Ông Stoltenberg nói: "Chúng tôi sẽ không bước vào một cuộc Chiến tranh Lạnh mới và Trung Quốc không phải là đối thủ cũng không phải là kẻ thù của chúng tôi."
Ông Jens Stoltenber. (Nguồn: ndtv.com)
Ngày 14/6, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Jens Stoltenberg, đã phủ nhận về một cuộc Chiến tranh Lạnh với Trung Quốc song nhấn mạnh liên minh này sẽ phải điều chỉnh để thích ứng với những thách thức trước sự trỗi dậy của Trung Quốc về kinh tế, chính trị và quân sự.
Phát biểu với báo giới thềm Hội nghị thượng đỉnh NATO, ông Stoltenberg nói: "Chúng tôi sẽ không bước vào một cuộc Chiến tranh Lạnh mới và Trung Quốc không phải là đối thủ cũng không phải là kẻ thù của chúng tôi. Tuy nhiên, chúng tôi cần cùng nhau giải quyết, với tư cách là liên minh, trước những thách thức mà sự trỗi dậy của Trung Quốc đặt ra đối với an ninh của chúng tôi."
Theo ông Stoltenberg, NATO nhận thức được rằng Trung Quốc không chia sẻ các giá trị chung của liên minh này và tuyên bố chung sau hội nghị sẽ vạch ra một chiến lược mới hướng tới Trung Quốc.
Về quan hệ với Nga, Tổng Thư ký Stoltenberg tuyên bố liên minh quân sự này sẽ tiếp tục tìm cách đối thoại với Nga. Ông cũng hoan nghênh cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Nga Vladimir Putin.
Ngoài ra, ông Stoltenberg cũng đề cập đến vấn đề kiểm soát vũ khí sẽ được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh. Ông Stoltenberg nêu rõ: "NATO hoan nghênh việc gia hạn Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) và chúng ta cần hành động để đạt được tiến triển hơn nữa trong nỗ lực kiểm soát vũ khí."
Theo kế hoạch, Hội nghị thượng đỉnh NATO sẽ diễn ra trong ngày 14/6 tại trụ sở khối quân sự này ở Brussels, Bỉ. Tổng Thư ký Stoltenberg khẳng định đề xuất cải cách NATO 2030 sẽ là trọng tâm nghị sự của hội nghị. Ông nhấn mạnh đây sẽ là chương trình nghị sự xuyên Đại Tây Dương đầy tham vọng về an ninh và quốc phòng.
Tổng Thư ký NATO cũng cho biết thêm một số quyết định chính dự kiến sẽ được đưa ra trong hội nghị như tăng cường tham vấn chính trị, phòng thủ tập thể và khả năng ứng phó về cơ sở hạ tầng và chuỗi cung ứng.
Trước cuộc họp, Tòa Bạch Ốc (Hoa Kỳ) cho biết 30 nước thành viên NATO sẽ thống nhất điều chỉnh "quan điểm chiến lược" của khối để giải quyết các thách thức của môi trường chiến lược mới bên cạnh các nguy cơ về khủng bố, tấn công mạng và biến đổi khí hậu.