Trong một cuộc biểu tình phản đối việc nhập nội tạng người từ Trung Quốc sang Áo vào ngày 1 tháng 10 năm 2018, các học viên Pháp Luân Công ở Vienna, Áo đã tái hiện cảnh Đảng Cộng sản Trung Quốc mổ cướp nội tạng sống của các học viên bị cầm tù. (JOE KLAMAR/AFP / Getty Images)

 

 

 

 

QUỐC TẾ - Một chuyên gia ghép tạng người Úc đã cảnh báo các bệnh viện và trường đại học trên thế giới ngừng đào tạo bác sĩ phẫu thuật từ Trung Quốc, vì lo ngại họ có thể tham gia vào hoạt động mổ cướp nội tạng bất hợp pháp khi trở về nước.

 

 

Giáo sư Russell Strong AC cho biết, các bác sĩ phẫu thuật Trung Quốc được đào tạo y tế ở phương Tây có thể sử dụng những kiến thức và kỹ năng họ đã học để tham gia vào chiến dịch mổ cướp nội tạng người khi họ trở về Trung Quốc.

 

 

Trao đổi với Daily Mail Australia, Giáo sư Strong cho biết: “Các bệnh viện và trường đại học nên ngừng tiếp nhận và đào tạo bất kỳ bác sĩ phẫu thuật nào từ Trung Quốc, không chỉ để cấy ghép, [mà với] bất kỳ bác sĩ phẫu thuật nào vì các bác sĩ Trung Quốc biết điều gì đang xảy ra và họ đang che đậy tất cả những điều này”.

 

 

 

Một người phục vụ mặc trang phục của loạt phim Netflix Squid Game cầm thẻ trong khi chơi trò chơi để thu hút khách hàng tại một quán cà phê ở Jakarta vào ngày 19/10/2021. (Ảnh của Adek Berry / AFP qua Getty Images)

 

 

 

 

Là một bác sĩ phẫu thuật nổi tiếng thế giới chuyên về phẫu thuật gan, giáo sư Strong đã thực hiện thành công ca ghép gan đầu tiên của Úc vào năm 1985. Ông đã được Nữ hoàng Elizabeth vinh danh là Companion of the Order - Người đồng hành của Dòng Thánh St Michael và Thánh St George vào năm 1987. Ông cũng nhận được sự công nhận vinh dự cao nhất của Úc là Companion of the Order of Australia (AC) vào năm 2001.

 

 

Giáo sư Strong tin rằng, các hãng truyền thông lớn đã rất thiếu sót khi không đưa tin về các nguồn tin đáng tin cậy liên quan đến nạn cưỡng bức mổ cướp nội tạng ở Trung Quốc. Ông lập luận: “Tôi nghĩ rằng, các phương tiện truyền thông chính thống đã thực sự thất bại trong việc đưa tin về những hành động tàn bạo đang diễn ra, và đã không kết nối được những người của thế giới tự do với các nạn nhân của nạn cưỡng bức mổ cướp nội tạng ở Trung Quốc”.

 

 

Vị giáo sư nhấn mạnh: “Tất cả đều liên quan đến tiền. Đó là tiền thay vì nhân quyền và việc vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc là một thứ ngoại lai.[...] Đã đến lúc chúng ta phải thức tỉnh ở đất nước này và ngừng quỳ lạy Trung Quốc”.

 

 

Khi đưa ra quan điểm của mình, ông Strong đã so sánh vấn đề với mạch truyện phụ của bộ phim truyền hình Netflix nổi tiếng của Hàn Quốc - "Squid Game". Bộ phim kể lại câu chuyện ​​các nhân vật cạnh tranh trong trò chơi sinh tử, trong khi sống trong những hoàn cảnh bị kiểm soát cực kỳ nghiêm ngặt, trong một cơ sở bị tách biệt với thế giới bên ngoài. Những nhân vật thua cuộc đã bị giết và một số người bị bí mật mổ lấy nội tạng để bán ở chợ đen.

 

 

Theo các phát hiện của các báo cáo viên đặc biệt thuộc Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc (Office of the U.N. High Commissioner for Human Rights - OHCHR) vào tháng Sáu, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã “nhắm mục tiêu vào các nhóm dân tộc thiểu số, ngôn ngữ hoặc tôn giáo cụ thể bị giam giữ” để cưỡng bức thu hoạch nội tạng của họ.

 

 

Tuyên bố của Liên Hợp Quốc khẳng định: “Các chuyên gia nhân quyền của Liên Hợp Quốc hôm nay cho biết, họ vô cùng lo lắng trước các báo cáo về cáo buộc ‘mổ cướp nội tạng’ nhắm vào người thiểu số, bao gồm các học viên Pháp Luân Công, người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng, người Hồi giáo và Cơ đốc nhân đang bị giam giữ ở Trung Quốc”.

 

Họ cho biết: “Kết quả của các cuộc kiểm tra được báo cáo được đăng ký trong cơ sở dữ liệu về các nguồn nội tạng sống, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phân bổ nội tạng. Theo các cáo buộc nhận được, các bộ phận nội tạng phổ biến nhất được lấy ra từ các tù nhân được cho là tim, thận, gan, giác mạc và ít phổ biến hơn là các bộ phận của gan”.

 

 

 

 

Ngài Geoffrey Nice QC, chủ tịch Tòa án Trung Quốc điều tra vấn đề cưỡng bức mổ cướp nội tạng vào ngày đầu tiên của phiên điều trần công khai, London, Vương quốc Anh, ngày 8/12/2018. (Justin Palmer)

 

 

 

Vào tháng 3/2020, Tòa án xét xử Trung Quốc có trụ sở tại Luân Đôn đã kết luận rằng, nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng vẫn đang diễn ra ở Trung Quốc “trên quy mô đáng kể”. Các học viên Pháp Luân Công là nguồn cung nội tạng sống chính cho hành vi man rợ này.

 

 

Pháp Luân Công, hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một pháp môn tu luyện thân và tâm từ truyền thống Phật giáo, bao gồm các bài tập thiền định và các bài giảng đạo đức tập trung vào các nguyên lý Chân - Thiện - Nhẫn.

 

 

Ngành công nghiệp cưỡng bức thu hoạch nội tạng đẫm máu tại Trung Quốc trị giá khoảng 1 tỷ USD mỗi năm. Các nhóm nhân quyền ước tính, có 60.000 đến 100.000 người mỗi năm trở thành nạn nhân của hành vi man rợ này. Bất chấp các bằng chứng, Bắc Kinh kiên quyết phủ nhận mọi liên quan đến việc cưỡng bức mổ cướp nội tạng, và coi tuyên bố của Liên Hợp Quốc là “bịa đặt” và “phỉ báng”.

 

 

 

Các học viên Pháp Luân Công tham gia cuộc diễu hành đánh dấu năm thứ 22 cuộc đàn áp Pháp Luân Công ở Trung Quốc, ở Brooklyn, New York, Mỹ, vào ngày 18/7/2021. (Chung I Ho / The Epoch Times)

 

 

 

 

Tiến sĩ Torsten Trey - giám đốc điều hành của tổ chức Bác sỹ Phản đối Cưỡng bức Mổ cướp Nội tạng (Doctor’s Against Forced Organ Harvesting - DAFOH) - lưu ý rằng, mặc dù Bắc Kinh phủ nhận và tuyên bố họ không tham gia vào việc cưỡng bức mổ cướp nội tạng, hoạt động cưỡng chế thu hoạch nội tạng từ các tù nhân đã có lịch sử lâu đời dưới chế độ cộng sản Trung Quốc.

 

 

Ông Trey cho biết, từ năm 1984, hành vi này chỉ giới hạn đối với các tù nhân bị hành quyết ở Trung Quốc. Việc này khiến cho số lượng các ca cấy ghép nội tạng ở nước này dừng ở mức thấp. Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi vào năm 2000 khi số ca cấy ghép tăng vọt. Tiến sỹ Trey nói: “Vì vốn chỉ có một số tội phạm nhất định và chịu án tử hình, nên trước năm 2000, số lượng ca cấy ghép bị đình trệ ở một mức độ nhất định. Sau năm 2000, số lượng ca cấy ghép tăng lên đáng kể mặc dù có nguồn nội tạng có vẻ hợp lý”.

 

 

Ông cho rằng, đây cũng là thời điểm mà số lượng tù nhân lương tâm cũng gia tăng đáng kể ở Trung Quốc. Theo ông, điều này có mối tương quan trực tiếp với sự gia tăng số lượng các ca cấy ghép tại đất nước đông dân nhất thế giới này.

 

 

Tiến sỹ Trey nói: “Ở một đất nước 1,4 tỷ dân, mạng sống của con người được xem như có thể thay thế trong mắt của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Một cái chết do bị tra tấn sẽ không được điều tra”.

 

 

Giống như Giáo sư Strong, ông Trey cũng nhận thấy mối tương quan với bộ phim truyền hình Squid Game của Netflix. Nhưng ông nghi ngờ về khả năng bộ phim sẽ thực sự phơi bày sự kinh hoàng thực sự của việc cưỡng bức mổ cướp nội tạng.

 

 

Ông đánh giá: “Chỉ riêng một chương trình có thể không đạt được hiệu ứng vì nó được coi như một câu chuyện hư cấu của một bộ phim, và bởi vì trên thực tế, việc cưỡng bức mổ cướp nội tạng từ người sống thật quá [man rợ] để được coi là có thật”.

(ntdvn.com - Theo Epoch Times tiếng Anh)