Những người di cưu được cứu đưa lên thuyền sau khi tới Malaga, Tây Ban Nha. Nguồn: Getty

 

 

 

 

 

Các quan chức hàng đầu của Liên Âu (EU) đã thảo luận về cách giải quyết những thách thức cũng như trách nhiệm đối phó với di dân và người tị nạn chạy trốn khỏi xung đột và nghèo đói ở châu Phi, châu Á và Trung Đông. Tuy nhiên, tìm được tiếng nói chung trong giải quyết vấn đề di cư chưa bao giờ là điều dễ dàng đối với EU.

 

 

Người tỵ nạn và người di cư đến các bờ biển của châu Âu đã được xem là một vấn đề nan giải trong nhiều năm.

 

 

Bộ trưởng Nội vụ Anh, bà Priti Patel, được cho là đang cân nhắc việc quản thúc người tị nạn trên một hòn đảo xa xôi ở Nam Đại Tây Dương.

 

 

Trong cuộc phỏng vấn với người dẫn chương trình Nick Ferrari của Đài LBC London, bà Patel đã thừa nhận rằng nếu quay ngược thời gian thì cha mẹ ruột của bà từ Uganda cũng không được phép vào Anh theo các quy tắc nhập cư mới do bà đề xuất.Cha mẹ của bà Patel đã đến Vương quốc Anh từ Uganda trong những năm 1960, trước sự kiện nhà độc tài Idi Amin ra lệnh trục xuất hàng chục ngàn người gốc châu Á.

 

 

Đề cập hệ thống tính điểm nhập cư mới, bà Patel nói:

 

“Đây là một hệ thống rất khác với những gì đã xảy ra trong quá khứ, và là một hệ thống tính điểm dựa trên thị trường lao động.”

 

 

Nước Anh sẽ rời EU vào ngày 1/1/2021, trong khi phần còn lại của EU đang tìm cách đối phó với dòng người tị nạn vì nghèo đói và chiến tranh ở các khu vực khác trên thế giới. Năm 2018 đã có gần hai triệu rưỡi người nhập cư vào Liên Âu.

 

 

Một số quốc gia EU - đặc biệt là Hungary, Ba Lan, Slovakia và Cộng hòa Séc - tin rằng những người tị nạn nên được quản thúc bên ngoài lãnh thổ EU trong khi chờ xử lý đơn xin tị nạn. Nhưng chính sách đó đã dẫn đến tình trạng các trại tị nạn chật kín người với các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

 

 

Tại một hội nghị của EU, người đứng đầu Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), ông Antonio Vitorino nhắc nhở các quốc gia thành viên EU rằng việc tiếp cận chăm sóc sức khỏe cho những người dễ bị tổn thương nhất cũng là nhằm bảo đảm sức khỏe và an toàn cho cả cộng đồng.

 

 

Ông Antonio Vitorino nói “Trong đại dịch, như Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã nói, sẽ chẳng có ai an toàn cho đến khi mọi người đều an toàn. Vì vậy, việc tiếp cận chăm sóc sức khỏe cho người di cư ở các nước châu Âu là điều căn bản. Nhưng khi chúng ta có tin tức về vắc-xin, thách thức mà các quốc gia thành viên châu Âu phải đối mặt  là bảo đảm quyền tiếp cận vắc-xin cho tất cả mọi người, không chỉ cho công dân mà còn cho tất cả những người tị nạn đang ở châu Âu. Điều đó là để bảo vệ nhân quyền, và cũng vì sự an toàn, hạnh phúc của cả cộng đồng.”

 

 

Vào đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng người di cư năm 2015, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) nhận thấy trong số hơn một triệu người tị nạn từ Biển Địa Trung Hải phần lớn là người Syria, Afghanistan và Iraq. Số người chết trên biển đã tới mức kỷ lục vào tháng 4/2015, khi 5 chiếc thuyền chở khoảng 2,000 người di cư đến châu Âu bị chìm ở Địa Trung Hải, khiến hơn 1,200 người thiệt mạng.

 

 

Hồi tháng 5 năm nay, các nhà lãnh đạo EU đã cho rằng nỗ lực cứu hộ thuyền của người di cư gặp nạn là tạo thêm động lực cho nhiều người tiếp tục mạo hiểm vượt biển.

 

 

Nhưng trong tuần trước, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cứu người của các tổ chức phi chính phủ:

 

“Trong hiệp ước về tị nạn và di cư của chúng tôi, chúng tôi cần sự rõ ràng về mặt pháp lý đối với vai trò của các tổ chức phi chính phủ. Đó là điểm đầu tiên mà tôi muốn nhấn mạnh. Không ai bị hình sự hóa vì cứu người trên biển. Tôi nghĩ chúng ta phải làm rõ điều này.”

 

 

Tuy nhiên, bà Leyen cũng nói rằng cần phải bảo đảm sau khi giải cứu người tỵ nạn trên biển, họ sẽ được phân phối trên toàn EU, chứ không phải chỉ ở nơi mà họ được đưa lên bờ.

 

 

Theo Ủy ban châu Âu, Chính sách chính thức của EU về tình trạng di cư chỉ ra rằng "sự hội nhập thành công của người di cư là chìa khóa cho hạnh phúc, thịnh vượng và gắn kết của các xã hội châu Âu trong tương lai".

 

 

Dự kiến, gói chính sách mới về nhập cư và tị nạn được chính thức áp dụng từ năm 2023. Tuy nhiên, để được thông qua, hiệp ước này cần nhận được sự nhất trí của cả 27 nước thành viên EU và Nghị viện châu Âu.