Ở Trung Quốc của Tập Cận Bình, tấn công Nhật Bản đã trở thành cách an toàn nhất về mặt chính trị để người dân trút nỗi thất vọng. (Nikkei dựng phim/Ảnh nguồn của Yusuke Hinata)

 

 

Nguồn: Katsuji Nakazawa, “Japan-bashing Chinese unwittingly target Xi’s lucky temple,” Nikkei Asia, 28/03/2024

 

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng (nghiencuuquocte.org)

 

Trà xanh đóng chai là mục tiêu mới nhất của những người chỉ trích Nhật Bản trên mạng xã hội Trung Quốc.

 

 

 

Gã khổng lồ nước giải khát Nông Phu Sơn Tuyền (Nongfu Spring) đang bị buộc tội “tâng bốc Nhật Bản” vì hình ảnh ngôi chùa trên nhãn chai đã gợi nhớ đến kiến trúc Nhật Bản. Dòng chữ trên nhãn cũng bị chỉ trích vì “quảng bá văn hóa Nhật” khi giải thích quá trình một nhà sư Nhật Bản mang phong tục trà đạo từ Trung Quốc về nước mình vào thế kỷ 13.

 

Nhưng rất ít cư dân mạng biết rằng tâm điểm trong cuộc tranh luận của họ chính là ngôi chùa mà Chủ tịch Tập Cận Bình từng thường xuyên lui tới cách đây hơn một thập kỷ, với hy vọng điều đó sẽ mang lại may mắn cho sự nghiệp của ông.

 

Chung Thiểm Thiểm, được xếp hạng là người giàu nhất Trung Quốc trong 4 năm liên tiếp bắt đầu từ năm 2021, đã thành lập Nông Phu Sơn Tuyền vào năm 1996. Và về câu chuyện chống Nhật, có một điều trớ trêu là hãng sản xuất đồ uống này có trụ sở chính tại tỉnh Chiết Giang.

 

Chiết Giang được xem là một phước lành của Tập. Tỉnh này đóng vai trò như một bước đệm trên con đường dẫn đến đỉnh cao quyền lực của ông. Sau khi giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Chiết Giang, ông tiếp tục với chức Bí thư Thành uỷ Thượng Hải, rồi chuyển đến Bắc Kinh để tham gia Ban Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan ra quyết định hàng đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

 

 

Chung Thiểm Thiểm ở Bắc Kinh vào năm 2013. Người giàu nhất Trung Quốc bán loại nước đóng chai có nắp mà một số nhân vật có ảnh hưởng trên mạng xã hội cho rằng gợi nhớ đến lá cờ của Nhật Bản. (Ảnh chụp bởi Getty Images)

 

 

Trên chai trà xanh của Nông Phu Sơn Tuyền có dòng chữ giải thích rằng: vào năm 1267, nhà sư người Nhật Bản Nam Phố Thiệu Minh (Nampo Jomyo) đã theo học Phật giáo và trà đạo tại Chùa Cảnh Sơn ở Chiết Giang. Khi trở về Nhật Bản, ông đã giới thiệu cách hấp trà xanh cho người dân quê mình, từ đó tạo nên loại trà xanh bột matcha của Nhật Bản.

 

Nam Phố Thiệu Minh sinh ra ở vùng đất mà ngày nay là Tỉnh Shizuoka, nằm phía tây nam Tokyo, vốn là vùng sản xuất trà hàng đầu Nhật Bản. Ông đến Trung Quốc vào thời nhà Tống (960 – 1279) để tu tập Phật giáo, rồi sau đó mang các loại ấm chén trà đạo và sách vở liên quan từ Chùa Cảnh Sơn, cũng như các phong tục liên quan đến trà của Trung Quốc đại lục, như các cuộc thi thưởng trà và tiệc trà, về giới thiệu tại Nhật Bản.

 

 

 

Những chai trà xanh này đã gây tranh cãi ở Trung Quốc khi một số người dùng mạng xã hội chế giễu phần nhãn hoặc nắp chai, cho rằng chúng là cách tỏ lòng tôn trọng Nhật Bản. (Ảnh của Katsuji Nakazawa)

 

 

 

Sản phẩm trà này sao có thể là “tâng bốc” Nhật Bản? Bởi lời văn trên nhãn chai nghe giống như lời ngợi ca văn hóa Trung Quốc hơn.

 

Sử dụng Chùa Cảnh Sơn và Nông Phu Sơn Tuyền để bài Nhật quả là cách làm hẹp hòi và kỳ quái, đặc biệt là khi xét đến ý nghĩa chính trị của ngôi chùa.

 

Một bài báo trực tuyến mà Nikkei đăng cách đây 12 năm sẽ giúp giải thích lý do. Cụ thể, nó viết rằng người dân địa phương đã nói về việc Tập Cận Bình thường xuyên đến ngôi chùa nằm ở khu vực miền núi ngoại ô Hàng Châu, thủ phủ Chiết Giang.

 

“Ông ấy thích đến thăm [Chùa Cảnh Sơn] và nói rằng làm như vậy sẽ giúp mình được thăng chức,” một cư dân địa phương nói. “Tôi chắc chắn rằng khu vực xung quanh đây sẽ phát triển hơn trong tương lai.”

 

Sau khi giữ chức Tỉnh trưởng Phúc Kiến, Tập chuyển đến Chiết Giang vào năm 2002 để đảm nhiệm chức Bí thư Tỉnh ủy, chức vụ cao nhất của địa phương, trong khoảng sáu năm. Bài báo được viết trước khi Tập trở thành Tổng Bí thư vào năm 2012.

 

Vào thời điểm đó, người dân Hàng Châu đã nói về tham vọng của Tập một cách trân trọng, qua đó thể hiện quyền tự do mà ngày nay không thể tưởng tượng được. Với quyền lực tuyệt đối hiện nằm trong tay Tập, chẳng còn ai dám hé răng nói về những câu chuyện trong giai đoạn đầu sự nghiệp của ông, bởi làm vậy có thể dẫn tới sự trừng phạt ngay lập tức.

 

Là một vị khách thường xuyên đến viếng Chùa Cảnh Sơn để cầu may, Tập có lẽ cũng biết về mối liên hệ lịch sử giữa ngôi chùa Trung Quốc và Nhật Bản. Do đó, những cư dân mạng Trung Quốc coi thường món trà của Nông Phu Sơn Tuyền cũng đang coi thường những lời mà Tập đã cầu xin ở ngôi chùa và sau đó đã được toại nguyện.

 

Trong bài phát biểu tại sự kiện trao đổi văn hóa Trung-Nhật ở Bắc Kinh vào năm 2015, Tập đã đề cập đến một câu chuyện tương tự – và không kém phần thú vị – liên quan đến lịch sử trao đổi văn hóa giữa hai nước.

 

“Khi tôi đang làm việc ở Phúc Kiến,” Tập nói vào thời điểm đó, “tôi đã từng nghe về hành trình đến Nhật Bản của vị thiền sư nổi tiếng Ẩn Nguyên Long Kì (Ingen) vào thế kỷ 17. Ông ấy đã mang những giá trị văn hóa và công nghệ tiên tiến [đến Nhật Bản] và đóng góp cho sự phát triển kinh tế và xã hội của đất nước mặt trời mọc dưới thời Edo. Khi đến thăm Nhật Bản vào năm 2009, tôi đã ghé thăm Kitakyushu và nhiều nơi khác, tự mình cảm nhận được mối liên kết văn hóa và lịch sử khăng khít giữa nhân dân hai nước chúng ta.”

 

Theo các nguồn tin ở Phúc Kiến, Tập thường đến thăm Chùa Vạn Phúc ở Phúc Thanh trong suốt 17 năm ông sống ở tỉnh này. Vạn Phúc là ngôi chùa nơi Ẩn Nguyên Long Kì từng làm trụ trì trước khi đến Nhật Bản. Điều này cho thấy Tập rất tự hào về ảnh hưởng của Trung Quốc đối với văn hóa ẩm thực Nhật Bản.

 

 

Khi còn là Tỉnh trưởng Phúc Kiến, Tập Cận Bình (giữa) đã đến thăm một ngôi chùa có lịch sử chung với Nhật Bản. (Ảnh từ một cuộc triển lãm ở Phúc Kiến).

 

 

Ẩn Nguyên Long Kì sinh năm 1592 và mất năm 1673. Ông được cho là người đã giới thiệu đậu thận ingen mame, được đặt theo tên ông, đến Nhật Bản.

 

Vị thiền sư cũng giới thiệu sencha, một loại trà xanh, đến Nhật Bản, tác động đáng kể đến phong tục uống trà của người Nhật được phát triển trong thời Edo.

 

Dù Tập là lãnh đạo cao nhất của một đảng ủng hộ chủ nghĩa vô thần nhưng ông đã thể hiện sự hiểu biết về Phật giáo, vốn gắn bó chặt chẽ với lịch sử Trung Quốc. Ông đã thể hiện sự tôn trọng đối với hai ngôi chùa Trung Quốc có ảnh hưởng mạnh mẽ đến Nhật Bản.

 

 

Cư dân mạng Trung Quốc còn chỉ trích sản phẩm nước đóng chai của Nông Phu Sơn Tuyền vì nắp chai màu đỏ trông giống biểu tượng mặt trời đỏ trên lá cờ Nhật Bản khi nhìn từ trên cao.

 

Thật ngớ ngẩn. Bất kỳ chai nước nào có nắp màu đỏ đều trông giống như quốc kỳ Nhật Bản khi nhìn từ trên xuống. Mao Đài, loại rượu trắng (bạch tửu) cao cấp được quân đội Giải phóng Nhân dân ưa chuộng, cũng được đóng trong chai có nắp màu đỏ. Nhưng chưa bao giờ có lời chỉ trích rằng Mao Đài đang nịnh bợ Nhật Bản.

 

 

Một số người dùng mạng xã hội ở Trung Quốc tỏ ý phẫn nộ vì chiếc nắp chai này gợi nhớ đến lá cờ Nhật Bản. (Ảnh của Katsuji Nakazawa)

 

 

Tại sao một số cư dân mạng Trung Quốc lại dễ dàng cáo buộc các công ty của họ thân Nhật Bản và tham gia tích cực vào những đợt bài Nhật?

 

Một lý do là môi trường chính trị, vốn đã không thay đổi trong nhiều năm. Tháng 09/2012, các cuộc biểu tình chống Nhật dữ dội đã xảy ra khắp Trung Quốc, khiến cơ sở của một số công ty Nhật Bản trở thành mục tiêu bị phá hoại. Chính phủ Trung Quốc đã giật dây đằng sau hậu trường.

 

Những cuộc biểu tình chống Nhật đó diễn ra chỉ vài tháng trước khi Tập trở thành Tổng Bí thư tại đại hội toàn quốc của đảng vào tháng 11/2012.

 

Mười hai năm trôi qua, tình cảm chống Nhật vẫn được duy trì mạnh mẽ, và việc tấn công Nhật Bản trở thành cách an toàn nhất về mặt chính trị để mọi người trút bỏ nỗi thất vọng của mình.

 

Ngoài ra, những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội Trung Quốc thường xuyên đăng tải các bài viết, hình ảnh, và video liên quan đến việc chỉ trích Nhật Bản để tăng mức độ nổi tiếng của họ. Càng thu hút được nhiều người hâm mộ, họ càng nhận được nhiều quảng cáo và doanh thu khác.

 

Đợt chỉ trích gần đây diễn ra trong thời kỳ hoàng kim của thương mại điện tử qua kênh phát trực tiếp ở Trung Quốc, và việc chỉ trích Nhật Bản có thể dễ dàng chuyển thành lợi ích thương mại.

 

Hành động chỉ trích Nhật Bản khó có thể bị trừng phạt về mặt chính trị ở Trung Quốc. Nếu chính quyền thẳng tay trấn áp việc chỉ trích Nhật Bản trên mạng, chính họ có thể trở thành mục tiêu chỉ trích của cư dân mạng Trung Quốc.

 

“Việc bất ngờ vùi dập Nông Phu Sơn Tuyền và Nhật Bản, vốn không nhất thiết dựa trên sự thật, đều có mục đích thương mại,” một chuyên gia truyền thông đã phân tích cấu trúc xã hội Trung Quốc suốt nhiều năm cho biết. “Những người nhận [thông tin trên mạng xã hội] xem việc chỉ trích Nhật Bản như một hình thức giải trí. Điều này phản ánh thực tế về xã hội internet phức tạp của Trung Quốc.”

 

 

Tình hình có vẻ khá vô vọng.

 

Tuy nhiên, giữa làn sóng chỉ trích, một số người Trung Quốc đang bắt đầu đánh giá lại Nhật Bản theo hướng tích cực. Trong những năm gần đây, số lượng trí thức và doanh nhân Trung Quốc đến thăm và định cư tại Nhật Bản đã tăng lên đáng kể. Dù thông tin hiếm khi được công bố, nhưng các doanh nhân nổi tiếng đều nằm trong nhóm này.

 

Điều quan trọng là xu hướng này cuối cùng sẽ ảnh hưởng như thế nào đến mối quan hệ Trung-Nhật?

 

Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.

 

(nghiencuuquocte.org)