Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Antonio Costa (bên trái), tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskyy (ở giữa), và chủ tịch Ủy Ban Âu Châu, Ursula von der Leyen tại thượng đỉnh bất thường của Liên Hiệp Âu Châu, thủ đô Bruxelles, Vương Quốc Bỉ, ngày 06/03/2025. © Omar Havana / AP

 

 

ÂU CHÂU – Cuộc họp thượng đỉnh tại Bruxelles, Bỉ, hôm ngày 06/03/2025, lãnh đạo của 27 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu đã bật đèn xanh cho một kế hoạch của Ủy Ban Âu Châu huy động khoảng 800 tỷ euro để tăng cường khả năng phòng thủ của khối này.

 

Các nước thành viên Liên Âu kể từ nay có thể gia tăng đáng kể các chi tiêu quân sự và các khoản chi tiêu này sẽ không được tính vào thâm thủng ngân sách. Theo quy định hiện hành, các thành viên không để thâm thủng ngân sách vượt quá 3 phần trăm GDP. Cụ thể, trong vòng bốn năm, các thành viên Liên Âu có thể được huy động khoảng 650 tỷ euro. Ngoài ra, Ủy Ban Âu Châu sẽ cho các nước thành viên vay khoảng 150 tỷ euro để tài trợ cho các dự án quốc phòng.

 

Số tiền cho vay nói trên sẽ được sử dụng cho các dự án đầu tư chung của ít nhất hai nước thành viên, vào những lĩnh vực mà họ có nhu cầu cấp thiết nhất, chẳng hạn như hệ thống phòng không, hỏa tiễn, drone và hệ thống chống drone, cũng như hệ thống pháo binh. Chủ tịch Ủy Ban Âu Châu,  bà Ursula von der Leyen, khẳng định với những thiết bị này, "các nước thành viên sẽ có thể gia tăng đáng kể viện trợ cho Ukraine”.

 

 

Từ Bruxelles, đặc phái viên RFI, Anastasia Becchio, tường trình:

"Những tiến bộ “có tính chất quyết định" hướng tới một một Âu châu “mạnh” về phòng thủ: đây là cách mà người khởi xướng hội nghị thượng đỉnh này, chủ tịch Hội Đồng Âu Châu, là ông Antonio Costa, hoan nghênh cam kết của 27 nước. Bị dồn vào chân tường, lo lắng về việc bị Hoa Kỳ bỏ rơi, các nhà lãnh đạo Liên Âu tỏ quyết tâm tiến về phía trước. 

 

Họ kêu gọi Ủy Ban Âu Châu tìm kiếm những phương thức mới để tạo điều kiện gia tăng chi tiêu quốc phòng ở tất cả các quốc gia thành viên. Đối với tổng thống Pháp, Emmanuel Macron, đây là "một bước đột phá nhưng chỉ mới là một giai đoạn". 

 

Ông tuyên bố: "Trước mối đe dọa hiện nay và cho dù tình hình ở Ukraine sẽ như thế nào, chúng ta cần tăng cường năng lực phòng thủ và cần xây dựng năng lực phòng thủ tự chủ cho Âu châu trong vài năm tới. Tôi hoan nghênh những lựa chọn đã được đưa ra hôm ngày 6/03/2025, cũng như sự đồng thuận rộng rãi đạt được từ các cuộc thảo luận của chúng ta, một sự đồng thuận mà theo quan điểm của tôi, thể hiện một sự sáng suốt của các lãnh đạo Âu châu và một sự thức tỉnh chiến lược sâu sắc.”

 

Tổng thống Macron cũng cho biết nhiều nhà lãnh đạo ở Bruxelles đã nói chuyện với ông về đề nghị mở rộng "chiếc ô nguyên tử" của Pháp ra toàn Âu châu. Đây là một ý tưởng "rất đáng được cân nhắc" theo lời thủ tướng Ba Lan, Donald Tusk, và là một ý tưởng “rất thú vị", đối với tổng thống Litva, Gitanas Nauseda. 

 

Nhưng các nhà lãnh đạo Latvia và Cộng hòa Czech lại xem đây là một đề nghị còn quá sớm. Riêng thủ tướng Đức, Olaf Scholz, thì nhấn mạnh rằng điều quan trọng là Âu châu không nên từ bỏ sự bảo vệ quân sự của Hoa Kỳ".

 

 

Và theo tờ Le Monde, "tự chủ chiến lược" cho Âu châu, như chủ trương từ nhiều năm qua của tổng thống Pháp Emmanuel Macron, vẫn là một khái niệm khó chấp nhận đối với các nước Đông Âu, tức là những nước nằm ở tuyến đầu trước mối đe dọa của Nga. Những nước này đồng ý là phải đầu tư nhiều hơn nữa cho quốc phòng, nhưng lại không muốn cắt đứt quan hệ với Hoa Kỳ, nước vẫn bảo đảm an ninh cho họ kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc và kể từ khi họ gia nhập khối NATO.

 

Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk từng nhận xét: "Không còn nghi ngờ gì nữa, cuộc chiến ở Ukraine, cách tiếp cận mới của chính quyền Hoa Kỳ đối với châu Âu và cuộc chạy đua vũ trang do Nga phát động đang đặt ra những thách thức mới cho chúng ta. Ngày nay, Hoa Kỳ là đối tác khó tính và khắt khe hơn. Nhưng bằng cách tăng cường năng lực phòng thủ, chúng ta thực sự có thể cải thiện quan hệ xuyên Đại Tây Dương."

 

Trong khi tổng thống Macron muốn củng cố ngành công nghiệp Âu châu, các quốc gia nói trên muốn tiếp tục mua vũ khí từ Hoa Kỳ để đảm bảo duy trì sự hiện diện của Mỹ ở Âu châu, do họ rất sợ viễn cảnh quân đội Mỹ rút khỏi châu lục này.

 

Theo Le Monde, ngay cả một số nước ở Tây Âu cũng bám víu vào mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, như nước Ý của thủ tướng cực hữu Giorgia Meloni, vốn có tư tưởng gần gũi với Donald Trump. Cho tới nay bà Meloni vẫn tỏ thái độ thận trọng, cố giữ sự cân bằng giữa một bên là các đối tác Âu châu và bên kia là Hoa Kỳ. Với hy vọng đảm nhận vai trò trung gian, nữ thủ tướng Ý đã đề nghị một hội nghị thượng đỉnh giữa Hoa Kỳ và Liên Hiệp Âu Châu để thảo luận về những bất đồng liên quan đến các vấn đề an ninh và Ukraine.

 

 

 

(Theo RFI)