Theo trang thống kê worldometers.info, tính tới 6 giờ sáng 25/6 (giờ GMT+7), toàn thế giới có 9.503.234 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó số ca tử vong là 483.677. 

 

Trong 24 giờ qua, thế giới có 156.135 người mắc COVID-19 và 4.789 người tử vong. Nước có số ca mắc nhiều nhất trong 24 giờ qua là Brazil với 37.152 ca. Tiếp đó là Mỹ với 34.024 ca, Ấn Độ với 16.870 ca. Các nước còn lại đều ghi nhận dưới 10.000 ca mắc trong 24 giờ qua.

 

Số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất được ghi nhận ở Brazil với 1.059 ca, nâng tổng số ca tử vong ở nước này lên 53.830 ca. Đứng thứ hai là Mexico với 793 ca, tiếp đó là Mỹ với 723 ca tử vong trong 24 giờ qua.

 

Tính tới nay, toàn thế giới đã có 5.160.706 người khỏi bệnh, nhưng vẫn còn 58.414 ca nguy kịch.

 

Châu Mỹ: Số ca nhiễm tại Texas (Mỹ) tăng đột biến

 

 

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại El Paso, bang Texas, Mỹ ngày 18/5. Ảnh: AFP

 

 

 

Thống đốc bang Texas của Mỹ - ông Greg Abbott - cho biết số ca mắc bệnh COVID-19 ghi nhận theo ngày tại bang này ngày 23/6 đã lần đầu tiên vượt mức 5.000 trường hợp. 

 

Thống đốc Greg Abbott nhấn mạnh đại dịch COVID-19 đang có những diễn biến hết sức nghiêm trọng và lây lan nhanh chóng trong tiểu bang, qua đó yêu cầu người dân hạn chế tối đa các hoạt động ngoài trời và duy trì ở trong nhà lâu nhất có thể. Trong phát biểu trên truyền hình, ông chỉ trích: "Vẫn còn rất nhiều người ở tiểu bang Texas cho rằng sự lây lan của đại dịch COVID-19 không phải là thách thức thật sự".

 

Số ca mắc COVID-19 ở tiểu bang Texas đã gia tăng rất nhanh trong tháng 6 này. Tỷ lệ lây nhiễm hiện ở mức 9% so với mức 4,5% trong tháng trước đó. Theo giới chức y tế tiểu bang Texas, tính đến hết ngày 23/6, bang này có 120.370 người mắc COVID-19, trong đó 2.220 người đã tử vong.

 

Tại Venezuela, bang Zulia ở miền Tây đang dần trở thành một tâm điểm mới của dịch COVID-19 tại quốc gia Nam Mỹ này trong bối cảnh tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng về điện và nước trong suốt một thời gian dài, kết hợp với sự khan hiếm trang thiết bị và vật tư y tế tại các bệnh viện đã khiến việc phòng chống và ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh không hiệu quả.

 

 

 

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Caracas, Venezuela ngày 2/4. Ảnh: AFP

 

 

 

Báo cáo của Chính phủ Venezuela xác định Zulia đang là tâm dịch mới với 590 ca mắc COVID-19, trong đó có 10 trường hợp tử vong, trong khi trên cả nước mới chỉ ghi nhận 4.187 ca bệnh, trong đó có 35 người tử vong tính tới 6 giờ sáng 25/6 (giờ Việt Nam). 

 

Mặc dù vậy, giới quan sát và phe đối lập cho rằng trên thực tế con số này còn cao hơn rất nhiều. Theo cáo buộc của phe đối lập, nhiều trường hợp các bệnh nhân tử vong với các triệu chứng của COVID-19 song trên giấy chứng tử chỉ đưa ra nguyên nhân tử vong là do các bệnh về hô hấp.

 

 

 

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở Santiago, Chile ngày 18/6. Ảnh: AFP

 

 

 

Chile cũng là quốc gia đang chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng trong danh sách bệnh nhân COVID-19. Chile có 254.416 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó có 4.731 ca tử vong do đại dịch. Riêng trong 24 giờ qua, các xét nghiệm tầm soát đã phát hiện 3.649 ca bệnh. Chile cũng ghi nhận thêm 226 người tử vong.

 

Châu Âu: Nga đứng thứ ba thế giới về tổng ca mắc

 

 

 

Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại trung tâm y tế quốc gia ở Moskva, Nga ngày 14/5. Ảnh: THX

 

 

 

Ngày 24/6, cơ quan y tế Nga thông báo trong 24 giờ qua đã ghi nhận 7.176 ca nhiễm COVID-19, đưa tổng số bệnh nhân trên cả nước lên 606.881, cao thứ ba thế giới.

 

Trung tâm Xử lý dịch bệnh COVID-19 của Nga cũng cho biết 154 người tử vong do COVID-19 trong 24 giờ qua, đưa tổng số ca tử vong ở nước này lên 8.513.

 

Tại Anh, các bác sĩ hàng đầu đã gửi thư ngỏ tới lãnh đạo các chính đảng ở nước này, trong đó cảnh báo về nguy cơ dịch COVID-19 bùng phát trở lại, nhấn mạnh đây là một mối đe dọa thực sự. Trước đó, ngày 23/6, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết các quán bar, nhà hàng và khách sạn tại vùng England có thể hoạt động trở lại vào tháng 7 tới nhằm cứu vãn nền kinh tế vốn chịu tác động mạnh của dịch bệnh. Anh là một trong những quốc gia có tỷ lệ tử vong do COVID-19 cao nhất thế giới, song con số này đang giảm ổn định trong những tuần qua. 

 

Tính đến 6 giờ sáng 25/6 (giờ Việt Nam), Anh có tổng cộng 306.862 ca mắc COVID-19 và 43.081 ca tử vong. Chính phủ Anh đã hạ cảnh báo mức độ nguy hiểm COVID-19 từ mức 4 xuống mức 3 trong thang cảnh báo 5 cấp độ. 

 

 

 

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại nhà ga tàu hỏa ở Berlin, Đức, ngày 15/6. Ảnh: THX

 

 

 

Ngày 24/6,  Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn nhấn mạnh rằng dịch COVID-19 vẫn là một mối đe dọa sau khi chính quyền bang North Rhine-Westphalia, miền Tây nước này, áp đặt lại lệnh phong tỏa khu vực Guetersloh do phát hiện ổ dịch COVID-19 tại một nhà máy chế biến thịt tại đây. Đây là khu vực đầu tiên ở Đức phải áp đặt lại lệnh phong tỏa sau khi nhà chức trách bắt đầu dần nới lỏng các biện pháp hạn chế vào cuối tháng tư. Phát biểu trên đài phát thanh ARD, Bộ trưởng Spahn nêu rõ nếu nới lỏng cảnh giác, virus SARS-CoV-2 có thể sẽ lại lây lan rất nhanh trong cộng đồng.

 

Ngày 24/6, Bộ trưởng Y tế Bulgaria Kiril Ananiev cho biết nước này sẽ kéo dài tình trạng khẩn cấp đến ngày 15/7 do số ca mới nhiễm virus SARS-CoV-2 tiếp tục gia tăng tại nước này. 

 

 

Phát biểu tại cuộc họp của chính phủ, Bộ trưởng Ananiev cho biết dịch bệnh đang lây lan với tốc độ nhanh. Từ ngày 10-24/6, trung bình số ca nhiễm đã tăng gấp 3 lần (từ 26 ca lên tới 84 ca chỉ trong một ngày) so với giai đoạn 2 tuần trước đó. Bulgaria sẽ không áp đặt các biện pháp phòng chống mới hoặc áp trở lại các biện pháp hạn chế chặt chẽ hơn, nhưng sẽ tăng cường kiểm soát giãn cách xã hội, bắt buộc người dân đeo khẩu trang ở các nơi công cộng khép kín như tàu hỏa và xe buýt và tiếp tục lệnh cấm du lịch tới hầu hết các nước ngoài Liên minh châu Âu (EU). 

 

 

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 khi đi tàu điện ngầm tại Kiev, Ukraine ngày 25/5/2020. Ảnh: THX

 

 

 

Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Ukraine Maksym Stepanov cho biết nước này đang mở thêm bệnh viện để điều trị bệnh nhân COVID-19 để khắc phục tình trạng thiếu giường bệnh tại các cơ sở y tế được chỉ định điều trị bệnh nhân COVID-19 do số ca nhiễm gia tăng. 

 

Với 940 ca nhiễm trong ngày 24/6, Ukraine đã ghi nhận số ca nhiễm trong ngày tăng cao, nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên 39.014 ca, trong đó có 1.051 ca tử vong. Phần lớn các ca nhiễm được ghi nhận ở miền Tây nước này và thủ đô Kiev. Theo các quan chức Ukraine, nguyên nhân khiến số ca nhiễm gia tăng ở nước này là do nhiều người dân không tuân thủ nghiêm túc các hướng dẫn về giãn cách xã hội và các biện pháp phòng chống khác.          

 

 

Châu Á: Ấn Độ ghi nhận kỷ lục ca mắc hàng ngày

 

 

 

Nhân viên y tế làm việc tại một điểm xét nghiệm COVID-19 ở Chennai, Ấn Độ ngày 22/4. Ảnh: THX

 

 

 

Trong 24 giờ qua, Ấn Độ ghi nhận 16.870 ca nhiễm SARS-CoV-2 và 424 ca tử vong. Đây là lần đầu tiên Ấn Độ ghi nhận số ca nhiễm trong ngày tăng cao như vậy kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Hiện tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Ấn Độ là 472.985 ca và số ca tử vong là 14.907 ca. 

 

Tại Nhật Bản, chính quyền thành phố Tokyo ngày 24/6 cho biết ghi nhận 55 ca nhiễm. Đây là lần đầu tiên Tokyo ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày vượt con số 50 ca/ngày kể từ ngày 5/5. Thủ đô Tokyo ghi nhận sự xuất hiện trở lại các ca nhiễm mới sau khi chính phủ dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp trong cả nước.

 

 

Cơ quan Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Nam Hàn (KCDC) ngày 24/6 cho biết đã có 11 trên tổng số 17 tỉnh, thành phố ở nước này ghi nhận có ca nhiễm virus SARS-CoV-2. Trong tổng số 51 ca nhiễm mới mà Nam Hàn ghi nhận trong ngày hôm trước có 31 trường hợp lây nhiễm trong nước và 20 ca từ nước ngoài trở về.

 

 

 

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 vào một bệnh viện ở thành phố Daegu, Nam Hàn ngày 21/2. Ảnh: THX

 

 

 

Theo KCDC, chỉ tính riêng trong tháng này, Nam Hàn đã có 7 lần ghi nhận số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới vượt mốc 50 người/ngày, trong khi mục tiêu đặt ra ban đầu của chính phủ Nam Hàn khi chuyển sang phương thức phòng dịch "giữ khoảng cách trong đời sống hàng ngày" là duy trì dưới 50 ca nhiễm mới/ngày.

 

Nhà chức trách thành phố Bắc Kinh (Trung Quốc) ngày 24/6 cho biết đợt bùng phát mới của dịch COVID-19, ảnh hưởng tới 256 người ở thủ đô từ đầu tháng 6, hiện đã được kiểm soát tuy nhiên vẫn còn lo ngại về nguy cơ lây lan trong cộng đồng. Đợt bùng phát dịch trên có liên quan đến khu chợ đầu mối lớn nhất ở Bắc Kinh sau khi ca đầu tiên được ghi nhận ngày 11/6, dẫn tới một phần thành phố bị phong tỏa nhằm ngăn chặn dịch lây lan.

 

Bắc Kinh đã tăng khả năng xét nghiệm từ 100.000 mẫu/ngày lên 300.000 mẫu từ đầu tháng 6, và một nửa số ca nhiễm (137 ca) đã được phát hiện thông qua quét thân nhiệt. Tổng cộng gần 3 triệu người đã được xét nghiệm.

 

Giới chuyên gia cảnh báo các đợt bùng phát nhỏ hơn và mang tính định kỳ có thể tái diễn trong tương lai. Theo các chuyên gia, số ca nhiễm có thể tăng vào mùa Đông hoặc mùa Xuân tới, nhưng đợt bùng phát mới sẽ không lớn như làn sóng đầu tiên.

 

 

Tình hình dịch bệnh tại châu Phi và Trung Đông

 

 

Nhân viên y tế chuyển thi thể bệnh nhân mắc COVID-19 tại Cape Town, Nam Phi ngày 16/6. Ảnh: AFP

 

 

 

 

Nam Phi ghi nhận 103 ca tử vong do COVID-19 trong 24 giờ qua, theo đó nâng tổng số ca tử vong tại Nam Phi tăng lên 2.205 ca. Số ca mắc tăng 5.688 ca lên 111.796 ca.

 

Về công tác phòng chống dịch, nhà chức trách Nam Phi đang tăng cường xét nghiệm cộng đồng, với 29.596 người được xét nghiệm trong 24 giờ qua. Tính đến hết ngày 23/6, hơn 4.000 người nhập viện vì mắc COVID-19 và đang được điều trị ở nhiều mức độ khác nhau. Số giường bệnh để phục vụ bệnh nhân COVID-19 tăng lên hơn 27.000 giường, trong khi hơn 400 khu vực được lập làm nơi cách ly với sức chứa gần 38.000 giường trên cả nước. Theo ông Mkhize, Nam Phi hiện có 7.134 máy thở, trong đó 5.401 máy đang có sẵn tại các cơ sở y tế công và tư nhân. 

 

Tại Ai Cập, Bộ Y tế nước này thông báo ghi nhận thêm 1.420 ca mắc trong ngày 24/6, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 59.561 ca. Trước đó, Ai Cập ghi nhận con số cao kỷ lục 1.774 ca mắc trong ngày 19/6. Cũng trong ngày 24/6, Ai Cập thông báo số ca tử vong tăng 85 ca lên 2.450 ca. 

 

Tại Algeria, tính đến sáng 25/6, nước này ghi nhận thêm 172 ca mắc và 8 ca tử vong trong vòng 24 giờ, nâng tổng số ca mắc tại quốc gia Bắc Phi này lên 12.248 ca, trong đó có 869 ca tử vong

 

 

 

 

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Algiers, Algeria ngày 7/6. Ảnh: THX

 

 

 

Người phát ngôn của Ủy ban theo dõi diễn biến dịch COVID-19 của Algeria, Djamel Fourar kêu gọi người dân Algeria tăng cường cảnh giác và thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trong việc tôn trọng các biện pháp phòng ngừa, đặc biệt là đeo khẩu trang. 

 

Algeria đang thực hiện giai đoạn 2 nới lỏng các biện pháp cách ly. Đa số các hoạt động kinh tế xã hội được nối lại kể từ ngày 14/6 vừa qua. Tuy nhiên, trong gần 2 tháng qua, quốc gia Bắc Phi này luôn ghi nhận số ca nhiễm mới tăng ở mức 3 con số mỗi ngày. 

 

Theo số liệu thống kê mới nhất của trang worldometers.info, Algeria hiện xếp thứ 6 trong nhóm 10 quốc gia châu Phi có số ca nhiễm cao nhất châu lục và xếp thứ 3 về số người tử vong do COVID-19. 

 

 

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Holon, Israel ngày 11/6. Ảnh: THX

 

 

 

Tại Israel, Bộ Y tế thông báo đã ghi nhận 532 ca mắc. Đây là số ca mắc trong ngày cao nhất ở Israel kể từ ngày 22/4, theo đó nâng tổng số ca mắc tại Israel lên 22.044 ca. Số ca tử vong tại nước này là 308 ca, không tăng so với ngày trước đó. 

 

Trước đó cùng ngày, nhà chức trách Israel đã quyết định tuyên bố thành phố Elad và một số khu vực ở thành phố Tiberias là những khu vực hạn chế ra vào do tỷ lệ lây nhiễm cao. Các cư dân tại những khu vực hạn chế này chỉ được ra khỏi nhà trong trường hợp thật cần thiết.