Thuyền của người di cư tại bãi biển Tripiti, đảo Gavdos, Hy Lạp, điểm cực nam của Âu châu. Nguồn: AAP / Elena Becatoros/AP
Anh và Pháp mới đây đã loan báo một chương trình thử nghiệm, theo đó những người di dân đi bằng thuyền nhỏ đến Anh sẽ bị trả về lại Pháp. Đổi lại, Luân Đôn sẽ tiếp nhận những người xin tị nạn đã được thẩm tra, thông qua một lộ trình hợp pháp. Trong lúc hai bên tiến tới một thỏa ước hết sức tế nhị, Hy Lạp lại cho thấy một lập trường hoàn toàn trái ngược, khi tuyên bố sẽ tạm đình chỉ quyền xin tị nạn, đối với một số trường hợp nhất định.
Thủ tướng Anh, Keir Starmer, và Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron, vừa công bố một chương trình thử nghiệm được mô tả là ‘bước đột phá’ trong việc giải quyết những di dân vượt biển, theo đó những người nhập cư đến Anh bằng thuyền nhỏ sẽ bị tạm giam và đưa trở lại Pháp trong thời gian ngắn.
Đổi lại mỗi lần như vậy, một người xin tị nạn khác đã qua thẩm tra an ninh, sẽ được phép nhập cảnh.
Thủ tướng Keir Starmer nói, “Lần đầu tiên, chúng tôi thực hiện một mô hình đầy kiểm soát và chặt chẽ như vậy: kẻ vi phạm sẽ bị trả về, trong khi người thực sự cần bảo vệ, sẽ được đón nhận hợp pháp”.
Kế hoạch ‘một vào, một ra’ dự trù sẽ được khởi động trong vài tuần tới, nhưng số lượng ban đầu còn khiêm tốn với khoảng 50 trường hợp mỗi tuần, tức chừng 2.600 người mỗi năm, trong khi riêng năm 2024 đã có hơn 35 ngàn người tới Anh qua đường biển, với trên 21 ngàn người chỉ trong nửa năm đầu.
Tổng thống Macron xác nhận, kế hoạch này nhằm bịt lại một ‘khoảng trống pháp lý’ hậu Brexit, nơi các tội phạm buôn người đang khai thác triệt để.
Tổng thống Emmanuel Macron nói, “Từ sau Brexit, Vương quốc Anh không còn thỏa thuận di dân với Liên Âu. Hiện không có đường nhập cảnh hợp pháp thay thế, cũng không có cơ chế hồi hương người vượt biên. Thực trạng đó chính là sự mâu thuẫn với những gì Brexit từng hứa hẹn”.
Ông chỉ trích Brexit đã ‘bán cho dân chúng một lời nói dối’, làm đẩy mạnh một cuộc khủng hoảng do ‘chính khoảng trống luật pháp mà Brexit tạo ra’.
Trong khi đó ông Mihnea Cuibus, chuyên gia của Trung tâm Quan sát Di cư Oxford, tính hiệu quả của kế hoạch phụ thuộc hoàn toàn vào quy mô thực hiện.
Mihnea Cuibus nói, “Nếu chỉ áp dụng cho một số ít, thì khó có tác động đến quyết định của người di dân. Nhưng nếu đa số người bị trả về ngay trong vài ngày, thì hiệu ứng ngăn đe sẽ rõ ràng”.
Ông lưu ý rằng, vượt đường biển bằng thuyền nhỏ xuất hiện từ năm 2017, là kết quả tự nhiên sau khi Anh siết chặt biên giới, đặc biệt tại các bến cảng và cửa ngõ lên xe tải và khi những lối đi khác bị chặn, nhu cầu vượt biên bằng cách mới đã phát sinh.
Đa số người tìm đến Anh đều là những người đã trải qua một hành trình dài, từ Syria, Afghanistan, Sudan, Tây Phi và Bắc Phi.
Họ đã thất bại trong việc tị nạn tại những nơi khác ở Âu châu trước khi quyết định thử vận may với Anh.
Mihnea Cuibus “Với họ, nước Anh không phải lựa chọn đầu tiên, mà là cơ may cuối cùng”.
Trong khi Anh và Pháp đang hướng tới một kết hợp mới, Hy Lạp cho thấy lập trường cứng rắn chưa từng có, khi dừng nhận đơn xin tị nạn từ người nhập cư qua Libya và Bắc Phi.
Bộ trưởng Di dân Sự vụ, Thanos Plevris, cho biết, “Từ nay trở đi, con đường dành cho người nhập cư bất hợp pháp chỉ có hai lối, hoặc vào tù hoặc trở về xứ sở. Thông điệp chúng tôi đưa ra rất rõ ràng là đừng đến đây, chúng tôi không hoan nghênh quý vị”.
Các tổ chức nhân quyền đã lên tiếng phản đối dự luật này cho rằng, nó vi phạm cả luật pháp Liên Âu lẫn công pháp quốc tế, tước đi quyền được xin bảo hộ của người tỵ nạn.
Cuộc chiến Syria từ năm 2011 đã dẫn đến đợt khủng hoảng tị nạn lớn nhất Âu châu kể từ sau Thế chiến thứ hai, với hơn 14 triệu người mất nhà cửa, trong đó trên một triệu người đã đến Liên Âu.
Cuộc xâm lược Ukraine năm 2022 của Nga lại mở ra một đợt sóng mới, với trên 6 triệu người Ukraine ghi danh là người tị nạn tại Âu châu, một sự phân biệt đã bị các tổ chức nhân quyền chỉ trích gay gắt.
Liệu kế hoạch giữa Luân Đôn và Ba Lê có đủ sức thay đổi cục diện, hay nó chỉ là một động tác mang tính chiêu bài, trong một hệ thống đang ngày càng thu hẹp vòng tay.
Câu trả lời vẫn còn ở phía trước.