Oanh tạc cơ B-1B của Không quân Hoa Kỳ, vị trí thứ sáu từ trên cùng bên trái, chiến đấu cơ F-35 của Không quân Nam Hàn và chiến đấu cơ F-16 của Không quân Hoa Kỳ, vị trí bên trái, bay qua Bán đảo Đại Hàn trong cuộc tập trận chung ở Nam Hàn, vào ngày 19/11/2022. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nam Hàn qua AP)

 

 

ĐÔNG BẮC Á - Ông Thạch cho biết, mối quan hệ giữa Nhật Bản, Hoa Kỳ, và Nam Hàn như một hình tam giác, trong đó cạnh yếu nhất là mốt quan hệ Nhật Bản-Nam Hàn.

 

Hội nghị thượng đỉnh ba bên giữa Trung Quốc, Nhật Bản, và Nam Hàn hồi tháng Năm đã khiến Bắc Hàn phản ứng ngay lập tức bằng cách gửi hàng trăm quả bóng bay mang theo túi rác [tới Nam Hàn].

 

Khi mối quan hệ Nhật Bản-Nam Hàn dần ấm lên, thì mối quan hệ Trung-Nhật lại trở nên xấu đi, và cuộc đối đầu giữa Trung Quốc-Hoa Kỳ cũng không thể hòa giải, Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thấy mình ngày càng ở thế thụ động trong bối cảnh địa chính trị của Đông Bắc Á. Một số chuyên gia Trung Quốc tin rằng Bán đảo Triều Tiên đang trở thành Bức tường Berlin mới.

 

 

Bán đảo Triều Tiên

Ông Thạch Sơn (Shi Shan), biên tập viên kỳ cựu của The Epoch Times, cho biết trong tập “Diễn đàn Tinh Anh” hôm 11/06 rằng tình hình trên Bán đảo Triều Tiên đã thay đổi kể từ đầu những năm 1990.

 

Ông cho biết: “Trước đó, có hai phe: Nam Hàn, được Nhật Bản và Hoa Kỳ hậu thuẫn, và Bắc Hàn, được ĐCSTQ và Liên Xô cũ hậu thuẫn.”

“Tuy nhiên, với sự sụp đổ của Liên Xô và việc ĐCSTQ thiết lập mối bang giao với Nam Hàn, Bắc Hàn đã vô cùng tức giận. Nước này cảm thấy rằng an ninh của mình đột nhiên mất đi sự bảo vệ. Đối mặt với Nam Hàn được sự hậu thuẫn của Nhật Bản và Hoa Kỳ, các đồng minh của Bắc Hàn đã bỏ rơi nước này, đó là lý do tại sao chính quyền của ông Kim quyết định theo đuổi vũ khí nguyên tử bằng mọi giá.”

 

Ông Thạch cho rằng mối quan hệ Trung Quốc-Bắc Hàn đã xấu đi đến mức đang trên bờ vực sụp đổ sau khi ĐCSTQ thiết lập mối bang giao với Nam Hàn.

 

Ông cho nói, “Theo hiểu biết của tôi, ông Kim Jong-il đã từng đề xướng việc cắt đứt bang giao với ĐCSTQ và thiết lập quan hệ ngoại giao với Đài Loan, lựa chọn một cuộc đấu sinh tử. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc tất cả các yếu tố, ông ấy biết rằng việc đó là không thể,”

“Bởi vì phần lớn sản phẩm và hệ thống công nghiệp của Bắc Hàn có mối liên hệ chặt chẽ với Hoa lục, nên nước này không thể hợp tác với Đài Loan… Tình huống này đã tạo ra nút thắt rất lớn giữa Bắc Hàn và ĐCSTQ. Do đó, Bắc Hàn bắt đầu theo đuổi vũ khí nguyên tử, trong khi ĐCSTQ luôn kiên định với lập trường công khai của mình rằng Bán đảo Triều Tiên phải phi nguyên tử hóa.”

 

Bà Quách Quân (Guo Jun), tổng biên tập ấn bản Hồng Kông của The Epoch Times, tin rằng sự kiên quyết này của ĐCSTQ là một mục tiêu chiến lược lâu dài trong địa chính trị của Trung Quốc.

 

Bà nói trong chương trình Diễn đàn Tinh Anh, “Lý do rất đơn giản: nếu Bán đảo Triều Tiên sở hữu vũ khí nguyên tử, điều này sẽ đe dọa trực tiếp đến phía bắc Trung Quốc và thậm chí là toàn bộ khu vực phía đông Trung Quốc. Nếu Bắc Hàn sở hữu vũ khí nguyên tử thì Nam Hàn và Nhật Bản cũng có thể cân nhắc sở hữu chúng. Đài Loan cũng vậy.”

“Nhìn vào bản đồ, Nam Hàn cách Bắc Kinh khoảng 1000 km (621 dặm). Để đến được đó, một hỏa tiễn phải di chuyển với tốc độ gấp ba lần tốc độ âm thanh trong khoảng 20 phút. Nhật Bản cũng gần như vậy. Khoảng cách từ miền nam Nhật Bản đến Bắc Kinh chỉ hơn 1,200 km (745 dặm). Đài Loan ở xa hơn nhưng hỏa tiễn vẫn chỉ mất khoảng 30 đến 40 phút để bay đến nơi. Nếu là hỏa tiễn siêu thanh, thì thời gian bay thậm chí có thể chỉ mất 10 phút.”

 

Bà Quách lưu ý rằng Hoa Kỳ có thể ngăn chặn các quốc gia này trở thành quốc gia nguyên tử vì Hoa Kỳ cung cấp cho họ chiếc “dù nguyên tử”.

“Nếu Bắc Hàn sở hữu vũ khí nguyên tử, vũ khí nguyên tử của Hoa Kỳ sẽ cần phải tiến vào khu vực này, mà đây cũng là một biện pháp răn đe chiến lược đối với ĐCSTQ. Nếu các quốc gia này đều sở hữu vũ khí nguyên tử, sẽ có 4 quốc gia nguyê tử xung quanh Bắc Kinh, một tình huống chưa từng thấy trên thế giới. Điều này sẽ làm xấu đi đáng kể vị thế địa chính trị của ĐCSTQ, vì vậy họ luôn theo đuổi mục tiêu phi nguyên tử hóa Bán đảo Triều Tiên.”

“Sau đó, do mối quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc xấu đi, ĐCSTQ lại bắt đầu ủng hộ Bắc Hàn. Đây là một điều cần thiết mang tính chiến thuật lén lút. Hiện nay, chúng ta thấy ĐCSTQ đang sử dụng các chiến thuật ngắn hạn để làm suy yếu chiến lược địa chính trị dài hạn của mình, đó là một phương sách rất phi lý.”

 

 

Đài Loan trở thành tiền tuyến trong cuộc đối đầu giữa Trung Quốc-Hoa Kỳ

 

Bà Quách nói rằng ĐCSTQ và Hoa Kỳ có sự hiểu biết chiến lược ngầm dài hạn về vấn đề tại Đông Bắc Á.

 

Bà nói, “Bắc Kinh không muốn có vũ khí nguyên tử ở khu vực này, cũng như không muốn Bán đảo Triều Tiên được thống nhất, vì họ không muốn một Triều Tiên thống nhất thân với Hoa Kỳ,”

“Tất nhiên, Hoa Kỳ cũng không muốn các nước này sở hữu vũ khí nguyên tử. Ưu tiên hàng đầu trong chiến lược an ninh của Hoa Kỳ luôn là không phổ biến vũ khí nguyên tử và kiểm soát vũ khí hủy diệt hàng loạt.”

 

 

Một quả bóng bay mang theo rác được cho là do Bắc Hàn gửi đến, tại Incheon, Nam Hàn, hôm 02/06/2024. (Ảnh: Trụ sở cứu hỏa Incheon, qua AP)

 

 

Bà Quách tin rằng Hoa Kỳ không muốn Bán đảo Triều Tiên được thống nhất. Bà nói: “Điều này hơi phức tạp vì trong khu vực này Hoa Kỳ không lo ngại Bắc Hàn, mà là Trung Quốc và Nga. Sự tồn tại của chế độ Bắc Hàn thực sự có lợi cho Hoa Kỳ vì điều này cung cấp lý do cho sự hiện diện quân sự của nước này trong khu vực. Hoa Kỳ phụ thuộc rất nhiều vào liên minh quân sự Hoa Kỳ-Nhật Bản-Nam Hàn ở Đông Bắc Á. Với [sự tồn tại của] Bắc Hàn, liên minh này trở nên ổn định hơn.”

“Vì vậy, trong vài thập niên qua, Hoa Kỳ và Trung Quốc đã có sự hiểu biết ngầm ở mức độ cao.”

 

Bà nói thêm, “Vấn đề duy nhất không rõ ràng chính là Đài Loan,”

“Việc thiết lập mối quan hệ ngoại giao Hoa Kỳ-Trung Quốc có một thỏa thuận ngầm, đó là Trung Quốc sẽ không tấn công Đài Loan.”

“Vì vậy, vào cùng ngày Thông cáo chung Hoa Kỳ-Trung Quốc [được công bố], Trung Quốc tuyên bố sẽ theo đuổi cái gọi là thống nhất hòa bình với Đài Loan… Tuy nhiên, tại Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ 19 của ĐCSTQ năm 2017, ĐCSTQ đã đặt ra khung thời gian thống nhất, nhằm mục đích thống nhất Đài Loan trong vòng 10 đến 15 năm bằng việc sử dụng mọi biện pháp, kể cả lực lượng quân sự.”

 

Đây cũng là nhu cầu về tính chính danh trong nội bộ đảng đối với ông Tập Cận Bình, người vốn đề xướng rằng việc thống nhất Đài Loan là dấu hiệu cho thấy sự trỗi dậy của Trung Quốc.

 

Bà Quách nói: “Chính vào thời điểm này, quan điểm chiến lược của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc đã có một sự thay đổi đáng kể, và điều này vẫn tiếp tục cho đến ngày nay.”

“Năm 2018 đã có những điều chỉnh đáng kể trong chiến lược của Hoa Kỳ và Trung Quốc. Đơn cử, chúng ta đã chứng kiến [cựu thủ tướng ĐCSTQ] Lý Khắc Cường đến thăm Nhật Bản. Sau cuộc khủng hoảng THAAD, ĐCSTQ đã nhanh chóng cải thiện mối quan hệ với Nam Hàn và tăng cường mối quan hệ song phương với Nga.”

 

Về phía Hoa Kỳ, Đạo luật Du lịch Đài Loan và Đạo luật Bảo vệ Đài Loan được ban hành nhằm củng cố bang giao, trong đó có mối quan hệ quân sự với Đài Loan.

 

Bà Quách dự đoán: “Mối bang giao Hoa Kỳ-Trung Quốc bắt đầu xấu đi kể từ đó. ĐCSTQ mong muốn thống nhất đất nước, trong khi Hoa Kỳ lại coi điều này là việc ĐCSTQ dùng vũ lực để thay đổi hiện trạng địa chính trị. Cuộc xung đột này là không thể hòa giải được nên chúng ta chỉ có thể thấy mối quan hệ song phương giữa hai quốc gia này trở nên tồi tệ hơn.”

 

 

Tam giác Hoa Kỳ-Nhật-Nam Hàn

 

Ông Thạch cho rằng mối quan hệ giữa Nhật Bản, Hoa Kỳ, và Nam Hàn như một hình tam giác, trong đó cạnh yếu nhất là mối quan hệ Nhật Bản-Nam Hàn.

 

Ông nói: “Tuy nhiên, kể từ khi Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in lên nắm quyền, đặc biệt với áp lực từ giai đoạn cuối của chính phủ cựu tổng thống Trump, mối quan hệ Nhật Bản-Nam Hàn đã có sự cải thiện đáng kể, điều này cũng liên quan đến áp lực bên ngoài từ kẻ thù gia tăng.”

 

Ông Đỗ Văn (Du Wen), cựu giám đốc Văn phòng Pháp luật Chính phủ Khu tự trị Nội Mông Cổ, cho rằng sự căng thẳng giữa Nhật Bản và Nam Hàn có lợi nhất cho ĐCSTQ.

Ông nói “Liên minh Hoa Kỳ-Nhật Bản-Hàn Quốc là nền tảng của một NATO thu nhỏ ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, đặt ra thách thức an ninh lớn nhất đối với ĐCSTQ. Cả Nhật Bản và Nam Hàn đều là những pháo đài nơi tiền tuyến, vì vậy ĐCSTQ rất hài lòng khi thấy xung đột giữa các quốc gia này.”
 

Đặc phái viên của Hoa Kỳ tại Bắc Hàn Sung Kim (trái), Vụ trưởng Vụ các vấn đề Châu Á và Châu Đại Dương của Bộ Ngoại giao Nhật Bản Takehiro Funakoshi (giữa), và Đặc phái viên của Nam Hàn về các vấn đề hòa bình và an ninh trên Bán đảo Triều Tiên Kim Gunn hôm 07/09/2022. (Ảnh: Eugene Hoshiko/AP Photo)

 

 

Ông Đỗ cho rằng sự biến động trong mối quan hệ Nhật Bản-Nam Hàn những năm gần đây có bốn nguyên nhân: vấn đề lịch sử, tranh chấp lãnh thổ, chẳng hạn như vụ tranh chấp đảo Dokdo/Takeshima, xung đột thương mại, nổi bật là việc Nhật Bản hạn chế xuất cảng vật liệu bán dẫn vào năm 2019, và yếu tố chính trị trong nước, khi chủ nghĩa dân tộc ảnh hưởng đến chính phủ của cả hai nước, khiến cả hai bên khó có thể thỏa hiệp.

 

 

Quan hệ Trung-Nhật

 

Bà Quách lưu ý rằng mỗi quốc gia Trung Quốc, Nhật Bản, và Nam Hàn đều bày tỏ lập trường riêng biệt trong hội nghị thượng đỉnh mới đây.

 

“Trong số những vấn đề này, mối bang giao Trung-Nhật rất quan trọng đối với Trung Quốc, có lẽ chỉ đứng sau mối bang giao với Hoa Kỳ,” bà cho hay, đồng thời lưu ý rằng vào thời [cựu lãnh đạo ĐCSTQ] Đặng Tiểu Bình, họ hiểu rằng mối quan hệ Trung-Nhật tốt đẹp đều có lợi cho cả hai quốc gia.

“Vì vậy, trong quá trình cải cách và mở cửa của Trung Quốc, Nhật Bản đã cung cấp viện trợ tài chính và công nghệ đáng kể.”

 

Bà nói thêm rằng ĐCSTQ là thủ phạm chính khiến mối quan hệ Trung-Nhật trở nên xấu đi.

“Sau sự sụp đổ của hệ tư tưởng cộng sản ở Trung Quốc, ĐCSTQ đã sử dụng chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa yêu nước để củng cố tính chính đáng của mình và hình thành một bộ giá trị chung… Đáng tiếc là Nhật Bản đã trở thành mục tiêu hàng đầu, đặc biệt là sau khi ông Tập lên nắm quyền.”

 

Một ví dụ khác là khi ông Shinzo Abe lần đầu tiên trở thành thủ tướng, ông đã tìm cách cải thiện mối quan hệ với Trung Quốc. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, Trung Quốc thường xuyên tổ chức các cuộc biểu tình bài Nhật và tẩy chay hàng hóa Nhật Bản, trong khi đó ông Tập lại nâng cao tinh thần bài Nhật ở Nam Kinh.

 

Bà Quách nói: “Về mặt chính trị, Trung Quốc cần xem Nhật Bản như một kẻ thù. Nếu Trung Quốc chọn Hoa Kỳ, nước này sẽ phải đối mặt với một kẻ thù đáng gờm; Đài Loan và Philippines quá nhỏ và yếu để thực hiện vai trò đó. Nhật Bản khá phù hợp và cũng có lịch sử thù địch với Trung Quốc… Vì vậy, Trung Quốc đã chỉ định Nhật Bản là kẻ thù quan trọng nhất của mình để nuôi dưỡng tinh thần chủ nghĩa dân tộc, một sự cân nhắc chính trị.”

 

 

Giới tinh anh Nhật Bản, sau khi học ra được từ kinh nghiệm này, đã chọn cách củng cố sức mạnh của mình. Khái niệm chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nảy sinh từ tình huống này, vốn được ông Abe đề nghị như một biện pháp củng cố sức mạnh cho Nhật Bản.

 

Ông Thạch cho biết rằng các cuộc thăm dò dư luận trước đây cho thấy sự ủng hộ của Nhật Bản dành cho Trung Quốc đang giảm sút.

“Như người ta thường nói, ‘gieo nhân nào, gặt quả ấy,’ ông bày tỏ. “Nếu người ta cầu kẻ thù, thì kẻ thù sẽ xuất hiện.”

 

 

Quan điểm trong bài viết này là ​​của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.

 

(Epochtimes Việt ngữ - Tuệ Minh biên dịch)

(Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times)

 

 

 

 

Pinnacle View Team

BTV EPOCH TIMES TIẾNG ANH

“Diễn đàn Tinh anh”, một liên doanh giữa NTD và The Epoch Times, là một diễn đàn truyền hình cao cấp tập trung vào Trung Quốc. Chương trình quy tụ các chuyên gia từ khắp nơi trên thế giới để thảo luận về các vấn đề cấp bách, phân tích các xu hướng, và cung cấp những hiểu biết sâu sắc về các vấn đề xã hội và sự thật lịch sử.