Hồ sơ Pandora tiết lộ cách Douglas Latchford sử dụng quỹ tín thác ở nước ngoài để né thuế thừa kế tài sản ông dành cho con gái, bao gồm nhiều cổ vật Khmer.

 

 

theo Guardian trong buổi lễ vào tháng một, chính phủ Campuchia tỏ lòng biết ơn chân thành đến Julia Latchford, một phụ nữ mang hai dòng máu Anh - Thái Lan, vì đóng góp có ý nghĩa to lớn cho văn hóa nước này.

 

 

Bà Latchford đồng ý tặng lại cho Campuchia toàn bộ bộ sưu tập 125 cổ vật từ thời Khmer của nước này. Đây là những bức tượng, tác phẩm điêu khắc, tượng vàng và đồng tuyệt đẹp mà bà được thừa kế khi cha bà, ông Douglas, qua đời năm ngoái.

 

 

Bộ trưởng Văn hóa Campuchia Phoeurng Sackona mô tả Julia Latchford là người "đẹp và vị tha”. Khi nói về những cổ vật lịch sử, quan chức này cho biết: "Từ hạnh phúc cũng không đủ để nói lên cảm xúc của tôi lúc này... Thật là một cảm giác kỳ diệu khi biết những cổ vật này trở lại với chúng tôi".

 

 

Tuy nhiên, phía sau những nụ cười rạng rỡ trong buổi lễ này là một thực tế đáng buồn. Trong nhiều thập kỷ hỗn loạn ở Campuchia, hàng loạt di sản văn hóa quý giá của nước này đã bị cướp bóc và buôn bán khắp thế giới.

 

 

Di sản văn hóa của người Khmer xuất hiện ở một số viện bảo tàng lớn và trong dinh thự giới thượng lưu. Giờ đây, Campuchia với sự hỗ trợ của chính phủ Mỹ đang tìm cách đưa những cổ vật này về nước.

 

 

Douglas Latchford là người đứng sau mạng lưới buôn bán cổ vật lớn trên thế giới. Đồ họa: Guardian.

 

 

 

 

Douglas Latchford, người từng được ca ngợi là chuyên gia và nhà hảo tâm nổi tiếng, bị buộc tội hình sự vì buôn bán cổ vật trước khi qua đời.

 

 

Ông bị cáo buộc mua các tác phẩm điêu khắc mà ông hoàn toàn biết rằng đó là những món đồ bị tội phạm có tổ chức lấy trộm từ khu di tích của Campuchia. Từ đó, Latchford kiếm hàng triệu USD nhờ bán cổ vật thông qua các đại lý và bên đấu giá uy tín ở London, New York cùng nhiều nơi khác.

 

 

Hồ sơ Pandora do Hiệp hội Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) công bố mới đây phơi bày một phần đế chế của Latchford. Theo đó, ông sử dụng quỹ tín thác và thiên đường thuế ở nước ngoài để chuyển tài sản, bao gồm cả cổ vật Khmer, cho con gái để tránh bị đánh thuế thừa kế của Anh.

 

 

 

Quỹ tín thác - Công cụ che giấu cổ vật bị đánh cắp?.

 

Sự nghiệp kéo dài hàng thập kỷ của Douglas Latchford làm sáng tỏ những câu hỏi lớn về di sản bị cướp phá từ nhiều quốc gia trên thế giới.

 

 

Tài liệu mà ICIJ và Guardian thu được cho thấy Latchford đã thành lập hai quỹ tín thác ở đảo Jersey, thuộc quần đảo Channel nằm giữa Anh và Pháp.

 

 

Cả hai quỹ đều được đặt tên theo các vị thần Hindu: Quỹ tín thác Skanda được thành lập vào năm 2011 và Quỹ tín thác Siva vào năm 2012.

 

 

Julia Latchford cùng các thành viên khác của gia đình Latchford là những người thụ hưởng, và bà cũng là người được ủy thác của Quỹ tín thác Skanda.

 

 

Một bên khác được ủy thác là công ty Skanda Holdings (PTC), đăng ký pháp lý tại Quần đảo Virgin thuộc Anh. Giám đốc của công ty này là Douglas Latchford và chồng của Julia, Simon Copleston.

 

 

Tài liệu trong Hồ sơ Pandora cũng tiết lộ rằng quỹ Skanda Trust có tài khoản ở các thiên đường thuế khác tại nước ngoài.

 

 

Vào năm 2011, gần như cùng thời điểm Skanda Trust được thành lập, ông Latchford công nhận quỹ này là chủ sở hữu của 80 cổ vật Campuchia trong cuốn sách Khmer Bronzes do ông xuất bản.

 

 

Tuy nhiên, cuốn sách này không hề đề cập đến thông tin cụ thể về quỹ tín thác, và cũng không giải thích rằng quỹ này được lập ra vì lợi ích của Latchford và gia đình ông.

 

 

Trong cuốn sách này còn có bức ảnh về tượng Phật Naga - một cổ vật Khmer từ thế kỷ thứ 10 được cho là bị đánh cắp.

 

 

Trên trang bìa cuốn sách "Adoration and Glory" của Latchford xuất bản năm 2004 cũng có hình ảnh một tác phẩm điêu khắc thần Shiva và thần chiến tranh Skanda của người Khmer, được cho là bị đánh cắp từ quần thể đền Prasat Krachap ở Koh Ker (kinh đô của đế chế Khmer cổ) từ năm 1997.

 

 

Cuộc điều tra do chính phủ Mỹ dẫn đầu cho rằng những cuốn sách như vậy góp phần vào việc làm sai lệch nguồn gốc xuất xứ của cổ vật.

 

 

Đặc vụ Brenton Easter, của Cơ quan Điều tra An ninh Nội địa Mỹ, cho biết “Việc công bố ảnh chụp một món đồ cổ bị đánh cắp như vậy là hành vi rửa tiền phổ biến”.

 

 

Douglas Latchford (giữa) và các quan chức cấp cao của Campuchia trong một buổi lễ tại Bảo tàng Quốc gia Campuchia năm 2009. Ảnh: AFP.

 

 

 

Mặc dù chính phủ Campuchia nồng nhiệt đón nhận các cổ vật mà Julia Latchford hứa trả lại, bà biết rằng các cơ quan hành pháp vẫn tiếp tục điều tra tài sản mà bà thừa kế từ cha, nhằm tìm ra những khoản tiền bất chính.

 

 

Trả lời câu hỏi từ Guardian và ICIJ, Julia Latchford, 50 tuổi, tuyên bố cá nhân bà và chồng, ông Simon Copleston, không phải là đối tượng điều tra, không tham gia vào việc mua bán cổ vật trong khoảng thời gian tham gia vào hai quỹ tín thác nói trên.

 

 

Theo bà Julia Latchford, trong thời gian “quỹ tín thác nắm giữ bộ sưu tập đồ cổ Campuchia”, bà được cha đảm bảo rằng mọi cáo buộc chống lại ông là sai sự thật.

 

 

Khi đó bà cũng tin rằng cha bà vẫn có “mối quan hệ thân thiết” với các viện bảo tàng và chính quyền Campuchia, cũng như việc các nhà đấu giá lớn ở châu Âu vẫn tiếp tục bán cổ vật Khmer.

 

 

Bà Julia Latchford nói “Từ cuộc điều tra gần đây, tôi mới biết về vấn đề của cha và nhận thức được những thông tin mà chúng tôi không biết vào thời điểm đó... cụ thể là ông ấy đã nói dối tôi và giấu tôi về một số hoạt động".

 

 

Theo Washington Post, bà cũng tuyên bố ban đầu hai quỹ tín thác được "thành lập để lập kế hoạch về thuế và tài sản hợp pháp", không bao gồm các cổ vật nói trên. Đó là những "tài sản của gia đình" bà và không liên quan đến bộ sưu tập nghệ thuật của Douglas Latchford.

 

 

Trong tuyên bố, bà nói các quỹ tín thác không được sử dụng để che giấu nguồn gốc của cổ vật bị đánh cắp, hay che giấu số tiền thu được từ việc bán chúng.

 

 

Hiện cả bà và chồng đều không bị cáo buộc có hành vi phạm pháp.

 

 

 

Mạng lưới buôn bán cổ vật toàn cầu.

 

Trả lời phỏng vấn vào năm 2012, Latchford tự cho rằng ông giống như một vị cứu tinh, và rằng nếu không có ông, cổ vật Campuchia đã bị phá hủy.

 

 

Tuy nhiên, Guardian trích dẫn bằng chứng từ Hồ sơ Pandora cho thấy Latchford đã kiếm được khoản tiền lớn từ buôn bán cổ vật, và vẫn tiếp tục hoạt động này cho đến cuối năm 2018.

 

 

Năm 2003, chính phủ Mỹ và Campuchia ký thỏa thuận mang tính bước ngoặt, cam kết truy tìm và đưa những di sản bị đánh cắp hồi hương. Chương trình này do Cơ quan Điều tra An ninh Nội địa Mỹ (HSI) điều hành.

 

 

Vào năm 2017, một đội đặc nhiệm cũng được thành lập tại New York, chuyên điều tra các kho báu bị đánh cắp.

 

 

Hành động pháp lý đầu tiên của Mỹ là xác định Latchford là kẻ đánh cắp cổ vật, và điều này khiến giới buôn bán cổ vật sửng sốt.

 

 

Động thái diễn ra sau khi Mỹ ngăn chặn vụ buôn bán Duryodhana bondissant - một tác phẩm điêu khắc bằng đá sa thạch từ thế kỷ thứ 10 của Campuchia - diễn ra ở New York.

 

 

Tác phẩm vốn bị đánh cắp từ Prasat Chen, một ngôi đền ở thủ đô Koh Ker của Khmer vào thế kỷ thứ 10.

 

 

Trong vụ kiện, Latchford bị cáo buộc đã mua Duryodhana vào năm 1972, dù biết rằng nó đã bị đánh cắp. Sau đó, ông ký gửi nó cho một nhà đấu giá ở London và âm mưu cùng đại diện của bên này "gian lận lấy giấy phép xuất cảng”.

 

 

Vào năm 2016, Latchford một lần nữa dính cáo buộc pháp lý sau khi Nancy Wiener, chủ phòng trưng bày nổi tiếng ở New York, bị truy tố, bị buộc tội sở hữu tài sản bị đánh cắp.

 

Tượng Skanda on a Peacock, tượng cổ của Campuchia từ thế kỷ 10. Ảnh: AFP.

 

 

 

 

 

Trong đó, có hai tác phẩm từ thế kỷ thứ 10 do Latchford cung cấp: Một là bức tượng thần Shiva của đạo Hindu trị giá 578.500 USD, và hai là bức tượng Phật bằng đồng ngồi trên ngai vàng Naga giá 500.000 USD.

 

 

Wiener nhận tội vào ngày 30/9 cùng năm, thừa nhận đã mua những tác phẩm này từ Latchford dù biết rằng đó là tài sản bị cướp, sau đó bán chúng với giấy tờ xuất xứ giả.

 

 

Bà thừa nhận “có vẻ như tượng Phật Naga đã bị một công cụ nông nghiệp đâm vào”, và đây là dấu hiệu của “việc khai quật bất hợp pháp”. Tuy nhiên, bà vẫn rao bán bức tượng với giá 1,5 triệu USD.

 

 

Vào tháng 11/2019, Latchford bị buộc tội ở New York. Bản cáo trạng dài 25 trang bao gồm các tội danh bán tài sản trộm cắp, buôn lậu, làm giả tài liệu, gian lận điện tử và các tội danh khác liên quan đến mua bán cổ vật cướp được từ Koh Ker.

 

 

Khi đó, Latchford bị bệnh nan y và rất yếu. Ông không có cơ hội tự bào chữa trước những cáo buộc này. Ông qua đời vào tháng 8/2020.

 

 

Hành trình hồi hương cổ vật.

 

Từ năm 2017, Julia Latchford bắt đầu thảo luận độc lập với chính phủ Campuchia và cam kết trả lại tất cả cổ vật ngay sau khi cha bà qua đời. Bà cũng đồng ý giao nộp toàn bộ tài liệu về ông Latchford, bao gồm một bản kiểm kê doanh số bán hàng và bằng chứng chi tiết về hoạt động buôn bán cổ vật Khmer trên toàn cầu.

 

 

Tượng thần Shiva và Skanda là một trong 5 tác phẩm đầu tiên mà Julia Latchford trả lại cho Campuchia.

 

 

Một bức tượng cổ từ thế kỷ thứ 10 được trưng bày tại buổi lễ hồi hương năm 2014 ở Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: AFP.

 

 

 

 

Hai luật sư Mỹ Bradley J Gordon và Steven Heimberg đại diện cho Bộ Văn hóa và Mỹ thuật Campuchia phụ trách đàm phán với bà Latchford. Theo ông Gordon, trọng tâm của vụ việc này là trả lại di sản bao gồm khoảng 600 tác phẩm cho Campuchia.

 

 

Ông Gordon nói “Chúng tôi cho rằng tất cả tượng thiêng và cổ vật từ thời Angkor và tiền Angkor (từ thế kỷ thứ 9 đến thế kỷ thứ 15) đã được đưa ra khỏi Campuchia, đặc biệt là từ năm 1970, và chúng đã bị lấy đi một cách bất hợp pháp. Người có quyền sở hữu phải chứng minh rằng những cổ vật này có giấy phép và xuất xứ phù hợp. Khi được hỏi, rất ít người có thể đưa ra được giấy phép này".

 

 

Youk Chhang - Giám đốc Trung tâm Tư liệu Campuchia, cho biết việc hồi hương những di sản này là chìa khóa để xây dựng đất nước.

 

Giám đốc này nói “Campuchia vẫn đang đi tìm danh tính của chính mình. Di sản văn hóa và tôn giáo là một dạng bản sắc của Campuchia. Tất cả mảnh vỡ ấy cần phải được đặt lại vị trí cũ".

 

 

Truy tìm tung tích cổ vật Campuchia là cuộc điều tra tốn rất nhiều công sức, trải dài khắp các lục địa và bảo tàng, đại lý khác nhau, ngoài ra còn phải điều tra cả giới thượng lưu đã mua chúng.

 

 

Tuy nhiên, Tess Davis - Giám đốc điều hành của Liên minh Cổ vật ở Washington - cho biết điều đáng ngạc nhiên là một số bảo tàng trên toàn thế giới lại "im lặng" trước vụ việc này, thay vì rung lên hồi chuông cảnh báo về xuất xứ của cổ vật.

 

 

Phát ngôn nhân của bảo tàng này cho biết bảo tàng Anh có 5 món đồ do ông Latchford tặng từ Thái Lan, không phải Campuchia, và bảo tàng “không nhận được yêu cầu chính thức nào” về việc trả lại chúng.

 

 

Trong số 46 tác phẩm điêu khắc của người Khmer, không có tác phẩm nào do ông Latchford cung cấp. Trong số này, chỉ có hai tác phẩm bị lấy khỏi Campuchia từ trước năm 1970 và Bảo tàng Anh cũng "chưa nhận được thông tin gì từ chính phủ Campuchia” liên quan đến hai cổ vật đó, người phát ngôn cho biết.

 

 

Dù vậy, cuộc điều tra vẫn đang được tiến hành để đưa các cổ vật của Campuchia hồi hương.