Binh lính Ukraine hối hả vận chuyển lô thiết bị quân sự do Mỹ tài trợ và các loại hỗ trợ quân sự khác được chuyển đến từ Litva, khi họ cập bến Sân bay Boryspil ở Kyiv vào ngày 13/2/2022. (Ảnh: Sergei Supinsky/AFP/Getty Images)

 

 

ÂU CHÂU - Gần đây, tại một cuộc họp ở Lithuania, các quan chức vùng Baltic đã hoan nghênh đề xuất của Pháp về việc triển khai quân đội Âu châu  tới Ukraine. Tuy nhiên, thông tin này lại ít được các hãng truyền thông phương Tây chú ý.

 

Cuối tuần trước, Ngoại trưởng Pháp Stephane Sejourne đã có chuyến thăm tới Lithuania và hội đàm với các đồng cấp từ Ukraine, Estonia, Latvia và Lithuania. Tại cuộc gặp, ông Sejourne đã đề cập đến khả năng triển khai quân đội phương Tây tới Ukraine, một ý tưởng trước đó đã được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề xuất.

 

 

Tờ Politico, một trong số ít các hãng truyền thông phương Tây đưa tin về cuộc họp, cho biết ông Sejourne nói rằng Kyiv "không yêu cầu chúng tôi điều quân đến". Một nhà ngoại giao Pháp giấu tên cho biết thêm: "Hiện tại, Ukraine đang yêu cầu chúng tôi gửi đạn dược".

 

Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh: "Trong những tháng tới, chúng tôi không loại trừ bất cứ khả năng nào", lặp lại tuyên bố gần đây của Tổng thống Macron.

 

Trong khi đó, Kyiv liên tục cảnh báo về tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng đạn pháo pháo binh khi phải đối mặt với các cuộc tấn công không ngừng nghỉ của Nga, đặc biệt là ở vùng Donetsk phía đông.

 

Ukraine và các đồng minh cho rằng tình trạng thiếu hụt này là nguyên nhân dẫn đến một loạt thất bại gần đây trên chiến trường, bao gồm việc Nga chiếm được thị trấn chiến lược Avdiivka vào tháng trước.

 

Tại cuộc họp ở Lithuania, ông Sejourne được cho là đã đề cập đến việc triển khai lực lượng phương Tây đến Ukraine để tham gia các hoạt động rà phá bom mìn. Điều này có nghĩa là triển khai "một số nhân sự" đến Ukraine, nhưng "không phải để chiến đấu".

 

Ngoài ra, ông Sejourne cũng bày tỏ lo ngại về mối đe dọa được cho là từ phía Nga đối với các quốc gia vùng Baltic, vốn từng là một phần của Liên Xô trước khi Liên Xô tan rã vào đầu những năm 1990.

 

Năm 2004, ba nước Baltic cùng với Bulgaria, Romania, Slovakia và Slovenia gia nhập khối quân sự NATO của phương Tây. Cùng năm đó, các quốc gia Baltic - tất cả đều giáp ranh với lãnh thổ Liên bang Nga - trở thành thành viên chính thức của Liên minh Âu Châu.

 

Theo tờ Politico, các Ngoại trưởng vùng Baltic tham dự cuộc họp đã ca ngợi Pháp vì "suy nghĩ vượt ra ngoài khuôn khổ".

 

 

Diễn ngôn hiếu chiến

Cuộc họp ở Lithuania diễn ra trong bối cảnh Pháp có những tuyên bố cứng rắn hơn về tình hình Ukraine trong những tuần gần đây.

 

Tháng trước, Tổng thống Pháp Macron đã khiến nhiều người bất ngờ, kể cả đồng minh của Kyiv, khi ông đề xuất các nước thành viên của Liên minh Âu Châu (EU) có thể cử quân tới Ukraine để hỗ trợ chiến đấu với quân đội Nga.

 

Ông tuyên bố tại cuộc họp các nhà lãnh đạo Âu châu ở Paris vào ngày 26/2 rằng "Không nên loại trừ bất cứ điều gì"

"Chúng tôi sẽ làm tất cả những gì cần thiết để Nga không giành chiến thắng".

 

Kể từ khi Nga xâm lược miền đông Ukraine hơn hai năm trước, Pháp vẫn là một trong những nước ủng hộ Ukraine mạnh mẽ nhất.

 

Dưới thời Tổng thống Macron, Paris đã cung cấp cho Kyiv hàng tỷ euro và một loạt vũ khí tấn công, bao gồm xe tăng, đạn pháo và hỏa tiễn SCALP tầm xa.

 

Vào giữa tháng Hai, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã tới thăm Paris, nơi ông và ông Macron ký kết một thỏa thuận an ninh kéo dài 10 năm giữa hai nước.

 

 

Thỏa thuận bao gồm cam kết 3 tỷ euro (gần 3,28 tỷ USD) từ Pháp cho nỗ lực chiến tranh của Ukraine trong năm 2024, tiếp theo sau khoản 1,7 tỷ euro năm 2022 và 2,1 tỷ euro năm ngoái.

 

Trong khi đó, Moscow đã cáo buộc nhà lãnh đạo Pháp đang kéo nước mình vào cuộc xung đột, gây tổn hại cho người dân Pháp.

 

Một phát ngôn viên Điện Kremlin cho biết vào ngày 7/3: "Ông Macron tiếp tục leo thang mức độ can dự trực tiếp của Pháp vào cuộc chiến này. Điều này hoàn toàn không phù hợp với lợi ích của người dân Pháp”.

 

Ông Dmitry Medvedev, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga (và là cựu Tổng thống kiêm Thủ tướng), đưa ra phản ứng gay gắt hơn.

 

Ông Medvedev cảnh báo, những tuyên bố của ông Macron "có nghĩa là Nga không còn bất kỳ lằn ranh đỏ nào đối với Pháp nữa”.

 

 

Bước ngoặt bất ngờ?

Tại cuộc họp tuần trước ở Lithuania, ông Emmanuel Bonne, cố vấn ngoại giao của Tổng thống Pháp, được cho là đã chỉ trích phản ứng của Moscow đối với bình luận của Tổng thống Pháp.

 

Ông Bonne nhấn mạnh: "Nga không có quyền can thiệp vào cách triển khai các hoạt động của chúng tôi hoặc đặt ra những lằn ranh đỏ. Chúng tôi tự quyết định điều đó".

 

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Lithuania Gabrielius Landsbergis lại có quan điểm khác. Ông cho rằng: "Chúng ta cần phải đặt ra những lằn ranh đỏ cho Nga, chứ không phải cho chính mình".

 

Ông Landsbergis khẳng định: "Không thể loại trừ bất kỳ hình thức hỗ trợ nào cho Ukraine".

 

Ban đầu, đề xuất gây tranh cãi về việc triển khai quân đội NATO tới Ukraine đã bị các thành viên chủ chốt của NATO như Mỹ, Anh và Đức bác bỏ.

 

Tuy nhiên, cục diện có vẻ đang thay đổi. Vào ngày 8/3, cùng ngày diễn ra cuộc họp ở Lithuania, Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski tuyên bố: "Sự hiện diện của lực lượng NATO ở Ukraine không phải là điều không thể tưởng tượng".

 

Ông Sikorski nói thêm: "Tôi đánh giá cao sáng kiến của Tổng thống Pháp Macron, bởi vì điều quan trọng là ông Putin phải sợ hãi, chứ không phải chúng ta sợ ông Putin".

 

(Theo The Epoch Times)

(ntdvn.net; Huyền Anh biên dịch)