(Ảnh: nghiencuuquocte.org)
Nguồn: Tracy Wen Liu và Peter Guest, “How China’s ad-hoc tech pipeline fuels Russia’s Ukraine war efforts,” Nikkei Asia, 01/05/2024
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng (nghiencuuquocte.org)
Xem thêm: Phần 1
Khác với người Ukraine, người Nga không thể đăng nhập vào Amazon ở Ba Lan rồi mua máy bay không người lái. Nhưng ở Trung Quốc, những người Nga tìm kiếm linh kiện có thể hoạt động khá công khai, theo lời các thương nhân ở Trung Quốc, các chuyên viên nghiên cứu Ukraine, cũng như các nguồn tin ngoại giao Âu châu.
“Chúng ta có thể làm gì?”
Khác với người Ukraine, người Nga không thể đăng nhập vào Amazon ở Ba Lan rồi mua máy bay không người lái. Nhưng ở Trung Quốc, những người Nga tìm kiếm linh kiện có thể hoạt động khá công khai, theo lời các thương nhân ở Trung Quốc, các chuyên viên nghiên cứu Ukraine, cũng như các nguồn tin ngoại giao Âu châu.
Andrew (tên giả), một công dân Trung Quốc ở độ tuổi 40, đang là doanh nhân điều hành một công ty sản xuất máy bay không người lái ở Trung Quốc chuyên chế tạo các phương tiện bay không người lái được thiết kế để hoạt động trong môi trường khắc nghiệt. Chúng thường được sử dụng cho các hoạt động tìm kiếm cứu nạn, nhưng khả năng hoạt động bền bỉ của chúng cũng có nghĩa là chúng có thể dễ dàng được tái sử dụng cho các khu vực xung đột.
Trong năm đầu tiên sau khi Nga phát động cuộc xâm lược Ukraine, gần như hàng tuần, các doanh nhân Nga và người trung gian Trung Quốc đều tiếp cận Andrew và hỏi mua các sản phẩm của ông với mức giá cao hơn nhiều so với giá thị trường, đồng thời hứa sẽ phụ trách luôn cả khâu vận chuyển và phân phối.
Tuy nhiên, gần đây Andrew đã không còn được tiếp cận nhiều như trước. Ông cho rằng nguyên nhân là vì máy bay không người lái của ông được làm bằng vật liệu chất lượng cao và do đó đắt tiền. Ông nói, nhiều máy bay không người lái sử dụng trong chiến đấu được thiết kế để sử dụng một lần, vì vậy các sản phẩm của Andrew có thể không phải là lựa chọn khả thi nhất về mặt tài chính cho những ai muốn tái sử dụng chúng cho mục đích quân sự.
Máy bay không người lái do công ty sản xuất Trung Quốc DJI sản xuất đã được tái sử dụng cho chiến trường ở Ukraine. (Ảnh: AFP/ Jiji)
Andrew nói với Nikkei rằng ông đã từ chối tất cả những lời đề nghị từ Nga. Ông chủ yếu bán sản phẩm của mình cho phương Tây và đang lo lắng rằng bản thân có thể nằm trong danh sách trừng phạt. Andrew tiết lộ nhiều công ty sản xuất máy bay không người lái khác của Trung Quốc cũng ở trong tình trạng tương tự, và đang cố gắng sàng lọc hệ thống nhân viên và công ty phân phối để ngăn họ bán hàng cho người Nga. Năm 2022, công ty có trụ sở tại Thâm Quyến, DJI, công ty sản xuất máy bay không người lái chụp ảnh lớn nhất thế giới, đã chính thức cấm vận chuyển và sử dụng máy bay không người lái của họ tới Nga hoặc Ukraine. Tuy nhiên, các nguồn tin Ukraine cho biết máy bay không người lái DJI vẫn là vật dụng phổ biến trên chiến trường, được cả hai bên chiến tuyến vận hành. Năm ngoái, Nikkei Asia đã đến thăm trại huấn luyện đơn vị máy bay không người lái chính thức của lực lượng vũ trang Ukraine gần Kyiv và chứng kiến các tân binh huấn luyện bằng máy bay bốn cánh DJI Mavic.
Dù doanh nghiệp của Andrew đang gặp khó khăn do tình trạng kinh tế trì trệ ở Trung Quốc, ông vẫn kiên định với nguyên tắc không bán sản phẩm cho mục đích chiến đấu. “Tôi biết nếu mình không hợp tác kinh doanh với họ thì vẫn có rất nhiều người khác muốn hợp tác kinh doanh với họ,” ông nói. “Nhưng tôi không thể làm điều này, tôi không muốn sản phẩm của mình được sử dụng để giết người.”
Các công ty cung cấp và phân phối của Andrew dường như không có cùng suy nghĩ. Ông đã tìm thấy các bộ phận của máy bay không người lái của mình được bán ở Nga, bao gồm cả trên các trang thương mại điện tử.
Ông nói với Nikkei rằng rất khó để xác định nguyên nhân. Các công ty phần cứng Trung Quốc thường có chuỗi cung ứng được tối ưu hóa cao, bao gồm các công ty khác chuyên xây dựng hoặc tìm nguồn cung ứng linh kiện theo đơn đặt hàng, và nhiều công ty phân phối đóng vai trò trung gian. Có thể có tới bốn hoặc năm cấp độ phân phối trung gian giữa một công ty và thị trường.
Máy bay không người lái quân sự bay trên bãi tập ở quân khu Moscow trong bức ảnh này công bố ngày 20/4. (Bộ Quốc phòng Nga / Reuters)
Một số công ty phân phối có các công ty vỏ bọc được đăng ký bên ngoài Trung Quốc, khiến việc truy tìm xem ai trong chuỗi cung ứng đang chuyển linh kiện sang Nga trở nên rất tốn kém và phức tạp đối với các doanh nhân như Andrew. Ngoài ra, một số linh kiện máy bay không người lái đang được bán ở Nga thực chất là hàng giả do các nhà máy nhỏ hơn ở Trung Quốc sản xuất, sao chép thiết kế của Andrew, nhưng sử dụng vật liệu rẻ hơn.
“Thế giới sao lại ngày càng chia rẽ thế? Khi tôi thành lập công ty của mình gần 10 năm trước, tôi cảm thấy như cả thế giới đang xích lại gần nhau hơn,” Andrew nói. “Nhưng không có phương pháp sàng lọc và kiểm soát nào tốt hơn. Các công ty phân phối của chúng tôi cũng muốn kiếm tiền, vậy chúng tôi có thể làm gì khác? Chúng tôi không thể ngừng sản xuất chỉ vì sợ máy bay không người lái của mình sẽ bị sử dụng trên chiến trường.”
Nhắm mắt làm ngơ
Đối với những thương nhân giao dịch như Hank, những người không cần phải lo lắng về việc bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các biện pháp trừng phạt – vì họ không dính tới hệ thống tài chính Mỹ và cũng không làm việc với những đối tác có liên quan đến hệ thống này – thì việc bán hàng sang Nga chẳng có gì là nguy hiểm, mà lại mang về rất nhiều tiền.
Thành công trong thế giới thương mại điện tử khốc liệt của Trung Quốc đồng nghĩa với việc xây dựng các chuỗi cung ứng hiệu quả cao, hợp lý hóa dịch vụ khách hàng, và liên tục tung ra các mánh lới bán hàng, khuyến mãi, và quảng cáo để đưa sản phẩm đến tay khách hàng. Khi thâm nhập vào thị trường Nga vẫn còn tương đối đơn giản, các công ty bán hàng Trung Quốc có lợi thế rất lớn so với các đối tác địa phương. Mùa thu năm 2022, đã có lúc Hank là một trong năm công ty bán hàng hàng đầu trong lĩnh vực phần cứng máy tính trên Ozon.
Ozon là một trang web thương mại điện tử phổ biến ở Nga. Các công ty cung cấp công nghệ nhạy cảm của Trung Quốc đã tìm thấy thị trường sẵn sàng đón chào sản phẩm của họ trên trang web này và nhiều trang web khác ở Nga. (Ảnh của Suzu Takahashi)
Ozon, được niêm yết trên Nasdaq vào năm 2020 và hủy niêm yết vào năm ngoái, đã tích cực thu hút các công ty bán hàng Trung Quốc. Công ty này đã mở văn phòng tại Thâm Quyến vào tháng 11/2022 và đầu tư vào hậu cần để cắt giảm thời gian giao hàng qua biên giới. Vào thời điểm đó, Ozon cho biết 90% tổng số sản phẩm được bán trên nền tảng Ozon Global, nền tảng dành cho các đơn đặt hàng quốc tế, đều đến từ công ty bán hàng Trung Quốc. Kể từ quý 3 năm ngoái, Ozon đã hợp tác với công ty thương mại điện tử Trung Quốc JD Logistics để rút ngắn thời gian vận chuyển từ kho hàng ở Trung Quốc đến khách hàng Nga.
Tuy nhiên, dù vẫn thu hút các công ty bán hàng Trung Quốc, Ozon cho biết họ đã tích cực kiểm soát người bán để loại bỏ những hàng hóa chịu lệnh trừng phạt quốc tế. “Ozon Global cấm bán chip máy tính và bất kỳ mặt hàng nào khác chịu sự kiểm soát xuất cảng của Mỹ và EU,” công ty cho biết trong một tuyên bố với Nikkei, đồng thời nói thêm rằng họ sử dụng cả quy trình học máy lẫn phương pháp thủ công để bảo đảm sự tuân thủ và bảo đảm người bán không cố gắng thay thế các mặt hàng đã được phê duyệt bằng những mặt hàng bị cấm.
Về mặt chính thức, Trung Quốc là một nước trung lập trong cuộc xung đột ở Ukraine, nhưng Bắc Kinh và Moscow vẫn tiếp tục tăng cường quan hệ chính trị và kinh tế kể từ cuộc xâm lược. Bắc Kinh không cung cấp đạn dược một cách tích cực cho Nga, nhưng dường như đang nhắm mắt làm ngơ trước các công nghệ lưỡng dụng. Các chuyên gia cho rằng đây là một lằn ranh rất mong manh – vẫn có nguy cơ các nước khác thắt chặt hơn nữa các hạn chế xuất cảng công nghệ sang Trung Quốc, hoặc các thực thể Trung Quốc, như ngân hàng hoặc công ty thương mại, có thể nằm trong danh sách trừng phạt. Các nhà lãnh đạo chính trị Âu châu đã chỉ trích Trung Quốc nặng nề vì những gì họ coi là sự ủng hộ ngầm của nước này dành cho Nga. Vào tháng 4, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen khẳng định rằng chính phủ Mỹ sẵn sàng trừng phạt các ngân hàng và công ty Trung Quốc nếu họ hỗ trợ Nga trong cuộc xâm lược Ukraine.
Tuy nhiên, thay vì phản đối các lệnh trừng phạt, các quan chức Trung Quốc lại cam kết tăng cường quan hệ với Nga. Tại một cuộc họp báo vào tháng 3, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố rằng “Trung Quốc và Nga đã tạo dựng một mô hình mới về quan hệ giữa các cường quốc, tuân theo tình láng giềng tốt đẹp lâu dài đồng thời tăng cường hợp tác chiến lược toàn diện trên cơ sở không liên kết, không đối đầu, và không nhắm mục tiêu vào bên thứ ba.”
Sau khi Âu châu và Mỹ phần lớn đã ngừng kinh doanh với Nga, các công ty Trung Quốc đã tìm cách lấp đầy khoảng trống. Trong ảnh, những chiếc xe hơi chờ được chuyển đi từ Cảng Yên Đài, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc vào ngày 12/4. © AP
Đề cập đến việc cung cấp công nghệ lưỡng dụng, Trang Gia Doanh, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Singapore, nhận định “Tôi nghĩ việc cho phép bán hàng hóa lưỡng dụng là một rủi ro mà có lẽ, chí ít là ở thời điểm hiện tại, chính phủ Trung Quốc vẫn có thể giải thích được. Cho đến nay, các công ty Trung Quốc đều tuyên bố rằng họ không biết về việc linh kiện của họ sẽ được chuyển đến Nga. Đúng là có bằng chứng cho thấy điều ngược lại. Nhưng họ vẫn tuyên bố như vậy.”
Và Trung Quốc có lý do chính đáng để khuyến khích – hoặc chí ít là không ngăn cản – dòng hàng hóa đến Nga. Thương mại giữa hai nước đã tăng vọt kể từ khi chiến tranh Ukraine bắt đầu. Dữ liệu do Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố vào tháng 1 cho thấy: trong năm 2023, tổng giá trị thương mại Trung-Nga là hơn 240 tỷ USD, tăng 26,3% so với năm trước. Điều này đã giúp thúc đẩy nền kinh tế đang suy yếu sau đại dịch COVID.
Trang nói: “Một phần là bởi vì Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thực sự cần tiền từ các doanh nghiệp này. Bên cạnh đó còn có yếu tố chính trị, theo nghĩa là nếu có một nước Nga ít nhiều có thể tự mình đứng vững và buộc Mỹ cùng các đồng minh của họ phải quan tâm đến, thì điều đó có thể làm giảm bớt một phần áp lực mà Trung Quốc tin rằng họ đang phải gánh chịu do cạnh tranh Mỹ-Trung.”
Xuất cảng của Trung Quốc sang Nga tăng vọt sau cuộc xâm lược Ukraine. (Tính bằng tỷ đô la) Nguồn: Trading Economics, dựa trên dữ liệu từ Cơ sở Dữ liệu Thống kê Thương mại Hàng hóa của Liên Hiệp Quốc.
Trừ phi có một sự leo thang kịch tính, chẳng hạn như việc Nga sử dụng vũ khí nguyên tử hoặc mở rộng xung đột theo cách buộc NATO phải tham chiến, lập trường đó khó có thể thay đổi.
Việc Trung Quốc sẵn sàng tiếp tục cho phép hàng hóa lưỡng dụng chảy vào Nga đang gây khó chịu cho Ukraine và những người ủng hộ họ, những người đang nỗ lực tìm kiếm những điểm gây áp lực đối với Bắc Kinh hoặc các công ty Trung Quốc. Áp lực ngoại giao có thể có tác dụng với Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, nhưng khó có thể thay đổi lập trường của chính phủ Trung Quốc. Điều đó có nghĩa là Nga có thể tiếp tục tái vũ trang và tiếp tục cuộc tấn công khốc liệt của mình, còn Ukraine sẽ cần thêm trang thiết bị của riêng mình để chống trả.
Snegovaya nói “Thật không may, tôi không thể ngay lập tức đưa ra kết luận rằng các lệnh trừng phạt đang làm suy yếu nghiêm trọng khả năng Nga làm tổn thương Ukraine. Trên thực tế, rất có khả năng các chiến dịch tấn công sẽ được củng cố và tăng cường. Đây là một thời khắc đen tối, nhưng tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta phải thừa nhận thực tế này và thực sự cố gắng tăng viện trợ cho Ukraine.”
“Tự bắn vào chân mình”
Quyết định ngừng bán hàng trên Ozon của Hank không đến từ các lệnh trừng phạt hay bất kỳ lo ngại nào về đạo đức. Ông nói rằng mình không kiếm đủ tiền sau khi nền tảng này tăng tỷ lệ hoa hồng. Đến cuối năm 2022, tỷ suất lợi nhuận của ông đã giảm gần một nửa, từ 18% khi bắt đầu chiến tranh xuống còn khoảng 10%.
Giao dịch ở Nga cũng đi kèm với các vấn đề khác. Hank cho biết thời gian giao hàng rất lâu và sản phẩm liên tục bị đánh cắp trong quá trình vận chuyển. Cuối năm 2022, ông đã bắt đầu xây dựng một doanh nghiệp bán lẻ trực tiếp ở Nga. Hiện tại, ông chọn cách trực tiếp vận chuyển sản phẩm của mình qua biên giới rồi bán chúng thông qua các công ty phân phối ở Nga, và từ bỏ hoàn toàn các nền tảng trực tuyến. Ông nói “Khi chúng tôi rút khỏi nền tảng bán hàng trực tuyến, chúng tôi hầu như không thể kiếm được lợi nhuận. Các đơn hàng trực tiếp đều mang lại lợi nhuận, tần suất đặt hàng rất cao và vốn quay vòng rất nhanh.”
Xe tăng Ukraine bắn phá các vị trí của Nga ở Donesk, miền đông Ukraine, ngày 29/02: Chừng nào dòng hàng hóa lưỡng dụng vào Nga còn tiếp tục, Ukraine sẽ còn cần thêm hỗ trợ quân sự từ các đồng minh. © AP
Khi bán các phần cứng và hệ thống máy tính đắt tiền trị giá hàng triệu nhân dân tệ, người mua Nga sẽ tới Trung Quốc để mua hàng và vận chuyển hàng qua biên giới. “Việc vận chuyển đã diễn ra suôn sẻ, theo luật nhập cảng song song mới được thực thi của chính phủ Nga,” Hank nói, đề cập đến đạo luật năm 2022 cho phép nhập cảng theo thị trường xám các mặt hàng có thương hiệu được mua từ nước ngoài mà không cần sự cho phép của chủ sở hữu tài sản trí tuệ.
Hank cho biết trung bình ông kiếm được từ 1 triệu đến 2 triệu nhân dân tệ (139.000 đến 278.000 USD) mỗi tháng ở Nga. Chẳng gì có thể thuyết phục ông hoặc những người khác ngừng các giao dịch này. Ông nói, ngay cả khi các lệnh trừng phạt được thắt chặt, các thương nhân Trung Quốc vẫn sẽ tìm ra cách để bán hàng sang Nga. “Khi Nga bị các nước phương Tây trừng phạt, họ sẽ thiếu hàng. Nếu thiếu thì họ sẽ tìm cách nhập từ nước khác,” Hank nói thẳng. “Vì Trung Quốc ở gần nên đương nhiên Nga sẽ nhập cảng nhiều sản phẩm từ Trung Quốc.”
Hank nói ông muốn thấy hòa bình và muốn thế giới này bớt ác độc hơn. Nhưng nếu các biện pháp trừng phạt không hiệu quả, thì chúng sẽ giống như “tự bắn vào chân mình,” ông nói, “Nếu các chính trị gia khôn ngoan muốn đạt được mục tiêu của mình, họ phải sử dụng những phương pháp chính xác và cứng rắn hơn.”
(Theo nghiencuuquocte.org)