Con dấu đóng trên sổ thông hành có thể dấu ấn kỷ niệm những chuyến du hành ra nước ngoài của một số người. Ảnh: Getty / ak_phuong
Ngày càng có nhiều quốc gia ngừng đóng dấu vào sổ thông hành khi làm thủ tục xuất nhập cảnh. Nguyên do vì đâu?
Những con dấu sổ thông hành với ngày tháng cùng các biểu tượng và ký hiệu đặc biệt, đối với một số người chỉ là mực in trên giấy, nhưng với một số người khác thì lại là kỷ niệm cho những chuyến đi xa.
Nhưng những con dấu này có thể sẽ sớm trở thành quá khứ.
Hầu hết các quốc gia thành viên Liên minh Âu Châu đang chuẩn bị ngừng đóng dấu sổ thông hành vào cuối năm nay, trong nỗ lực cải thiện quy trình xuất nhập cảnh.
Hệ thống máy tính đã theo dõi hoạt động di chuyển của hành khách trong nhiều thập kỷ nhưng con dấu cao su vẫn là dấu hiệu vật lý cho thấy một người đã nhập cư vào một quốc gia. Nguồn: Getty / gchutka
Úc, Israel và Argentina nằm trong số các quốc gia không còn dựa vào phương pháp đóng dấu sổ thông hành truyền thống đã có từ hơn 150 năm trước.
Các quốc gia khác như Hoa Kỳ và Vương quốc Anh chỉ đóng dấu khi nhập cảnh nhưng không đóng dấu khi xuất cảnh.
Cổng điện tử giúp rút ngắn thời gian làm thủ tục
Úc đã ngừng đóng dấu sổ thông hành từ năm 2012.
Thay vào đó, nước này cấp visa điện tử và ghi nhận các thông tin xuất nhập cảnh của hành khách dưới dạng kỹ thuật số.
Các sân bay áp dụng hệ thống kiểm soát biên giới tự động và sử dụng SmartGates để xác nhận danh tính của một người thông qua sổ thông hành có gắn chip điện tử.
Trang web của Lực lượng Bảo vệ Biên giới Úc viết: “Chúng tôi không còn đóng dấu sổ thông hành Úc, nhưng nếu bạn cần bằng chứng về chuyến đi, bạn có thể yêu cầu một trong những nhân viên của chúng tôi làm như vậy.”
Ông James Kavanagh, Giám đốc điều hành Flight Centre Travel Group, cho biết trong khi một số quốc gia vẫn yêu cầu đóng dấu sổ thông hành làm bằng chứng xuất nhập cảnh, thì ngày càng có nhiều quốc gia áp dụng hệ thống kiểm soát biên giới tự động.
sổ thông hành không chỉ là hồ sơ du lịch mà còn là lời nhắc nhở về những kỷ niệm trong suốt chuyến đi. Ảnh: Getty / Jerry Redfern
Ông nói, “Với các biện pháp an ninh được tăng cường và hàng đợi dài hơn tại một số sân bay, cổng điện tử là một cải tiến đáng hoan nghênh đối với trải nghiệm của du khách.”
Ông Kavanagh cho biết những người muốn có con dấu sổ thông hành khi nhập cảnh hoặc xuất cảnh Úc vẫn có thể xin được.
Ông nói “Đối với những người xem sổ thông hành như là nơi lưu lại những chuyến đi vòng quanh thế giới của mình, đừng lo lắng, bạn vẫn có thể yêu cầu đóng dấu sổ thông hành tại Úc”.
Hệ thống sổ thông hành mới của Liên minh Âu Châu
Hệ thống Nhập cảnh/Xuất cảnh (EES) dự kiến sẽ được khai triển tại hầu hết các quốc gia thành viên Liên minh Âu Châu (EU) vào cuối năm 2024.
Hai mươi lăm trong số 29 quốc gia thành viên EU, cùng với Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sĩ, đã đăng ký EES. Riêng Cyprus và Ireland sẽ tiếp tục đóng dấu sổ thông hành theo cách truyền thống.
Theo EU, việc tự động hóa các thủ tục xuất nhập cảnh sẽ mang lại một số lợi ích ngoài việc giúp quy trình hiệu quả hơn cho du khách.
Trang web của EU giải thích, “Nó giúp phát hiện du khách sử dụng danh tính hoặc sổ thông hành giả dễ dàng hơn. Cuối cùng, EES giúp ngăn ngừa, phát hiện và điều tra các hành vi phạm tội khủng bố hoặc các hành vi phạm tội nghiêm trọng khác.”
Tăng cường số hóa để kiểm soát sổ thông hành
Singapore đã ngừng đóng dấu sổ thông hành từ năm 2019, và đã tiến thêm một bước nữa vào năm ngoái, khi thông qua luật cho phép du lịch không cần sổ thông hành qua sân bay Changi.
Quốc gia này muốn giảm thời gian chờ đợi và tình trạng tắc nghẽn tại một trong những sân bay bận rộn nhất thế giới, bằng cách sử dụng dữ liệu sinh trắc học để nhận dạng hành khách ở các khu vực khác nhau của sân bay.
Ông Kavanagh dự đoán nhiều quốc gia khác có thể làm theo Singapore.
Ông nói “Khi công nghệ phát triển, chúng ta hoàn toàn có thể trông đợi nhu cầu về sổ thông hành giấy sẽ giảm đi, nếu không muốn nói là hoàn toàn biến mất,”
“Một cách du lịch nhanh hơn, suôn sẻ hơn đang ở ngay trước mắt khi quá trình số hóa phát triển và sổ thông hành (passport) giấy cùng quy trình giải quyết thủ công trở thành dĩ vãng.”
“Sẽ không lâu nữa trước khi tất cả chúng ta đều mang theo sổ thông hành kỹ thuật số trên điện thoại hoặc thiết bị điện tử của mình, hoặc tiến xa hơn nữa, sinh trắc học trở nên tinh vi đến mức chúng ta không cần sổ thông hành nữa.”
Sinh trắc học là các số đo sinh học hoặc đặc điểm vật lý — chẳng hạn như số đo khuôn mặt hoặc dấu vân tay — có thể được sử dụng để nhận dạng một người.
Khảo sát về thái độ của công chúng Úc đối với quyền riêng tư năm 2023 của chính phủ liên bang phát hiện ra rằng, mặc dù người Úc lo ngại về việc sử dụng dữ liệu như vậy trong một số tình huống nhất định, nhưng cứ ba người Úc thì có hai người cảm thấy thoải mái khi sử dụng thông tin sinh trắc học của họ để làm thủ tục xuất nhập cảnh tại sân bay.
Một số con dấu sổ thông hành độc đáo trên thế giới
Trong khi nhiều con dấu sổ thông hành chỉ bao gồm ngày tháng được in trong một hình chữ nhật hoặc hình bầu dục và tên quốc gia hoặc sân bay, một số con dấu khác có nhiều chi tiết hơn một chút.
Nhiều quốc gia theo chế độ quân chủ có họa tiết vương miện, trong khi nhiều con dấu có biểu tượng về phương tiện di chuyển, chẳng hạn như xe lửa hoặc máy bay.
Những du khách ghé thăm các đảo Caribe của Hà Lan có thể có con dấu sổ thông hành được trang trí với biểu tượng cây cọ hoặc chim hồng hạc, những người đã đến Mauritius có thể có hình một con chim dodo trên trang sổ thông hành của họ, trong khi con dấu sổ thông hành của Palau có hình dạng giống như một con sứa.
Con dấu sổ thông hành Seychelles nổi bật so với những con dấu khác vì có hình dạng giống như quả dừa coco de mer.
Mặc dù thủ tục xuất nhập cảnh ngày càng ít phụ thuộc vào giấy tờ hơn, nhưng các quy định nghiêm ngặt về tình trạng sổ thông hành vẫn được áp dụng.
Trong những năm gần đây, một số địa danh nổi tiếng trên thế giới như Machu Picchu ở Peru và Trạm kiểm soát Charlie ở Đức đã cung cấp dịch vụ đóng dấu sổ thông hành cho khách du lịch.
Con dấu sổ thông hành lưu niệm được trao tại những nơi như Trạm kiểm soát Charlie, một điểm giao cắt giữa Tây Berlin và Đông Berlin trong Chiến tranh Lạnh, có thể gây ra vấn đề cho người sở hữu sổ thông hành ở một số quốc gia. Nguồn: Getty / picture alliance
Chính quyền ở nhiều quốc gia, bao gồm cả Úc, cảnh báo du khách không nên thu thập những con dấu không chính thức như vậy.
Văn phòng Giấy Thông Hành Úc cho biết, “Ngay cả những hư hỏng hoặc thay đổi nhỏ cũng có thể làm mất hiệu lực sổ thông hành của bạn và khiến bạn không được phép đi du lịch,”
Trang web của Văn phòng nêu rõ điều quan trọng là “không có trang nào bị thay đổi hoặc bị mất, rách, cắt, có vết bẩn hoặc đổi màu, tem lưu niệm, dấu hoặc chữ viết”.