Tòa án Hình sự Quốc tế đã ban hành lệnh bắt giữ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Nguồn: AAP / Ohad Zwigenberg
QUỐC TẾ - Thủ tướng Israel phải đối mặt với viễn cảnh bị bắt, nếu ông đi đến một quốc gia là thành viên của Tòa án Hình sự Quốc tế. Tòa ICC đã ban hành lệnh bắt giữ đối với Benjamin Netanyahu, cựu bộ trưởng quốc phòng Israel là Yoav Gallant và một nhà lãnh đạo Hamas, vì cáo buộc tội ác chiến tranh liên quan đến cuộc chiến ở Gaza.
Chuyến đi đến Ý, Hoà Lan hoặc Canada có thể sẽ không nằm trong chương trình nghị sự của ông Benjamin Netanyahu vào lúc này, sau khi cả ba quốc gia đều tuyên bố sẽ tuân thủ lệnh bắt giữ của Tòa án Hình sự Quốc tế, nếu thủ tướng Israel đặt chân đến quốc gia của họ.
Ireland và Jordan cũng cho biết, họ có thể thực hiện lệnh bắt giữ của ICC.
Các lệnh bắt giữ áp dụng cho Benjamin Netanyahu, cựu Bộ trưởng quốc phòng Yoav Gallant cũng như Mohammed Deif, một chỉ huy quân sự của Hamas mà Israel cho biết, đã chết trong một cuộc không kích ở miền nam Gaza vào đầu tháng Bảy.
Các thẩm phán cho biết có căn cứ hợp lý để kết luận, 3 người đàn ông này phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội ác chống lại loài người và tội ác chiến tranh, kể từ các cuộc tấn công ngày 7 tháng Mười.
Được biết cuộc tấn công của các chiến binh do Hamas cầm đầu vào Israel vào ngày hôm đó, đã đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc xung đột khu vực kéo dài, leo thang thành hoạt động quân sự lớn nhất và dài nhất của Israel tại Gaza.
Công tố viên của ICC, là Karim Khan, đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ các viên chức Israel vào tháng 5 cho biết, những mối đe dọa này đối với dân thường ở Gaza, vẫn đang tiếp diễn.
Ông Karim Khan nói, "Tôi đã nói rõ rằng, tôi thực sự lo ngại về các báo cáo từ Rafah, khả năng quân đội Israel tiếp tục xâm nhập trên bộ, các cuộc ném bom được báo cáo và thực tế là luật chiến tranh phải được tôn trọng".
"Chúng không thể bị làm cho rỗng tuếch, không thể bị diễn giải theo cách làm mất ý nghĩa của chúng”.
Trong khi đó Hamas không bình luận về lệnh bắt giữ Mohammad Deif, nhưng hoan nghênh lệnh bắt giữ Benjamin Netanyahu và Yoav Gallant, nói rằng, quyết định của I-C-C ‘tạo nên tiền lệ lịch sử quan trọng và là sự điều chỉnh cho một chặng đường dài bất công trong lịch sử’.
Đại sứ Palestine tại Hoà Lan, là Ammar Hijazi, cũng ca ngợi quyết định này.
Ông Ammar Hijazi nói "Chúng tôi tin rằng đó là bằng chứng cho thấy, công lý và cánh tay dài của công lý sẽ đến với bất kỳ ai vi phạm các chuẩn mực, mà nhân loại đã quyết định là không thể vi phạm, đặc biệt là những hành động tàn bạo nhất như tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người".
"Chắc chắn đó là một ngày quan trọng đối với toàn thể nhân loại, bởi vì 'không bao giờ nữa' ngày hôm nay đang được thực hiện và được duy trì bởi hội đồng trước khi xét xử”.
Còn ông Benjamin Netanyahu lên án phán quyết là bài Do Thái, dựa trên những cáo buộc vô lý và sai sự thật.
Ông Benjamin Netanyahu nói, "Quyết định ban hành lệnh bắt giữ đối với tôi, Thủ tướng được bầu cử dân chủ của Nhà nước Israel và cựu bộ trưởng quốc phòng của chúng tôi được đưa ra, bởi một công tố viên gian trá, đang cố gắng thoát khỏi các cáo buộc quấy rối tình dục, và bởi các thẩm phán thiên vị bị thúc đẩy bởi tình cảm bài Do Thái, chống lại nhà nước Do Thái duy nhất".
"Không có phán quyết thiên vị nào chống lại Israel tại The Hague, sẽ ngăn cản Nhà nước Israel bảo vệ công dân của mình”.
Hồi tháng này, ICC tuyên bố rằng họ đã ra lệnh điều tra bên ngoài, về các cáo buộc về hành vi sai trái tình dục tại nơi làm việc đối với Karim Khan và ông Khan phủ nhận các cáo buộc.
Đồng minh mạnh nhất của Israel là Hoa Kỳ, đã bác bỏ quyết định của ICC.
Thư ký báo chí Tòa Bạch Ốc, là Karine Jean-Pierre, nói "Về căn bản chúng tôi bác bỏ quyết định của tòa án Hình sự Quốc tế, về việ ban hành lệnh bắt giữ các viên chức cao cấp của Israel".
"Chúng tôi vẫn rất quan ngại về việc, công tố viên vội vàng tìm kiếm lệnh bắt giữ và những sai sót đáng lo ngại, trong quy trình dẫn đến quyết định này".
"Hoa Kỳ đã nói rõ rằng, ICC không có thẩm quyền đối với vấn đề này quí vị đã nghe chúng tôi nói điều này trước đây”.
Trong khi đó người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên minh Âu châu, là Josep Borrell, cho biết quyết định của tòa án cần được tôn trọng và thực hiện, vì nó có tính ràng buộc đối với tất cả các quốc gia thành viên EU.
Ông Josep Borrell nói, "Đó không phải là quyết định chính trị, đó là quyết định của tòa án, của tòa án công lý, tòa án công lý quốc tế".
"Và quyết định của tòa án phải được tôn trọng và thực hiện”.
Được biết ICC không có lực lượng cảnh sát riêng để thực hiện các vụ bắt giữ, thay vào đó, họ dựa vào 124 quốc gia thành viên.
Và khi nói đến việc thực hiện đó, Ý, Hoà Lan và Canada đều nói rằng họ đã sẵn sàng bắt giữ.
Tại Úc, Phó Lãnh đạo phe đối lập là Sussan Ley cho biết, mọi người sẽ lo lắng về phán quyết của ICC.
Bà không tin rằng, tòa án có thẩm quyền đối với Israel, khi trả lời một ký giả.
Bà Sussan Ley nói "Tôi biết rằng người Úc sẽ lo lắng ngày hôm nay, khi thấy một nhà lãnh đạo được bầu lên một cách dân chủ, người đang cố gắng bảo vệ đất nước mình khỏi những kẻ khủng bố, bị nhắm mục tiêu như vậy”.
Một ký giả hỏi: "Tôi có thể hỏi về những bình luận của ICC không. Những bình luận của bà có phản ánh rằng, phe đối lập không tin vào sự độc lập của tòa án không?".
Bà Sussan Ley trả lời: "Chúng tôi tin chắc rằng tòa án không có thẩm quyền, đối với những vấn đề này”.
Một ký giả khác hỏi: "Về các vấn đề liên quan đến tội ác chiến tranh hay sao?"
Bà Sussan Ley trả lời: "Về quyết định mà họ đã đưa ra”.
Trong khi đó Ngoại trưởng Penny Wong đã đưa ra một tuyên bố rằng, Úc tôn trọng sự độc lập của ICC và vai trò quan trọng của tòa án này trong việc duy trì luật pháp quốc tế.