Bộ trưởng Tài Chính Đức Christian Lindner (T), bộ trưởng Kinh tế và Bảo vệ Khí hậu Robert Habeck (G) và thủ tướng Chancellor Olaf Scholz trong một cuộc họp Quốc Hội, Berlin, 13/12/2023. AP - Michael Kappeler

 

 

ÂU CHÂU - Là một trong những nước Âu Châu hàng đầu đóng góp viện trợ quân sự cho Ukraina, nước Đức vừa quyết định giảm nửa khoản tiền viện trợ trong năm tới cho Kiev.

 

Vào thời điểm gặp khó khăn trên chiến trường miền đông và quân đội Ukraina đang tiến hành một cuộc tấn công xâm nhập đầy rủi ro vào tỉnh biên giới Kursk của Nga, Đức đã thông báo cắt giảm mạnh nguồn viện trợ quân sự mới cho Ukraina. Các khoản tín dụng đã thông qua vẫn sẽ được thực hiện. Giới quan sát nhận thấy dấu hiệu dường như Berlin bắt đầu thoái thác dần trách nhiệm hậu thuẫn Kiev.

 

Nhật báo Đức Frankfurter Allgemeine Sonntagszeitung hôm thứ Bảy 17/08/2024 xác nhận, sau một cuộc thảo luận về ngân sách đầy khó khăn, chính phủ Đức quyết định ngân khoản viện trợ quân sự bổ sung cho Ukraina cho năm 2025 sẽ chỉ còn 4 tỷ euro, giảm một nửa so với con số của năm 2024. Theo báo Đức, Berlin còn dự tính tiếp tục hạ dần mức trần viện trợ cho Ukraina trong những năm tiếp theo, dự kiến 2026 còn 3 tỷ, đến 2027 và 2028 sẽ chỉ còn một nửa tỷ euro mỗi năm.

 

Quyết định khá đột ngột của Đức được đưa ra vì lý do cân đối ngân sách, đối phó với nguy cơ thâm hụt tài chính. Động thái của chính phủ Olaf Scholz chắc chắn sẽ thu hút sự quan tâm đặc biệt của Kiev và Matxcơva cũng như những nước giàu có ở Âu châu đang cùng với Hoa Kỳ gánh vác hậu thuẫn cho cuộc chiến của Ukraina chống Nga xâm lược từ hơn 2 năm nay.

 

Theo tính toán của Viện Nghiên cứu Kinh tế Thế giới của Đức Kiel, từ đầu cuộc chiến tranh Ukraina đến hết tháng 6 năm nay, khoản đóng góp hỗ trợ quân sự của Đức là 14,69 tỷ euro viện trợ trực tiếp và 8,87 tỷ thông qua các quỹ của Âu châu. Tuy khoản tiền này không thể so với 75 tỷ euro của Hoa Kỳ nhưng vẫn cao hơn nhiều đóng góp của các đồng minh khác như Anh hay Pháp. So với tỷ lệ GDP thì Đức vẫn là nhà tài trợ hào phóng hàng đầu trong các nước phương Tây.

 

Nhìn vào bảng thống kê các thiết bị quân sự cho Kiev, được viện Kiel công bố trên trạng mạng của mình thì thấy Đức đã cung cấp cho Ukraina 8 giàn phóng rốc-két đa nòng, 73 xe tăng hạng năng Leopard, 26 khẩu đội chống tên lửa đất đối không. Đức đã cung cấp 1/3 trong số các hệ thống phòng không đắt tiền cho Ukraina. 

 

Viện trợ quân sự của Đức là không hề nhỏ, nhu cầu của Ukraina là cấp bách. Sự thay đổi của chính phủ Đức này là một đòn nặng nề đối với chính quyền Volodymyr Zelensky, luôn kêu gọi được cấp thêm các vũ khí hiện đại để chống đỡ với các cuộc tập kích bằng tên lửa và drone của Nga, diễn ra gần như hàng ngày suốt nhiều tháng nay.

 

Ngay hôm thứ Bảy vừa rồi, đại sứ Ukraina tại Đức, Oleksii Makeiev đã tỏ rõ lo lắng khi tuyên bố với báo chí rằng : « An ninh của Âu châu phụ thuộc vào khả năng và quyết tâm chính trị của Đức tiếp tục đóng vai trò hàng đầu trong hậu thuẫn cho Ukraina ».

 

Không thể nói Berlin hết quyết tâm chính trị hậu thuẫn cho Kiev. Dường như đây là vấn đề chủ yếu mang tính nội bộ của chính nước Đức. Theo truyền thông Đức, ngân sách của Đức vẫn có nguy cơ bị thâm hụt 12 tỷ euro. Từ năm 2011, vấn đề ngăn chặn thâm hụt chi tiêu đã được quy định trong Hiến pháp Đức, theo đó không được phép vượt quá 0,35% GDP hàng năm, trừ trường hợp có khủng hoảng lớn. Trong khi đó, chính phủ của Olaf Scholz là chính phủ liên minh ba đảng. Cân đối ngân sách quốc gia luôn là vấn đề gai góc, gây nhiều tranh cãi, là cơ hội để các đảng tấn công nhau, vì thế thường phải tìm những thỏa hiệp nhất định. Đặc biệt, trong bối cảnh nước Đức đang chuẩn bị bước vào kỳ bầu cử cấp vùng.

 

Trên phương diện đối ngoại, nhiều nhà phân tích cho rằng việc cắt giảm nguồn lực hỗ trợ cho Kiev, một cách gián tiếp đó cũng là cách để Berlin đặt trách nhiệm hỗ trợ Ukraina đối với các đồng minh khác, chẳng hạn như Pháp vẫn luôn bị Berlin chỉ trích là nói nhiều nhưng chẳng cho được bao nhiêu.

 

(Theo RFI)