(Ảnh: nghiencuuquocte.org)

 

 

Nguồn: Gideon Rachman, “The squawkus about AUKUS is getting louder,” Financial Times, 26/02/2024

 

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng (nghiencuuquocte.org)

 

 

Khía cạnh chiến lược của hiệp ước Úc-Anh-Mỹ rất vững chắc. Nhưng những nghi ngờ về mặt kỹ thuật và chính trị đang gia tăng.

 

AUKUS đang tiếp tục làm dậy sóng trên khắp Thái Bình Dương. Được công bố vào năm 2021, hiệp ước ba bên này xoay quanh việc Australia mua các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân từ Mỹ và Anh.

 

Đối với chính quyền Biden, AUKUS đã nhanh chóng trở thành trung tâm trong nỗ lực nhằm kiềm chế sức mạnh của Trung Quốc. Đối với Úc, việc thắt chặt quan hệ quân sự với Mỹ là một lựa chọn có tác động sâu rộng. Đối với Anh, đây là biểu tượng cho tham vọng toàn cầu mới của nước này.

 

Trung Quốc đã nhiều lần công kích AUKUS là nguy hiểm và mang tính đối đầu. Ngay sau khi hiệp ước ra mắt, Boris Johnson, Thủ tướng Anh vào thời điểm đó, đã chế giễu “tiếng kêu ồn ào từ những kẻ chống AUKUS”.

 

Ba năm trôi qua, những tiếng kêu ấy vẫn chưa lắng xuống. Tuần trước, tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc đã đăng một bài viết suy đoán rằng Nhật Bản có thể sẽ tham gia khối hiệp ước, đồng thời tuyên bố rằng “AUKUS đang sụp đổ.” Đó là một tuyên bố đã bị thổi phồng, nhưng sự thật là ngày càng có nhiều nghi ngờ rằng những lời tung hô ban đầu đã che giấu một số chi tiết có vấn đề nghiêm trọng.

 

Cuộc tranh luận diễn ra gay gắt nhất ở Úc, vì AUKUS được coi là trọng tâm trong chiến lược của nước này suốt những thập niên tiếp theo. Chính phủ và cả hai đảng chính trị lớn vẫn mạnh mẽ ủng hộ hiệp ước. Nhưng hai cựu thủ tướng có ảnh hưởng – Paul Keating và Malcolm Turnbull – đã lên tiếng chỉ trích gay gắt.

 

Những lo ngại về khả năng tồn tại của AUKUS rơi vào ba nhóm chính: chiến lược, chính trị, và kỹ thuật.

 

Về mặt chiến lược, các nhà phê bình cáo buộc rằng nước Úc đã đặt cược không bền vững vào việc Mỹ sẽ duy trì bá quyền ở Thái Bình Dương. Hugh White, một học giả có ảnh hưởng, chỉ ra rằng: “Những chuyển biến lớn về quyền lực và của cải kể từ năm 1980 khiến việc duy trì trật tự cũ do Mỹ lãnh đạo là không thể.” White cũng lo ngại rằng Úc hiện đang ngầm cam kết sẽ chiến đấu bên cạnh Mỹ trong một cuộc chiến tương lai với Trung Quốc.

 

Về mặt chính trị, ngày càng có nhiều lo lắng về việc liệu Mỹ có còn là đồng minh đáng tin cậy hay không. Nếu Donald Trump giành được nhiệm kỳ tổng thống thứ hai, giả định rằng Mỹ có thể duy trì sự hỗ trợ ổn định cho các cam kết chiến lược toàn cầu của nước này sẽ bắt đầu lung lay. Tuy nhiên, cam kết buộc phải được duy trì vì AUKUS là một dự án kéo dài nhiều thập niên.

 

Về mặt kỹ thuật, việc mua và bảo trì các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân là một bước nhảy vọt về công nghệ lớn và tốn kém đối với Úc. AUKUS sẽ được tiến hành theo ba giai đoạn phức tạp. Đầu tiên, Úc sẽ đại tu các tàu ngầm thông thường hiện có của mình. Sau đó, vào đầu những năm 2030, nước này sẽ nhận một số tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia đã qua sử dụng từ Mỹ. Thêm 10 năm nữa, các tàu ngầm lớp AUKUS đầu tiên – được thiết kế ở Anh, sử dụng công nghệ của Mỹ, và được chế tạo ở Anh và Úc – sẽ được triển khai.

 

 

Đang có một chút lo lắng trong giới quốc phòng Australia về vai trò lớn của người Anh trong việc chế tạo SSN-AUKUS. Người ta ít tin tưởng vào cơ sở công nghiệp quân sự của Anh so với khả năng của Mỹ. Những nghi ngờ đó lại càng gia tăng sau những khó khăn của các tàu sân bay Anh và thất bại trong vụ thử tên lửa hạt nhân Trident gần đây. Elizabeth Buchanan của Học viện Quân sự West Point lập luận thẳng thắn rằng: “SSN-AUKUS có lẽ sẽ không thành hiện thực.” Những người chỉ trích AUKUS ở Úc lo ngại đất nước này đang dấn thân vào một con đường dài và tốn kém, nhưng chẳng đi đến đâu.

 

Những lập luận chống lại AUKUS về khía cạnh chiến lược là những lập luận yếu nhất. Chính phủ Australia, giống như Nhật Bản và Ấn Độ, có quan ngại chính đáng trước tham vọng quân sự và lãnh thổ của Trung Quốc. Họ hiểu rằng nếu Bắc Kinh xâm chiếm Đài Loan thành công – hoặc thực thi được các yêu sách của nước này trên Biển Đông – thì Trung Quốc sẽ trở thành cường quốc thống trị ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, gây ra những hậu quả sâu sắc cho an ninh của Úc.

 

AUKUS là một ví dụ điển hình về việc tăng cường khả năng răn đe thông qua việc gia tăng rủi ro cho Trung Quốc trước bất kỳ hành động xâm lược tiềm tàng nào. Như một quan chức an ninh Úc đã tuyên bố: “Mục tiêu là ngăn chặn chiến tranh chứ không phải để gây chiến.”

 

Những lo ngại về việc dựa vào Mỹ rõ ràng sẽ gia tăng nếu Trump “bất ổn” trở lại nắm quyền. Nhưng Michael Green, cựu quan chức Nhà Trắng hiện làm việc tại Đại học Sydney, nhận định rằng Trump có thể sẽ bổ nhiệm những nhân vật diều hâu chống Trung Quốc vào các vị trí chủ chốt và họ sẽ duy trì cam kết với AUKUS. Ông khẳng định: “Tôi tin chắc rằng Úc sẽ có được tàu ngầm lớp Virginia.”

 

Ngay cả một số người bảo vệ AUKUS cũng đồng ý rằng có những nghi ngờ thực sự về mảnh ghép cuối cùng – khâu chế tạo các tàu ngầm hạt nhân mới. Vấn đề không chỉ là năng lực chế tạo của người Anh, mà còn nằm ở tiến trình phát triển của công nghệ quân sự. Hoàn toàn có khả năng tàu ngầm hạt nhân có người lái sẽ mất đi tính hữu dụng sau 30 năm nữa, và sẽ được thay thế bằng các phương tiện không người lái.

 

Nhưng giá trị của một liên minh kéo dài hàng chục năm nằm ở khả năng thích nghi. AUKUS không chỉ có tàu ngầm. Trụ cột thứ hai của hiệp ước là chia sẻ công nghệ quân sự tiên tiến trong các lĩnh vực như vũ khí siêu thanh (hypersonics), mạng, và trí tuệ nhân tạo. Khi công nghệ quân sự phát triển, AUKUS cũng có thể phát triển theo.

 

Suy cho cùng, hiệp ước này là một tuyên bố về quyết tâm và cam kết lâu dài. Nó dựa trên nhận thức chung về mối đe dọa chiến lược ngày càng tăng từ Trung Quốc và Nga, khi hai nước này hợp tác cùng nhau để lật đổ trật tự quốc tế hiện tại. Nhận thức đó dường như cấp bách và có giá trị hơn bao giờ hết.

 

(nghiencuuquocte.org)