Buổi khai mạc Hội nghị về ô nhiễm nhựa tại Busan, Nam Hàn, ngày 25/11/2024. AP
Nếu như tại Hội nghị khí hậu quốc tế của Liên Hiệp Quốc COP-29, 1770 nhà hoạt động hành lang đăng ký tham dự, thì « phái đoàn lobby » tiếp tục hiện diện đông đảo, lấn án hội nghị về chấm dứt ô nhiễm nhựa tại Busan, để bảo vệ lợi ích của các tập đoàn nhiên liệu hóa thạch, thay vì bảo vệ môi trường.
Theo Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP), thế giới sản xuất khoảng 400 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm, tương đương với tổng trọng lượng của cơ thể toàn bộ nhân loại. Phần lớn rác thải nhựa bị rơi xuống các đại dương, bờ biển và bãi rác, phân hủy thành các mảnh nhỏ gọi là vi nhựa, xuất hiện khắp mọi nơi trong môi trường và cả trong cơ thể con người. Vấn đề này được dự báo là sẽ trở nên nghiêm trọng hơn trong các thập kỷ tới.
Vào năm 2022, các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc đã cam kết sẽ xây dựng một thỏa thuận ràng buộc pháp lý để chấm dứt tình trạng rác thải nhựa bị xả ra ngoài môi trường. Các nước đã thành lập một ủy ban đàm phán liên chính phủ.
Năm cuộc họp đã được lên kế hoạch trong vòng 2 năm. Các cuộc họp đầu tiên diễn ra tại Uruway (12/2022), lần thứ hai tại Paris (vào tháng 06/2023), và lần thứ thứ ba tại Kenya (11/2024). Cuộc họp thứ tư diễn ra tại Ottawa (04/2024) và cuối cùng là ở Busan, Nam Hàn (11/2024). Các cuộc họp này nhằm đưa ra một văn bản, dự trù vào năm 2025, để chấm dứt ô nhiễm nhựa từ nay đến năm 2040.
Các cuộc đàm phán bị đình trệ
Khoảng 90 % nhựa được sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch và ngành công nghiệp này « tiếp tục bám chặt vào nhựa và các sản phẩm hóa dầu », như một chiếc phao cứu sinh, và không dễ để động tới lợi ích của ngành công nghiệp nhiên liệu hoá thạch.
Ngay từ những cuộc họp đầu tiên, các quốc gia như Nga, Trung Quốc và các nước vùng Vịnh, cũng các doanh nghiệp về nhiên liệu hóa thạch đã cố gắng kiểm soát, làm đình trệ nhiều cuộc tranh luận. Bài phân tích của Shérazade Zaiter, giảng viên tại đại học Limoges, trên trang The Conversation, nêu ra sự can thiệp của giới vận động hành lang tại các cuộc họp nói trên.
Cụ thể tại kỳ họp thứ hai ở Paris, một nhóm các quốc gia chủ yếu sản xuất dầu mỏ đã làm đình trệ các cuộc đàm phán, bằng cách nêu lại vấn đề thủ tục, vốn đã được thảo luận trong cuộc họp đầu tiên ở Uruway. Phái đoàn của các nước từ Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, hay Ả Rập Xê Út đã từ chối cách thức thông qua thoả thuận tương lai, tức là bằng 2/3 số phiếu ủng hộ, nếu không đạt được đồng thuận của tất cả các nước.
Còn tại thủ đô Nairobi của Kenya, 1 tuần đàm phán của phái đoàn từ hơn 170 nước và vùng lãnh thổ đã không đạt được kết quả đáng chú ý nào, không đưa ra được một văn bản tinh giản, đúc kết từ những cuộc họp trước đó, thậm chí không trao quyền cho ban thư ký, chuẩn bị dự thảo đầu tiên của văn bản đó.
Tại cuộc họp tại Ottawa hồi tháng Tư vừa qua, đàm phán cũng bị cản trở bởi các nhà vận động hành lang, lấn át tiếng nói của các bên tham gia. Các nhà vận động hành lang ủng hộ lợi ích của những tập đoàn dầu khí tăng thêm 37 % so với các kỳ họp trước đó. Phái đoàn « lobby », cao gấp 3 lần so với 58 chuyên viên khoa học độc lập từ các tổ chức nghiên cứu độc lập, vượt xa tổng số 180 đại diện phái đoàn từ các nước Liên Hiệp Châu Âu. Hơn nữa, một báo cáo chỉ ra rằng 16 nhà vận động hành lang hiện diện ngay cả trong phái đoàn chính thức của các nước từ Malaysia, Thái Lan, Iran, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ…
Tori Cress, giám đốc truyền thông tại Keepers of the Water, và là thành viên của nhóm Indigenius Peoples’ Caucus, lên tiếng chỉ trích « những người vận động hành lang tận hưởng những vị trí trong phái đoàn các nước, trong khi các cộng đồng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi cuộc khủng hoảng nhựa đang cố đấu tranh để tiếng nói của họ được lắng nghe. Trong khi các quảng cáo ủng hộ nhựa được trài trợ, thì những đại diện của nhóm Những người bản địa lại không được tiếp cận, thời gian cực kỳ hạn chế, thậm chí còn không được lắng nghe trong một số cuộc họp ».
Còn tại kỳ họp cuối cùng ở Busan, Nam Hàn, diễn ra trong tuần này với sự hiện diện của hai phe với lập trường đối lập. Một bên là liên minh gồm hơn 60 quốc gia, thuộc khối OECD, trừ Hoa Kỳ, cố gắng thúc đẩy thông qua một hiệp ước đầy tham vọng, nhằm chấm dứt ô nhiễm nhựa, từ thượng nguồn (sản xuất polymer), đến hạ nguồn (quản lý chất thải hợp lý). Bên kia là liên minh các nước vùng Vịnh, Nga và Trung Quốc,…, chỉ muốn giới hạn phạm vi của thỏa thuận, trong quản lý chất thải, và phản đối tất cả các quy định ảnh hưởng đến sản xuất loại « chất độc » với môi trường này. Gần 200 nhà hoạt động hành lang từ các doanh nghiệp hoá chất và dầu khí hiện diện tại sự kiện này, « Lobby » tiếp tục là phái đoàn đông đảo nhất.
Lobby xâm nhập vào các phái đoàn chính thức
Vào năm 2019, tổ chức Corporate Europe Observatory (CEO), trong một báo cáo, chỉ ra mối quan hệ giữa các nước thành viên của Liên Hiệp Châu Âu và các tập đoàn năng lượng tư nhân. Mối liên hệ đó được coi là « nguy hiểm », bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp thay vì lợi ích công. Điều này giải thích tại sao lại thiếu các quyết định nhằm giải quyết các vấn đề khí hậu cấp bách, thậm chí đôi khi dẫn đến những quyết định khiến tình hình trở nên nghiêm trọng hơn, với các hiệp định thương mại.
Nhiều cuộc điều tra của nhà báo và ngành tư pháp cho thấy là một số tập đoàn năng lượng lớn đã nhận thức được các tác động từ hoạt động kinh doanh của mình đối với biến đổi khí hậu, nhưng tiếp tục tài trợ cho các chiến dịch làm sai lệch thông tin, để gieo rắc sự hoài nghi đối với biến đổi khí hậu. Một số tài liệu nội bộ của Exxon Mobil, được tiết lộ vào năm 2015, chỉ ra rằng tập đoàn này đã có thông tin về nguy cơ biến đổi khí hậu từ những năm 1970.
Hàng tỷ đô-la để "tẩy xanh" nhựa.
Các doanh nghiệp dầu khí tìm mọi cách để ngăn chận quá trình chuyển đổi năng lượng, bởi điều này sẽ buộc họ phải xem xét lại cách thức hoạt động. Các tập đoàn như ExxonMobil, Shell, Chevron, BP, Total đã chi hàng tỷ đô-la cho vận động hành lang từ năm 2015 đến 2019, sau khi Thỏa thuận khí hậu Paris được ký kết, theo tổ chức phi chính phủ InfluenceMap.
Đối với các công ty dầu mỏ, sản xuất nhựa trực tiếp từ dầu mỏ rẻ hơn so với sử dụng vật liệu tái chế, và họ đã chi mạnh tay cho các chiến lược marketing tẩy xanh. Theo ông Whilliam S.Bechker, giám đốc chương trình Hành động vì khí hậu của Hoa Kỳ, trong bài viết trên The Hill, các công ty dầu mỏ “rao bán” các giải pháp kỹ thuật đáng ngờ, « đầy nghịch lý », chẳng hạn như công nghệ tách khí carbon khi đốt nhiên liệu hoá thạch. Tuy nhiên, các nhà máy điện và nhà máy được trang bị công nghệ này sẽ không bao giờ tạo ra điện với giá cạnh tranh so với năng lượng tái tạo không phát thải carbon. Hay một giải pháp khác là đốt chất thải nhựa để phục vụ sản xuất thép, ngành công nghiệp vốn đã thải ra nhiều khí carbon.
Ông Bechker khẳng định rằng nếu các công ty dầu mỏ tiếp tục sản xuất nhựa, nếu người tiêu dùng tiếp tục mua chúng. Khi nhựa nguyên sinh (virgin plastic) vẫn còn rẻ hơn nhựa tái chế, thì nhựa tái chế vẫn là “trò lừa đảo”. Nhựa sinh học là giải pháp khả thi, nhưng cần nhiều nỗ lực để thực hiện.
(Theo RFI Việt ngữ)