Singapore, ngày 22-4, thông báo tổng số ca nhiễm COVID-19 tại nước này đã tăng lên 10.141 ca sau khi có thêm 1.016 ca nhiễm mới.

 

Philippines ngày 22-4 ghi nhận thêm 9 người chết và 111 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại nước này lên 446 người, tổng số ca nhiễm là 6.710. Số người được chữa khỏi và cho xuất viện tính đến ngày 22-4 là 693 người. 

 

Malaysia chỉ ghi nhận thêm 1 ca tử vong trong ngày 22-4 và 50 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca tử vong lên 93 người trong tổng số ca 5.532 ca nhiễm. 

 

Indonesia tiếp tục là nước có số người chết nhiều thứ hai Đông Nam Á, với 635 người sau khi có thêm 19 ca tử vong được ghi nhận trong ngày 22-4. 

Bộ Y tế Indonesia cho biết đã xét nghiệm hơn 47.300 người và phát hiện 7.418 ca dương tính, bao gồm 238 ca ghi nhận trong ngày 22-4. Hiện có khoảng 913 người đã được chữa khỏi.

 

Số ca nhiễm tại Singapore vượt mốc 10.000

Bộ Y tế Singapore ngày 22-4 thông báo tổng số ca nhiễm COVID-19 tại nước này đã tăng lên 10.141 ca sau khi có thêm 1.016 ca nhiễm mới. Phần lớn số ca nhiễm mới là lao động nhập cư. Các khu ký túc xá dành cho lao động nước ngoài chiếm tới 3/4 số ca nhiễm của Singapore, theo hãng tin Reuters.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 tại Singapore với số ca nhiễm mới tiếp tục trên 1.000 ca mỗi ngày, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã quyết định kéo dài thời gian thực hiện cách ly xã hội thêm 4 tuần, tới ngày 1-6.

 

Nga chạm mốc 58.000 ca nhiễm

Nhà chức trách Nga ngày 22-4 xác nhận đã có thêm 5.236 ca nhiễm COVID-19 mới tại nước này trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm tại Nga lên 57.999 người. Số ca tử vong mới được ghi nhận trong cùng thời gian là 57 người, đẩy tổng số ca tử vong từ lúc dịch bùng phát đến nay lên 513 người.

 

Mỹ lo đợt bùng phát dịch thứ hai gây hậu quả lớn

Robert Redfield, giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), ngày 21-4 cảnh báo nếu đợt bùng phát thứ hai của dịch COVID-19 rơi trúng vào thời kỳ đầu của dịch cúm mùa, hậu quả sẽ còn tàn khốc hơn hiện tại.

 

Người đứng đầu CDC Mỹ nói trong lo lắng "Nhiều khả năng chúng ta sẽ đối mặt với nhiều khó khăn với cuộc tấn công của virus vào mùa đông sắp tới, hơn rất nhiều so với đợt tấn công nước Mỹ vừa trải qua", ông Redfield đặt vấn đề trong cuộc phỏng vấn với báo Washington Post.

"Khi đó nước Mỹ sẽ trải qua dịch cúm và dịch COVID-19 cùng lúc".

Mỹ đến nay đã ghi nhận hơn 800.000 trường hợp xác nhận nhiễm virus corona chủng mới kể từ khi bắt đầu đại dịch, theo thống kê của ĐH Johns Hopkins, với 44.845 trường hợp tử vong.

 

Bang đầu tiên Mỹ kiện Trung Quốc đòi bồi thường thiệt hại vì COVID-19

Theo đài CNN, bang Missouri của Mỹ đã trở thành bang đầu tiên nộp đơn kiện chính phủ Trung Quốc vì những thiệt hại về nhân mạng và kinh tế mà dịch COVID-19 gây ra ở bang này.

Trong đơn kiện do đích thân Tổng chưởng lý bang Missouri Eric Schmitt đệ trình, bang này đưa ra nhiều cáo buộc, trong đó có việc Trung Quốc phủ nhận "bản chất truyền nhiễm" của virus corona chủng mới, dẫn tới hậu quả nghiêm trọng ở Missouri.

 

Chính quyền Missouri cũng cáo buộc các quan chức Trung Quốc đã làm rất ít để ngăn chặn sự lây lan của virus dù có kiến ​​thức về loại virus này. Trước Missouri cũng đã có vài vụ kiện tập thể chống lại Trung Quốc nhưng Missouri là bang đầu tiên của Mỹ nộp đơn kiện chính phủ Trung Quốc.

Các chuyên gia pháp lý nhận định vụ kiện của Missouri và các vụ khác tương tự sẽ gặp nhiều khó khăn, bởi Trung Quốc được hưởng quyền miễn trừ trở thành bị đơn theo một đạo luật liên bang của Mỹ.

 

Ấn Độ ngừng xét nghiệm nhanh virus corona

Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ đã khuyến cáo tất cả các bang ngừng sử dụng bộ dụng cụ xét nghiệm nhanh trong hai ngày sắp tới sau khi phát hiện có quá nhiều lỗi trong những bộ xét nghiệm này.

 

Cơ quan này đang ráo riết kiểm tra lại nguồn gốc các bộ xét nghiệm, thu hồi chúng và trả lại cho nhà sản xuất. Các bộ xét nghiệm nhanh virus corona bắt đầu được triển khai ở Ấn Độ hồi tuần trước. Bộ Y tế nước này đã liên tục cảnh báo các bộ xét nghiệm này chỉ nên được sử dụng để giám sát và xác định xu hướng dịch tễ học.

 

Ấn Độ đã xét nghiệm tổng cộng 462.621 mẫu bệnh phẩm được lấy từ 447.812 người tính đến ngày 21-4.