Ảnh từ Reuters và Public Domain.
Vắc-xin Covid sẽ miễn phí cho người dân Mỹ
Các quan chức Mỹ hôm thứ Năm (13/8) cho biết, nếu vắc-xin COVID-19 được chứng minh là có hiệu quả, Mỹ sẽ đảm bảo rằng vắc-xin này được phân phối miễn phí cho tất cả người dân, theo NDTV.
Paul Mango, một quan chức cấp cao Bộ Y tế Mỹ, trao đổi với các phóng viên: “Chúng tôi không hề giảm bớt các quy định nghiêm ngặt trong đánh giá và phê duyệt vắc xin”.
Ảnh: Reuters
Washington đã đầu tư hơn 10 tỷ USD vào 6 dự án vắc xin và ký kết các hợp đồng đảm bảo cung cấp hàng trăm triệu liều nếu chúng được phê duyệt theo sau các thử nghiệm lâm sàng.
Chính phủ sẽ chi trả cho các liều vắc xin này.
Đảng đối lập thân Trung Quốc ở Đài Loan thất bại trong bầu cử thị trưởng
Theo Reuters, Quốc dân đảng (KMT), Đảng đối lập chính của Đài Loan bấy lâu nay ủng hộ mối quan hệ thân thiết với Trung Quốc, đã bị đánh bại trong một cuộc bầu cử bổ khuyết chức vụ thị trưởng quan trọng hôm thứ Bảy (15/8), vốn bị phủ bóng đen bởi tình trạng hỗn loạn ở Hồng Kông và căng thẳng với Bắc Kinh.
Ứng viên Trần Kì Mại của Đảng Dân tiến chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử bổ khuyết chức vụ thị trưởng thành phố Cao Hùng, Đài Loan, ngày 15/8 (ảnh chụp màn hình VOA).
Cuộc bầu cử bổ khuyết ở thành phố Cao Hùng diễn ra sau khi thị trưởng thành phố từ Quốc dân Đảng, ông Hàn Quốc Du, bị cách chức với tỷ lệ áp đảo trong một cuộc bỏ phiếu bãi nhiệm hồi tháng 6, khi các đối thủ của ông cáo buộc ông thờ ơ với thành phố.
Trần Kì Mại, người từng giữ chức phó thủ tướng đến từ Đảng Dân Tiến, đã giành được 70% số phiếu bầu, đánh bại ứng viên Quốc dân đảng Lý Mi Trăn, mặc dù chỉ có khoảng phân nửa số cử tri đi bỏ phiếu.
“Kết quả bầu cử này đã chứng minh một điều – một chiến thắng cho nền dân chủ,” ông Trần nói với những người ủng hộ.
50% doanh nghiệp Mỹ cân nhắc rời Hồng Kông
Theo khảo sát mới nhất của Phòng Thương mại Hoa Kỳ, sau khi Luật An ninh Quốc gia mới được thông qua, 53% số người được hỏi cân nhắc rời khỏi Hồng Kông. Kết quả này ghi nhận sự gia tăng liên tiếp trong hai tháng. Ngoài ra, luật an ninh quốc gia đã gây ra làn sóng nhập cư của người dân Hồng Kông ra nước ngoài. Theo thống kê của Cục Di trú Đài Loan, trong nửa đầu năm nay đã có 3161 người được cấp phép cư trú, tăng 116%.
ảnh: Reuters
Phòng Thương mại Mỹ đã thực hiện một cuộc khảo sát kéo dài 5 ngày bắt đầu từ ngày 7/8. Trong số 154 công ty được phỏng vấn, 9% cho biết họ sẽ cân nhắc rời Hồng Kông trong ngắn hạn, 44% cho biết họ sẽ cân nhắc rời Hồng Kông trong trung và dài hạn, và 46% cho biết họ sẽ không rời Hồng Kông. Ngoài ra, 44% số người được hỏi tỏ ra bi quan về tương lai môi trường kinh doanh ở Hồng Kông, chỉ có 14% lạc quan. 10% số người được hỏi cho biết dù họ lạc quan trong ngắn hạn nhưng họ vẫn bi quan trong trung và dài hạn.
61% cho biết họ sẽ không rút vốn và rời khỏi Hồng Kông, 39% cho biết họ sẽ rút vốn trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Số người cân nhắc rời Hồng Kông đã tăng trong hai tháng liên tiếp và hơn 80% doanh nghiệp Mỹ đang cân nhắc rời Hồng Kông trong trung và dài hạn. Xu hướng rời Hồng Kông đang ngày càng trở nên rõ ràng hơn.
Một số người được phỏng vấn cho biết thêm Luật An ninh Quốc gia rất mơ hồ, mục đích là để cấp cho chính quyền Hồng Kông và chính quyền trung ương Bắc Kinh sự linh hoạt cao nhất trong việc bắt giam và định tội. Luật này có chủ đích chính trị nhằm tạo ra sự sợ hãi trong người dân.
Nhật Bản muốn mở rộng hợp tác với liên minh Ngũ Nhãn
Nhật Bản mong muốn mở rộng hợp tác với liên minh chia sẻ thông tin tình báo “Ngũ Nhãn (Five Eyes)”, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Taro Kono trao đổi với Nikkei, bày tỏ hy vọng kiến lập một khuôn khổ cho phép quốc gia Đông Á này thu thập được thông tin mật quan trọng trong giai đoạn đầu.
“Những quốc gia này chia sẻ nhiều giá trị chung”, ông Kono nói trong một cuộc phỏng vấn. “Nhật Bản có thể tiến gần hơn [tới liên minh] thậm chí đến mức tạo nên ‘Lục Nhãn (Six Eyes)’.”
Nhóm Five Eyes hiện bao gồm Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, Canada, Úc và New Zealand. Các thành viên trong Ngũ Nhãn chia sẻ mối quan hệ lịch sử và văn hóa sâu sắc gắn liền với di sản chung Anglo-Saxon và việc sử dụng Anh ngữ. Thỏa thuận UKUSA đa phương của họ bao gồm việc hợp tác trong tình báo tín hiệu, phân tích và chia sẻ thông tin thu thập được thông qua mạng lưới nghe lén phục vụ các mục đích bảo mật.
Công ty Mỹ bị phạt vì nhập hàng hóa làm bởi lao động nhà tù ở Trung Quốc
Một công ty Mỹ đã bị phạt 575.000 USD do nhập khẩu chất tạo ngọt dạng bột được sản xuất bởi lao động trong nhà tù Trung Quốc, Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ (CBP) thông báo hôm 13/8, theo The Epoch Times.
Hình phạt đối với Pure Circle U.S.A đánh dấu mức phạt đầu tiên do cơ quan này ban hành kể từ khi thông qua một bộ luật năm 2015 cấm nhập khẩu hàng hóa làm bởi lao động cưỡng bức.
CBP cho biết công ty này đã nhập khẩu ít nhất 20 lô hàng bột stevia và các chất dẫn xuất được chế biến tại Trung Quốc bởi các lao động tù nhân. Stevia là một loại chiết xuất từ thực vật được dùng làm chất tạo ngọt trong nước sô-đa và các loại thực phẩm khác.
(Theo dkn.tv)