(Ảnh: nghiencuuquocte.org)

 

 

 

Nguồn: Gideon Rachman, “Xi is probing for cracks in the EU and Nato,” Financial Times, 06/05/2024

 

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng (nghiencuuquocte.org)

 

Chiến dịch ngoại giao quyến rũ của Trung Quốc ở Âu châu chứa đựng ẩn ý đe dọa và nhiều khả năng sẽ thất bại.

 

 

Ai là người đã lập kế hoạch chuyến đi của Tập Cận Bình? Nếu bạn tiến hành chuyến đi đầu tiên đến Âu châu sau gần 5 năm, thì một hành trình bao gồm Pháp, Serbia và Hungary nghe có vẻ hơi kỳ lạ.

 

Nhưng nếu xét từ góc nhìn của Bắc Kinh, ba điểm dừng được nhà lãnh đạo Trung Quốc lựa chọn hoàn toàn hợp lý. Vì các lý do chiến lược và kinh tế, Trung Quốc rất muốn phá vỡ sự đoàn kết của cả NATO và EU. Mỗi quốc gia trong số ba quốc gia mà Tập đến thăm đều được xem là tác nhân tiềm năng dẫn đến những rạn nứt ở phương Tây.

 

Trong chuyến thăm Bắc Kinh gần đây, tôi nhận thấy các chuyên gia chính sách đối ngoại Trung Quốc đang bị mê hoặc bởi luận điệu của người Pháp về sự cần thiết để Âu châu đạt được “quyền tự chủ chiến lược” trước Mỹ. Trong bài phát biểu tại Paris vào tháng trước, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng Âu châu không bao giờ được trở thành “chư hầu của Mỹ” – vốn là thứ ngôn ngữ được Trung Quốc ưa chuộng.

 

Chính phủ Tập cũng rất vui mừng khi Macron, trên chuyến bay từ Bắc Kinh trở về Pháp vào năm ngoái, đã tuyên bố rằng Âu châu không quan tâm đến việc bảo vệ Đài Loan khỏi một cuộc xâm lược tiềm tàng từ Trung Quốc. Dù đã có một số nỗ lực nhằm giải thích tuyên bố này, nhưng Trung Quốc đã chỉ ra, với lòng biết ơn, rằng Pháp sau đó đã chặn nỗ lực mở văn phòng liên lạc của NATO ở Tokyo. Đẩy các nước NATO ra khỏi Á châu – và ngăn cản Mỹ liên kết với các đồng minh ở cả Á châu và Âu châu – là mục tiêu chính trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc.

 

Tuy nhiên, người Trung Quốc có nguy cơ diễn giải thái quá tính cấp tiến trong các ý tưởng của Macron khi nói đến NATO. Đúng là Tổng thống Pháp từng mô tả rằng liên minh này đang trải qua tình trạng “chết não.” Tuy nhiên, trong giai đoạn gần đây, ông đã bắt đầu có quan điểm diều hâu hơn đối với Nga – theo đó vạch ra những giới hạn thực sự đối với sự sẵn lòng và khả năng của Pháp trong việc tách mình ra khỏi NATO hoặc Mỹ.

 

Chuyến đi Âu châu của Tập cũng liên quan đến vấn đề kinh tế. Và riêng với khía cạnh này, Pháp là đối tác khó khăn hơn nhiều. Macron có thể sẽ không thách thức Trung Quốc về vấn đề Đài Loan – nhưng tương lai của ngành công nghiệp xe hơi Pháp lại là một vấn đề hoàn toàn khác.

 

Xe điện của Trung Quốc có lợi thế rất lớn về chi phí so với các đối thủ Âu châu và Mỹ. Việc xuất cảng những chiếc xe điện này đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch của Tập nhằm khôi phục nền kinh tế Trung Quốc. Trong chuyến đi gần đây tới Trung Quốc, Thủ tướng Đức Olaf Scholz dường như đã chiều theo tham vọng của Bắc Kinh – phản ánh nỗi lo sợ của các nhà sản xuất xe hơi Đức về một cuộc thương chiến.

 

Tuy nhiên, với sự ủng hộ mạnh mẽ của Pháp, Ủy ban Âu Châu đã tiến hành một cuộc điều tra về vi phạm luật cạnh tranh đối với xe điện Trung Quốc. Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban – người vốn không được ưa chuộng ở Bắc Kinh vì đã đưa ra kế hoạch “giảm thiểu rủi ro” cho quan hệ của EU với Trung Quốc – sẽ cùng Macron tham dự cuộc gặp với Tập. Và khả năng Ủy ban Âu Châu chịu nhún nhường dường như là rất thấp.

 

Điểm dừng chân tiếp theo trong chuyến thăm Âu châu của Tập – Serbia – sẽ mang lại cho nhà lãnh đạo Trung Quốc cơ hội truyền tải một thông điệp địa chính trị. Chuyến thăm của Tập sẽ trùng với dịp kỷ niệm 25 năm vụ NATO ném bom đại sứ quán Trung Quốc ở Belgrade, trong Chiến tranh Kosovo. Cơ hội này sẽ cho phép Trung Quốc nhấn mạnh lập luận – vốn cũng được Nga ủng hộ – rằng NATO là một tổ chức hung hăng và nguy hiểm. (NATO đã khăng khăng rằng vụ đánh bom đại sứ quán Trung Quốc chỉ là một tai nạn xảy ra trong bối cảnh cuộc chiến bảo vệ người Kosovo khỏi sự xâm lược của người Serbia.)

 

Thông điệp chống NATO của Tập có thể được đón nhận nồng nhiệt ở quê nhà Trung Quốc, nơi vụ đánh bom đại sứ quán ở Belgrade vẫn còn gây phẫn nộ. Nga và phần lớn các nước phương Nam có lẽ cũng sẽ thích một thông điệp chống phương Tây. Nhưng nói rằng Âu châu là chư hầu của Mỹ và NATO là một tổ chức nguy hiểm là một thông điệp sẽ khiến hầu hết người Âu châu, trong trường hợp tốt nhất, sẽ cảm thấy bị xúc phạm – và trong trường hợp tệ nhất, là cảm thấy bị đe dọa. 30 quốc gia Âu châu tham gia liên minh đều biết rõ rằng, với việc Nga tiến hành chiến tranh xâm lược ở ngay biên giới của họ, NATO đang trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.

 

Điểm dừng chân thứ ba của Tập là Hungary – một thành viên NATO. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Hungary, Viktor Orbán, đã tự biến mình thành người có tiếng nói thân Nga nhất trong liên minh phương Tây – và hiện đang làm điều tương tự cho Trung Quốc. Cụ thể, Hungary đã chặn một số nghị quyết của EU chỉ trích Trung Quốc.

 

Sau khi buộc Đại học Trung Âu, một tổ chức tự do thuộc phương Tây rời khỏi Hungary, Orbán đã mời Đại học Phúc Đán của Trung Quốc đến thành lập cơ sở tại Budapest. Trong chuyến thăm Bắc Kinh gần đây, Ngoại trưởng Hungary đã phê phán ý kiến cho rằng Trung Quốc bị “dư thừa” xe điện.

 

Hungary sẽ được hưởng lợi trực tiếp nhờ những lập luận này vì ít nhất một công ty sản xuất xe điện của Trung Quốc đang có kế hoạch sử dụng Hungary làm cơ sở sản xuất. Nếu giải pháp thỏa hiệp về vấn đề xe điện là để các công ty Trung Quốc sản xuất nhiều hơn ở Âu châu, thì Hungary sẽ thu về nhiều lợi nhuận.

 

Nhưng quyết định đến thăm Serbia và Hungary của Tập sẽ gây khó khăn cho việc thuyết phục hầu hết các nước Âu châu khác rằng ông đến đây để làm bạn. Serbia đang nằm ngoài cả EU và NATO, trong khi Hungary đã làm suy yếu cả hai tổ chức này từ bên trong, và cả hai nước đều thân thiện với Nga. Ngoài ra, việc Tập trở về nước để tiếp Vladimir Putin tại Bắc Kinh ngay sau chuyến đi Âu châu sẽ làm sâu sắc thêm quan ngại của Âu châu về ý định thực sự của Trung Quốc.

 

Tập sẽ khó có thêm hiểu biết về cách Âu châu chính thống nhìn nhận nước Nga nếu ông tiếp tục dành thời gian với những lãnh đạo ngoài dòng chính – như Orbán và Tổng thống Serbia, Aleksandar Vučić. Người lên kế hoạch cho nhà lãnh đạo Trung Quốc đáng lẽ phải đề xuất một hành trình thử thách hơn.

 

(nghiencuuquocte.org)