Biểu tượng hãng xe Audi của Đức. AFP

 

 

Hưởng ứng kêu gọi của giới nghiệp đoàn, sáng nay 16/09/2024, hơn 10.000 nhân viên các hãng xe lớn của Âu châu tập hợp trên đường phố Bruxelles, Bỉ, để phản đối các kế hoạch đóng cửa nhà máy do bị Trung Quốc cạnh tranh. Cuộc biểu tình diễn ra vào lúc bộ trưởng Thương Mại Trung Quốc chuẩn bị công du Âu châu, với hồ sơ đánh thuế xe của Trung Quốc là trọng tâm.

 

 

Hãng xe Audi, của Đức, chuẩn bị đóng cửa nhà máy tại Forest, gần thủ đô Bruxelles của Vương Quốc Bỉ. Đây là nơi sản xuất xe điện Q8-E-Tron, vốn được xem là sản phẩm sáng giá nhất của hãng xe Audi và của công ty mẹ là Volkswagen. Nhưng do thị trường không phát triển mạnh như mong đợi, nhà máy ở Forest có nguy cơ phải đóng cửa, đe dọa trực tiếp đến công việc làm của 3.000 nhân viên. Cuộc biểu tình sáng nay phản ánh lo ngại chung về tương lai ngành công nghiệp xe hơi của Âu châu, trước sự cạnh tranh càng lúc càng mạnh của các loại xe Trung Quốc. Thông tín viên RFI từ Bruxelles Jean Jacques Hery giải thích : 

« Cho dù ban giám đốc chưa chính thức thông báo đóng cửa nhà máy, ai cũng biết là cơ sở này sẽ không sản xuất thêm bất kỳ chiếc xe nào từ nay cho tới năm 2025. Không một ai tin rằng một hãng xe nào đó sẽ mua lại nhà máy ở Forest. Nhân viên bắt đầu bãi công và có cảm tưởng là đang bị bỏ rơi.

Marie Hélève Ska, tổng thư ký nghiệp đoàn CSC - Hiệp Hội Nghiệp Đoàn Công Giáo, giải thích : « Hiện tại, gia đình của hơn 3.000 nhân viên làm việc cho hãng xe Audi và của hơn 1.000 người làm việc cho các hãng gia công bị đẩy vào tình thế bấp bênh. Họ không biết tương lai sẽ đi về đâu. Vai trò của nghiệp đoàn là không chấp nhận sự im lặng từ phía chính giới », nhất là trong bối cảnh hãng xe Audi đã nhận được trợ cấp 150 triệu euro.

Người biểu tình lo lắng cho rằng tình hình của Audi không là một trường hợp riêng lẻ mà đang phản ánh một sự suy sụp của nền công nghiệp châu Âu. Người biểu tình muốn nhắc nhở chính quyền Bỉ và châu Âu rằng đây là một vấn đề cấp bách trong chính sách công nghiệp. Marie Hélève Ska, của nghiệp đoàn CSC, chỉ trích « chính phủ Bỉ và nhiều nước trong Liên Hiệp Âu Châu đã quá ngây thơ trong nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài. Họ muốn chiêu dụ đầu tư bằng bất cứ giá nào. Mô hình công nghiệp của Âu châu luôn chạy theo mục đích giảm giá thành để tăng lợi nhuận trong ngắn hạn. Hơn bao giờ hết, chúng ta cần một chính sách công nghiệp ở cấp Âu châu để đối phó với hai khối là Mỹ và Trung Quốc ».

 

Báo cáo gần đây về tiềm năng của Liên Âu, vừa được ông Mario Draghi đệ trình lên Ủy Ban Âu Châu, khuyến khích các nghiệp đoàn tiếp tục công cuộc đấu tranh. Ông Draghi, cựu thống đốc Ngân Hàng Trung Ương Âu Châu , chủ trương Liêu Âu cần huy động thêm 800 tỷ euro hàng năm để đầu tư nhằm nâng cao năng suất và tăng trưởng cho toàn khối ».

 

(Theo RFI Việt ngữ)