Chụp lại hình ảnh,Điện gió tại xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu, Tỉnh Bạc Liêu. LINH PHAM/BLOOMBERG/GETTY IMAGES

 

 

VIỆT NAM - Ít nhất đã có hai tập đoàn năng lượng hàng đầu thế giới tuyên bố rút khỏi các dự án năng lượng gió ngoài khơi với Việt Nam.

 

Mới đây nhất, Equinor, một gã khổng lồ trong ngành năng lượng Na Uy, đã tuyên bố rút lui và đóng cửa văn phòng tại Hà Nội.

 

Việc Equinor rút khỏi Việt Nam là một diễn biến xấu sau khi công ty Orsted của Đan Mạch, vào đúng thời điểm này năm ngoái, thông báo ngừng các dự án đầu tư vào các trang trại điện gió ngoài khơi ở Việt Nam.

 

Theo giới quan sát, các cuộc rút lui này sẽ có tác động tiêu cực đến tham vọng chuyển đổi sang năng lượng sạch của Việt Nam.

 

Theo Ngân Hàng Thế Giới, Việt Nam thời gian qua đã thu hút sự quan tâm của quốc tế tới dự án năng lượng tái tạo, do có nguồn gió mạnh ở các vùng nước nông gần các khu vực đông dân ven biển.

 

Quy hoạch phát triển điện toàn nước Việt Nam giai đoạn 2021-2030 (Quy hoạch điện 8 , PDP8), được phê duyệt năm ngoái, đặt mục tiêu đạt 6GW điện gió ngoài khơi vào năm 2030.

 

Nhưng sự chậm trễ trong cải cách luật pháp đã đẩy các nhà đầu tư đến quyết định phải xem xét lại kế hoạch của mình.

 

Trả lời BBC về quyết định rút lui của công ty, bà Magnus Frantzen Eidsvold, phát ngôn viên của Equinor, cho hay rằng tập đoạn này phải ưu tiên các danh mục đầu tư "để bảo đảm khả năng cạnh tranh trên thị trong thời kỳ suy trầm, khi ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi đang phải đối mặt với những trở ngại đáng kể ".

 

Bà Magnus Frantzen Eidsvold cũng cho biết rằng Equinor cũng đưa ra các quyết định tương tự cho các hoạt động điện gió ngoài khơi giai đoạn đầu của mình tại Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Pháp.

 

Phát ngôn viên của tập đoàn Equinor nói với BBC, "Việt Nam vẫn là một quốc gia hấp dẫn và thú vị đối với Equinor và quyết định này chỉ giới hạn trong hoạt động phát triển kinh doanh điện gió ngoài khơi của chúng tôi tại quốc gia này.”

"Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với các công ty tại Việt Nam trong các lĩnh vực kinh doanh khác và tiếp tục xây dựng mối quan hệ tốt đẹp của chúng tôi với Việt Nam".

 

 

Cuộc rút lui của hai ông lớn

 

Đây là lần đầu tiên Equinor đóng cửa một văn phòng quốc tế chuyên về phát triển điện gió ngoài khơi.

 

Tập đoàn này trước đó đã rút lui khỏi các dự án dầu khí tại hàng loạt nước khác trong vài năm qua để tập trung vào năng lượng tái tạo và hệ thống carbon thấp.

 

Equinor quyết định rời Việt Nam sau một đợt rà soát thường xuyên danh mục tài sản và các dự án năng lượng tái tạo mà công ty đang nắm giữ.

 

Equinor mở văn phòng đại diện tại Hà Nội vào tháng 5/2022.

 

Khi đó, theo website của Equinor, tập đoàn này mô tả Việt Nam với 100 triệu dân là nơi "có tiềm năng lớn để trở thành một thị trường phát triển đối với điện gió ngoài khơi."

 

Tháng 9/2023, Equinor đã bổ nhiệm ông Jacques-Etienne Michel làm giám đốc toàn quốc tại Việt Nam.

 

Ông Ingunn Svegården, phó chủ tịch cấp cao phụ trách năng lượng tái tạo châu Á - Thái Bình Dương tại Equinor, phát biểu vào thời điểm đó rằng việc Việt Nam cho thông qua PDP8 chính là "lời kêu gọi hành động cho ngành công nghiệp năng lượng tái tạo mà Việt Nam đang thực sự nghiêm túc phát triển".

 

Equinor đã ký kết biên bản ghi nhớ với Petro Việt Nam và theo đuổi các cơ hội hợp tác với PTSC, một công ty con của tập đoàn dầu khí quốc doanh PVN.

 

Hồi 6/2023, công ty năng lượng tái tạo Ørsted của Đan Mạch tuyên bố tạm dừng các hoạt động phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam, với lý do không chắc chắn về khuôn khổ chính sách và lộ trình tiếp cận thị trường của Việt Nam.

 

Ørsted bắt đầu nhắm vào thị trường điện gió ngoài khơi Việt Nam từ năm 2021.

 

Ông Per Mejnert Kristensen, Giám đốc điều hành của Ørsted, tiết lộ thông tin này trong khi xem xét chiến lược của công ty tại châu Á-Thái Bình Dương.

 

Dù nhận định Việt Nam vẫn là "một thị trường quan trọng", ông Kristensen nói rằng "Ørsted sẽ đấu thầu có chọn lọc và bỏ qua các cơ hội không có đủ giá trị".

 

Một giám đốc điều hành khác của Ørsted, ông Mads Nipper, thì giải thích lý lo rút lui như sau:

"So với các cơ hội khác mà chúng tôi có, chúng tôi không tin rằng Việt Nam là một thị trường đủ hấp dẫn. Việt Nam vẫn là một thị trường rất quan trọng, nhưng về phát triển thị trường, chúng tôi đang rút lui để ưu tiên các khu vực khác có tiềm năng tạo ra giá trị cao hơn."

 

Ørsted, và Tập đoàn T&T của Việt Nam, hồi tháng 8/2022, đã đề xuất hai dự án điện gió công suất 5 GW ngoài khơi tỉnh Ninh Thuận từ năm 2029 đến 2037.

 

Sebastian Hald Buhl, giám đốc quốc gia của Ørsted tại Việt Nam, nói rằng công ty dự kiến ​​sẽ tạo ra 2GW điện gió ngoài khơi đầu tiên tại Việt Nam trước năm 2030, chi 5,5 tỷ đô-la và tạo ra 25.000 việc làm.

 

Hồi tháng 5/2023, Ørsted đã ký ký hợp đồng xây dựng nền móng trang trại điện gió ngoài khơi với Tổng công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PTSC).

 

BBC đã liên hệ với đại diện Ørsted để tìm hiểu thêm về quyết định rút lui nhưng chưa nhận được câu trả lời.

 

 

Tham vọng của nhà nước Việt Nam

 

Nhà nước Việt Nam hiện muốn phát triển trang trại điện gió với tổng công suất công suất 6GW vào năm 2030, tương đương 4% công xuất dự kiến.

 

Đây là một phần trong nỗ lực giảm nhiệt điện sử dụng than đá và đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

 

Tuy nhiên, các kế hoạch này đã liên tục bị đình trệ trong thời gian qua, và quá trình cải cách, và các dự án bị tê liệt.

 

Bộ Công thương Việt Nam đã giao dự án điện gió ngoài khơi thí điểm đầu tiên cho các công ty nhà nước, một động thái mà các nhà đầu tư cho rằng sẽ làm chậm sự phát triển của ngành công nghiệp này bởi lẽ các công ty này không có đủ năng lực.

 

Hai giám đốc điều hành trong ngành điện gió ngoài khơi tại Việt Nam nói với Reuters rằng kể cả trong kịch bản khả thi nhất thì Việt Nam cũng chỉ có thể lắp đặt 1GM vào cuối thập niên này do các rào cản về quy định.

 

Họ cho hay các cuộc đàm phán đang được tiến hành để thuyết phục nhà nước cho phép một công ty nước ngoài đồng tham gia phát triển dự án thí điểm này.

 

 

Các dự án 'trên giấy'

 

Hàng loạt công ty năng lượng quốc tế từng có dự định phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam nhưng sau nhiều năm kế hoạch vẫn nằm trên giấy vì Việt Nam thiếu nhiều cơ chế, chính sách liên quan.

 

Một số dự án tiềm năng khác hiện vẫn chỉ nằm trên giấy tờ, gồm có:

 

Kế hoạch trang trại gió tổng công suất 4GW của công ty năng lượng AES Corp trụ sở Mỹ, trị giá 13 tỷ USD.

 

Dự án điện gió công suất 500MG đến 1GW vào năm 2030 của Sumitomo Corp (Nhật Bản).

 

Kế hoạch điện gió ngoài khơi công suất 2GW của tập đoàn Renova (Nhật Bản), đã ký biên bản ghi nhớ với PetroVietnam Group.

 

Hồi tháng Tư, có tin Công ty dầu khí Zarubezhneft của Nga đã bày tỏ sự quan tâm việc phát triển các dự án điện gió ngoài khơi ở Việt Nam.

 

Thông tin này được ông Kudryashov Sergei Ivanovich, Tổng giám đốc Zarubezhneft, đưa ra tại buổi gặp Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính ngày 8/4, với tham vọng phát triển trang trại điện gió ngoài khơi 1GW ở phía đông nam đất nước.

 

Tuy nhiên, đến nay chưa có thêm thông tin gì mới từ phía Nga về các dự án hợp tác tiềm năng với Việt Nam.

 

(Theo BBC)