Binh lính Thái Lan tuần tra dọc theo một con đường biên giới với Cam Bốt, đi ngang qua một biển cảnh báo về mìn (ảnh tư liệu). Ảnh: Getty Images
Quân đội Thái Lan và Cam Bốt đã đụng độ trên vùng biên giới, ít nhất hai binh sĩ Thái Lan bị thương.
Một cuộc đụng độ vũ trang giữa Thái Lan và Cam Bốt đã nổ ra tại khu vực tranh chấp dọc biên giới vào sáng sớm 24/7.
Trong một thông cáo phát đi ngay sau đó, Quân đội Thái Lan cho biết phía Cam Bốt đã nổ súng trước tại một khu vực gần đền Ta Muen Thom đang tranh chấp.
Đền Ta Muen Thom nằm trên vùng biên giới giữa tỉnh Surin của Thái Lan và tỉnh Oddar Meanchey ở miền bắc Cam Bốt.
Theo Reuters, Bộ Quốc phòng Thái Lan nói Cam Bốt đã điều động một máy bay không người lái giám sát trước khi điều quân đến khu vực này cùng với vũ khí hạng nặng.
Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Cam Bốt cho biết đã có một cuộc xâm nhập vô cớ của quân đội Thái Lan và do đó, lực lượng Cam Bốt đã đáp trả để tự vệ.
Một phát ngôn viên của Quân đội Thái Lan cho biết có hai binh sĩ nước này bị thương và Cam Bốt đã xử dụng nhiều loại vũ khí, bao gồm cả súng phóng rocket.
Tuy nhiên, một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Cam Bốt cho biết đã có một cuộc xâm nhập vô cớ của quân đội Thái Lan và lực lượng Cam Bốt đã đáp trả để tự vệ.
Cuộc đụng độ bằng súng vào sáng 24/7 ở vùng biên giới đã nổ ra sau gần hai tháng căng thẳng kể từ vụ đọ súng khiến một lính Cam Bốt thiệt mạng vào ngày 28/5.
Từ đụng độ ở biên giới, hai nước đã dần sa vào một cuộc đối đầu toàn diện, từ việc đóng cửa khẩu, ngừng giao thương, tới việc Cam Bốt đưa vấn đề ra Tòa án Công lý Quốc tế, Thái Lan triệu hồi đại sứ, trục xuất ngoại giao đoàn.
Chiều 23/7, Thủ tướng tạm quyền Phumtham Wechayachai công bố Thái Lan đã triệu hồi đại sứ từ Cam Bốt về nước.
Cùng lúc, họ cũng tuyên bố trục xuất ngoại giao đoàn của Cam Bốt.
Hành động này được đưa ra sau khi có thêm một lính Thái Lan bị thương nặng, mất chân phải, do vấp mìn tại khu vực tranh chấp Huai Bon nằm giữa tỉnh Ubon Ratchathani của Thái Lan và Preah Vihear của Cam Bốt.
Về phía quân đội, Thái Lan đã tái kích hoạt kế hoạch khẩn cấp Chakrapong Phuwanart, vốn đã được khai triển trong cuộc xung đột biên giới với Cam Bốt tại khu vực đền Preah Vihear hồi năm 2011.
Khu vực đền Ta Muen Thom nằm trên vùng biên giới giữa tỉnh Surin của Thái Lan và tỉnh Oddar Meanchey ở miền bắc Cam Bốt, nơi xảy ra vụ đấu súng vào sáng 24/7. Ảnh: Google Earth/BBC
Quân đội Thái Lan tuyên bố gì?
Lính Thái Lan trấn thủ tại vùng biên giới trong cuộc xung đột với Cam Bốt ở khu vực đền Preah Vihear vào năm 2011. Ảnh: Getty Images
Từ tổng hành dinh Bộ Tư lệnh Lục quân Hoàng gia Thái Lan, Đại tá Ritcha Suksuwanon, phó phát ngôn Quân đội Thái Lan, cho biết rằng vào lúc 7 giờ 35 sáng 24/7, đơn vị đặc nhiệm Thái Lan đóng quân tại khu vực đã báo cáo nghe thấy tiếng thiết bị bay không người lái (UAV), được cho là từ phía Cam Bốt, bay lượn gần khu vực phía trước đền Ta Muen Thom.
Mặc dù UAV không thể nhìn thấy bằng mắt thường, nhưng tiếng động phát ra giúp xác nhận sự hiện diện của thiết bị này.
Ngay sau đó, binh sĩ Cam Bốt đã tiến sát hàng rào kẽm gai gần căn cứ tiền tiêu của Thái Lan, đồng thời đưa vũ khí vào vị trí sẵn sàng chiến đấu.
Sáu binh sĩ Cam Bốt được trang bị đầy đủ, trong đó có một người mang theo súng phóng rocket (RPG), đã tiến gần khu vực ranh giới. Đáp lại, lực lượng Thái Lan đã cố gắng giảm căng thẳng bằng cách lên tiếng cảnh báo, đồng thời duy trì tình trạng giám sát biên giới ở mức cao nhất.
Bất chấp nỗ lực tránh xung đột, vào khoảng 8 giờ 20 sáng, binh sĩ Cam Bốt đã nổ súng từ vị trí cách căn cứ Thái Lan khoảng 200 mét về phía đông, đối diện trực tiếp với ngôi đền. Binh sĩ Thái Lan đã đáp trả lại cuộc tấn công, vẫn theo thông tin từ Đại tá Ritcha Suksuwanon.
Quân đội Hoàng gia Thái Lan hiện đang theo dõi sát diễn biến tình hình và sẽ cung cấp thông tin cập nhật khi có thêm chi tiết mới.
Theo báo The Nation của Thái Lan, vào ngày 23/7, Trung tướng Boonsin Padklang, Tư lệnh Lục quân Vùng 2, đã ký ban hành lệnh đóng cửa các cửa khẩu biên giới giữa Thái Lan và Cam Bốt, đồng thời tạm ngừng mọi hoạt động du lịch tại các khu vực thuộc quyền quản lý của đơn vị này, sau các vụ nổ mìn gần đây tại khu vực biên giới Thái Lan – Cam Bốt.
Ông Boosin đã viện dẫn mệnh lệnh ngày 23/6 của Lục quân Vùng 2 nhằm tăng cường kiểm soát biên giới tại các tỉnh Surin, Sisaket và Buriram.
Sau khi lệnh ngày 23/6 có hiệu lực, một loạt vụ nổ mìn gần khu vực biên giới ở các khu vực Chong Bok và Chong An Ma, tỉnh Ubon Ratchathani đã xảy ra.
Lục quân Vùng 2 đã thực hiện các biện pháp sau để bảo đảm an ninh:
-Tạm dừng toàn bộ hoạt động lưu thông của phương tiện qua biên giới;
-Tạm ngưng mọi hoạt động di chuyển của người dân, bao gồm cả du khách trong nước và quốc tế, và dừng mọi hình thức buôn bán;
-Cấm du khách đến tham quan các ngôi đền Ta Muen và Ta Kwai trong thời gian nâng cấp hệ thống an ninh.
Theo tờ báo Thái Lan, những biện pháp này nhằm bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Thái Lan, bảo vệ tính mạng và tài sản của công dân Thái, cũng như ngăn chặn các sự việc tương tự tái diễn.
Lệnh đóng cửa chánh thức có hiệu lực từ ngày 24/7/2025.
Ông Hun Sen nói gì?
Thống tướng, Chủ tịch Thượng viện Cam Bốt Hun Sen bước xuống từ trực thăng trong chuyến thăm biên giới vào ngày 26/6, giữa lúc căng thẳng dâng cao. Ảnh: Getty Images
Chủ tịch Thượng viện Hun Sen vào sáng 24/7 đã kêu gọi người dân Cam Bốt giữ bình tĩnh và tiếp tục sinh hoạt như bình thường, sau vụ đấu súng mới nhất gần đền Ta Moan Thom, dọc theo biên giới phía tây bắc Cam Bốt.
Trong một bài đăng trên Facebook sáng ngày 24/7, ông Hun Sen khẳng định quân đội Thái Lan đã xâm nhập lãnh thổ Cam Bốt và bắt đầu chặn đường vào đền từ tối qua 23/7, trước khi binh sĩ Thái Lan nổ súng tấn công binh sĩ Cam Bốt vào sáng sớm 24/7.
"Quân đội Cam Bốt không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đáp trả và phản công," ông Hun Sen tuyên bố, khẳng định quyền bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Cam Bốt.
Trong khi xác nhận rằng các cuộc đụng độ quân sự đang diễn ra ở một số khu vực thuộc các tỉnh Oddar Meanchey và Preah Vihear, ông Hun Sen nhấn mạnh rằng phần còn lại của đất nước vẫn yên bình và không bị ảnh hưởng. Ông kêu gọi toàn thể người dân Cam Bốt không hoảng loạn hay phản ứng thái quá.
"Chúng tôi kêu gọi tất cả công dân Cam Bốt không hoảng sợ, không tích trữ gạo hay hàng hóa và không tăng giá các mặt hàng thiết yếu," ông Hun Sen viết. "Hãy tiếp tục các hoạt động thường nhật trong mọi lĩnh vực và khu vực, ngoại trừ các vùng biên giới nơi đang diễn ra giao tranh."
Các diễn biến chính
Thái Lan và Cam Bốt có đường biên giới trên bộ chung dài khoảng 800km, trong đó có nhiều khu vực hai bên có tuyên bố chủ quyền chồng lấn và chưa được cắm mốc.
Vào năm 2008, căng thẳng đã dâng lên xung quanh khu vực đền Preah Vihear giữa tỉnh Sisaket (Thái Lan) và tỉnh Preah Vihear (Cam Bốt). Xung đột đã nổ ra và kéo dài tới năm 2011, với mỗi bên thiệt mạng khoảng 20 người, phần lớn là binh sĩ, bên cạnh đó còn có một số thường dân. Hàng chục ngàn người dân đã phải sơ tán.
Các diễn biến mới đây:
Tháng 2/2025
-13/2: Binh sĩ và người dân Cam Bốt biểu tình tại khu vực đền Ta Muean Thom, hát quốc ca, tuyên bố chủ quyền.
-28/2: Tại Chong An Ma (tỉnh Ubon Ratchathani, Thái Lan), binh sĩ Cam Bốt bị Thái Lan cáo buộc phóng hỏa một cái chòi của Thái Lan, xâm nhập sâu 150m vào lãnh thổ Thái Lan và đào công sự.
Tháng 5/2025
-28/5: Xảy ra đấu súng tại Chong Bok, một binh sĩ Cam Bốt thiệt mạng.
-29/5: Thủ tướng Hun Manet tuyên bố Cam Bốt không mong muốn xung đột với Thái Lan, nhưng sẽ dùng vũ lực nếu chủ quyền bị xâm phạm. Cam Bốt tăng quân và võ khí hạng nặng ở khu vực biên giới. Tổng Tư lệnh Lục quân hai nước gặp gỡ, hội đàm và thống nhất rút quân khỏi nơi đụng độ.
Tháng 6/2025
-1/6: Cam Bốt muốn đưa vấn đề tranh chấp biên giới ra Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ). Thái Lan không đồng ý, khẳng định vẫn ưu tiên cơ chế đàm phán song phương và Ủy ban Biên giới chung (JBC) để giải quyết tranh chấp. Thái Lan đặt quân đội vùng biên giới vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu.
-2/6: Quốc hội Cam Bốt thông qua đề nghị của Chủ tịch Thượng viện Hun Sen đưa bốn khu vực tranh chấp ra ICJ. Biên phòng Cam Bốt bắn hạ một thiết bị bay không người lái ở tỉnh Preah Vihear, gần biên giới Thái Lan.
-4/6: Thủ tướng Hun Manet tuyên bố sẽ nộp đơn lên ICJ dù Thái Lan có đồng ý hay không. Chánh phủ Thái Lan tái khẳng định sẽ giải quyết tranh chấp bằng đối thoại song phương.
-5/6: Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Phumtham Wechayachai sang Phnom Penh đàm phán với người đồng cấp Cam Bốt. Thái Lan kêu gọi Cam Bốt giảm leo thang và quay lại cơ chế song phương JBC.
-từ ngày 6 - 7/6: Thái Lan tuyên bố sẵn sàng khai triển một "chiến dịch cấp cao". Hai bên tăng cường lực lượng tại biên giới. Tại Bangkok, hàng trăm người biểu tình trước Đại sứ quán Cam Bốt. Thái Lan đóng cửa một số cửa khẩu và giới hạn giờ hoạt động tại các cửa khẩu chánh. Bộ trưởng Phumtham triệu tập cuộc họp khẩn Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC).
-8/6: Thái Lan và Cam Bốt đạt thỏa thuận rút quân về vị trí ban đầu.
-11/6: Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra đến thăm khu vực tranh chấp biên giới với Cam Bốt và chủ trì cuộc họp an ninh. Ông Hun Sen kêu gọi góp tiền cho quân đội để "kháng chiến chống sự xâm lược của Thái Lan".
-14/6: Họp Ủy ban Biên giới chung Thái Lan – Cam Bốt (JBC).
-15/6: Thủ tướng Hun Manet chánh thức công bố việc đệ đơn khiếu nại lên ICJ.
-17/6: Cam Bốt đóng toàn bộ các cửa khẩu biên giới với Thái Lan.
-18/6: Chủ tịch Thượng viện Hun Sen tung băng ghi âm cuộc trò chuyện riêng với Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra.
-19/6: Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra xin lỗi người dân Thái Lan.
-21/6 và 28/6: Người dân Thái Lan biểu tình yêu cầu Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra từ chức.
Tháng 7/2025:
-1/7: Tòa án Hiến pháp Thái Lan đình chỉ chức vụ thủ tướng của bà Paetongtarn Shinawatra sau vụ bê bối điện thoại với ông Hun Sen.
-10/7: Cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra, cha bà Paetongtarn, tuyên bố cắt đứt quan hệ với Hun Sen.
-14/7: Chủ tịch Thượng viện Hun Sen nói ông Thaksin Shinawatra có "hành vi phản quốc" khi tiết lộ tài liệu nhạy cảm của Thái Lan.
-16/7: Hai binh sĩ Thái Lan giẫm trúng mìn tại khu vực biên giới chưa phân định với Cam Bốt. Quân đội Thái Lan cho biết đây là mìn PMN-2 do Nga sản xuất, mới được đặt gần đây. Phía Cam Bốt nói đó là mìn sót lại từ các cuộc chiến tranh trước đây.
-23/7: Một vụ nổ mìn xảy ra khiến năm binh sĩ Thái Lan bị thương, trong đó một người bị mất một chân. Thái Lan hạ cấp quan hệ với Cam Bốt, triệu hồi đại sứ về nước và trục xuất ngoại giao đoàn Cam Bốt. Thái Lan triệu hồi đại sứ từ Cam Bốt về nước, tuyên bố trục xuất ngoại giao đoàn Cam Bốt.
-24/7: Thái Lan đóng cửa biên giới. Hai bên nổ súng giao tranh, ít nhất 2 lính Thái Lan bị thương. Bên này cáo buộc bên kia nổ súng trước.
(Theo BBC)