Dan Viet Newspaper, Dan Viet News, Báo Dan Viet

 

Ảnh minh họa một tàu khu trục đa nhiệm (FREMM) khi hoàn thành chiến dịch ASPIDES. Từ ngày 01-07/03/2025, tàu khu trục đa nhiệm La Provence, thuộc đội tàu tác chiến hàng không mẫu hạm Charles de Gaulle thực hiện nhiệm vụ CLEMENCEAU 25, cập cảng Lotus thăm thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam. © Maxime Audin/Marine Nationale/Défense

 

 

 

Ba năm liên tiếp, tàu chiến Pháp đến thăm Việt Nam. Từ ngày 01-07/03/2025, tàu khu trục đa nhiệm La Provence, thuộc nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm Charles de Gaulle thực hiện chiến dịch CLEMENCEAU 25, cập cảng Lotus, thăm xã giao thành phố Hồ Chí Minh. Hoạt động này « thể hiện mối quan hệ tin cậy và hợp tác ngày càng tăng », cũng như « cam kết của Pháp đối với hòa bình và an ninh tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương », theo thông cáo của sứ quán Pháp tại Việt Nam.

 

 

Pháp tăng cường hiện diện thông qua « ngoại giao hải quân »

 

Hoạt động thăm cảng nằm trong khuôn khổ thỏa thuận Đối tác Chiến lược Toàn diện được Việt Nam và Pháp ký tại Paris ngày 07/10/2024. Trong tuyên bố chung, hai nước nhấn mạnh đến « cam kết phát triển quan hệ trong lĩnh vực quốc phòng nhằm tăng cường năng lực tự cường, phù hợp với nhu cầu của mỗi bên ». Ngoài ra, « Việt Nam sẽ tạo thuận lợi cho các tàu quân sự của Pháp cập cảng Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam, nhằm phát triển hợp tác và trao đổi chuyên môn giữa hải quân và lực lượng cảnh sát biển hai nước ».

 

 

Trả lời RFI Tiếng Việt ngày 28/02, nhà nghiên cứu Pháp Laurent Gédéon, trường Sư phạm Lyon (Ecole normale supérieure de Lyon), nhận định những diễn biến tích cực này được thúc đẩy thêm sau khi Hà Nội và Paris tỏ thiện chí củng cố hợp tác song phương nhân chuyến công du của bộ trưởng Quân Lực Sébastien Lecornu và dự lễ kỷ niệm 70 năm Điện Biên Phủ :

 

« Sự hiện diện của tàu khu trục Pháp hoặc các chiến hạm Pháp thỉnh thoảng đi qua và dừng lại ở Việt Nam gắn liền với điều có thể gọi là « ngoại giao hải quân », tức là hiện diện tại cảng của các quốc gia có quan hệ tích cực và hữu nghị. Theo tôi, ngoài khuôn khổ Việt Nam, cần phải coi rằng Pháp tham gia vào chiến lược do Hoa Kỳ phát triển trong khu vực, bao gồm việc tái khẳng định sự hiện diện của Hải Quân Mỹ và các đồng minh, đặc biệt là ở Biển Đông, trước những tuyên bố bá quyền của Trung Quốc đối với khu vực hàng hải này.

 

Theo tôi, nếu nhìn xa hơn một chút về sự hiện diện và sự tham gia của Pháp vào hoạt động này, thì điều đó không chỉ liên quan đến các nguyên tắc về tự do hàng hải trên vùng biển quốc tế mà Pháp ủng hộ, mà cũng cần lưu ý rằng Pháp có một vùng biển rộng lớn ở Thái Bình Dương nhưng không hẳn có thể kiểm soát được hết bằng những phương tiện quân sự hiện có. Vì vậy, Paris cần sự ủng hộ của Washington. Và việc Paris can dự vào một khu vực thực sự rất xa - ở Ấn Độ-Thái Bình Dương - là cách để Pháp đánh dấu sự gần gũi với người Mỹ và tham gia vào hoạt động giữa Mỹ và Pháp ở khu vực mà hai nước có chung lợi ích địa -chiến lược ».

 

 

Duy trì hoạt động thăm cảng nhưng tránh « động » đến Trung Quốc

 

Khi thiết lập được mối quan hệ ở cấp cao nhất trong chính sách ngoại giao của Việt Nam, Pháp tăng cường được hiện diện và củng cố hoạt động ở khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Biển Đông, nơi có tuyến hàng hải huyết mạch, thông qua những chương trình tăng cường hợp tác quân sự với Philippines, Malaysia, Indonesia, Singapore. Tuy nhiên, trả lời RFI Tiếng Việt trước đó, nhà nghiên cứu Laurent Gédéon cũng nhấn mạnh đến « khía cạnh quân sự không được làm quá nổi bật » trong tuyên bố chung Pháp-Việt ngày 07/10/2024 « để không “xúc phạm” Trung Quốc ».

 

Cũng chính để tránh làm « phật lòng » Bắc Kinh và cũng trong chính sách « Bốn Không », Việt Nam không tham gia các cuộc thao dượt mang tính chất quân sự trong vùng hoặc do bên thứ ba ngoài khu vực tổ chứcNhóm tác chiến hàng không mẫu hạm Charles de Gaulle, gồm hàng không mẫu hạm Charles De Gaulle (R91), tàu khu trục đa nhiệm La Provence (D652), tàu tiếp tế Jacques Chevallier (A725), tàu hộ tống phòng không Forbin (D620) và khinh hạm Alsace (D656) lớp Aquitaine thăm cảng Subic Bay ở Philippines từ ngày 21/02 và tham gia Hoạt động hợp tác hàng hải (MCA) với Hải Quân Philippines.

 

Tuy nhiên, chỉ có tàu khu trục đa nhiệm La Provence đến thăm cảng Lotus, thành phố Hồ Chí Minh và tiến hành luyện tập chung với tàu Cảnh sát biển Việt Nam tại vùng biển ngoài khơi Vũng Tàu. Nhà nghiên cứu Laurent Gédéon giải thích :

 

« Theo tôi, điều này liên quan đến việc Pháp là đồng minh của Mỹ, cũng như việc Philippines cũng có liên minh quân sự với Mỹ. Vì vậy, chúng ta thấy có sự gần gũi về mặt địa chiến lược và quân sự giữa Pháp và Philippines.

 

Hoàn cảnh này không giống như với Việt Nam bởi vì Việt Nam không tham gia vào kiểu liên minh này tại khu vực hoặc bất kỳ nơi nào khác. Tôi nghĩ rằng sự hiện diện của nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm Pháp trong khuôn khổ các cuộc tập trận chung này là nhằm kiểm tra khả năng tương tác giữa các đơn vị hải quân khác nhau. Và như tôi nêu ở trên, đó là cách để Pháp thể hiện sự can dự. Có rất nhiều quan ngại mang tính chất địa chiến lược đặc trưng với Mỹ nhưng không liên quan trực tiếp đến lợi ích của Pháp ở Ấn Độ-Thái Bình Dương. Vì vậy, đây là thông điệp gửi tới Trung Quốc, cũng là thông điệp gửi tới Hoa Kỳ, chủ yếu theo quan điểm của tôi. Và tôi không nghĩ rằng giữa Pháp và Việt Nam có sự hợp tác ở cấp độ này.

 

Một yếu tố khác là nhóm mẫu hạm tượng trưng cho khả năng quân sự và hình thức đe dọa cao. Và tôi nghĩ rằng đối với một quốc gia như Pháp, việc gửi một đội hàng không mẫu hạm vào Biển Đông sẽ gửi đi một thông điệp ngoại giao rất tiêu cực tới Trung Quốc và trong bối cảnh hiện tại, điểm này không nằm trong những bận tâm ngoại giao của Paris ».

 

 

Dan Viet Newspaper, Dan Viet News, Báo Dan Viet

Đội chiến đấu cơ trên hàng không mẫu hạm Charles de Gaulle cập cảng Subic Bay, Philippines, ngày 23/02/2025. AP - Joeal Calupitan

 

 

 

Pháp bảo vệ chủ quyền ở Ấn Độ-Thái Bình Dương

 

Pháp là thành viên duy nhất trong Liên Hiệp Âu Châu có chủ quyền tại Ấn Độ-Thái Bình Dương với bảy vùng lãnh thổ hải ngoại có hơn 1,6 triệu công dân. 90 phần trăm diện tích vùng đặc quyền kinh tế (ZEE) của Pháp cũng trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương. Lực lượng tàu chiến của quân đội Pháp tại các căn cứ ở đảo Réunion, Nouvelle-Calédonie hay Polynésie thuộc Pháp đều tương tác thường xuyên với các đối tác. Còn những chiến dịch quy mô lớn, như CLEMENCEAU 25, được bộ Quân Lực Pháp nhấn mạnh là nhằm « củng cố và khẳng định mối liên hệ mà quân đội Pháp đã phát triển ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương trong nhiều năm ».

 

 

Chiến dịch CLEMENCEAU 25 được khai triển từ cuối tháng 11/2024 và được chuẩn đô đốc Jacques Mallard, chỉ huy nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm, giới thiệu trong buổi họp báo ngày 08/11/2024 :

« Chiến dịch có bốn mục tiêu chính. Trước hết, đóng góp vào các hoạt động của Pháp và Âu Châu ở Hồng Hải và Ấn Độ Dương. Các hoạt động này nhằm mục đích tăng cường an ninh hàng hải trong khu vực và nguồn lực của nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm. Chiến dịch cũng giúp phát triển khả năng tương tác với các đối tác và đồng minh của chúng ta (Pháp) ở Ấn Độ Dương cũng như ở Thái Bình Dương. Thông qua hoạt động này, thúc đẩy một không gian Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do, cởi mở và ổn định với các đối tác khu vực trong khuôn khổ luật pháp quốc tế. Và cuối cùng, góp phần bảo vệ người dân và lợi ích của Pháp ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương mà Pháp là quốc gia ven biển và phải thực hiện chủ quyền của mình đối với tất cả các vùng lãnh thổ hải ngoại này ».

 

 

Không chỉ chiến dịch CLEMENCEAU 25 mà tất cả những chiến dịch trước đó, nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm Pháp đều phối hợp với tàu từ các đối tác và đồng minh. Cho nên, số lượng hộ tống nhóm tàu sân Pháp được tăng cường thường xuyên với tàu khu trục hoặc tàu ngầm nước ngoài, như của Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Ý, Maroc, Anh, Úc, Canada, Nhật Bản… và lần lượt thông qua ba cuộc tập trận quy mô lớn, theo giải thích của chuẩn đô đốc Jacques Mallard.

 

« Sau khi đi qua Địa Trung Hải và Hồng Hải, nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm Charles de Gaulle tham gia cuộc tập trận song phương thường niên Varuna, góp phần duy trì khả năng tương tác giữa hải quân Pháp và Ấn Độ. Ấn Độ là đối tác quan trọng của Pháp ở Ấn Độ Dương.

 

Giai đoạn hợp tác hoạt động chính của chiến dịch CLEMENCEAU 25 diễn ra với các đồng minh và đối tác của Pháp ở phía đông Ấn Độ Dương. Trong cuộc tập trận La Pérouse, Pháp phối hợp với Hải Quân các nước giáp với quần đảo Indonesia (trong đó có Philippines, Malaysia, Indonesia) về bảo đảm an ninh hàng hải ở ba eo biển chính. Cuối cùng, lần đầu tiên kể từ rất lâu, hàng không mẫu hạm Charles de Gaulle và đội tàu hộ tống di chuyển trên Thái Bình Dương, trong đó phải kể đến cuộc tập trận Pacific Steller (ngoài khơi phía đông Philippines), nhằm tăng cường khả năng tương tác với Hạm đội 7 Hoa Kỳ. Pháp có ít cơ hội tương tác với Hạm đội 7 vì lực lượng này ở rất xa so với Hạm đội 5 và 6 mà Pháp thường hoạt động chung.

 

Trong suốt hành trình, nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm sẽ nhận được hỗ trợ của các đối tác thông qua các điểm dừng chân và hỗ trợ hậu cần, cũng như tiếp nhận đội máy bay tuần tra hàng hải tầm xa Atlantic 2 ».

 

 

Dan Viet Newspaper, Dan Viet News, Báo Dan Viet

Chiến dịch CLEMENCEAU 25 của Hải Quân Pháp. © Capture d'écran / Ministère des Armées

 

 

 

Đội tàu tác chiến hàng không mẫu hạm (groupe aéronaval, GAN) được bộ Quân Lực Pháp giới thiệu là lực lượng chính thực hiện các nhiệm vụ khai triển sức mạnh. Hàng không mẫu hạm Charles de Gaulle có thể di chuyển hàng nghìn hải lý mỗi ngày trong nhiều tháng, có hai đường băng, một nhà kho để bảo trì, sửa chữa 40 máy bay. Khoang tàu có thể chứa 600 tấn đạn dược, 3.200 tấn xăng máy bay, tương đương với 2 tuần hoạt động với cường độ cao.

 

Sự can dự của Pháp ở Ấn Độ-Thái Bình Dương còn được thể hiện qua việc chỉ huy Hải Quân Pháp tham gia vào hai diễn đàn chính trong khu vực : Hội nghị chuyên đề Hải quân Ấn Độ Dương (IONS) và Hội nghị Hải quân Tây Thái Bình Dương (WPNS). Mục đích của hai tổ chức này là cải thiện đối thoại, hợp tác về an ninh, khả năng tương tác giữa hải quân của các quốc gia giáp ranh với từng khu vực. Tại khu vực Đông Nam Á, Pháp luôn bày tỏ nguyện vọng gia nhập Hội Nghị Bộ Trưởng Quốc Phòng ASEAN Mở Rộng (ADMM+), quy tụ các nước thuộc ASEAN và tám cường quốc chính của khu vực, trong đó có Trung Quốc và Hoa Kỳ. Và Paris kỳ vọng vào sự ủng hộ của Hà Nội để được gia nhập ADMM+.

 

 

 

(Theo RFI)