Logo TikTok bên ngoài văn phòng TikTok tại Culver City, California, ngày 27/08/2020. (Ảnh: Mario Tama/Getty Images)

 

QUỐC TẾ - TikTok, một ứng dụng chia sẻ video thuộc sở hữu của Trung Quốc, đã bị cấm tại hai cơ quan hoạch định chính sách quyền lực nhất của Liên minh Âu Châu do lo ngại về an ninh mạng, cũng như quảng bá chương trình nghị sự của Bắc Kinh ở hải ngoại.

 

Ứng dụng TikTok, thuộc sở hữu của công ty Trung Quốc ByteDance, đã bị chỉ trích rộng rãi vì nội dung độc hại và bị cấm ở một số quốc gia, bao gồm 25 tiểu bang của Hoa Kỳ. Nguyên nhân được cho là do các chính phủ phương Tây lo ngại về việc ứng dụng này chia sẻ dữ liệu với Bắc Kinh và thúc đẩy chương trình nghị sự của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

 

Người đứng đầu lĩnh vực công nghiệp của Liên hiệp Âu châu Thierry Breton đã công bố lệnh cấm của Ủy ban Âu Châu. Tuy nhiên, ông từ chối cho biết liệu EC có gặp phải bất kỳ sự cố nào liên quan đến TikTok hay không.

 

Động thái này diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc và phương Tây đang bị cuốn vào một cuộc chiến giằng co, từ sự cố khinh khí cầu do thám Trung Quốc xâm nhập không phận Mỹ cho đến sản xuất chip máy tính.

 

Ủy ban Âu châu (EC), cơ quan hành pháp của Liên minh Âu châu (EU), cho biết trong một tuyên bố rằng quyết định này sẽ áp dụng cho cả điện thoại cũng như trên các thiết bị của công ty và trên các thiết bị cá nhân.

 

Thông báo của EC có đoạn cho hay “Nhằm mục đích tăng cường an ninh mạng, Ban quản lý doanh nghiệp của Ủy ban Âu Châu đã quyết định tạm dừng việc sử dụng ứng dụng TikTok trên các thiết bị của công ty và trên các thiết bị cá nhân đã đăng ký dịch vụ thiết bị di động của Ủy ban Âu Châu”.

“Biện pháp này nhằm mục đích bảo vệ Ủy ban phòng ngừa các mối đe dọa an ninh mạng và những hành động có thể bị lợi dụng để tấn công mạng vào môi trường tổ chức đoàn thể của Ủy ban”.

 

TikTok cho biết họ thất vọng với lệnh cấm của EC.

 

Nghị viện Âu Châu nói rằng họ đã biết về hành động của Ủy ban Âu Châu và họ cũng đã liên hệ với Ủy ban này.

 

Một phát ngôn viên của EP cho biết "Các dịch vụ có liên quan cũng đang theo dõi và đánh giá tất cả các vi phạm dữ liệu tiềm ẩn liên quan đến ứng dụng và sẽ tính đến đánh giá của Ủy ban Âu Châu  trước khi đưa ra các khuyến nghị cho các nhà cầm quyền của Nghị viện Âu Châu ".

 

Trong tháng này, Bộ trưởng Tư pháp Na Uy đã buộc phải lên tiếng xin lỗi vì không tiết lộ rằng bà đã cài đặt TikTok trên điện thoại do chính phủ cấp, mặc dù thực tế là quốc gia này không phải là thành viên của khối 27 quốc gia EU.

 

EU cũng đã gây áp lực buộc TikTok phải tuân thủ các quy định kỹ thuật số mới sắp tới nhằm yêu cầu các nền tảng trực tuyến lớn xóa sổ các nội dung độc hại và bất hợp pháp, cũng như tuân thủ các quy tắc bảo mật dữ liệu nghiêm ngặt của khối này.

 

Các lệnh cấm khác

Ấn Độ đã cấm TikTok và hàng chục ứng dụng khác của Trung Quốc vào tháng 6/2020, với lý do lo ngại về các mối đe dọa tiềm ẩn đối với an ninh và tính toàn vẹn của đất nước.

 

Đài Loan đã cấm TikTok và các ứng dụng khác của Trung Quốc trên các thiết bị do nhà nước sở hữu, đồng thời mở cuộc điều tra ứng dụng mạng xã hội này vào tháng 12/2022 về các hoạt động bị nghi ngờ là bất hợp pháp trên đảo.

 

Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua luật cấm sử dụng TikTok trên các thiết bị liên bang vào tháng 12/2022. Tuy nhiên, Tổng thống Joe Biden chưa ký vào dự luật này.

 

TikTok đã bị cấm trên các thiết bị của trường đại học và mạng Wi-Fi tại Đại học Boise State, Đại học Oklahoma, Đại học Texas-Austin và Đại học A&M West Texas.

 

Hơn 25 tiểu bang đã ban hành lệnh cấm nhân viên sử dụng TikTok trên các thiết bị của chính phủ, trong đó có:Texas, Maryland, Alabama và Utah.

 

TikTok ‘phản pháo’

TikTok cáo buộc Liên minh Âu châu  (EU) không thông báo cho họ về quyết định cấm ứng dụng chia sẻ video ngắn này trên điện thoại nhân viên vì lý do an ninh mạng.

 

Ứng dụng TikTok đang phải đối mặt với sự giám sát ngày càng tăng từ các chính phủ phương Tây vì lo ngại rằng chính phủ Trung Quốc có thể lợi dụng ứng dụng này để thu thập dữ liệu người dùng. Tuy nhiên, Bắc Kinh thường xuyên phủ nhận cáo buộc này.

 

 Hãng tin Reuters cho hay, TikTok trước đó đã tuyên bố rằng Bắc Kinh không thể truy cập dữ liệu trên dịch vụ của họ, cho biết không tổ chức nào thông báo hoặc liên hệ với họ trước khi ra quyết định cấm ứng dụng này.

 

Bà Caroline Greer, Giám đốc chính sách công và quan hệ chính phủ của TikTok, cho biết "Và thế là chúng tôi đang bị ngờ vực trong khi thiếu sự minh bạch và thiếu nguyên tắc trình tự công bằng. Thành thật mà nói, chúng tôi rất mong đợi nhận được sự tương tác về vấn đề này".

 

Bà Caroline Greer cho biết Giám đốc điều hành TikTok - ông Shou Zi Chew hơi "lo ngại và bối rối" trước quyết định này của EU. Ông Shou Zi Chew từng gặp ông Thierry Breton và các ủy viên khác của EU tại Brussels (Bỉ) vào tháng 1.

 

Bà Caroline Greer nói "Quý vị biết đấy, ông ấy (Shou Zi Chew) luôn sẵn lòng phản hồi Ủy ban... Chúng tôi đã liên hệ để tổ chức một cuộc họp dưới bất kể hình thức nào mà họ mong muốn".

 

Theo bà Caroline Greer, các tổ chức khác của EU không nên vội tin mà nên tự mình chứng thực trước khi đưa ra quyết định cấm TikTok.

(ntdnv.net - Huyền Anh biên dịch)

(Theo The Epoch Times)