Jean Mackenzie.
Vai trò, Phóng viên BBC News tại Nam Hàn.
23 tháng Mười một, 2024
Theo phân tích hình ảnh vệ tinh của tổ chức Open Source Centre (OSC), một nhóm nghiên cứu phi lợi nhuận có trụ sở tại Anh, ước tính Nga đã cung cấp cho Bắc Hàn hơn một triệu thùng dầu kể từ tháng 3/2024.
Lượng dầu này được coi là khoản thanh toán cho vũ khí và quân đội mà Bình Nhưỡng đã chuyển đến Moscow để hỗ trợ cho cuộc chiến của Nga ở Ukraine, theo lời các chuyên gia và Ngoại trưởng Anh, David Lammy, nói với BBC.
Những vụ vận chuyển dầu này vi phạm lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc là cấm các quốc gia bán dầu cho Bắc Hàn ngoại trừ một lượng nhỏ, nhằm mục đích kìm hãm nền kinh tế của nước này để ngăn chặn Bình Nhưỡng tiếp tục phát triển vũ khí nguyên tử.
Những hình ảnh vệ tinh, được chia sẻ độc quyền với BBC, cho thấy hơn một chục tàu chở dầu khác nhau của Bắc Hàn đã cập một cảng dầu ở vùng Viễn Đông của Nga tổng cộng 43 lần trong tám tháng qua.
Những bức ảnh khác chụp ở trên biển dường như cho thấy các con tàu này chiều đi thì rỗng hàng hóa nhưng chiều về thì gần như đầy ắp.
Bắc Hàn là quốc gia duy nhất trên thế giới không được phép mua dầu trên thị trường tự do. Liên Hợp Quốc giới hạn số lượng dầu tinh chế mà nước này có thể nhận được ở mức 500.000 thùng mỗi năm, thấp hơn nhiều so với nhu cầu thực tế của họ.
Bộ ngoại giao Nga đã không phản hồi yêu cầu bình luận của BBC.
Lần vận chuyển dầu đầu tiên được Trung tâm OSC ghi nhận trong báo cáo mới là vào ngày 7/3/2024, bảy tháng sau khi thông tin về việc Bình Nhưỡng gửi vũ khí cho Moscow lần đầu tiên được công bố.
Các chuyến hàng vẫn tiếp tục diễn ra khi hàng ngàn lính Bắc Hàn được cho là đã được đưa đến Nga để chiến đấu, với chuyến cuối cùng được ghi nhận vào ngày 5/11.
Chuyên viên nghiên cứu Joe Byrne từ trung tâm OSC nói, "Trong khi Kim Jong-un đang cung cấp cho Vladimir Putin một đường dây cứu sinh để tiếp tục cuộc chiến của mình, Nga đang âm thầm cung cấp cho Bắc Hàn một đường dây cứu sinh tương tự".
"Lượng dầu đều đặn này mang lại cho Bắc Hàn mức độ ổn định mà nước này chưa từng có kể từ khi các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc được áp dụng."
Bốn cựu thành viên của một ủy ban Liên Hợp Quốc chịu trách nhiệm theo dõi các lệnh trừng phạt đối với Bắc Hàn đã nói với BBC rằng các chuyến vận chuyển dầu là kết quả của mối quan hệ ngày càng gia tăng giữa Moscow và Bình Nhưỡng.
Hugh Griffiths, người đứng đầu ủy ban từ năm 2014 đến năm 2019, cho biết, “Những vụ chuyển giao này đang tiếp sức cho cỗ máy chiến tranh của Putin – đây là dầu đổi hỏa tiễn, dầu đổi pháo binh và bây giờ là dầu đổi binh lính.”
Bộ trưởng Ngoại giao Anh David Lammy đã nói với BBC trong một thông cáo: “Để tiếp tục chiến đấu ở Ukraine, Nga ngày càng phụ thuộc vào Bắc Hàn về quân đội và vũ khí đổi lấy dầu."
Ông Lammy nói thêm rằng điều này “đang có tác động trực tiếp đến an ninh ở bán đảo Triều Tiên, Âu châu và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”.
Nguồn cung dầu dễ dàng và giá rẻ
Trong khi hầu hết người dân Bắc Hàn dựa vào than đá để sinh hoạt hằng ngày, dầu lại là nhiên liệu thiết yếu để vận hành quân đội của ông Kim Jong-un. Dầu diesel và xăng được sử dụng để vận chuyển bệ phóng hỏa tiễn và binh lính trên khắp đất nước, vận hành các nhà máy sản xuất đạn dược và cung cấp nhiên liệu cho xe hơi của giới tinh hoa ở Bình Nhưỡng.
Số lượng 500.000 thùng mà Bắc Hàn được phép nhận là quá ít so với chín triệu thùng mà họ tiêu thụ - nghĩa là kể từ khi áp dụng hạn mức vào năm 2017, Bắc Hàn đã buộc phải mua dầu bất hợp pháp từ các mạng lưới tội phạm để bù đắp khoản thâm hụt này.
Theo Tiến sĩ Go Myong-hyun, nghiên cứu viên cấp cao tại Viện Chiến lược An ninh Quốc gia Nam Hàn, có liên kết với cơ quan tình báo của Seoul, việc chuyển dầu bằng các mạng lưới tội phạm là hoạt động rủi ro, tốn kém và mất thời gian.
Tiến sĩ Go nói “Bây giờ Kim Jong-un đang nhận dầu trực tiếp, có khả năng có chất lượng tốt hơn và rất có khả năng là ông ta nhận được miễn phí, như một sự trao đổi để cung cấp đạn dược. Còn gì tuyệt vời hơn thế nữa?"
“Một triệu thùng không là gì đối với một nhà sản xuất dầu lớn như Nga, nhưng đó là một lượng đáng kể đối với Bắc Hàn.”
Theo dõi các chuyến chuyển giao ‘âm thầm’
Trong tất cả 43 chuyến đi được OSC theo dõi qua hình ảnh vệ tinh, các tàu chở dầu treo cờ Bắc Hàn đã đến cảng Vostochny của Nga trong khi tắt các thiết bị theo dõi nhằm che giấu hoạt động.
Các hình ảnh vệ tinh cho thấy sau đó những tàu này quay trở lại một trong bốn cảng ở bờ biển phía đông và phía tây của Bắc Hàn.
“Các con tàu xuất hiện âm thầm, hầu như mỗi tuần,” Joe Byrne, nhà nghiên cứu từ OSC cho biết. “Kể từ tháng 3/2024, dòng chảy dầu đã khá ổn định.”
Nhóm nghiên cứu, những người đã theo dõi các tàu chở dầu này kể từ khi lệnh trừng phạt dầu mỏ được áp dụng lần đầu tiên, đã sử dụng kiến thức của họ về sức chứa của từng tàu để tính toán số thùng dầu mà chúng có thể chở.
Sau đó, họ nghiên cứu hình ảnh các tàu cập và rời cảng Vostochny và trong hầu hết các trường hợp, có thể thấy thân tàu nổi cao thấp như thế nào so với mặt nước, từ đó xác định trọng lượng mà những tàu này chở.
Họ nhận định các tàu chở dầu đã được chất đầy 90% sức chứa.
Ông Byrne nói "Chúng tôi có thể thấy từ một số hình ảnh vệ tinh rằng nếu các con tàu chất đầy hơn nữa, chúng sẽ chìm".
Dựa trên những thông tin này, họ tính toán rằng, kể từ tháng 3/2024, Nga đã cung cấp cho Bắc Hàn hơn một triệu thùng dầu - gấp đôi mức giới hạn hằng năm của Liên Hợp Quốc và gấp khoảng mười lần số lượng mà Moscow chính thức cung cấp cho Bình Nhưỡng vào năm 2023.
Điều này tiếp nối một đánh giá của chính phủ Mỹ vào tháng 5/2024 rằng Nga đã cung cấp cho Bắc Hàn hơn 500.000 thùng dầu.
Các chuyên viên nghiên cứu không thể có được hình ảnh vệ tinh rõ nét về cảng Vostochny do mây che phủ.
"Toàn bộ tháng Tám đều có mây, vì vậy chúng tôi không thể để ghi nhận được chuyến đi nào trong thời gian đó,” ông Byrne nói, dẫn đến giả định của nhóm rằng một triệu thùng dầu là con số “cơ bản”.
‘Mức độ khinh thường mới’ đối với lệnh trừng phạt
Những chuyến vận chuyển dầu này không những vi phạm lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Bắc Hàn mà Nga, với tư cách là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, đã ký kết – mà ngay cả hơn một nửa số chuyến là của các con tàu đã bị Liên Hợp Quốc trừng phạt riêng rẽ.
Điều này có nghĩa là những con tàu đó phải bị tịch thu khi đi vào vùng biển của Nga.
Nhưng vào tháng 3/2024, ba tuần sau khi chuyến chở dầu đầu tiên được ghi nhận, Nga đã giải tán hội đồng Liên Hợp Quốc chịu trách nhiệm giám sát các hành vi vi phạm lệnh trừng phạt, bằng cách sử dụng quyền phủ quyết của mình tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Ashley Hess, người đã làm việc tại hội đồng này cho đến khi tan rã, cho biết họ đã thấy bằng chứng về việc chuyển dầu đã bắt đầu.
“Chúng tôi đã theo dõi một số con tàu và công ty liên quan, nhưng công việc của chúng tôi đã bị dừng lại, có thể là sau khi họ đã vi phạm giới hạn 500.000 thùng.”
Eric Penton-Voak, người đứng đầu hội đồng từ năm 2021-2023, cho biết các thành viên người Nga trong nhóm đã cố gắng kiểm duyệt công việc của cả hội đồng.
“Bây giờ hội đồng đã không còn nữa, họ có thể phớt lờ các quy tắc,” ông nói thêm. “Thực tế là Nga hiện đang khuyến khích các tàu này đến cảng của mình và chất đầy dầu lên cho thấy một cấp độ khinh thường mới đối với các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc”.
Nhưng ông Penton-Voak, thành viên hội đồng quản trị của OSC, cho rằng vấn đề còn sâu xa hơn nhiều.
“Giờ đây, những chế độ độc tài này ngày càng hợp tác với nhau để giúp nhau đạt được bất cứ điều gì họ muốn và phớt lờ mong muốn của cộng đồng quốc tế.”
Đây là một kịch bản “ngày càng nguy hiểm,” ông lập luận, “Điều mà bạn ít muốn thấy nhất là một vũ khí nguyên tử chiến thuật của Bắc Hàn xuất hiện ở Iran, chẳng hạn.”
Dầu chỉ là phần nổi của tảng băng chìm?
Khi Kim Jong-un tăng cường hỗ trợ cuộc chiến của Vladimir Putin, mối lo ngại ngày càng tăng về những gì nhà lãnh đạo Bắc Hàn sẽ nhận được từ Nga.
Mỹ và Nam Hàn ước tính Bình Nhưỡng hiện đã gửi cho Moscow 16.000 container chứa đầy đạn pháo và hỏa tiễn, trong khi những mảnh vỡ của các hỏa tiễn đạn đạo Bắc Hàn đã bị phát hiện trên chiến trường Ukraine.
Kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tăng cường mối quan hệ với nhà lãnh đạo Bắc Hàn, Kim Jong-un
Gần đây hơn, ông Putin và ông Kim đã ký một hiệp ước quốc phòng, dẫn đến việc hàng ngàn quân lính Bắc Hàn được đưa đến khu vực Kursk của Nga, nơi các báo cáo tình báo cho biết họ hiện đang tham gia vào trận chiến.
Chính phủ Hàn Quốc đã thông báo với BBC rằng họ sẽ "phản ứng mạnh mẽ trước hành vi vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc của Nga và Bắc Hàn".
Mối lo ngại lớn nhất của họ là Moscow sẽ cung cấp cho Bình Nhưỡng công nghệ để cải thiện vệ tinh do thám và hỏa tiễn đạn đạo.
Tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Nam Hàn, Kim Yong-hyun, tuyên bố rằng có "khả năng cao" Bắc Hàn đang yêu cầu sự giúp đỡ như vậy.
Tiến sĩ Go nói "Nếu bạn đưa binh lính của mình đến để chết trong một cuộc chiến tranh nước ngoài, thì một triệu thùng dầu rõ ràng không đủ làm phần thưởng" .
Andrei Lankov, một chuyên gia về quan hệ Bắc Hàn-Nga tại Đại học Kookmin của Seoul, đồng ý với quan điểm này.
"Tôi từng nghĩ rằng việc chia sẻ công nghệ quân sự không có lợi cho Nga, nhưng có lẽ tính toán của họ đã thay đổi. Nga cần những binh lính ấy, và điều này mang lại cho Bắc Hàn thêm quyền lực,” ông Lankov cho hay.
Josh Cheetham từ London và Jake Kwon từ Seoul tường thuật thêm.
(BBC Việt ngữ)