Ấn Độ tổ chức lễ tang cho binh lính thiệt mạng sau vụ ẩu đả với binh lính Trung Quốc (ảnh chụp từ video https://www.youtube.com/watch?v=3H5KlGENmTQ).
Một sĩ quan chỉ huy Trung Quốc thiệt mạng trong cuộc đụng độ với Ấn Độ
Tờ Taiwan News dẫn tin từ truyền thông Ấn Độ cho biết, một sĩ quan chỉ huy của quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã thiệt mạng trong cuộc đụng độ ác liệt với binh lính Ấn Độ hôm 15/6 tại thung lũng Galwan, vùng Ladakh, nơi cả hai nước tuyên bố chủ quyền.
Một quan chức Ấn Độ cho biết, vào hôm diễn ra vụ ẩu đả, những người lính Trung Quốc đang cố gắng thực hiện “chiến lược đi bộ” của PLA tại thung lũng Galwan. Tuy nhiên, quân đội PLA đã gặp phải sự kháng cự quyết liệt của binh lính Ấn Độ.
Quan chức này cho biết “phía Trung Quốc đã mất sĩ quan chỉ huy của tiểu đoàn được triển khai gần Điểm tuần tra 14 của khu vực Galwan, khu vực nơi binh lính hai nước đụng độ”.
Sau vụ ẩu đả khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng, Ấn Độ nói rằng Trung Quốc đã “đơn phương cố gắng thay đổi hiện trạng”, đồng thời cho rằng cuộc tấn công bạo lực là một “hành động được lên kế hoạch và suy tính từ trước”.
Các quan chức Ấn Độ cho biết vụ việc có thể đánh dấu một bước ngoặt trong quan hệ Trung-Ấn.
“Sự đối mặt này đã chứng minh rằng Ladakh không phải là Biển Đông, nơi người Trung Quốc có thể đơn phương thay đổi hiện trạng”, một quan chức Ấn Độ cho biết.
Mỹ bác yêu cầu của Trung Quốc muốn tăng chuyến bay vào Hoa Kỳ.
Theo Reuters, vào hôm 19/6, Mỹ đã bác yêu cầu của các hãng hàng không Trung Quốc về việc tăng chuyến bay hằng tuần giữa hai nước, nhưng nhấn mạnh quyết định này không phải nhằm leo thang căng thẳng về hạn chế đi lại.
Trong một tuyên bố, Bộ Giao Thông Mỹ (DOT) cho hay quyết định này là nhằm “duy trì công bằng” trong lịch bay giữa hai nước, và cho biết Mỹ sẵn sàng xem xét lại quyết định này nếu giới chức hàng không Trung Quốc điều chỉnh những quy định ảnh hưởng đến các hãng hàng không Mỹ.
DOT nói trong tuyên bố “Chúng tôi đã thông báo với phía Trung Quốc rằng quyết định này chỉ là vấn đề thủ tục, và không nên xem đây là bước leo thang của chúng tôi”.
Bắc Kinh xét nghiệm virus Vũ Hán cho toàn bộ nhân viên giao hàng
Theo Reuters, giới chức y tế thủ đô Bắc Kinh hiện đang nhắm đến mục tiêu xét nghiệm cho hàng chục nghìn nhân viên giao hàng, đội quân sử dụng xe máy điện chuyển bưu kiện, thực phẩm khắp Bắc Kinh.
Nhân viên SF Express, công ty chuyển phát nhanh lớn thứ hai Trung Quốc, đã tới các điểm xét nghiệm ở Bắc Kinh vào tối 19/6. Công ty cung cấp thực phẩm Meituan Dianping cũng xác nhận toàn bộ nhân viên vận chuyển tại Bắc Kinh sẽ được xét nghiệm, những người giao hàng tại khu vực có nguy cơ cao được cho nghỉ làm và cách ly tại nhà trong 14 ngày.
Giới chức Bắc Kinh cho biết thành phố đã thực hiện hơn 2,3 triệu lượt xét nghiệm, 40 khu dân cư bị phong tỏa và dân chúng tại đó được yêu cầu tự cách ly tại nhà. Những người không tuân thủ sẽ phải đi cách ly tập trung 14 ngày, sau đó phải xét nghiệm virus Vũ Hán và chỉ được về nhà nếu kết quả âm tính.
Hàn Quốc kêu gọi Triều Tiên không rải truyền đơn
Theo Yonhap, Seoul hối thúc Bình Nhưỡng rút lại ngay lập tức kế hoạch gửi truyền đơn chống Hàn Quốc qua biên giới sau khi Triều Tiên thông báo sắp hành động.
Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết trong thông cáo hôm 20/6 “Thật đáng tiếc khi Triều Tiên công bố kế hoạch gửi lượng lớn truyền đơn chống Hàn Quốc thông qua truyền thông, và chúng tôi yêu cầu dừng kế hoạch này ngay lập tức”.
Hàn Quốc cho rằng kế hoạch thả truyền đơn của Triều Tiên là vi phạm thỏa thuận giữa hai bên, không giúp “giải quyết các hành động sai lầm” của cả hai bên mà chỉ “làm tình hình trầm trọng thêm” và ảnh hưởng xấu đến quan hệ liên Triều cũng như tiến trình hòa bình trên bán đảo.
Tuyên bố được đưa ra sau khi hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA hôm 20/6 cho biết “núi truyền đơn” đang được người dân Triều Tiên tích cực chuẩn bị để rải qua biên giới như biện pháp trả đũa Hàn Quốc giữa lúc căng thẳng leo thang suốt nhiều ngày qua.
3 cựu trợ lý của các nhà lập pháp Đài Loan bị bắt vì nghi ngờ làm gián điệp cho Trung Quốc
Ba cựu trợ lý này là ông Lee Yi-hsien, ông Chen Wei-jen và ông Lin Yun-ta. Văn phòng công tố tại Đài Bắc đã thẩm vấn 3 người này vào ngày 18/6, sau khi các công tố viên của Cục Điều tra Bộ Tư pháp Đài Loan tiến hành các cuộc đột kích và bắt giữ các nghi phạm tại 5 địa điểm, theo truyền thông Đài Loan.
Hai người là Lee Yi-hsien và Chen Wei-jen hiện đang bị giam giữ với cáo buộc vi phạm luật an ninh quốc gia Đài Loan theo yêu cầu của Tòa án quận Đài Bắc. Các công tố viên ra lệnh giam giữ 2 người này vì lo ngại rằng họ có thể thông đồng và phá hủy bằng chứng. Trong khi đó, Lin Yun-ta đã được tại ngoại sau khi trả 100.000 Đài tệ (khoảng 79 triệu đồng VN).
Các công tố viên cho biết, các điệp viên Trung Quốc thuộc Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc đã chỉ đạo 3 người này thành lập một tổ chức gián điệp tại Đài Loan và tuyển người Đài Loan vào tổ chức này trong khoảng thời gian từ năm 2014 đến năm 2018.
Theo kênh truyền thông Đài Loan United Daily News, 3 người đàn ông đã liên lạc với các phóng viên địa phương chuyên đưa tin về chính phủ Đài Loan và cung cấp cho họ khoản trợ cấp hàng tháng là 30.000 Đài tệ (khoảng 23 triệu đồng) và các chuyến đi du lịch miễn phí tới Trung Quốc, để đổi lấy thông tin về các cuộc họp do chính phủ tổ chức.
Theo các công tố viên, trong vòng 4 năm, 3 người này đã gửi các thông tin bí mật từ nhiều cơ quan chính phủ Đài Loan, bao gồm Bộ Ngoại giao và Hội đồng các vấn đề Đại lục, cho các đặc vụ Trung Quốc.