Cảnh sát Hồng Kông trong một cuộc biểu tình ngày 29/9/2019 (ảnh: Flickr).
Chỉ sau khi được thông qua, Bắc Kinh mới công bố toàn văn văn bản Luật An ninh quốc gia mới gây tranh cãi áp đặt lên Hồng Kông.
Vào 23 giờ đêm thứ Ba (30/6), cơ quan lập pháp của Trung Quốc đã bỏ phiếu nhất trí thông qua Luật an ninh quốc gia trong một quy trình vội vã và bí mật. Ngay cả đặc khu trưởng Hồng Kông, Carrie Lam cho biết, bà ta cũng không được phép xem dự thảo luật an ninh trước khi nó được ban hành thành luật.
Luật này hình sự hóa bốn loại hoạt động gồm ly khai, lật đổ quyền lực nhà nước, khủng bố và thông đồng với các thế lực nước ngoài. Các án phạt có thể lên đến tù chung thân.
Bắc Kinh nói rằng luật này rất quan trọng để bảo vệ sự phát triển kinh tế và ổn định chính trị của Hồng Kông. Các chuyên gia pháp lý và các nhà lãnh đạo xã hội dân sự Hồng Kông nói rằng Luật này chấm dứt vĩnh viễn tất cả các quyền tự trị còn lại mà đặc khu được hưởng dưới sự cai trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Luật an ninh không chỉ gây tác động đến thành phố từng là thuộc địa của Anh Quốc, mà còn đặt ra mối đe dọa cho bất kỳ ai trên thế giới.
Dưới đây là năm điểm chính về luật an ninh Hồng Kông, theo phân tích của NPR:
Thứ nhất, Bắc Kinh sẽ thành lập và điều hành cơ quan an ninh quốc gia tại Hồng Kông
Luật an ninh trao quyền cho Trung Quốc thành lập “Ủy ban An ninh Quốc gia” để giám sát việc điều tra và truy tố mọi vi phạm. Ủy ban này không chịu sự giám sát tư pháp cũng như luật pháp Hồng Kông – có nghĩa là nó có thể hoạt động toàn quyền mà không phải chịu bất kỳ một cơ chế kiềm chế và đối trọng nào (checks and balances).
“Luật này có quyền hạn vượt trên luật pháp địa phương và Luật Cơ Bản (hiến pháp Hồng Kông), như vậy không có cách nào để thách thức lại những định nghĩa mơ hồ về bốn loại tội phạm được quy định trong luật, rằng chúng vi phạm các quyền cơ bản”, ông Michael C. Davis, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Wilson nói với NPR. “Bây giờ mọi quyền cơ bản của con người phải chiểu theo theo lợi ích của nhà nước”.
Bắc Kinh sẽ cử một cố vấn trong Ủy ban An ninh Quốc gia để “hướng dẫn” thực thi công tác an ninh quốc gia. Có thể hiểu rằng “cố vấn” trong thực tế sẽ là người quyền lực nhất trong ủy ban”, theo Alvin Y.H Cheung, một nhà nghiên cứu luật tại Đại học New York, Mỹ.
Không rõ Trung Quốc sẽ áp dụng Luật An ninh quốc gia mới này nghiêm ngặt như thế nào, nhưng các chuyên gia pháp lý cho biết Bắc Kinh hiện đang nắm giữ một con át chủ bài về pháp lý đối với Hồng Kông.
“Tác động đầy đủ của luật sẽ chỉ rõ ràng khi thực hiện”, theo bà Margaret Lewis, giáo sư luật tại Trường Luật Seton Hall và là chuyên gia về Hồng Kông và Đài Loan. “Những gì chúng ta biết là Bắc Kinh hiện có một công cụ chính thức, hiệu quả để bịt miệng các nhà phê bình đề cập đến Hồng Kông”.
Thứ hai, luật này áp dụng cho bất cứ ai, bất cứ nơi nào trên thế giới
Luật an ninh Hồng Kông mở rộng phạm vi áp dụng ra ngoài lãnh thổ của nó. Theo Điều 38, nó có thể áp dụng đối với cả các hành vi bị coi là phạm tội “bên ngoài khu vực bởi một người không phải là thường trú nhân của khu vực”.
Điều đó có nghĩa là nếu một người Mỹ đang viết một bài xã luận cho một tờ báo của Hoa Kỳ lập luận rằng nên có các biện pháp trừng phạt chống lại ĐCSTQ, thì về mặt kỹ thuật người đó bị coi là phạm tội vì đã “kích động thù hận” chống lại Bắc Kinh.
“Luật này khẳng định quyền tài phán ra ngoài lãnh thổ đối với mọi cá nhân trên toàn cầu”, Donald Clarke, giáo sư luật tại Đại học George Washington, lưu ý rằng luật an ninh quốc gia thậm chí còn có phạm vi rộng hơn luật hình sự của chính phủ Trung Quốc.
Các cơ quan truyền thông nước ngoài, các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức quốc tế khác cũng có thể phải đối mặt với các quy định và kiểm duyệt nghiêm ngặt hơn ở Hồng Kông. Điều 54 kêu gọi quản lý chặt chẽ hơn các tổ chức trên.
Thứ ba, các vụ án an ninh quốc gia nghiêm trọng sẽ bị xét xử tại các tòa án Hoa lục, bởi các thẩm phán Trung Quốc
Khi Bắc Kinh cho rằng sắp xảy ra các trường hợp “phức tạp”, “nghiêm trọng”, có nguy cơ đe dọa an ninh, Trung Quốc sẽ có thể khẳng định quyền tài phán pháp lý tuyệt đối. Điều đó có nghĩa là nó có thể dẫn độ các nghi phạm sang Trung Quốc đại lục để xét xử. Như vậy luật này còn nghiêm trọng hơn dự luật dẫn độ sang Trung Quốc từng dẫn đến hàng loạt các cuộc biểu tình quy mô lớn tại Hồng Kông vào năm ngoái. Bị cáo trong những trường hợp như vậy sẽ phải chiểu theo luật hình sự Trung Quốc, bỏ qua hệ thống tư pháp của Hồng Kông. Trung Quốc cũng có thể chối bỏ quy trình xét xử hợp pháp thông qua việc tìm kiếm chứng cứ, thay vào đó là thẩm phán do Bắc Kinh chỉ định có quyền đưa ra mọi phán quyết. Trung Quốc cũng có thể cấm công chúng tiếp cận phiên tòa nếu vụ việc được coi là có chứa thông tin nhạy cảm.
“Luật An ninh quốc gia là sự phá hủy hoàn toàn đối với hệ thống pháp lý và tư pháp của Hồng Kông”, theo Victoria Hui, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Notre Dame.
ĐCSTQ nói rằng các hệ thống pháp lý của Trung Quốc và Hồng Kông không tương thích, do đó, hệ thống pháp lý của Trung Quốc phải được coi là cơ quan pháp lý mặc định.
“Văn phòng An ninh quốc gia của Hoa lục tuân theo luật pháp Trung Quốc”, Zhang Xiaoming, phó giám đốc điều hành Văn phòng Hồng Kông và Macao, nói với các phóng viên hôm thứ Tư (1/7). “Không thể mong đợi hệ thống pháp lý của Hồng Kông thực thi luật pháp của Hoa lục”.
Thứ tư, luật này quy định hết sức mơ hồ về hành vi bị coi là phạm pháp
Luật này được thiết kế để dập tắt mọi bất đồng chính kiến ở Hồng Kông chống lại sự cai trị của Bắc Kinh. Tội lật đổ, khủng bố, thông đồng với các lực lượng nước ngoài và ly khai phải đối mặt với án tù chung thân. Tuy nhiên, những tội danh như vậy “đều bị định nghĩa một cách mơ hồ và do đó có khả năng bị áp đặt tùy tiện trong thực tế”, theo Jacques deLisle, một giáo sư luật và chuyên gia về hệ thống pháp lý của Hồng Kông tại Đại học Pennsylvania.
Thứ năm, luật này dường như được viết ra để thông qua hàng loạt dự luật mà chính quyền Hồng Kông đã đề xuất nhưng buộc phải đình chỉ vì bị công chúng phản đối.
Ví dụ, luật an ninh quốc gia bắt buộc chính phủ Hồng Kông thực hiện “giáo dục an ninh quốc gia” trong trường học, các tổ chức xã hội và các phương tiện truyền thông, đưa thêm “giáo dục yêu nước” vào chương trình giảng dạy của Hồng Kông.
Luật này cũng bắt buộc bất kỳ ai bước vào văn phòng công chức ở Hồng Kông phải tuyên thệ trung thành với Bắc Kinh – một phản ứng rõ ràng cho một sự kiện năm 2016, trong đó Bắc Kinh cấm hai nhà lập pháp Hồng Kông từ chức sau khi họ từ chối đọc lời thề.
Đã có một cơn ớn lạnh đang lan khắp Hồng Kông. Trong vài giờ sau khi Luật được thông qua, hai đảng chính trị đối lập ở Hồng Kông tuyên bố họ tự nguyện tan rã. Các nhà hoạt động khác đã từ chức khỏi các tổ chức mà bây giờ có thể bị coi là lật đổ.
NPR trích dẫn ý kiến của ông Jeff Wasserstrom, một nhà sử học và tác giả của cuốn sách “Vigil: Hong Kong on the Brink” (tạm dịch: “Thức trắng: Hồng Kông đang đứng trước bờ vực”): “Một phần vì cách mô tả mơ hồ trong nhiều điều khoản của luật an ninh, sẽ có thêm những cú đánh đến xã hội dân sự. Tác động đến các trường đại học sẽ rất lớn”.
Cư dân Hồng Kông đã xóa hàng loạt tài khoản truyền thông xã hội của họ với những bài phát biểu có thể bị coi là lật đổ hoặc ly khai. NPR cho biết doanh thu trong ngành IT tăng vọt liên quan đến các phần mềm vượt tường lửa, được sử dụng để vượt qua các kiểm soát Internet kiểu Trung Quốc và trốn tránh một số giám sát kỹ thuật số.