Ảnh minh họa: Logo của tập đoàn Meta. REUTERS - Dado Ruvic

 

 

 

Tập đoàn Meta, chủ nhân của Facebook, Instagram và WhatsApp, hôm ngày 07/01/2025, thông báo chấm dứt « chương trình phát hiện chống tin giả » (fact-checking), có từ năm 2016, đối với các nội dung trên các nền tảng thuộc sở hữu của Meta trước hết tại Mỹ. Quyết định của Meta được chủ nhân mạng X Elon Musk hoan nghênh, nhưng ngay lập tức bị giới chuyên gia chống tin giả lên án mạnh mẽ.

 

Chủ nhân Meta, Mark Zuckerberg, « sẽ thay thế những fact-checkers (dịch vụ phát hiện tin giả) bằng các ý kiến của cộng đồng, tương tự như mạng X đã làm ». Mark Zuckerberg nhấn mạnh « đã có quá nhiều sai lầm và kiểm duyệt. Và đã đến lúc cần trở lại với việc kiên quyết bảo vệ quyền tự do ngôn luận ».

 

Theo Reuters, chủ nhân tập đoàn Meta cho biết rõ là tập đoàn này vẫn sẽ tiếp tục duy trì các hệ thống tự động nhằm kiểm soát « các vi phạm nghiêm trọng » và các nội dung bất hợp pháp, nhưng đình chỉ việc tìm kiếm các vi phạm loại khác, như « phát biểu thù hận », và chỉ xem xét những việc này trong trường hợp có các đòi hỏi từ phía người sử dụng.

 

 

 

« Cửa rộng mở cho tin giả », « một thời kỳ cực kỳ nguy hiểm cho nghề báo »…

 

Về phản ứng của giới chuyên gia chống tin giả, AFP dẫn lời của ông Ross Burley, đồng sáng lập Centre for Information Resilience, một mạng lưới các nhà điều tra độc lập, có trụ sở tại Anh, chỉ trích quyết định của Meta « dường như là một biện pháp được đưa ra với mục tiêu xoa dịu về chính trị hơn là một quyết định chiến lược đúng đắn », và « nếu thiếu những biện pháp thay thế », quyết định này « có nguy cơ mở rộng cửa cho đủ loại tin giả ».

 

Nhà báo người Philippines, giải Nobel Hòa bình Maria Ressa, hôm ngày 08/01, cảnh báo « bắt đầu một thời kỳ cực kỳ nguy hiểm với nghề báo » sau quyết định ngừng kiểm tra tin giả của Meta. Nữ nhà báo Philippines là một biểu tượng của cuộc chiến chống tin giả, đồng sáng lập trang mạng phóng viên điều tra Rappler, từ năm 2012, chuyên về các bạo lực liên quan đến chiến dịch chống ma túy của cựu tổng thống Rodrigo Duterte.

 

Giáo sư Michael Wagner, trường báo chí Đại học Wisconsin ở Madisonn, cho rằng « việc yêu cầu mọi người tự nguyện kiểm soát tin tức giả mạo trên nền tảng của Meta đồng nghĩa việc Meta chối bỏ trách nhiệm với xã hội của mình ».

 

Theo AFP, quyết định của Meta được đưa ra trong bối cảnh, tổng thống đắc cử Donald Trump gia tăng áp lực lên các tập đoàn truyền thông kỹ thuật số của Mỹ. Ngày 02/01/2025, Mark Zuckerberg đã bổ nhiệm Joel Kaplan, một người thân cận với Trump, làm lãnh đạo bộ phận quan hệ công chúng của Meta, thay cựu phó thủ tướng Anh, Nick Clegg, vừa từ nhiệm. France 24 dẫn lại một phát biểu mới đây của Joel Kaplan : « Quá nhiều nội dung không nguy hiểm đã bị kiểm duyệt, quá nhiều người bị giam hãm vô lý trong nhà tù Facebook ».

 

Trước quyết định này của Mark Zuckerberg, Facebook, WhatsApp và Instagram đã sử dụng dịch vụ chống tin giả của hơn 80 phương tiện truyền thông trên thế giới, trong đó có hãng tin Pháp AFP. Người đứng đầu trang PolitiFact, Aaron Sharockman, trang mạng đã cộng tác với chính mạng Facebook chống tin giả tại Mỹ từ năm 2016, lên án quan điểm cho rằng kiểm tra tin giả đồng nghĩa với « kiểm duyệt » : « Nếu Meta gọi đây là một công cụ kiểm duyệt thì hãy tự nhìn lại mặt mình trong gương ! ».

 

 

(Theo RFI Việt ngữ)