Thượng nghị sĩ Lindsey Graham phát biểu trong một cuộc họp báo ở Tel Aviv, Israel, vào ngày 22/10/2023. (Ảnh: Gil Cohen-Magen/AFP/Getty Images)

 

 

Hoa Kỳ - Thượng nghị sĩ Mỹ Lindsey Graham cho biết ông sẽ chuẩn bị ‘các biện pháp trừng phạt từ địa ngục’ đối với Bắc Kinh trong trường hợp nước này có hành động nhằm khôi phục quyền kiểm soát Đài Loan.

 

Ông Graham đã đưa ra bình luận trên khi trả lời bài báo của đài NBC News, trong đó nêu rằng lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình đã nói với Tổng thống Mỹ Joe Biden rằng Bắc Kinh sẽ “thống nhất” Đài Loan với Trung Quốc đại lục thông qua các biện pháp hòa bình và mốc thời gian vẫn chưa được quyết định.

 

 

Bài báo dẫn lời ba quan chức Mỹ giấu tên cho biết thông điệp "thẳng thừng" trên được đưa ra trong cuộc gặp mặt trực tiếp giữa hai nhà lãnh đạo bên lề hội nghị thượng đỉnh APEC ở San Francisco vào tháng trước.

 

Gọi bài báo này là “hơn cả đáng lo ngại”, ông Graham tuyên bố sẽ hợp tác với các đồng nghiệp thuộc Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa để “tạo ra một lực lượng phòng thủ bổ sung mạnh mẽ cho Đài Loan” và “dự thảo các biện pháp trừng phạt từ địa ngục trước cuộc xâm lược để áp đặt lên Trung Quốc nếu họ hành động chiếm đóng Đài Loan”.

 

Ông nói trong một tuyên bố: “Đối với Trung Quốc, nếu quý vị nghĩ rằng quý vị có thể bắt nạt theo cách của mình để phá hủy trật tự thế giới mà không phải chịu hậu quả, thì quý vị sẽ khiến quyết định xâm chiếm Ukraine của ông Putin là sáng suốt”.

 

Ông Tập đã nhiều lần tuyên bố rằng ĐCSTQ sẽ đưa hòn đảo này vào tầm kiểm soát của Bắc Kinh. Trong Đại hội Đảng lần thứ 20 vào tháng 10 năm ngoái, ông Tập cho biết Trung Quốc nỗ lực “thống nhất hòa bình” với Đài Loan nhưng sẽ “không bao giờ hứa từ bỏ việc sử dụng vũ lực”.

 

Trong những năm gần đây, chính phủ Trung Quốc đã tổ chức ít nhất hai cuộc tập trận tấn công quy mô lớn xung quanh Đài Loan và tăng cường các hoạt động quân sự gần hòn đảo này trước cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội Đài Loan vào ngày 13/1.

 

Ông Graham cho biết ông tin rằng Quốc hội Hoa Kỳ đã “chán ngấy những hành động khiêu khích của ĐCSTQ”.

 

“Tuyên bố này của ông Tập chứng minh câu nói cũ, điểm yếu ở bất kỳ đâu đều sẽ kích động sự xâm lược ở khắp mọi nơi”.

 

 

Phản ứng của Tòa Bạch Ốc.

 

Tòa Bạch Ốc đã nhắc lại lập trường của Mỹ về Đài Loan khi được hỏi về cuộc hội đàm được đưa tin giữa Tổng thống Biden và ông Tập.

 

Phát biểu trước báo giới hôm 20/12, ông John Kirby, điều phối viên về truyền thông chiến lược của Hội đồng An ninh Quốc gia, nói rằng ông sẽ không đi sâu vào chi tiết cụ thể của cuộc thảo luận giữa hai nhà lãnh đạo.

 

Ông Kirby cho biết ông Tập “đã công khai và rõ ràng về mong muốn thống nhất” Đài Loan. "Đó không phải là điều khác biệt hay mới mẻ”.

 

Ông Kirby cho biết Tổng thống Biden đã nói với ông Tập rằng Hoa Kỳ duy trì chính sách "Một Trung Quốc" lâu đời, theo đó Washington chính thức công nhận Bắc Kinh chứ không phải Đài Bắc. Tuy nhiên, Đạo luật Quan hệ Đài Loan nêu rõ rằng quyết định của Hoa Kỳ trong việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh thay vì Đài Bắc dựa trên kỳ vọng rằng tương lai của Đài Loan sẽ được xác định bằng các biện pháp hòa bình.

 

Ông nói: “Chúng tôi không ủng hộ việc Đài Loan giành độc lập. Chúng tôi cũng không ủng hộ việc đơn phương thay đổi hiện trạng và chắc chắn không ủng hộ việc thay đổi hiện trạng bằng vũ lực. Và như tổng thống đã nói, không có lý do gì để chuyện này xảy ra”.

 

Cuộc bầu cử tổng thống sắp tới của Đài Loan

Bắc Kinh đã đưa ra cảnh báo trên chưa đầy một tháng trước cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan. Cuộc bầu cử này không chỉ xác định tương lai của hòn đảo mà còn có tác động đến quan hệ Mỹ - Trung.

 

Các cuộc bầu cử trên hòn đảo tự trị trước đây đã khiến căng thẳng leo thang, đáng chú ý nhất là vào năm 1996 khi các cuộc tập trận quân sự và các cuộc thử nghiệm tên lửa của Trung Quốc trước cuộc bỏ phiếu của Đài Loan đã khiến Mỹ cử một lực lượng đặc nhiệm tàu sân bay đến khu vực.

 

Lần này, ĐCSTQ lại tăng cường áp lực chính trị và quân sự. Vào ngày 21/12, Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết họ đã phát hiện 8 máy bay Trung Quốc và 3 tàu hải quân hoạt động quanh hòn đảo.

 

 

Phó Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức và bà Tiêu Mỹ Cầm (Hsiao Bi-khim), ứng viên tranh cử thuộc Đảng Dân Tiến cầm quyền, đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò. ĐCSTQ đã gán cho họ cái mác “độc lập kép” và từ chối lời đề nghị đàm phán của ông Lại Thanh Đức.

 

 

Trong bài phát biểu chính sách đầu tiên được truyền hình trực tiếp vào ngày 20/12, ông Lại Thanh Đức đã bác bỏ cáo buộc của Bắc Kinh khi cho rằng trong mắt Trung Quốc, 3 ứng cử viên tổng thống Đài Loan đều là những người theo chủ nghĩa ly khai.

 

“Việc Trung Quốc muốn nuốt chửng Đài Loan là chính sách quốc gia của nước họ, theo đuổi quyền bá chủ thế giới”, ông Lại Thanh Đức nói khi đứng cạnh hai ứng cử viên còn lại - ông Hầu Hữu Nghi (Hou Yu-ih) từ đảng đối lập lớn nhất Đài Loan, Quốc Dân Đảng, và cựu thị trưởng thành phố Đài Bắc Ko Wen-je của Đảng Nhân dân Đài Loan.

 

Ông nói: “Đừng dại dột cho phép Trung Quốc xác định nền độc lập của Đài Loan”.

“Trong mắt Trung Quốc, 3 người chúng tôi đứng đây tranh cử tổng thống đều là vì nền độc lập của Đài Loan”.

 

(Theo The Epoch Times)

(ntdvn.net, Huyền Anh biên dịch)