Ảnh minh họa: Một học sinh ôm mẹ trước khi đến lớp vào ngày khai giảng năm học mới tại trường Poulletier ở Paris, Pháp, ngày 01/09/2022. AFP - EMMANUEL DUNAND

 

 

Trong bối cảnh khủng hoảng dân số trầm trọng bị thúc đẩy bởi chiến tranh Ukraine, chính quyền tại nhiều khu vực của Nga hiện đang cấp trợ cấp đặc biệt cho các phụ nữ trẻ sinh con. Ngày càng nhiều quốc gia, từ Hung Gia Lợi đến Hoa Kỳ hay Ba Lan, đang khai triển các biện pháp tương tự, không chỉ về mặt xã hội, kinh tế mà còn về mặt tư tưởng.

 

Tại một số khu vực của Nga, các phụ nữ trẻ mang thai hiện sẽ nhận được hơn 100.000 rúp (khoảng 1.100 euro) nếu sinh con và nuôi dưỡng chúng.

 

Biện pháp mới này, được đưa ra từ vài tháng qua tại khoảng mười khu vực trên toàn quốc, nằm trong khuôn khổ chiến lược gia tăng dân số mới của Nga. Trên thực tế, đây là sự mở rộng của các quyết định được công bố vào tháng 03/2025, trước đây chỉ áp dụng cho phụ nữ đã trưởng thành. Mục tiêu là để đối phó với tình trạng tỷ lệ sinh giảm mạnh tại Nga: năm 2023, tỷ lệ sinh ở nước này chỉ đạt 1,41 con/phụ nữ, thấp hơn nhiều so với mức 2,05 cần thiết để duy trì dân số ổn định.

 

Việc trả tiền cho phụ nữ trẻ sinh con khi còn đi học là một ý tưởng gây tranh cãi ở Nga. Theo một cuộc khảo sát gần đây của Trung tâm nghiên cứu dư luận xã hội Nga (VTsIOM), 43% người dân Nga ủng hộ biện pháp này, trong khi 40% phản đối. Dù sao đi nữa, việc thông qua chính sách như vậy cho thấy Nhà nước rất chú trọng đến việc gia tăng dân số.

 

Tổng thống Vladimir Putin cho rằng dân số đông là dấu hiệu của một cường quốc hưng thịnh, cũng giống như một lãnh thổ rộng lớn (đang tiếp tục mở rộng) và một quân đội hùng mạnh. Cuộc tiến quân vào Ukraine đã cho phép Nga sáp nhập bất hợp pháp nhiều vùng lãnh thổ với khoảng hai đến ba triệu dân. Tuy nhiên, cuộc chiến này cũng gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với quy mô dân số hiện tại và tương lai của Nga.

 

Theo một số ước tính, khoảng 250.000 binh sĩ Nga đã thiệt mạng trên chiến trường. Ngoài ra, hàng trăm nghìn người, trong đó có nhiều nam thanh niên có học vấn cao, đã rời khỏi đất nước để trốn nghĩa vụ quân sự. Nhiều binh sĩ tử trận và những người di cư khỏi đất nước đáng lẽ có thể trở thành phụ huynh của thế hệ công dân tiếp theo.

 

 

Hiện tượng không chỉ giới hạn ở Nga

Tuy tình hình dân số của Nga là đặc biệt nghiêm trọng, nhưng xu hướng giảm tỷ lệ sinh đã trở thành hiện tượng toàn cầu. Dự kiến đến năm 2050, hơn 3/4 các quốc gia trên thế giới sẽ có tỷ lệ sinh thấp đến mức không thể duy trì dân số.

 

Vladimir Putin không phải là nhà lãnh đạo duy nhất trên thế giới khai triển các chính sách nhằm khuyến khích phụ nữ sinh thêm con. Chính phủ của Viktor Orban tại Hung Gia Lợi đã đề xuất một loạt các biện pháp ưu đãi, chẳng hạn như giảm mạnh thuế và cấp các khoản vay mua nhà cho các hộ gia đình có từ ba con trở lên.

 

Tại Ba Lan, Nhà nước cấp 500 zloty mỗi tháng (khoảng 117 euro) cho mỗi đứa trẻ trong các gia đình có từ hai con trở lên. Tuy nhiên, biện pháp này không tạo ra tác động đáng kể đến tỷ lệ sinh, vì nhiều phụ nữ Ba Lan, đặc biệt là những người có thu nhập khá, không sẵn lòng đánh đổi sự nghiệp và mức lương cao chỉ để sinh thêm con.

 

Tại Hoa Kỳ, tổng thống Donald Trump từng đề xuất cấp 5.000 đô la (khoảng 4.300 euro) cho mỗi bà mẹ sau mỗi lần sinh con, một chính sách nằm trong hệ tư tưởng “MAGA” (Make America Great Again), nhằm thúc đẩy tỷ lệ sinh trong nước.

 

Đảo ngược xu hướng “lười đẻ” là việc vô cùng phức tạp, bởi lý do khiến một người hay các cặp đôi quyết định sinh con cũng rất đa dạng. Sở thích cá nhân, khát vọng, tiềm lực kinh tế, chuẩn mực xã hội và giá trị văn hóa – tôn giáo đều đóng vai trò trong các quyết định này. Do đó, tác động của các chính sách khuyến sinh cho đến nay là rất hạn chế. Chưa có quốc gia nào tìm ra giải pháp đơn giản để đảo ngược xu hướng suy giảm dân số.

 

Một ví dụ đáng quan tâm là chính sách của Tây Ban Nha, đang tìm cách chống lại sự suy giảm dân số bằng các biện pháp thay thế mà không trực tiếp khuyến khích phụ nữ sinh thêm con. Nước này đã nới lỏng điều kiện nhập quốc tịch cho di dân, kể cả những người nhập cư trái phép. Chính sách cởi mở đối với người nhập cư của chính quyền Madrid được cho là một yếu tố thúc đẩy sự phát triển kinh tế của đất nước.

 

 

Mẫu gia đình nào được khuyến sinh?

Các quốc gia thực hiện chính sách khuyến sinh không chỉ quan tâm đến việc gia tăng dân số sinh sống và làm việc trong nước, mà còn mong muốn khuyến khích những nhóm người nhất định sinh con. Nói cách khác, các chính sách này phản ánh một định hướng tư tưởng rõ rệt.

 

Những biện pháp hỗ trợ sinh con thường nhắm vào những người mà Nhà nước xem là “công dân lý tưởng” dựa trên nguồn gốc dân tộc, ngôn ngữ, tôn giáo, xu hướng tính dục hoặc các đặc điểm nhận dạng khác.

 

Ví dụ, đề xuất của Tây Ban Nha nhằm gia tăng dân số thông qua nhập cư chủ yếu nhắm vào những người nói tiếng Tây Ban Nha. Di dân từ các nước Công giáo ở Mỹ Latinh dễ dàng tìm được việc làm, trong khi những người đến từ Phi châu thì không có được nhiều cơ hội như vậy. Đồng thời, các khoản trợ cấp tại Hung Gia Lợi chỉ dành cho các cặp đôi dị tính có thu nhập cao.

 

Chính sự ưu tiên cho những “công dân lý tưởng” này là lý do tại sao chính quyền Trump không thấy mâu thuẫn khi vừa kêu gọi tăng tỷ lệ sinh tại Mỹ, vừa ra lệnh bắt giữ và trục xuất hàng trăm người nhập cư được cho là sống bất hợp pháp ở Hoa Kỳ, thậm chí còn tìm cách tước bỏ quyền công dân của một số người Mỹ.

 

 

Những bà mẹ nào bị nhắm đến?

Thành công hay thất bại của các quốc gia và xã hội trong việc thúc đẩy sinh con phụ thuộc vào việc thuyết phục được người dân, đặc biệt là phụ nữ, chấp nhận làm mẹ hoặc sinh thêm con. Ngoài các khoản hỗ trợ tài chính và những ưu đãi khác, một số quốc gia còn trao danh hiệu mang tính biểu tượng cho các bà mẹ nhiều con.

 

Việc ông Putin khôi phục danh hiệu “Bà mẹ anh hùng” từ thời Stalin dành cho phụ nữ sinh mười con trở lên là một ví dụ. Đôi khi sự công nhận đến từ xã hội, như làn sóng ủng hộ các “trad wives” (các bà vợ truyền thống) ở Mỹ, những người từ bỏ sự nghiệp để nuôi dạy nhiều con và sống theo lối sống bảo thủ.

 

Mặt trái của sự tôn vinh vai trò làm mẹ là những lời chỉ trích công khai hoặc ngấm ngầm nhắm vào phụ nữ trì hoãn hoặc từ chối sinh con. Quốc Hội Nga đã thông qua đạo luật cấm “tuyên truyền lối sống không con cái” vào năm 2024. Đạo luật này đi kèm với các biện pháp khác như hạn chế phá thai ở các phòng khám tư cũng như lời kêu gọi của các quan chức cấp cao khuyến khích phụ nữ ưu tiên hôn nhân và việc nuôi dạy con cái hơn là học vấn hay sự nghiệp.

 

Nếu mục tiêu chỉ đơn thuần là bảo đảm đủ nguồn lao động để duy trì nền kinh tế – xã hội, thì các nước thực hiện chánh sách khuyến sinh đã có thể chọn giải pháp tăng cường nhập cư. Tuy nhiên, phần lớn các chính sách này cho thấy nỗ lực kiểm soát hoặc định hình lựa chọn cá nhân, đặc biệt là của phụ nữ, và nhằm tăng tỷ lệ hiện diện của những nhóm người cụ thể trong xã hội.

 

 

(RFI, Nguồn: The Conversation)