Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (Nguồn ảnh: JOHN THYS / AFP / Getty Images)

 

 

 

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã liệt hoạt động của 6 cơ quan truyền thông Trung Quốc tại Hoa Kỳ là phái bộ nước ngoài, Ngoại trưởng Mike Pompeo thông báo vào ngày 21/10.

 

 

 

Sáu cơ quan truyền thông này bao gồm: Yicai Global, Jiefang Daily, Xinmin Evening News, Social Sciences in China Press, Beijing Review và Economic Daily, cơ quan này cho biết trong một tuyên bố.

 

 

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết, những cơ quan truyền thông này do chính quyền Trung Quốc kiểm soát hoặc sở hữu phần lớn.

 

 

Hồi đầu năm 2020, 9 cơ quan truyền thông thuộc nhà nước Trung Quốc đã bị chỉ định là phái bộ nước ngoài. Việc phân loại này của Hoa Kỳ là để nhận diện vai trò tuyên truyền của các cơ quan này cho Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và để hạn chế quy mô hoạt động của các cơ quan này ở Hoa Kỳ, tuy nhiên không ảnh hưởng đến nội dung mà các cơ quan truyền thông này được xuất bản. 

 

 

Các cơ quan truyền thông bị chỉ định là phái bộ nước ngoài sẽ được đối xử như các đại sứ quán nước ngoài hoặc các cơ quan đại diện ngoại giao khác. Theo đó, các cơ quan truyền thông này sẽ phải đăng ký nhân viên và tài sản của họ với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

 

 

Trong cuộc họp báo vào ngày 21/10, ông Mike Pompeo  nói: “Chúng tôi chỉ đơn giản muốn đảm bảo rằng người dân Mỹ, những người tiếp nhận thông tin, có thể phân biệt giữa tin tức do báo chí tự do viết và tin tức tuyên truyền do Đảng Cộng sản Trung Quốc phát tán. Hai loại tin tức này không giống nhau”.

 

 

Yicai Global là một ấn phẩm tài chính lớn thuộc sở hữu của Shanghai Media Group, một trong những tập đoàn truyền thông nhà nước lớn nhất Trung Quốc. Jiefang là nhật báo chính thức của ủy ban ĐCSTQ Thượng Hải. Xinmin Evening News thuộc sở hữu của Shanghai United Media Group - tập đoàn truyền thông do chính quyền Thượng Hải kiểm soát.

 

 

The China Social Sciences Press (Nhà xuất bản Khoa học Xã hội Trung Quốc) do Viện nghiên cứu xã hội Trung Quốc quản lý. The Beijing Review (Tạp chí Bắc Kinh) là một tạp chí tiếng Anh do Tập đoàn xuất bản quốc tế Trung Quốc, thuộc sở hữu của ĐCSTQ xuất bản. The Economic Daily (Nhật báo Kinh tế) là một ấn phẩm do Ủy ban Trung ương ĐCSTQ điều hành.

 

 

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết: "Trong thập kỷ qua, và đặc biệt là dưới nhiệm kỳ của Tổng Bí thư Tập Cận Bình, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã khẳng định quyền kiểm soát nhiều hơn đối với các cơ sở tuyên truyền mà nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn trong khi cố gắng ngụy trang họ thành các hãng thông tấn độc lập".

 

 

Động thái này của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nằm trong một loạt các hành động của chính quyền Tổng thống Trump nhằm chống lại ảnh hưởng của ĐCSTQ tại Hoa Kỳ. Vào tháng Tám, Bộ này đã chỉ định một trung tâm có trụ sở tại Washington hỗ trợ các Viện Khổng Tử do Bắc Kinh hậu thuẫn là phái bộ nước ngoài.

 

 

Các Viện Khổng Tử (Confucius Institute) được tuyên truyền là các chương trình ngôn ngữ và văn hóa. Trong những tháng gần đây, các viện này đã thu hút sự giám sát chặt chẽ về vai trò của họ trong việc truyền bá tuyên truyền và đàn áp tự do ngôn luận tại các cơ sở giáo dục của Hoa Kỳ. Ông Pompeo cũng bày tỏ hy vọng rằng, tất cả các viện Khổng Tử ở Hoa Kỳ có thể đóng cửa vào cuối năm 2020. Theo Hiệp hội Học giả Quốc gia Hoa Kỳ, hiện có khoảng 67 viện Khổng Tử trong các trường đại học ở Mỹ.

 

 

Hồi tháng Chín, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Bộ này sẽ yêu cầu các nhà ngoại giao cấp cao của Trung Quốc phải xin phép trước khi đến thăm các khu học xá của trường đại học Hoa Kỳ hoặc tổ chức các sự kiện văn hóa với hơn 50 người không thuộc các cơ sở phái bộ. Vào thời điểm đó, ông Pompeo cho biết, quy định của Bộ Ngoại giao được đưa ra nhằm đáp trả lại "những hạn chế thái quá" mà Bắc Kinh đặt ra đối với các nhà ngoại giao Mỹ, chẳng hạn như phải xin phép khi tổ chức các sự kiện văn hóa hay các cuộc họp chính thức, cũng như thăm khuôn viên trường đại học.

(Theo ntdvn.com)