Ảnh minh họa: Trung tâm huấn luyện của quân đội Mỹ tại căn cứ Grafenwoehr, miền nam nước Đức. AFP - CHRISTOF STACHE
ÂU CHÂU - Ngày 22/03/2025, Nghị Viện Đức cuối cùng đã thông qua kế hoạch đầu tư khổng lồ của thủ tướng tương lai Friedrich Merz. Cuộc cải cách này sẽ cho phép Đức thúc đẩy nhanh tiến trình tái vũ trang đất nước.
Không còn là điều cấm kỵ, kể từ giờ Friedrich Merz nói đến một sự tự chủ chiến lược Âu châu, phát triển hệ thống phòng thủ chung Âu châu và thậm chí đề nghị thảo luận về việc mở rộng ô nguyên tử của Pháp. Liệu nước Đức, dưới thời thủ tướng Friedich Merz có sẽ xoay lưng lại với Mỹ, đồng minh lâu năm của mình?
Anh ninh: Nền tảng cơ bản cho quan hệ Đức – Mỹ
Trong một bài diễn đàn đăng trên nhật báo Công giáo La Croix, ngày 24/02/2025, chuyên viên nghiên cứu Marie Krpata, chuyên gia về quan hệ Pháp – Đức, Học Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI), đã nhắc lại rằng, chính sách của thủ tướng Đức mãn nhiệm Olaf Scholz được đánh dấu bởi bài diễn văn nổi tiếng « Zeitenwende », « Thay đổi thời đại », ngày 27/02/2022, vài ngày sau khi nổ ra chiến tranh Ukraine, buộc nước Đức phải xem lại các nền tảng cơ bản của mình : Chi tiêu nhiều hơn cho quân sự, chấm dứt nhiều thập niên quan hệ chặt chẽ với Nga và thoát khỏi tình trạng phụ thuộc.
Tuy nhiên, nhìn từ Pháp, chính sách này của ông Olaf Scholz thiên về phía Mỹ nhiều hơn là Âu châu, nghĩa là mua nhiều vũ khí của Mỹ hơn, một sự liên kết chặt chẽ giữa thủ tướng Đức Olaf Scholz và tổng thống Mỹ Joe Biden trước Nga, về việc mở rộng NATO và cung cấp vũ khí cho Ukraine.
Trả lời RFI Tiếng Việt, chuyên viên nghiên cứu Marie Krpata, trước hết nhắc lại đôi nét về quan hệ Đức – Hoa Kỳ:
Marie Krpata : « Tôi nghĩ rằng điều quan trọng cần hiểu là Cộng hòa Liên bang Đức vào cuối Thế chiến thứ hai đã được xây dựng trên một mối liên kết xuyên Đại Tây Dương rất mạnh mẽ, có nghĩa là sự neo giữ của Đức trong phe phương Tây, cũng như là tư cách thành viên trong các định chế Âu châu– Đại Tây Dương. Đương nhiên, NATO đóng vai trò rất quan trọng, nhưng trên thực tế, Hoa Kỳ là bên bảo đảm chính cho an ninh của Đức thông qua 37.000 binh lính Mỹ đang đồn trú trên lãnh thổ Đức, đồng thời Hoa Kỳ đóng vai trò quan trọng trong việc răn đe nguyên tử. »
Trump, J. D. Vance và bước rẽ ngoặt của Đức
Tuy nhiên, việc ông Donald Trump trở lại Tòa Bạch Ốc một cách ngoạn mục đang đặt nhiều nghi vấn về mối quan hệ giữa Đức và Hoa Kỳ, cũng như là sự bảo đảm an ninh mà Mỹ dành cho Đức, vốn đã phần nào xuống cấp ngay từ nhiệm kỳ đầu tiên của ông Donald Trump.
Thái độ nghi ngờ đó đã được thể hiện rõ trong bài phát biểu của ông Friedrich Merz ngay sau khi có kết quả thắng cử trong cuộc bỏ phiếu liên bang. Trái với lập trường trung lập cho đến hiện tại, khi chỉ nói đến « năng lực hành động », thủ tướng tương lai của Đức không những đề xuất tăng ngân sách quốc phòng từ 2% GDP lên mức 3%, mà còn kêu gọi, « độc lập chiến lược cho Âu châu », những từ ngữ cho đến nay bị xem là cấm kỵ.
Trả lời RFI Tiếng Việt, bà Marie Krpata giải thích sự thay đổi giọng điệu này của Đức phần nào đến từ những động thái từ các quan chức tân chính quyền Trump những tháng gần đây, từ những lời đả kích của phó tổng thống Mỹ J.D. Vance ở Hội nghị An ninh Munich, màn hạ nhục tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy ở Tòa Bạch Ốc, cho đến những lời dọa dẫm của nguyên thủ Mỹ Donald Trump đối với Đức và các đồng minh Âu châu khác.
Marie Krpata : « Thật vậy, điều chúng ta có thể nói là ngay từ nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của Donald Trump, mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Đức đã xấu đi, vì ngay cả khi đó Donald Trump vẫn coi Đức như là « kẻ lữ hành bất chính » trong Liên minh Bắc Đại Tây Dương và rằng Đức đang lợi dụng Hoa Kỳ. Ông đề cập đến thực tế là Đức có thặng dư thương mại với Hoa Kỳ. Chúng ta có thể nhớ lại rằng vào năm 2024, thặng dư thương mại này là 63 tỷ euro.
\
Rồi ông còn dọa sẽ rút quân đội Mỹ khỏi nước Đức. Ông áp thuế hải quan đối với thép và nhôm của Âu châu. Ông đe dọa sẽ áp thuế đối với ngành công nghiệp ô tô Âu châu, điều này rõ ràng sẽ tác động lớn đến ngành công nghiệp ô tô của Đức. Chúng ta đã trải nghiệm về nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của Donald Trump, và cuối cùng là 4 năm của Joe Biden, về cơ bản chỉ là quãng lặng vì Joe Biden là người có tư tưởng chủ nghĩa Đại Tây Dương, và do vậy Đức vẫn luôn hướng về Mỹ. »
« Zeitenwende 2.0 »: Thiên Mỹ hay Âu châu?
Trước sự « trở mặt » của Mỹ, như nhiều đánh giá từ giới chuyên gia tại Pháp, phiên bản « Zeitenwende 2.0 » của ông Friedrich Merz kêu gọi tự chủ chiến lược và cải cách ngân sách có đồng nghĩa với việc Đức sẽ đầu tư ồ ạt cho công nghiệp vũ khí Âu châu hay không? Liệu Berlin có sẽ bỏ qua được các chiếc F-35 của Mỹ để thay thế bằng Rafale của Pháp, hay Gripen của Thụy Điển?
Nếu như bà Marie Krpata nhìn nhận Đức có nhu cầu to lớn để cải thiện năng lực quân đội, thì khả năng Berlin từ bỏ đồng minh Washington hiện là điều khó thể, và không hợp lý. Trên làn sóng RFI Tiếng Việt, bà giải thích tiếp:
Marie Krpata : « Chúng ta biết rằng trong quá khứ, Pháp đã thúc đẩy mạnh mẽ việc tăng cường cơ sở công nghiệp quốc phòng Âu châu và ưu tiên vũ khí Âu châu, và trong quá khứ, Đức đã mua rất nhiều vũ khí của Mỹ, và quý đài đã đề cập đến F-35, máy bay chiến đấu của Mỹ, nhưng khi chiến tranh nổ ra ở Ukraine, Đức đã mua 35 tiêm kích F-35. Nhìn từ Pháp, điều đó đã gây ra một số thất vọng, vì Đức, Pháp và Tây Ban Nha đang nghiên cứu SCAF, Hệ thống Không quân Chiến đấu Tương lai mà một số khía cạnh cũng tương đương với F-35.
Nhưng lập luận của Đức hoàn toàn hợp lý: Nước này đang mua những chiếc F-35 đã có sẵn, trong khi hệ thống chiến đấu trên không trong tương lai thì sớm nhất là đến năm 2040 mới có. Và rõ ràng, xét về khả năng răn đe nguyên tử, F-35 đặc biệt quan trọng. Chừng nào chưa có thỏa thuận về chia sẻ nguyên tử giữa Pháp và Đức, giống như các thỏa thuận chia sẻ nguyên tử giữa Đức và Hoa Kỳ, SCAF và Rafale sẽ không thực sự là những lựa chọn thay thế tương đương với F-35.
Vì vậy, Đức không thể tách khỏi Hoa Kỳ một cách dễ dàng như vậy, khả năng Đức rời xa Hoa Kỳ ở mức độ này là điều không mong muốn và không hợp lý. »
Ba sự phụ thuộc
Trong một bài ghi chú đăng trên mạng của Viện IFRI, chuyên viên nghiên cứu Marie Krpata lưu ý rằng Đức phụ thuộc rất nhiều vào Mỹ trong ba lĩnh vực : An ninh – Quốc phòng, Năng lượng và Thương mại. Liệu một trong ba yếu tố này có thể cản trở Friedrich Merz xích lại gần hơn với các đối tác Âu châu hay không, nhất là với láng giềng Pháp. Về điểm này, bà Marie Krpata giải thích:
Marie Krpata : « Thực tế, phạm vi hành động của Đức đang bị thu hẹp vì nước này ngày càng phụ thuộc vào Mỹ về an ninh và quốc phòng kể từ khi chiến tranh ở Ukraine nổ ra, do Đức đã mua rất nhiều thiết bị quân sự của Mỹ. Mặt khác, về mặt năng lượng, kể từ khi tách khỏi Nga, Hoa Kỳ đã trở thành quốc gia thiết yếu trong việc cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng. Và sau đó, vào năm 2024, Hoa Kỳ đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Đức, soán ngôi Trung Quốc.
Vì vậy, đây là ba đòn bẩy mà Hoa Kỳ có thể sử dụng để tăng áp lực lên Đức và chắc chắn Hoa Kỳ sẽ cố gắng bán thêm vũ khí cho Đức, bán thêm khí đốt tự nhiên hóa lỏng. Họ cũng có thể cố gắng ép Đức đồng tình với chính sách của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc, cũng như là việc nới lỏng các quy định của Âu châu về bảo vệ khí hậu, về các vấn đề kỹ thuật số để tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty Mỹ tiếp cận thị trường Âu châu. »
Cuối cùng, theo nữ chuyên gia về quan hệ Pháp – Đức, câu hỏi lớn đặt ra ở đây là: « Liệu trong bối cảnh này, nước Đức có bị cám dỗ hành động đơn độc và do đó cuối cùng sẽ để lợi ích của riêng nước Đức thắng thế, sẽ co cụm lại, hay nước sẽ thực sự chấp nhận một tầm nhìn chung của Âu châu về mọi thứ? »
RFI Tiếng Việt xin cảm ơn chuyên viên nghiên cứu Marie Krpata, chuyên gia về quan hệ Pháp – Đức, Học Viện Quan hệ Quốc tế Pháp.
(Theo RFI)