(Ảnh minh họa) - Trực thăng của quân đội Mỹ bay phía trên đại sứ quán Mỹ ở Kabul, ngày 15/08/2021 trong khi Washington đang đưa người di tản khỏi A Phú Hãn. AP - Rahmat Gul

 

 

 

 

 

 

 

Ngày 15/08/2021, Taliban tiến vào thủ đô Kabul sau khi đã dễ dàng chiếm được thành phố Jalalabad. Trước đó vài giờ, ngày 14/08, Mazar-i-Sharif, thành phố lớn thứ tư của A Phú Hãn có chung số phận.

 

 

Theo bộ Nội Vụ A Phú Hãn, được Reuters trích dẫn, quân Taliban tiến vào Kabul từ mọi phía. Nhiều người dân cũng khẳng định thông tin này với hãng tin Pháp AFP. Tuy nhiên, một quan chức Taliban ở Doha khẳng định lính Taliban được lệnh đóng ở các cửa ô, tránh mọi bạo lực, không cản trở những người muốn rời đi, còn phụ nữ được yêu cầu trú ở nơi an toàn.

 

 

Như vậy, chỉ trong vòng 10 ngày, quân Taliban đã kiểm soát được phần lớn đất nước, chiếm hết miền bắc A Phú Hãn. Chính quyền Kabul vẫn nắm một số thành phố nhỏ nhưng tản mát, cách xa thủ đô và không còn giá trị chiến lược quan trọng. Nhiều quân nhân A Phú Hãn đào ngũ, tìm cách vượt biên sang nước láng giềng Uzbekistan, trong đó có 85 người bị bắt ngày 15/08. Bộ Ngoại Giao Uzbekistan ra thông cáo cho biết đang đàm phán với chính quyền Kabul để hồi hương những người này.

 

 

 

Chính phủ A Phú Hãn hứa chuyển giao quyền lực cho chính phủ chuyển tiếp.

 

Một ngày sau khi tổng thống Ghani tham vấn để tìm một thỏa thuận chính trị tái lập hòa bình, trong một video đăng ngày 15/08, bộ trưởng Nội Vụ trấn an người dân : “Kabul sẽ không bị tấn công và sẽ có chuyển giao quyền lực một cách hòa bình cho một chính phủ chuyển tiếp”. Tuy nhiên, chính quyền A Phú Hãn không còn được dân ủng hộ vì bản thân họ cũng quá mệt mỏi, sợ hãi, tìm mọi cách rời khỏi đất nước.

 

 

 

 

Thông tín viên RFI Sonia Ghezali tường trình từ sân bay Kabul sáng 15/08 :

“Chuyến bay đầu tiên của Turkish Airlines, kín người, đã khởi hành sáng nay, trong đó có rất nhiều gia đình mà chúng tôi gặp trong sảnh sân bay, như một cặp vợ chồng với cậu con trai 2 tuổi rưỡi.

 

Người đàn ông nói : “Tôi đã quá mệt mỏi với cuộc chiến này. Nó đã kéo dài 20 năm mà tình hình vẫn như vậy. Tôi không còn chịu được những bạo lực mà chúng tôi phải hứng lấy”. Người vợ đứng cạnh, mắt đỏ ngầu, kể cho chúng tôi là cô đã đau lòng chia tay người thân để ra nước ngoài vào sáng nay.

 

Hành khách ra đi với những chiếc va li lớn nhỏ. Không khí rất nặng nề. Một người phụ nữ khóc nức nở vì phải ngừng nói chuyện điện thoại để lên máy bay. Tất cả những phụ nữ nhân viên ở sân bay khóc cầu xin chúng tôi giúp họ rời khỏi đất nước. Một trong số họ nói : “Quân Taliban sẽ giết chúng tôi”.

 

Một thanh niên có visa đi Anh cho biết : “Tôi cảm thấy đau lòng khi ra đi vì hàng nghìn người không có cơ hội này”. Ngoài ra, còn có một quân nhân A Phú Hãn mà chúng tôi gặp ở bãi đậu xe sân bay Kabul, nói tiếng Pháp rất tốt và thường xuyên nghe đài RFI để luyện tiếng Pháp, từng là học viên trường quân sự Saint-Cyr. Anh đi tiễn một người bạn may mắn được rời đất nước. Giọng đầy xúc động, anh nói : “Tôi xấu hổ khi mặc bộ quân phục này. Quân đội đã không biết bảo vệ đất nước chúng tôi”.

(Theo RFI)