Thủ tướng Anthony Albanese trong một cuộc họp báo. Nguồn: AAP / LUKAS COCH/AAPIMAGE

 

 

QUỐC TẾ - Hiệp ước an ninh AUKUS có thể mở rộng để bao gồm sự hợp tác với các quốc gia có cùng quan điểm. Ba đối tác sáng lập hiệp ước – là Úc, Anh và Mỹ - cho biết họ đang xem xét việc mời Nhật Bản tham gia vào các dự án công nghệ quốc phòng cụ thể. Các nhà phân tích cho rằng việc mở rộng thỏa thuận này có cả ưu điểm và nhược điểm.

 

AUKUS có thể trở thành JAUKUS hay không?

 

Quan hệ đối tác an ninh ba bên - từng được công bố vào tháng 9 năm 2021 - là một thỏa thuận giữa Úc, Anh và Mỹ nhằm phát triển tàu ngầm hạt nhân của Úc, với mục tiêu cải thiện sự ổn định và an ninh trong khu vực Ấn Độ -Thái Bình Dương.

 

Giờ đây, những thành viên sáng lập cho biết họ đang xem xét hợp tác với Nhật Bản như một đối tác về công nghệ.

 

Thủ tướng Anthony Albanese nói có một số lý do khiến sự hợp tác như vậy mang nhiều ý nghĩa.

“Chúng ta đang tham gia vào các mối quan hệ quốc phòng với Nhật Bản. Chúng ta đã nâng cấp mối quan hệ quốc phòng đó. Và việc chúng ta xem xét Trụ cột thứ Hai để hợp tác với Nhật Bản là điều rất tự nhiên. Nhật Bản tất nhiên là một đối tác thuộc Bộ Tứ, cùng với Hoa Kỳ và Ấn Độ. Và chúng ta coi đây là một sự tiến triển tự nhiên trong quá trình đang diễn ra."

 

 

Kế hoạch thay thế lực lượng tàu ngầm bằng điện và diesel hiện nay của Úc, bằng tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, vào khoảng những năm 2030, được gọi là Trụ cột thứ Nhất của AUKUS.
 

 

Trụ cột thứ Hai vạch ra kế hoạch chia sẻ các công nghệ tiên tiến như hoả tiễn siêu thanh, drone dưới biển và các phương diện tác chiến điện tử.


 

Ông Albanese cho hay các thành viên AUKUS sẵn sàng đón nhận nhiều quốc gia có cùng chí hướng đóng góp vào Trụ cột thứ Hai này.
 

"Tôi muốn nói rõ ràng. Không có kế hoạch mở rộng AUKUS, ngoài ba quốc gia. Khi nói đến Trụ cột thứ Hai, Nhật Bản rất tiến bộ - không chỉ về khả năng phòng thủ mà mà còn được biết đến với các sáng tạo công nghệ. Nếu nhận được sự tiến bộ đó thì đúng là lợi ích của cả ba nước AUKUS, nhưng nếu nói đến bất kỳ đối tác nào nằm ngoài mối quan hệ trực tiếp với AUKUS, thì phải được xem xét."

 

Không có lời mời chính thức nào được chấp nhận và công bố, nhưng các quan chức Mỹ đã chỉ ra trong các nhận xét công khai rằng một thỏa thuận sắp được hoàn tất.

 

Một thông báo chính thức có thể được đưa ra trong chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ kéo dài một tuần của Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, từ ngày 10 tháng 4, bao gồm một hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Joe Biden - và sau đó là hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa lãnh đạo Mỹ, Nhật Bản và Philippines.

 

Ảnh hưởng của Trung Quốc ở Ấn Độ -Thái Bình Dương, bao gồm cả các hành động của nước này ở Biển Đông, là một phần trong bối cảnh của các cuộc thảo luận về an ninh khu vực.

 

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ning nói rằng bất kỳ sự tham gia nào của Nhật Bản vào AUKUS đều bị Trung Quốc phản đối mạnh mẽ.
 

"Các quốc gia liên quan nên thực hiện nghĩa vụ quốc tế của mình một cách hiệu quả, và kiềm chế mọi hành động làm suy yếu hòa bình và ổn định trong khu vực và thế giới. Do có lịch sử quân sự đầy hiếu chiến, nên bất kỳ xu hướng an ninh quân sự nào của Nhật Bản cũng khiến các nước láng giềng châu Á và cộng đồng quốc tế lo lắng. Phía Nhật Bản nên suy ngẫm một cách hiệu quả về lịch sử xâm lược của mình, từ bỏ thông lệ tham gia vào quan hệ đối tác quân sự-an ninh và thực sự đi theo con đường phát triển hòa bình."

 

 

Học giả Đông Á, Giáo sư Derek McDougall - tại trường Đại học Melbourne - cho biết chính sách về chủ nghĩa hòa bình của Nhật Bản, được ghi trong hiến pháp nước này, sẽ không phải là rào cản đối với việc Nhật Bản đóng góp cho AUKUS.
 

"Lực lượng quốc phòng ở Nhật Bản được gọi là lực lượng tự vệ, nhưng có những hạn chế trong việc sử dụng lực lượng đó. Vì vậy, bạn có thể hợp tác về mặt công nghệ mà không cần Nhật Bản nhất thiết phải mở rộng vai trò phòng thủ. Xét về khía cạnh này, thoả thuận sẽ là một hình thức hợp tác mềm - nhằm tạo thế cân bằng với Trung Quốc."

 

 

Nhật Bản không phải là thành viên của liên minh tình báo Five Eyes, bao gồm Úc, Canada, New Zealand, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ.

 

John Blaxland là giáo sư nghiên cứu về tình báo và an ninh quốc tế tại trường Đại học Quốc gia Úc.

 

Ông cho rằng có những rào cản cần phải vượt qua nếu Nhật Bản tham gia vào Trụ cột thứ Hai của AUKUS.
 

"Có một số vấn đề liên quan đến an ninh riêng của Nhật Bản, vốn nổi tiếng trong vài chục năm qua là hơi lỏng lẻo. Bây giờ Nhật đã đưa ra các đạo luật mới rất gần đây để thắt chặt những thủ tục đó. Thế nhưng chúng tôi vẫn chưa thấy nó được thực hiện, và chúng tôi vẫn chưa thấy nó có tác động dây chuyền, về mức độ mạnh mẽ mà các biện pháp an ninh mới áp dụng của Nhật Bản có thể chứng minh được. Ở Úc, tôi đã viết về điều này. Chúng tôi đã viết về điều này. Chúng ta cũng là đối tượng dễ rò rỉ - về hoạt động gián điệp, bị bán và tiết lộ thông tin cho những người không có quyền có thông tin đó. Chúng ta đã thực hiện một số sửa đổi và cải tiến đáng kể. Và tôi nghĩ, có cảm giác rằng Nhật Bản có thể theo kịp toàn tuyến an ninh chung.”

 

 

New Zealand, Canada, Hàn Quốc cũng được coi là các đối tác, cộng tác viên tiềm năng của AUKUS.
 

 

Tiến sĩ Reuben Steff là học giả về quan hệ quốc tế và an ninh toàn cầu tại trường Đại học Waikato, New Zealand.
 

 

Ông cho biết các quan chức chính phủ New Zealand ngày càng quan tâm đến việc đóng góp cho Trụ cột thứ Hai của AUKUS.
 

 

Lệnh cấm vũ khí hạt nhân vào năm 1987 đã ngăn cản New Zealand xem xét về Trụ cột thứ Nhất của AUKUS.
 

“Hiện nay chính phủ đang quan tâm nhiều hơn bao giờ hết. Khá nhiều nhà phân tích quốc phòng và an ninh ngạc nhiên, khi vào năm ngoái, chính phủ Chris Hipkins thể hiện sự quan tâm đến AUKUS - bởi vì trong lịch sử, Đảng Lao động của New Zealand đã do dự một chút về việc tiến quá gần đến các đối tác truyền thống – như Úc và Hoa Kỳ. Tuy nhiên, với chính phủ mới này, họ đã tiếp tục xu hướng mà Chris Hipkins đã thiết lập, năm ngoái New Zealand nói rằng mình đang khám phá các cơ hội đến với AUKUS. Chính phủ này đã tiến xa hơn. Nếu bạn nhìn vào các tuyên bố và các hoạt động của Bộ trưởng Quốc phòng mới, Judith Collins. Và nếu bạn nhìn vào những gì Winston Peters, ngoại trưởng New Zealand đang nói. Họ dường như đang thể hiện rất nhiều sự mời gọi cởi mở đối với Trụ cột thứ Hai của AUKUS...Sự mở rộng sức mạnh quân sự của Trung Quốc trong khu vực – và mối quan tâm của Trung Quốc trong việc đạt được một chỗ đứng an ninh tiềm năng ở Nam Thái Bình Dương. Bản thân sự hợp tác cũng chỉ dừng ở mặt công nghệ. Chúng ta có một nền kinh tế nhỏ. Chúng ta cần công nghệ nước ngoài để đảm bảo mọi việc diễn ra suôn sẻ. Ngoài ra, là tiền - đó là một sự đầu tư."
 

 

 

Tiến sĩ Euan Graham là nhà phân tích cấp cao của Viện Chính sách Chiến lược Úc.
 

 

Ông nói rằng có thể là nhược điểm khi có quá nhiều quốc gia trong AUKUS.
 

"Tôi nghĩ rằng việc cân nhắc vấn đề này là phép tính cơ bản, nếu bạn mở rộng một mối quan hệ đối tác vốn tập trung và nhỏ, để có sự tham gia rộng rãi hơn, thì bạn sẽ luôn phải trả giá về mặt quy trình. Đó sẽ là một sự khó khăn chung, khi phải giải quyết vấn đề với nhiều hơn ba bên, thì chắc chắn tiến trình sẽ chậm lại. Tôi nghĩ câu hỏi cần được đặt lại là New Zealand và Canada có những gì để cung cấp cho AUKUS. Họ có thực sự đưa ra một đề nghị giá trị mà các đối tác của AUKUS quan tâm. Và làm như vậy theo cách mà không gây nguy hiểm cho sự tập trung vào Trụ cột thứ nhất. Từ quan điểm của Úc, đó là điểm mấu chốt. Đó là lý do tại sao AUKUS ra đời. Mối quan tâm của Úc và mong muốn ngày càng cấp bách của Úc là có được năng lực tàu ngầm ở cấp độ cao cấp hơn. Và thời gian càng bị trì hoãn lâu thì Canberra sẽ càng cảm thấy lo lắng."