(Từ trái sang phải) Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol gặp mặt tại cuộc gặp ba bên trong Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G7 ở Hiroshima vào ngày 21/5/2023. (BRENDAN SMIALOWSKI/AFP via Getty Images)
ĐÔNG NAM Á - Hôm thứ Sáu (3/11), các nhà lãnh đạo Nhật Bản và Philippines đã nhất trí bắt đầu đàm phán về một Thỏa thuận Tiếp cận Đối ứng, cho phép quân đội của hai nước tiến vào lãnh thổ của nhau, trong bối cảnh lo ngại về sự hung hăng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông đang tranh chấp.
Vào ngày 3/11, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã hội đàm với Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. để đàm phán về việc tăng cường quan hệ quốc phòng giữa hai nước.
Hai nhà lãnh đạo đã ra tuyên bố chung tái khẳng định quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước và cam kết duy trì một trật tự quốc tế tự do và cởi mở dựa trên pháp quyền.
Hai nhà lãnh đạo cũng bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ trước mọi nỗ lực nhằm thay đổi trật tự quốc tế thông qua việc sử dụng vũ lực, và nhất trí "bắt đầu đàm phán về một thỏa thuận tiếp cận có đi có lại" giữa các nước.
Theo đài GMA News, ông Marcos nói trong cuộc họp báo chung: “Chúng tôi nhận thức được lợi ích của việc có sự sắp xếp này, đối với cả quân nhân và quốc phòng của chúng tôi cũng như đối với việc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực của chúng tôi”.
Thỏa thuận Tiếp cận Đối ứng (RAA) sẽ cho phép Nhật Bản và Philippines tổ chức các cuộc diễn tập chung và các hoạt động an ninh khác, những hoạt động này có thể đóng vai trò ngăn chặn hành vi gây hấn trong khu vực, bao gồm cả các cuộc tuần tra chung ở Biển Đông.
Nếu được hoàn tất, thỏa thuận này sẽ là sự thúc đẩy đáng kể liên minh giữa Nhật Bản và Philippines trong nhiều thập kỷ.
Ông Kishida cho biết Nhật Bản cũng sẽ cung cấp radar giám sát ven biển trị giá 600 triệu yên (4 triệu USD) cho Philippines để giúp cải thiện khả năng nhận thức về lĩnh vực hàng hải của Hải quân Philippines.
Ông cũng bày tỏ “mối quan ngại sâu sắc” về tình hình ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, đồng thời cho rằng bất kỳ nỗ lực nào nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực là “không thể chấp nhận được”.
Cuộc gặp giữa nhà lãnh đạo Nhật Bản và Philippines diễn ra sau chuyến thăm Nhật Bản của ông Marcos vào tháng 2, trong đó hai bên đã đồng ý tăng cường hợp tác an ninh thông qua các chuyến thăm cảng và chuyến thăm bằng máy bay mang tính chiến lược cũng như chuyển giao thiết bị và công nghệ quốc phòng.
Mỹ ủng hộ Philippines ở Biển Đông
Philippines và Nhật Bản đã tìm cách tăng cường hợp tác quốc phòng trong bối cảnh Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã mở rộng chỗ đứng quân sự của mình ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
ĐCSTQ khẳng định các yêu sách lãnh thổ đối với gần như toàn bộ Biển Đông, bao gồm các rạn san hô và các đảo chồng lấn với Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam, Malaysia, Brunei, Đài Loan và Philippines.
Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 phân loại các vùng biển trong phạm vi 200 hải lý (khoảng 370 km) tính từ biên giới của các quốc gia ven biển là một phần của vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia đó. Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền đối với phần lớn Biển Đông dưới yêu sách “đường chín đoạn” của nước này.
Năm 2016, Tòa Trọng tài Thường Trực đã ra phán quyết ủng hộ hành động pháp lý của Philippines chống lại Trung Quốc trong vấn đề chủ quyền biển. Tuy nhiên, quyết định của Tòa án không ảnh hưởng đến hành vi của ĐCSTQ bởi vì các tàu Trung Quốc vẫn thường xuyên xâm chiếm các vùng biển của Philippines.
Hai tuần trước, các tàu của Trung Quốc đã chặn riêng rồi đâm vào một tàu Cảnh sát biển Philippines và một tàu tiếp tế gần Bãi cạn Second Thomas đang tranh chấp ở Biển Đông.
Nhật Bản ngay lập tức bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Philippines và Hoa Kỳ tái cảnh báo rằng nước này có nghĩa vụ bảo vệ đồng minh hiệp ước của mình nếu lực lượng Philippines bị tấn công vũ trang ở vùng biển tranh chấp.
Ngày 25/10, Tổng thống Joe Biden cảnh báo ĐCSTQ rằng bất kỳ cuộc tấn công nào vào tàu chiến Philippines ở Biển Đông sẽ dẫn đến một Hiệp ước Phòng thủ chung Philippines - Mỹ (MDT) đối với Biển Đông. Điều này diễn ra sau các vụ va chạm tại Bãi cạn Second Thomas giữa các tàu Trung Quốc và Philippines.
Ông nói với các phóng viên: “Tôi muốn nói rõ ràng: Cam kết quốc phòng của Hoa Kỳ đối với Philippines là vững chắc. Bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào máy bay, tàu hoặc lực lượng vũ trang của Philippines sẽ vi phạm hiệp ước phòng thủ chung của chúng tôi với Philippines”.
Mỹ và Philippines đã ký kết Hiệp ước Phòng thủ chung năm 1951, trong đó cam kết hai nước sẽ hỗ trợ lẫn nhau trong trường hợp bị tấn công. Giới quan chức Mỹ nhiều lần bảo đảm với người đồng nhiệm Philippines rằng họ sẽ tôn trọng các nghĩa vụ trong hiệp ước nếu các lực lượng, tàu chiến và máy bay Philippines bị tấn công tại Biển Đông.
Quần đảo Trường Sa là nơi tranh chấp chủ quyền của 6 quốc gia và lãnh thổ: Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei. Cả 6 quốc gia đều đưa ra các yêu sách chồng lấn ở Biển Đông - nơi ước tính có khoảng 5 nghìn tỷ USD hàng hóa đi qua mỗi năm. Khu vực này cũng được cho là có nguồn tài nguyên dầu khí lớn.
(Theo The Epoch Times)
(ntdvn.net , Lam Giang biên dịch)