Trợ lý Tổng chưởng lý Hoa Kỳ về An ninh Quốc gia Hoa Kỳ John C. Demers phát biểu trong cuộc họp báo ở Washington, vào ngày 4/10/2018. (Alex Wong / Getty Images)

 

 

 

Ngày 21/7, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ (DOJ) tuyên bố hai tin tặc Trung Quốc đã bị truy tố vì tội danh ăn cắp bí mật thương mại trị giá hàng triệu USD cùng các thông tin nhạy cảm khác từ các doanh nghiệp và cơ quan chính phủ, cũng như cố gắng đánh cắp nghiên cứu về COVID-19.

 

 

Vào hôm 21/7, DOJ đã công bố bản cáo trạng bao gồm 11 tội danh chống lại Li Xiaoyu, 34 tuổi và Dong Jiazhi, 33 tuổi. DOJ nhận định rằng bộ đôi này đã tấn công vào hệ thống máy tính của hàng trăm nạn nhân, bao gồm các công ty, tổ chức chính phủ và phi chính phủ, cá nhân bất đồng chính kiến, và các nhà hoạt động nhân quyền ở Hoa Kỳ cũng như trên toàn thế giới trong một chiến dịch kéo dài một thập kỷ.

 

Cả 2 bị cáo Li và Dong đều được đào tạo về công nghệ ứng dụng máy tính. Các công tố viên cáo buộc, 2 người này thực hiện các cuộc tấn công (hack) máy tính không chỉ vì lợi ích cá nhân. Bộ đôi này cũng được làm việc cùng và nhận hỗ trợ từ Bộ An ninh Quốc gia (MSS) của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Đây cũng là cơ quan phụ trách tình báo của Trung Quốc

 

 

Đánh cắp đề án nghiên cứu của Hoa Kỳ

Các công ty mà Li và Dong nhắm đến đều có tham gia vào dây chuyền sản xuất công nghệ cao và các ngành công nghiệp khác như quốc phòng, dược phẩm, thiết bị y tế cùng kỹ thuật dân dụng và công nghiệp. Các công ty có phạm vi hoạt động trải rộng trên toàn cầu, bao gồm ở Hoa Kỳ, Úc, Bỉ, Đức và Nhật Bản. Các công tố viên khẳng định, gần đây, 2 bị cáo đã tìm kiếm các lỗ hổng trong mạng lưới của các công ty công nghệ sinh học nổi tiếng với các nghiên cứu liên quan đến COVID-19.

 

 

 

 

Tổng thống Donald Trump trong trong chuyến tham quan Trung tâm Nghiên cứu Vaccine của Viện Y tế Quốc gia vào ngày 3/3/2020, tại Bethesda, Maryland. (Ảnh: BRENDAN SMIALOWSKI / Getty Images)

 

 

 

Các quan chức DOJ cũng nói rằng 2 tin tặc này đã từng cố gắng tống tiền một nạn nhân để đánh cắp một mã nguồn có giá trị. Họ đe dọa sẽ công bố mã này trên mạng Internet để phá hủy giá trị của mã, trừ khi nạn nhân trả cho họ một khoản tiền chuộc.

 

Trong cuộc họp báo công bố bản cáo trạng hôm 21/7, Trợ lý Tổng chưởng lý Hoa Kỳ John C. Demers nhấn mạnh: “Những vi phạm này là một ví dụ khác về sự sẵn sàng đến trơ ​​trẽn của Trung Quốc trong hành vi trộm cắp thông qua các cuộc xâm nhập máy tính, trái với các cam kết quốc tế của họ, như thỏa thuận năm 2015 với Hoa Kỳ và các thỏa thuận tương tự với các quốc gia khác về việc không thực hiện hoặc cố tình hỗ trợ hành vi trộm cắp sở hữu trí tuệ trên mạng”.

 

Ông Demers cho biết, các ngành công nghiệp mà 2 tin tặc này nhắm đến trùng khớp với các ngành công nghiệp được nêu trong bản kế hoạch “Made in China 2025” của Bắc Kinh. Ra mắt vào năm 2015, đây là bản kế hoạch kinh tế chi tiết nhằm biến Trung Quốc thành đối thủ cạnh tranh toàn cầu trong 10 lĩnh vực công nghệ vào năm 2025.

 

Trích dẫn bản cáo trạng, Trợ lý Demers khẳng định, bằng cách đánh cắp thông tin từ các công ty trong các ngành công nghiệp công nghệ cao và nhân rộng công nghệ, các công ty Trung Quốc cuối cùng có thể “vượt qua” các đối thủ cạnh tranh không phải là người Trung Quốc của họ.

 

Trong một ví dụ, ông cho biết bộ đôi tin tặc đã đánh cắp hàng gigabyte (GB) dữ liệu từ một công ty sản xuất và công nghệ Maryland. Những dữ liệu này tiết lộ cho các đối thủ về các loại sản phẩm mà công ty này đang lên kế hoạch đưa ra thị trường. Dữ liệu tương tự cũng sẽ cho phép các đối thủ tiết kiệm chi phí nghiên cứu và phát triển, cũng như thời gian, do đó mang lại lợi thế cho các đối thủ cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.

 

Trong một ví dụ khác, nhóm tin tặc đã đánh cắp các bài thuyết trình, hồ sơ dự án, bản vẽ và các tài liệu khác liên quan đến các dự án cho Không quân Hoa Kỳ và FBI từ một nhà thầu liên bang và quốc phòng thuộc bang Virginia, theo các cáo buộc trong bản cáo trạng.

 

Ông Dermers cho biết: “Hành vi chống cạnh tranh của người Trung Quốc, coi thường lời hứa của mình về việc không tham gia vào hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ trên mạng không chỉ là vấn đề trong nước. Đây là vấn đề toàn cầu”.

 

 

 

Để đẩy lùi chiến dịch sâu rộng do Bắc Kinh tổ chức nhằm đánh cắp tài sản trí tuệ và gây ảnh hưởng tới các nhà hoạch định chính sách của Hoa Kỳ, cứ sau 10 giờ đồng hồ, Cục Điều tra Liên bang (FBI) lại mở một cuộc điều tra phản gián mới liên quan đến Trung Quốc. (Getty)

 

 

 

Trợ lý Tổng Chưởng lý nói thêm rằng, bản cáo trạng cũng nêu bật cách thức ĐCSTQ sẵn sàng nhắm mắt làm ngơ trước các hoạt động xâm nhập máy tính bừa bãi mang tính hình sự trong biên giới nước này. Ông đã trích dẫn một số hành vi phạm tội mà Li và Dong thực hiện vì lợi ích cá nhân.

 

Ông nói  “Giờ đây, Trung Quốc đã đứng chung với Nga, Iran và Bắc Triều Tiên, trong một câu lạc bộ đáng hổ thẹn bao gồm các quốc gia chuyên cung cấp nơi trú ẩn an toàn cho tội phạm kỹ thuật số, để đổi lấy sự hưởng ứng của những tên tội phạm này với lời kêu gọi phục vụ cho lợi ích của nhà nước”.

 

Phó Giám đốc FBI David Bowdich lặp lại lời nhận xét của Trợ lý Tổng Chưởng lý Demers, nói rằng DOJ đưa ra các cáo buộc với mục đích hướng sự chú ý đến các quan chức Trung Quốc chỉ đạo các cuộc tấn công mạng.

 

Theo ông Bowdich  “Có những hậu quả và rủi ro nghiêm trọng đối với việc đánh cắp công nghệ và tài sản trí tuệ của chúng ta”.

 

Phó Giám đốc Bowdich cũng kêu gọi các quốc gia hợp tác với ĐCSTQ trong các dự án phát triển kinh tế cần xem xét lại mối quan hệ giữa họ với chế độ chuyên quyền độc tài vốn thiếu tôn trọng luật pháp quốc tế này. Ông chỉ ra rằng, ĐCSTQ đã tham gia vào một mô hình các chiến thuật ngầm như sử dụng ảnh hưởng kinh tế của mình để gây áp lực không cho các quốc gia khác phơi bày hay thách thức các hành vi phi pháp của mình như xâm nhập dữ liệu máy tính các công ty, phòng thí nghiệm hoặc các tổ chức chính phủ.

 

Ông Bowdich nhận định  “Kiểu gây sức ép kinh tế này không phải là điều chúng ta mong đợi từ một nhà lãnh đạo thế giới đáng tin cậy. Đó là những gì chúng ta thường thấy ở các nhóm tội phạm quy mô có tổ chức”.

 

Hai bị cáo Li và Dong cũng bị cáo buộc nhắm mục tiêu vào các cá nhân có thể gây tác động đến lợi ích của ĐCSTQ, như các nhà bất đồng chính kiến, giáo sĩ, các nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền ở Hoa Kỳ, Hong Kong và Trung Quốc đại lục. Một số ví dụ từ bản cáo trạng cho thấy, bộ đôi tin tặc đã cung cấp cho MSS tài khoản email và mật khẩu thuộc về các cá nhân gồm: một nhà tổ chức cộng đồng Hong Kong; mục sư của một nhà thờ Thiên chúa giáo ở thành phố Tây An, Trung Quốc; cùng một người biểu tình và là cựu biểu tình viên tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989.

 

Họ cũng đánh cắp nội dung email của một mục sư thuộc một nhà thờ Thiên chúa giáo ở thành phố Thành Đô. Vị mục sư sau đó đã bị chính quyền địa phương bắt giữ.

 

Hai tin tặc này từng bị truy tố về một loạt tội danh bao gồm âm mưu phạm tội lừa đảo qua mạng, với mức án tối đa 20 năm tù, âm mưu trộm cắp bí mật thương mại (tối đa 10 năm tù) và âm mưu phạm tội lừa đảo máy tính (tối đa 5 năm tù).

 

Phản ứng của giới chính khách Hoa Kỳ

 

 

 

Thượng nghị sĩ Rick Scott phát biểu trong cuộc họp báo tại Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ ngày 25/3/2020, tại Washington, DC. (Alex Edelman / AFP qua Getty Images)

 

 

 

Phản ứng với bản cáo trạng, một số nhà lập pháp hoan nghênh các nỗ lực của DOJ nhằm bảo vệ các nghiên cứu của Mỹ khỏi “móng vuốt đỏ” của ĐCSTQ.

 

Trong một tuyên bố, Thượng nghị sĩ Rick Scott cho biết: “Trong nhiều tháng qua, tôi đã cảnh báo về những nỗ lực của ĐCSTQ để đánh cắp hoặc phá hoại các nỗ lực nghiên cứu vaccine [chống virus Corona Vũ Hán] của Hoa Kỳ, và tuyên bố hôm nay đã chứng minh thực tế của mối đe dọa này. Những lời nói dối cùng những thông tin sai lệch của ĐCSTQ đã dẫn đến sự lan truyền của virus corona [trên toàn cầu], và giờ đây họ muốn ngăn cản sự phục hồi của chúng ta”.

 

 

Thượng nghị sĩ Scott trước đó đã đưa ra một dự luật mang tên Đạo luật Bảo vệ Vaccine COVID-19, đề nghị chính quyền Washington thận trọng kiểm duyệt những du học sinh Trung Quốc hiện đang có tham gia vào các nghiên cứu vaccine, như một biện pháp để ngăn chặn ĐCSTQ đánh cắp hoặc phá hoại các nghiên cứu.

 

Tương tự, Thượng nghị sĩ Ben Sasse nói rằng các bản cáo trạng như bản được tuyên bố hôm 21/7 là “một cách trọng yếu để tập trung sự chú ý vào một vấn đề cấp bách”.

 

Trong tuyên bố của mình, ông Sasse cho biết: “Chúng ta cần phải sử dụng thêm nhiều công cụ để phục vụ cho mục đích của chúng ta chống lại chính quyền cộng sản hung hăng này".

 

Bản cáo trạng được đưa ra trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Trump đang nỗ lực không ngừng nghỉ để chống lại các hoạt động gián điệp kinh tế của ĐCSTQ. DOJ đã khởi động chính sách “Sáng kiến ​​Trung Quốc” vào năm 2018 với mục đích chống lại các mối đe dọa từ gián điệp Trung Quốc và các hình thức xâm nhập khác của ĐCSTQ tại Hoa Kỳ.

 

 

 

Hình ảnh Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Hoa Kỳ (FBI) Christopher Wray tham dự phiên điều trần quốc hội. (Getty Images)

 

 

 

Trong một bài phát biểu hồi đầu tháng này, Giám đốc FBI Christopher Wray nói rằng việc ĐCSTQ tìm mọi cách để đánh cắp công nghệ và bí mật thương mại của Hoa Kỳ đang được thực hiện ở quy mô “lớn đến mức nó đại diện cho một trong những vụ chuyển nhượng tài sản lớn nhất trong lịch sử loài người”. Giám đốc Wray cho biết ĐCSTQ sử dụng một loạt các kỹ thuật: từ hack mạng, mua lại các công ty nước ngoài đến đánh cắp vật lý, và liên quan đến một loạt các nhân vật, mở rộng các dịch vụ tình báo, công ty tư nhân, nghiên cứu sinh và nhà nghiên cứu để đánh cắp tài sản trí tuệ của Hoa Kỳ .

 

Ông cũng nói rằng, ĐCSTQ cũng tham gia vào các chiến dịch nhằm gây ảnh hưởng đến các quan chức Hoa Kỳ ở mỗi cấp chính quyền, nhằm thuyết phục họ áp dụng các chính sách phù hợp với lợi ích của chế độ độc tài này về các vấn đề như Đài Loan, Hong Kong và vụ xử lý đại dịch của Bắc Kinh.

 

 

 

Tổng Chưởng lý, William Barr, cũng đưa ra những bình luận tương tự vào ngày 16/7, khi ông cảnh báo các công ty Mỹ không được “khấu đầu” trước ĐCSTQ. Ông cho biết Hollywood và nhiều công ty công nghệ của Hoa Kỳ đã tự biến mình “thành những con tốt thí dưới sức ảnh hưởng của Trung Quốc”.

(theo ntdvn.com)