Vào ngày 4/10/2023, Hàng Không Mẫu hạm USS Gerald R. Ford (phải) của Mỹ và Hàng Không Mẫu hạm Cavour của Ý đã tiến hành tập trận chung ở Biển Ionian gần Ý, một biển thuộc Địa Trung Hải. (Ảnh: Hải quân Hoa Kỳ)
THÁI BÌNH DƯƠNG - Tuần này, Nhóm tác chiến Hàng Không Mẫu hạm Cavour của Ý đã lần đầu tiên được khai triển tới khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và đang tham gia cuộc tập trận với các đồng minh của Mỹ tại Úc. Sau khi cuộc tập trận này kết thúc, họ sẽ đi qua Biển Đông và tới thăm Philippines.
Hôm thứ Năm (ngày 18/7), một quan chức cấp cao của Hải quân Ý cho biết, Hàng Không Mẫu hạm Cavour của Ý đang tham gia cuộc tập trận có biệt hiệu là "Pitch Black" tại thành phố Darwin ở phía bắc nước Úc. Ý đã cử hơn 20 máy bay chiến đấu tới tham gia cuộc tập trận chung của 20 quốc gia, với nước chủ nhà là Úc.
Mỹ, Anh, Nhật Bản, Philippines và Papua New Guinea cũng tham gia cuộc tập trận này.
Chuẩn đô đốc Hải quân Ý, ông Giancarlo Ciappina, cho biết đây là lần đầu tiên một hàng không mẫu hạm Ý tham gia tập trận.
Trong số 23 máy bay chiến đấu của Ý, có 8 chiến đấu cơ tàng hình F-35B. Những chiến cơ này đang tập trận không chiến (dogfight) với các đồng minh ở phía bắc Úc, nhắm và bắn vào đối thủ bằng súng máy, và diễn tập những hoạt động chiến đấu khác.
Thượng úy Dario Castelli, Chỉ huy tác chiến trên không của Nhóm tác chiến Hàng Không Mẫu hạm Cavour, cho biết: “Cuộc tập trận Pitch Black mang đến cho chúng tôi cơ hội kề vai tác chiến cùng các nhóm máy bay chiến đấu F-35 lớn khác, và việc khai triển xa nhà này là một một cuộc tập trận hậu cần không thể tin được đối với chúng tôi”.
Cuộc tập trận này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và một số nước láng giềng ở Biển Đông. Khoảng 40% thương mại nước ngoài của Âu Châu đi qua Biển Đông. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc và các nước khác đã tổ chức các cuộc tập trận chung trên biển ở Biển Đông. Những nước này nói rằng, những cuộc tập trận như vậy là nhằm mục đích duy trì tự do hàng hải ở Biển Đông. Ở phía đối diện, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ tuyến đường thủy chiến lược ở Biển Đông.
Chuẩn đô đốc Hải quân Ý, ông Giancarlo Ciappina, cho biết cuộc tập trận hiện tại sẽ kết thúc vào ngày 2/8. Sau đó, Nhóm tác chiến Hàng Không Mẫu hạm gồm 1.200 người của Ý sẽ tiến tới đảo Guam ở Thái Bình Dương của Hoa Kỳ và tới Nhật Bản, rồi sẽ lần đầu tiên vượt Biển Đông để tới Philippines.
Ông Ciappina nói rằng, Nhóm tác chiến Hàng Không Mẫu hạm của ông không có kế hoạch tiến hành bất kỳ hoạt động duy trì quyền tự do hàng hải nào trong chuyến đi tới Philippines. Hàng Không Mẫu hạm Cavour sẽ thực hiện công tác nhân đạo ở Philippines và tiến hành các ca phẫu thuật cho trẻ em tại bệnh viện trên tàu khi neo đậu ở Manila.
Ông Ciappina nói thêm: "Một hàng không mẫu hạm, chỉ cần nó xuất hiện ở đâu đó, nó sẽ có tác động, nó sẽ có tác dụng. Nó là một công cụ rất mạnh".
Manila và Bắc Kinh đã có nhiều lần xung đột trên Biển Đông trong thời gian gần đây.
Ngày 12/7, nhân kỷ niệm 8 năm phán quyết của trọng tài quốc tế về vấn đề Biển Đông, Mỹ đã một lần nữa kêu gọi chính quyền Trung Quốc chấm dứt những hành động gây hấn ở Biển Đông. Mỹ cũng tuyên bố rằng một mạng lưới liên minh an ninh rộng khắp đã xuất hiện nhằm duy trì sự thượng tôn pháp luật ở vùng biển tranh chấp này.
Cũng trong ngày 12/7, Đại sứ Mỹ tại Philippines đã cùng với những người đồng cấp Nhật Bản, Úc… tổ chức một diễn đàn tại Manila để bày tỏ mối quan ngại về tình trạng đối đầu ngày càng tăng ở Biển Đông. Họ đặc biệt bày tỏ sự kinh ngạc trước những xung đột giữa Trung Quốc và Philippines. Những quan chức này cũng cam kết giúp bảo vệ trật tự dựa trên pháp luật ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Trước đó một ngày, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken nói rằng, theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển, “quyết định của trọng tài năm 2016 là quyết định cuối cùng và có sự ràng buộc về mặt luật pháp với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Philippines”.
Ngày 14/7, Chuẩn đô đốc Roy Vincent Trinidad, người phát ngôn phụ trách các vấn đề Biển Đông của Hải quân Philippines, tuyên bố sẽ hoàn toàn ủng hộ kế hoạch của chính phủ trong việc gửi đơn khiếu nại mới lên Liên Hợp Quốc. Đơn khiếu nại này nhằm phản đối những hành động khiêu khích của Trung Quốc ở Biển Đông. Ông Trinidad chỉ ra, năng lực hàng không mẫu hạm của Trung Quốc vẫn “phải mất nhiều thập kỷ” thì mới có thể hoàn thiện.
(Bài viết này có tham khảo bài viết trên Reuters)
(Theo The Epoch Times tiếng Trung)
(ntdvn.net; Minh Lý biên dịch)