Theo trang thống kê Worldometers, tính đến 6h ngày 11/5, số ca tử vong do nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 trên toàn cầu đã vượt ngưỡng 280.000 người.
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence hiện đang phải tự cách ly. (Nguồn: UPI)
Trên toàn thế giới có 4.174.579 ca mắc Covid-19, trong đó có 283.602 trường hợp tử vong, 1.483.074 ca hồi phục và 47.016 bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch.
Mỹ tiếp tục là tâm dịch với 1.356.360 ca nhiễm với 80.723 ca tử vong và 254.915 bệnh nhân bình phục.
Hãng tin Bloomberg ngày 10/5 đưa tin, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence hiện đang tự cách ly sau khi một trợ lí của ông được chẩn đoán dương tính với SARS-CoV-2. Bloomberg cũng dẫn 3 nguồn tin thân cận cho biết, Phó Tổng thống Pence đã liên tục có kết quả âm tính với virus, kể cả trong ngày 10/5.
Theo nguồn tin, cả ông Pence và Tổng thống Donald Trump đều được xét nghiệm định kỳ. Hiện Phó Tổng thống Pence đang ở nhà tại Washington, trong khi đó, Nhà Trắng chưa bình luận gì về thông tin này.
Đến nay, đã có ít nhất 3 quan chức chống dịch hàng đầu của Mỹ phải tự cách ly từ hôm 9/5, sau khi tiếp xúc với người dương tính với SARS-CoV-2, bao gồm Giám đốc Trung tâm quốc gia về các bệnh truyền nhiễm và dị ứng Anthony Fauci, Giám đốc Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) Robert Redfield và Ủy viên Cơ quan Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) Stephen Hahn.
Đây là những quan chức Mỹ mới nhất phải cách ly, sau khi thông tin báo chí cho hay, bà Katie Millerv, thư ký báo chí của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence hôm 8/5 được xác định dương tính với virus SARS-CoV-2 hôm 8/5 và chồng bà, cố vấn cấp cao của Tổng thống Donald Trump, rất có thể cũng bị lây từ vợ.
* Ngày 10/5, Thủ tướng Anh Boris Johnson thông báo, lệnh phong tỏa tại nước này do dịch Covid-19 sẽ được kéo dài đến ít nhất là ngày 1/6, trong bối cảnh ông công bố các kế hoạch dỡ bỏ một cách thận trọng các hạn chế đi lại vốn được áp dụng cách đây 7 tuần.
Theo Thủ tướng Johnson, một số trường tiểu học có thể đón học sinh và một số cửa hàng có thể mở cửa trở lại từ ngày 1/6, trong khi một số địa điểm công cộng có thể mở cửa lại từ ngày 1/7, song cảnh báo các hành khách đáp máy bay tới Anh sẽ phải thực hiện các biện pháp cách ly.
Chính phủ Anh đang chịu áp lực phải vạch ra kế hoạch để dỡ bỏ lệnh phong tỏa trong bối cảnh nước này đã chứng kiến gần 32.000 người thiệt mạng do mắc Covid-19 - mức cao nhất châu Âu và thứ 2 thế giới (sau Mỹ).
Bất chấp bối cảnh Anh đang vượt qua đỉnh dịch song Thủ tướng Johnson cho rằng, sẽ là "dại dột" khi uổng phí những hy sinh mà người dân đã bỏ ra kể từ khi áp đặt lệnh phong tỏa. Những chi tiết khác trong bản "kế hoạch có điều kiện" của ông Johnson sẽ được nêu ra tại Quốc hội Anh trong ngày 11/5.
Cùng ngày, Điện Elysee thông báo, Thủ tướng Johnson và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nhất trí: "Không có biện pháp cách ly nào sẽ được áp dụng đối với hành khách từ Pháp tới Anh trong giai đoạn này, cho dù bên này hay bên kia đưa ra bất kỳ biện pháp nào đều phải theo một cách 'có đi có lại' và có sự phối hợp".
Trước đó cùng ngày, ông Johnson nói rằng, Anh sẽ sớm cách ly những hành khách từ nước ngoài tới nước này bằng đường hàng không do đại dịch Covid-19. Một số thông tin cho rằng, London dự định cách ly bắt buộc 14 ngày đối với mọi hành khách tới từ bên ngoài Quần đảo Anh.
Trung bình mỗi ngày có hàng nghìn người qua lại giữa Anh và Pháp, trong đó nhiều người sử dụng tàu hỏa Eurostar, phương tiện đưa hành khách đi lại giữa hai nước thông qua Eo biển Manche chỉ mất hơn 2 giờ đồng hồ.
Tính đến nay, Anh ghi nhận 219.183 người nhiễm Covid-19, trong đó có 3.923 ca tử vong.
* Tại Pháp, tính đến tối 10/5, số ca tử vong vì Covid-19 là 26.380 người, tăng 70 ca trong 24 giờ. Đây là số ca tử vong trong ngày thấp nhất tại Pháp kể từ khi nước này bắt đầu các biện pháp phong tỏa hôm 17/3.
Thống kê cho thấy, Pháp hiện có 176.970 người nhiễm Covid-19, trong đó có 22.569 bệnh nhân đang nằm viện (giảm 45 ca so với một ngày trước) với 2.776 người phải chăm sóc đặc biệt (giảm 36 ca). Như vậy, sức ép đối với khoa hồi sức tích cực tại các bệnh viện tiếp tục đà giảm từ hơn một tháng nay.
Pháp sẽ bắt đầu nới lỏng dần các biện pháp phong tỏa kể từ ngày 11/5, các cửa hàng không thiết yếu được phép mở cửa trở lại với điều kiện đảm bảo giãn cách và vệ sinh, trừ những trung tâm thương mại lớn hơn 40.000 m². Trên các phương tiện giao thông công cộng, hành khách bắt buộc phải đeo khẩu trang. Các trường mẫu giáo và tiểu học, nếu đủ điều kiện, có thể tiếp đón tối đa 15 học sinh/lớp. Các trường trung học cơ sở được phép hoạt động từ ngày 18/5 trong các vùng ít nguy cơ. Việc mở cửa trở lại các trường trung học phổ thông sẽ được quyết định vào cuối tháng 5.
* Tại Italy, Cơ quan Bảo vệ Dân sự thông báo ghi nhận thêm 1.083 ca nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc Covid-19 lên 219.070 trường hợp. Trong đó, số ca tử vong hiện là 30.560 (tăng 165 ca) và số ca hồi phục là 105.186 (tăng 2.155 ca). Italy hiện có 13.618 ca nhập viện với các triệu chứng, trong đó, tổng số ca phải điều trị tích cực là 1.027 ca, giảm 7 trường hợp.
Trả lời phỏng vấn báo Corriere della Sera, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte nhấn mạnh: “Sẽ là những tháng ngày rất khó khăn và chúng ta đang phải đối mặt với thử thách khó khăn nhất kể từ thời hậu chiến. Sự sụt giảm mạnh về GDP và hậu quả kinh tế sẽ rất nghiêm trọng. Chính phủ đang làm tất cả và sẽ tiếp tục nỗ lực với quyết tâm cao nhất để đảm bảo sự ổn định xã hội và kinh tế của đất nước”.
Tuy nhiên, Thủ tướng Conte khuyến cáo, nếu người dân không tuân thủ khoảng cách an toàn, nguy cơ mọi nỗ lực đã thực hiện sẽ bị phá hủy, đất nước sẽ bị phong tỏa trở lại, và sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế Italy.
* Tại Nga, số ca nhiễm Covid-19 đã vượt 200.000 lên 209.688 người sau khi ghi nhận hơn 11.000 ca nhiễm trong ngày 10/5. Cho tới nay, Nga đã trở thành nước có số ca nhiễm cao thứ 5 thế giới sau Mỹ, Tây Ban Nha, Anh và Italy.
Tuy vậy, tỷ lệ tử vong do Covid-19 khá thấp, với 1.915 ca thiệt mạng, tương đương 0,9% , trong khi đó, số người được chữa khỏi là 34.306.
* Bộ trưởng Y tế Thổ Nhĩ Kỳ Fahrettin Koca cho hay, trong 24 giờ qua, ghi nhận thêm 1.542 ca nhiễm SARS-CoV-2 và 47 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca nhiễm lên 138.657 trường hợp, trong đó có 3.786 người thiệt mạng.
* Bộ Y tế Qatar thông báo phát hiện thêm 1.189 ca nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số bệnh nhân Covid-19 lên tới 22.520 người, trong số đó có 19.753 bệnh nhân đang được điều trị tại các cơ sở y tế.
* Bộ Y tế Iraq xác nhận thêm 2 ca tử vong do Covid-19 và 88 trường hợp nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 2.767 người, trong đó có 109 bệnh nhân đã tử vong và 1.734 người khỏi bệnh.
* Oman phát hiện thêm 175 ca nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số trường hợp mắc Covid-19 lên 3.399.
* Ngày 10/5, Phó Tổng vụ trưởng Bộ Y tế Israel, Giáo sư Itamar Grotto cho biết, ngành y tế cần chuẩn bị cho nguy cơ bùng phát làn sóng thứ 2 của dịch Covid-19 tại vào mùa Hè này trong bối cảnh Israel bắt đầu nới lỏng các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của SARS-CoV-2.
Ông Grotto cho biết, ngành y tế nước này cũng đang xây dựng một số tình huống, một trong số đó liên quan đến việc dịch bệnh vẫn tiếp diễn vào mùa Đông tới.
Tính đến tối 10/5, Bộ Y tế Israel thông báo đã có tổng số 16.477 người dương tính với SARS-CoV-2. Riêng ngày 10/5 đã có 5 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên 252. Đến nay, 11.430 bệnh nhân đã hồi phục.
Israel đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của SARS-CoV-2, theo đó các trung tâm mua sắm, chợ trời và phòng tập thể dục trên cả nước đã mở cửa trở lại vào ngày 7/5 sau hơn 6 tuần phong tỏa.
Thủ tướng Benjamin Netanyahu tuyên bố có thể sẽ dỡ bỏ tất cả các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 vào giữa tháng 6. Tuy nhiên, ông nêu rõ, các cơ quan hữu quan của Israel sẽ buộc phải xem xét lại việc nới lỏng hạn chế đi lại nếu vẫn có khoảng 100 ca nhiễm mới mỗi ngày hay số ca bệnh nặng vẫn trên 250 người.
* Ngày 10/5, Bộ Y tế Ai Cập thông báo phát hiện thêm 436 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm bệnh lên 9.400 người. Bên cạnh đó, số bệnh nhân tử vong do dịch bệnh nguy hiểm này cũng tăng thêm 11 người, nâng tổng số trường hợp thiệt mạng lên 525.
Theo Người phát ngôn Bộ Y tế Ai Cập Khaled Megahed, đã có 73 bệnh nhân được xuất viện trong ngày, nâng tổng số người được điều trị khỏi lên 2.075 trường hợp. Hiện tất cả các ca dương tính với SARS-CoV-2 đang được điều trị tại các bệnh viện cách ly.
Cùng ngày, Cố vấn các vấn đề y tế của Tổng thống Ai Cập Awad Tag El-Din cho biết, thủ đô Cairo hiện là nơi ghi nhận số ca lây nhiễm SARS-CoV-2 cao nhất trên toàn quốc. Ông Tag El-Din khẳng định, Ai Cập có đủ khả năng để kiểm soát tỷ lệ lây nhiễm trong tương lai gần. Theo quan chức này, số ca mắc Covid-19 sẽ duy trì ở mức cao trong một vài ngày, sau đó bắt đầu giảm dần khi qua giai đoạn đỉnh dịch.
Hàn Quốc lo bùng phát dịch ở thủ đô Seoul
Giới chức Hàn Quốc hôm nay 11-5 khẩn trương triển khai các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh trong bối cảnh có nguy cơ bùng phát làn sóng dịch bệnh mới tại khu vực đông dân cư ở thủ đô Seoul.
Tới nửa đêm 10-5, Hàn Quốc ghi nhận thêm 35 ca nhiễm mới corona trên toàn quốc. Đây là ngày thứ hai liên tiếp số ca bệnh COVID-19 tăng thêm ở mức cao như thế, cũng là mức cao nhất trong hơn một tháng.
Hầu hết các ca bệnh mới đều có liên quan tới ổ dịch tại nhiều hộp đêm và quán bar tại Seoul. Chính quyền đã xét nghiệm 4.000 người đã lui tới những tụ điểm này song vẫn đang tiếp tục truy vết khoảng 3.000 người khác.
Hãng hàng không lớn thứ hai châu Mỹ Latin xin phá sản sau 100 năm
Avianca - hãng hàng không của Colombia, cũng là hãng bay lớn thứ hai tại châu Mỹ Latin, đã nộp đơn xin phá sản ngày 10-5 vì COVID-19. Hãng này đã không thể thanh toán trái phiếu đúng hạn trong khi chính phủ Colombia vẫn chưa có động thái cứu giúp họ.
Avianca không thể hoạt động bình thường từ cuối tháng 3 và hầu hết 20.000 nhân viên của hãng đã ra đi mà không nhận được lương trong suốt thời gian khủng hoảng này.
Giám đốc điều hành Avianca, ông Anko van der Werff, thừa nhận hãng bay đang đối mặt với cuộc khủng hoảng thách thức nhất trong lịch sử 100 năm tồn tại của họ.