Một đứa bé trong một trại tạm trú dành cho người dân bị mất nhà cửa ở thủ đô Kabul. Nguồn: Getty Images.
Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã thảo luận về những diễn biến ở Afghanistan khi việc rút quân nước ngoài tiếp tục diễn ra. Dự kiến việc rút quân hoàn thành vào ngày 11 tháng 9, và Taliban đã tiến hành tiếp quản các phần của Afghanistan mà họ đã mất trước đó.
Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc nghe tin quân nổi dậy Taliban ở Afghanistan đã chiếm được hơn 50 trong số 370 quận kể từ tháng 5 và đang định tiếp quản các thành phố khi quân đội nước ngoài rút đi.
Đặc phái viên của LHQ tại Afghanistan, Deborah Lyons, cho biết hầu hết các huyện bị Taliban chiếm giữ đều bao quanh các thủ phủ.
"Hơn 50 trong số 370 quận của Afghanistan đã thất thủ kể từ đầu tháng 5. Hầu hết các quận bị chiếm đóng đều bao quanh các thủ phủ của tỉnh, cho thấy rằng Taliban đang tái xác định vị trí mình để chiếm các thủ phủ này sau khi lực lượng nước ngoài rút hết."
Phát biểu tại cuộc họp ảo cấp cao của Hội Đồng Bảo An vào hôm 22 tháng 6, Trưởng Phái đoàn LHQ tại Afghanistan cho biết khả năng phục hồi của người dân Afghanistan đang bị thử thách nghiêm trọng và khả năng đất nước rơi vào tình huống thảm khốc là không thể phủ nhận.
Bà Lyons cho biết thông báo hồi đầu năm rằng quân đội nước ngoài sẽ rút quân qua Afghanistan là một cơn sốc.
"Thông báo giữa tháng 4 rằng tất cả binh sĩ quốc tế sẽ được rút trong những tháng tới đã gây ra một cơn địa chấn trong toàn bộ hệ thống chính trị và xã hội Afghanistan. Tất cả các bên đã phải điều chỉnh với thực tế mới đang diễn ra này."
Quan chức LHQ cho biết chiến dịch quân sự của Taliban hoàn toàn trái ngược với những tuyên bố gần đây của người đứng đầu cánh chính trị của lực lượng này, người cho biết nhóm cam kết đàm phán trong bầu không khí tôn trọng lẫn nhau. Bà cảnh báo rằng xung đột gia tăng ở Afghanistan gây nguy cơ an ninh cho nhiều quốc gia khác.
"Nó sẽ dẫn đến bạo lực gia tăng và kéo dài, kéo dài sự đau khổ của người dân Afghanistan và đe dọa phá hủy phần lớn những gì đã được xây dựng và khó giành được trong 20 năm qua. Cần phải rõ ràng rằng bất kỳ nỗ lực nào để cài đặt một chính phủ áp đặt quân sự ở Kabul sẽ đi ngược lại ý chí của người dân Afghanistan, và chống lại lập trường đã nêu của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế rộng lớn hơn."
Gần một phần ba số người Afghanistan phải đối mặt với mức độ khẩn cấp của tình trạng mất an ninh lương thực, trong khi hạn hán năm nay trở nên tồi tệ hơn và việc di dời nội bộ gia tăng.
Thương vong dân sự đã tăng 29% trong quý đầu tiên của năm 2021 so với cùng kỳ năm ngoái, với sự gia tăng đáng kể về thương vong ở phụ nữ và trẻ em.
Bà Lyons nói rằng thường dân là mục tiêu có chủ ý và thường xuyên, vi phạm rõ ràng luật nhân đạo quốc tế.
"Bảo tồn quyền của phụ nữ vẫn là mối quan tâm hàng đầu và không được sử dụng như một con bài mặc cả trên bàn đàm phán. Quyền của nam giới là không thể thương lượng. Quyền của phụ nữ không thể thương lượng. Nhân quyền không thể thương lượng."
Đại diện đặc biệt của LHQ cho biết thỏa thuận tháng 2 năm 2020 giữa Hoa Kỳ và Taliban đã tạo ra hy vọng hòa bình cho người Afghanistan nhưng thay vào đó, diễn biến trên chiến trường lớn hơn nhiều so với trên bàn đàm phán.
Bộ trưởng Ngoại giao Afghanistan, Mohammad Hanif Atmar, nói rằng việc quay trở lại một cuộc xung đột kéo dài gây ra một mối đe dọa nghiêm trọng không chỉ đối với Afghanistan mà còn đối với khu vực và thế giới.
"Đây chắc chắn không phải là kết quả được chấp nhận sau hai thập kỷ hy sinh to lớn bằng xương máu và tài nguyên của người Afghanistan và các đối tác quốc tế của chúng tôi. chúng tôi, chính phủ và người dân Afghanistan vô cùng trân trọng những hy sinh và hỗ trợ của các bạn trong hai thập kỷ qua, chúng tôi cam kết tiếp tục hợp tác với các đối tác quốc tế và trong khu vực, không để những hy sinh chung của chúng ta trở nên vô ích và nỗ lực để đạt được mục tiêu chung của chúng ta là hòa bình, an ninh và thịnh vượng."
Ông Atmar nói rằng chính phủ của ông hoan nghênh thỏa thuận giữa Hoa Kỳ và Taliban, và rằng Hoa Kỳ và NATO đã đáp ứng gần như tất cả các nghĩa vụ của họ theo thỏa thuận, bao gồm cả việc rút quân.
Nhưng ông nói rằng Taliban đã không tôn trọng bất kỳ nghĩa vụ nào của họ theo thỏa thuận, bởi vì họ vẫn giữ mối quan hệ với chủ nghĩa khủng bố quốc tế, tiếp tục leo thang bạo lực và không có phản ứng tích cực với bất kỳ kế hoạch hòa bình nào.
Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield cho biết quyết định rút toàn bộ quân khỏi Afghanistan không được coi nhẹ. Bà cho biết cam kết của Hoa Kỳ đối với sự an toàn và an ninh của Afghanistan, và Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hỗ trợ Lực lượng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Afghanistan trong việc đảm bảo an ninh cho đất nước của họ.
Bà Thomas-Greenfield nói rằng cộng đồng quốc tế phải thúc đẩy các cuộc đàm phán có ý nghĩa và toàn diện, với sự tham gia đầy đủ của phụ nữ, để dẫn đến một lệnh ngừng bắn vĩnh viễn và toàn diện, và một dàn xếp chính trị công bằng và lâu dài.
Đại sứ Mỹ nhắn nhủ phe Taliban rằng con đường quân sự sẽ không dẫn đến tính chính danh cho họ.
Quân đội Hoa Kỳ đã ở Afghanistan được 20 năm. 2.500 quân còn lại dự kiến sẽ rời khỏi đất nước này vào ngày 11 tháng 9. Khoảng 7.000 nhân viên chủ yếu từ các nước NATO bao gồm Úc, New Zealand và Gruzia cũng dự định rời đi vào ngày đó.