pháp của tổng bí thư-chủ tịch nước Tô Lâm từ ngày 03-07/10/2024.

 

 

Hệ thống đường sắt hiện nay ở Việt Nam được xây từ thời Pháp thuộc. Tuyến xe lửa đầu tiên “Sài Gòn-Mỹ Tho được khởi công tháng 11/1881 và đưa vào sử dụng từ ngày 20/07/1885” ([ Hoàng Thị Hiền, “Hệ thống đường sắt ở Nam Kỳ thời Pháp thuộc”, Xưa Nay, số 436 tháng 09/2013]). 130 năm sau, Việt Nam vẫn sử dụng đường sắt khổ 1.000 mm có từ thời đó. Tuy nhiên, kế hoạch xây dựng đường sắt cao tốc, sử dụng khổ 1.435 mm sẽ làm thay đổi hoàn toàn phương tiện giao thông trọng điểm này và góp phần chống biến đổi khí hậu, mà Việt Nam là một trong những quốc gia không phải là đảo bị tác động nghiêm trọng.

 

 

TGV Pháp giữ kỷ lục tốc độ hơn 40 năm

 

Cũng trong suốt gần 1,5 thế kỷ này, ngành đường sắt Pháp phát triển không ngừng và vẫn giữ kỷ lục về tốc độ tàu cao tốc TGV (train à grande vitesse). Thực ra, Nhật Bản là nước tiên phong về tàu cao tốc khi vận hành tàu Shinkansen đầu tiên ngày 01/10/1964 nối Osaka và Tokyo có tốc độ 210 km/giờ. Tại Âu châu, Đức và Ý cũng lao vào cuộc đua tốc độ. Các kĩ sư Pháp thì như ngồi trên lửa.

 

Năm 1970, kĩ sư Jean Bertin có tầm nhìn xa đã thử nghiệm thành công phát minh Aérotrain - tàu hàng không - được khởi động đầu thập niên 1960 và được coi là “anh cả” của tàu TGV hiện nay. Tàu chạy dọc theo đường ray riêng (monorail, hình chữ “T” ngược). Nhờ được trang bị động cơ máy bay, Aérotrain như lướt trên đường và lập tốc độ kỷ lục thế giới 430 km/giờ khi chạy thử ở phía bắc Orléans, tỉnh Loiret.

 

Kĩ sư Jean Bertin giải thích : “Toa tàu được các đệm khí hỗ trợ và dẫn đường. Những đệm khí này được tạo ra bởi những chiếc quạt chạy bằng động cơ có công suất rất lớn. Và một khi có được lực nâng này, đoàn tàu có thể di chuyển với tốc độ xấp xỉ tốc độ mà chúng tôi mong muốn”.

 

 

Ảnh chụp màn hình : Aérotrain - "con tàu tương lai", dự án của kĩ sư Jean Bertin, từng đạt tốc độ kỉ lục trên đường ray 430,2 km/giờ ngày 05/03/1974, nhưng sớm bị loại bỏ vì chi phí quá cao. © France 3 Centre-Val de Loire / Capture d'écran

 

 

 

Năm 1974, công ty của Jean Bertin ký hợp đồng đầu tiên với chính phủ Pháp nối hai thành phố Cergy và La Défense, ở ngoại ô Paris. Nhưng chỉ một tháng sau, tổng thống mới Valéry Giscard d’Estaing hủy hợp đồng được ký dưới thời người tiền nhiệm Georges Pompidou vì chi phí quá cao. Trong chương trình “Những câu chuyện thế kỷ của bản tin thời sự 19/20 giờ” ngày 28/12/1999, đài truyền hình France 3 Orléans giải thích về “thất bại bị lãng quên” của Aérotrain :

 

“Giấc mơ Aérotrain sớm vấp phải thực tế : chi phí quá cao, các vấn đề về cơ sở hạ tầng nhưng trên hết là sự cạnh tranh trực tiếp từ tàu cao tốc TGV. Chính phủ đã chọn đầu tư vào TGV, được coi là thực tế hơn và ít rủi ro hơn. Năm 1977, sau nhiều năm thử nghiệm và hy vọng không trọn vẹn, cuộc phiêu lưu của Aérotrain chấm dứt”. Kĩ sư Jean Bertin qua đời một năm sau đó vì ung thư.

 

 

Để tiếp tục cuộc đua với Nhật Bản, công ty đường sắt quốc gia Pháp SNCF đặt cược vào Turbotrain, một công nghệ cũng được nhiều nước sử dụng. Mỗi động cơ được trang bị hai tua bin chạy bằng khí đốt. Thế nhưng người anh thứ hai của TGV hiện nay cũng bị cuộc khủng hoảng năng lượng năm 1973 quật ngã. Tuy nhiên, thành công của Turbotrain đã mở đường cho những nghiên cứu về tàu chạy bằng điện, hiện đại hơn, sang trọng hơn để có thể cạnh tranh với những phương tiện mới, như máy bay, xe hơi... nhanh hơn, tiện lợi hơn, không ngừng bùng nổ sau Thế Chiến II. Các kĩ sư của SNCF muốn biến TGV như “sấm trời” (tonnerre de Dieu), theo giải thích của sử gia Clive Lamming, chuyên về lịch sử đường sắt, với trang Le Monde ngày 20/04/2018 :

 

“Một số kỹ sư đam mê tốc độ ở SNCF đã thực hiện một thử nghiệm vào năm 1955 với tốc độ 331 km/giờ ở Landes. Thử nghiệm thành công và chứng minh rằng tàu có thể chạy nhanh và cũng sẽ cứu được ngành đường sắt ở Pháp. Tàu cao tốc sẽ giúp khôi phục lại hình ảnh của “thương hiệu” SNCF nhờ sự giúp đỡ của những người bạn “tuyệt vời” - những nước sản xuất dầu mỏ đã tăng giá dầu lên gấp 4 lần vào 1973. Nhưng con tàu không cần dầu bởi vì đã có “than trắng” - tức là điện hạt nhân - được tướng De Gaulle quyết định phát triển sau Thế Chiến II. Ngành đường sắt tiêu thụ điện quốc gia. Đường sắt bỏ than để sử dụng điện”.

 

 

 

Turbotrain, chạy khí đốt, tiền thân của TGV ngày nay, bảo tàng Đường sắt Pháp Cité du Train, Mulhouse, Pháp, ngày 01/10/2019. © Flickr/nigelmenzies

 

 

 

Theo trang web SNCF, chuyên gia thiết kế Jacques Cooper là người phác thảo các đặc điểm của con tàu tương lai trong “dự án C03”, lấy cảm hứng từ xe Porsche Murène. Ngoài tốc độ cao mà nguyên mẫu này có thể đạt tới, cải tiến lớn nhất là khái niệm về đoàn tàu “có khớp nối” và không thể biến dạng… Sau này, những lựa chọn đó khiến TGV trở thành con tàu an toàn nhất thế giới. TGV cũng được sơn đúng màu da cam như xe Porsche Murène.

 

 

Hai đoàn tàu TGV đầu tiên được Nhà nước đặt hàng năm 1975. Các cuộc thử nghiệm hoàn tất năm 1978. Ngày 26/02/1981, TGV phá vỡ kỷ lục thế giới với vận tốc 380 km/giờ. Bẩy tháng sau, đích thân tổng thống François Mitterand khánh thành tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên tại Pháp nối Paris-Lyon vào ngày 22/09/1981. Con tàu đạt vận tốc 260 km/giờ như dự kiến.

 

 

Lần thứ hai TGV phá kỷ lục thế giới về vận tốc đường sắt là vào ngày 18/05/1990. Chuyến TGV 325 đạt đến vận tốc 515,3 km/giờ ở gần ga Vendôme nằm trên tuyến đường sắt cao tốc thứ hai - TGV Atlantique - được đưa vào hoạt động tháng 09/1989.

 

 

Cho dù từ năm 2003, Maglev - một mô hình nâng từ trường của Nhật Bản - giữ kỷ lục vận tốc tuyệt đối là 581,2 km/giờ. Nhưng chính TGV của Pháp một lần nữa lại phá vỡ kỷ lục thế giới trên đường ray. Ngày 03/04/2007, tàu V150 của Alstom đã đạt vận tốc 574,8 km/giờ sau 42 lần thử trong sáu tuần (bắt đầu từ ngày 15/01/2007) trên tuyến Strasbourg-Paris. Kỷ lục này vượt xa mục tiêu 540 km/giờ được đặt ra ban đầu (V150 : tốc độ 150 mét/giây, tức là 540 km/giờ). Tuy nhiên, theo Le Monde ngày 03/04/2007, vì lý do hao mòn và bảo trì đường sắt, Mạng lưới đường sắt Pháp (RFF, cơ quan quản lý hạ tầng đường sắt được tách khỏi tập đoàn SNCF từ 1997-2015) không cho phép công ty SNCF vượt quá quy định 300 km/giờ, riêng tuyến TGV Est (Paris-Strasbourg) được phép lên tới 320 km/giờ.

 

 

Ba đoàn tàu đã lập kỷ lục tốc độ trên đường ray được trưng bày tại TSEE de Villeneuve-Saint-Georges, ngoại ô Paris, nhân kỷ niệm 40 năm TGV ra đời, 19/09/2021. Từ trái sang phải : TGV Sud-Est n°16 (380 km/giờ năm 1981), TGV Atlantique n°325 (515,3 km/giờ năm 1990), TGV POS n°4402 (574,8 km/giờ năm 2007). © CC/Mohamed SY

 

 

 

TGV “thu nhỏ” nước Pháp, “phá vỡ” biên giới Âu châu

 

Trả lời phỏng vấn RFI Tiếng Việt ngày 28/05/2021, kỹ sư Tạ Quang Anh, công tác tại SNCF nhận định : “Sự ra đời của TGV mở đầu một giai đoạn phát triển đột phá mới của ngành đường sắt Pháp. Khác với giai đoạn đột phá về hạ tầng nửa cuối thế kỷ 19, TGV đã “thu nhỏ” nước Pháp và thậm chí Âu châu trong bán kính 3-4 giờ đi lại. Trong giai đoạn 1990-2010, nhiều tuyến TGV trong nước được khánh thành, tiếp theo là các tuyến quốc tế, đáng chú ý là tuyến Eurostar chạy qua 50 km đường hầm eo biển Manche sang Anh Quốc (1994), tuyến Thalys đi sang Bỉ và Hà Lan…

 

Trong khoảng 30 năm cuối thế kỷ 20, việc vận hành tuyệt đối an toàn 400 nghìn tấn thép trên đường ray ở vận tốc 320 km/giờ luôn là một biểu tượng công nghệ trong ngành vận tải hành khách mặt đất. Công nghệ TGV được xuất cảng, chuyển giao ra nhiều nước : ở Âu châu  như sang Tây Ban Nha, sang Hoa Kỳ, Maroc và cả Hàn Quốc. Đối với người Pháp, TGV là một “niềm tự hào dân tộc”. Theo một thăm dò dư luận trong dân chúng Pháp, TGV được coi là một trong những phát minh quan trọng nhất trong thế kỷ 20, cùng với máy tính, điện thoại di động và lò vi sóng”.

 

 

 

Từ ngày 16/12/2024, hai thủ đô Berlin của Đức và Paris của Pháp đã được nối bằng tàu cao tốc trong 8 tiếng. Tham vọng trong năm 2025 của tập đoàn SNCF là đưa vào hoạt động tàu cao tốc sinh thái - TGV M (modulable) - được coi là sự tập trung của nhiều đổi mới : tái chế đến 97%, có khả năng điều chỉnh việc sử dụng năng lượng trên tàu, 100% kết nối... Loại tàu thế hệ thứ 5 này do tập đoàn Alstom phát triển, được cho là sẽ giảm mức tiêu thụ năng lượng 20% ​​và cải thiện lượng khí thải carbon thêm 37% mỗi năm so với các đoàn tàu hiện tại. 115 đoàn tàu được đặt hàng (trong đó có 15 theo phiên bản quốc tế) sẽ lần lượt được đưa vào lưu thông trong vòng 10 năm.

 

Do kinh phí rất lớn nên tàu cao tốc không phổ biến trên quy mô thế giới. Ngoài phải cạnh tranh với Shinkansen của Nhật Bản, TGV của Pháp chật vật đối phó với Trung Quốc, cường quốc tàu cao tốc với hơn 40.000 km đường sắt cao tốc, rộng nhất thế giới. Ngay sau khi Việt Nam có dự án huyết mạch Bắc-Nam trị giá 67 tỷ đô-la, hai tập đoàn lớn của Trung Quốc - Tập đoàn xây dựng giao thông Trung Quốc (CCCC) và Tập đoàn Xây dựng công trình đường sắt Trung Quốc (CRCC) - cùng ngỏ ý tham gia.

 

 

TGV hai tầng - tàu cao tốc Pháp - tại Paris Gare de l'Est, ngày 09/02/2013. © CC/Nelso Silva

 

 

 

(Theo RFI)