Đại tá Ann Hughes cảm thấy nhẹ nhõm khi đơn vị của bà có thể bảo vệ được binh lính Hoa Kỳ ở Qatar vào tháng trước. Ảnh:  Matthew Goddard/BBC

 

 

 

Tác giả, Jonathan Beale

Vai trò, Phóng viên quốc phòng

Đưa tin từ căn cứ Buckley, Colorado

 

 

Một tiếng hô lớn vang lên: "Yemen phóng!" Các quân nhân, cả nam lẫn nữ, đang ngồi trước màn hình máy tính đồng thanh đáp lại: "Rõ, Yemen phóng."

 

Trong Lực lượng Không gian Hoa Kỳ (US Space Force), họ không được gọi là binh sĩ mà là "Guardian" - người bảo vệ.

 

Nhìn vào màn hình máy tính tại một căn cứ nằm ở vùng ngoại ô Denver, bang Colorado, họ có thể theo dõi được tất cả các vụ phóng hỏa tiễn ở bất kỳ đâu trên thế giới – từ điểm phóng đến điểm mục tiêu dự kiến.

 

Chúng tôi là nhóm nhà báo quốc tế đầu tiên được phép vào bên trong phòng tác chiến cảnh báo và theo dõi hỏa tiễn của Lực lượng Không gian Hoa Kỳ tại căn cứ Buckley – trung tâm đầu não có sự túc trực 24/7 của các "Guardian".

 

 

Những màn hình khổng lồ bao quanh họ, hiển thị bản đồ và các dữ liệu truyền về từ một mạng lưới các vệ tinh quân sự trên vũ trụ.

 

Những "Guardian" này sẽ là những người đầu tiên phát hiện tín hiệu hồng ngoại phát ra khi một hỏa tiễn được phóng.

 

Vài giây sau lại có tiếng hô – "Iran phóng" – và tất cả lại đồng thanh: "Rõ, Iran phóng."

 

Lần này chỉ là một cuộc diễn tập. Nhưng tháng trước, họ đã phải giải quyết tình huống thực khi Iran phóng loạt hỏa tiễn vào căn cứ quân sự của Mỹ ở al-Udeid (Qatar) nhằm đáp trả các đợt không kích của Mỹ và Israel vào lãnh thổ Iran.

 

"Nặng nề" là từ mà Đại tá Ann Hughes dùng để mô tả không khí ngày hôm ấy.

 

Khác với phần lớn các vụ phóng hỏa tiễn khác, lần đó họ đã được báo trước. Nhờ vậy, các quân nhân này có thể theo dõi đường bay của hỏa tiễn Iran và chuyển dữ liệu cho các đơn vị phòng không mặt đất.

 

Bà Hughes nói với vẻ nhẹ nhõm thấy rõ, "Chúng tôi đã bảo vệ thành công toàn bộ các căn cứ và những người đang làm việc ở đó."

 

Đại tá Hughes chia sẻ rằng họ cực kỳ bận rộn trong những năm gần đây, khi chiến tranh bùng phát ở cả Trung Đông và Âu châu.

 

Khi tôi hỏi liệu họ có đưa ra cảnh báo cho Ukraine hay không, Đại tá Hughes trả lời: "Chúng tôi cung cấp cảnh báo chiến lược và chiến thuật về hỏa tiễn cho tất cả lực lượng của Mỹ và đồng minh."

 

Washington không công khai xác nhận điều này, nhưng có thể họ đã báo trước cho Kyiv mỗi khi có dấu hiệu Nga sẽ tấn công.

 

Trong kế hoạch lá chắn phòng thủ hỏa tiễn "Vòm Vàng" (Golden Dome) mà Tổng thống Donald Trump đang theo đuổi, Căn cứ Lực lượng Không gian Buckley sẽ đóng vai trò then chốt.

 

Ông Trump đã dành ra 175 tỷ USD cho chương trình đầy tham vọng này – lấy cảm hứng từ hệ thống phòng không Vòm Sắt (Iron Dome) của Israel. Tuy nhiên, nhiều người tin rằng chi phí thực tế sẽ cao hơn nhiều.

 

Dù vậy, nền móng của chương trình đã được đặt tại Buckley.

 

Từ xa, ở tận chân trời, tràn ngập những khối vòm che ăng-ten khổng lồ – các vòm tròn bao phủ và bảo vệ hệ thống ăng-ten vệ tinh bên trong, trông như những quả bóng golf khổng lồ.

 

Những dàn vệ tinh này đã phát hiện được sóng tần số vô tuyến phát ra từ một siêu tân tinh cách 11.000 năm ánh sáng

 

Trung tướng David Miller, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Tác chiến Không gian Hoa Kỳ, cho biết việc phát triển "Vòm Vàng" – dù vẫn đang ở giai đoạn đầu – là sự thừa nhận những mối đe dọa đối với lãnh thổ nước Mỹ ngày càng gia tăng.

 

Ông nhắc cụ thể tới Trung Quốc và Nga.

 

Cả hai quốc gia này đều đã phát triển hỏa tiễn siêu âm – có thể bay với tốc độ gấp năm lần tốc độ âm thanh.

 

Cả hai nước này cũng đã thử nghiệm các hệ thống ném bom quỹ đạo phân đoạn (Fractional Orbital Bombardment Systems) – loại vũ khí khó bị theo dõi hơn.

 

Tướng Miller nói, "Với tốc độ và những yếu tố vật lý liên quan đến việc đánh chặn những loại võ khí này, chúng ta cần cân nhắc đến việc đánh chặn từ không gian."

 

Ông cho biết mình muốn nói đến "năng lực" bảo vệ lợi ích nước Mỹ, hơn là nói về vũ khí không gian.

 

 

Có khoảng 12.000 vệ tinh trên quỹ đạo trong không gian - và con số đó dự kiến sẽ tăng vọt. Ảnh: Matthew Goddard/BBC

 

 

 

Việc thành lập Lực lượng Không gian Hoa Kỳ cách đây 5 năm là bằng chứng cho thấy không gian đã trở thành một lĩnh vực tác chiến. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, Tổng thống Donald Trump đã thành lập lực lượng này, đồng thời gọi không gian là "chiến trường mới nhất của thế giới."

 

Cả Trung Quốc và Nga đều đã thử nghiệm hỏa tiễn chống vệ tinh, cũng như các phương thức gây nhiễu thông tin liên lạc từ không gian.

 

Tướng David Miller cho biết Nga đã "chứng tỏ tiềm năng có thể đưa một đầu đạn nguyên tử lên quỹ đạo."

 

Ông nói rằng không gian hiện đã là một khu vực "cạnh tranh gay gắt," đồng thời nhấn mạnh "chúng ta cũng phải chuẩn bị cho tình huống xung đột nổ ra trong không gian."

 

Đại tá Phoenix Hauser hiện đang phụ trách Delta 7 - đơn vị Tình báo, Giám sát và Trinh sát của Lực lượng Không gian.

 

Nhiệm vụ của họ là theo dõi các diễn biến trong không gian.

 

Tại căn cứ gần Colorado Springs, các nhóm chuyên gia sẽ quan sát những màn hình hiển thị hàng ngàn chấm nhỏ bao quanh Trái đất. Hiện đã có khoảng 12.000 vệ tinh ngoài không gian. Đến cuối thập niên này, con số đó có thể tăng lên 60.000.

 

Đại tá Hauser cho biết mối quan tâm hàng đầu của họ là Trung Quốc.

 

Bà nói, "Đây là mối đe dọa lâu dài.”

 

Trung Quốc hiện sở hữu khoảng 1.000 vệ tinh, một nửa số đó là vệ tinh quân sự

 

Trong thập niên tới, bà dự đoán Trung Quốc sẽ có thêm hàng chục ngàn vệ tinh ở quỹ đạo tầm thấp. Không gian đang ngày càng đông đúc và trở thành khu vực cạnh tranh quyết liệt.

 

Bà nói, "Chúng tôi thực chất đã đang đấu tay đôi trên không gian,"

"Chúng tôi thấy những lần tiếp cận cự ly gần hết sức rủi ro, thiếu chuyên nghiệp và không an toàn từ đối thủ."

 

Những hành động này bao gồm cả việc sử dụng vệ tinh được trang bị thiết bị gây nhiễu điện tử, tia laser, thậm chí cả lưới và cánh tay cơ học được sử dụng để có thể làm chệch hướng vệ tinh khác.

 

Một số người cho rằng trên không gian đã diễn ra những trận "hỗn chiến" thực sự.

 

Đại tá Hauser nói, "Tôi không nghĩ đó là những trận hỗn chiến theo kiểu như trong phim Top Gun, Nhưng, chắc chắn đó là điều mà chúng tôi phải sẵn sàng đối phó."

 

 

Đại tá Phoenix Hauser (bên trái) cho biết Hoa Kỳ phải sẵn sàng đối phó với xung đột trong không gian. Ảnh: Matthew Goddard/BBC

 

 

 

Lực lượng Không gian Hoa Kỳ đang chuẩn bị cho tình huống xảy ra xung đột trong không gian.

 

Đại tá Phoenix Hauser cho biết, chỉ một năm trước, "chưa thể công khai nói về việc sở hữu năng lực tấn công trong không gian."

 

Nhưng giờ đây, bà nói rằng trọng tâm của Lực lượng Không gian Hoa Kỳ là "tạo ra các phương án cho Tổng thống để giúp giành và duy trì ưu thế không gian thông qua kiểm soát không gian cả về tấn công lẫn phòng thủ."

 

Tướng Miller nhấn mạnh rằng cách duy nhất để ngăn chặn xung đột là "sức mạnh, và chúng ta phải tự có năng lực để bảo vệ các tài sản chiến lược", nhưng không tiết lộ cụ thể điều đó có nghĩa gì.

 

Tuy nhiên, chiến dịch Nhát búa Nửa đêm – các cuộc không kích gần đây của Mỹ nhằm vào chương trình nguyên tử của Iran – đã hé lộ phần nào những gì Lực lượng Không gian Hoa Kỳ hiện đã có thể thực hiện.

 

Các cuộc tấn công do oanh tạc cơ tàng hình B-2 thực hiện cũng cho thấy rõ vì sao việc duy trì ưu thế không gian là yếu tố sống còn đối với quân đội Mỹ.

 

Tướng Miller cho hay, "Phải hiểu rằng quân đội Hoa Kỳ phụ thuộc rất nhiều vào lợi thế từ không gian."

 

Những lợi thế đó bao gồm tính năng định vị và liên lạc vượt khoảng cách địa lý, cũng như thực hiện các cuộc tấn công chính xác bằng hệ thống định vị toàn cầu GPS.

 

 

BBC là hãng truyền thông quốc tế đầu tiên được cho biết chi tiết cách những "Guardian" của Lực lượng Không gian Hoa Kỳ tham gia vào chiến dịch đó.

 

Tướng Miller cho biết: "Một trong những điều chúng tôi làm là tận dụng năng lực tác chiến điện từ để bảo đảm ưu thế trong suốt chiến dịch."

 

Phổ điện từ bao gồm sóng vô tuyến, vi ba, tia hồng ngoại và ánh sáng có thể quan sát được.

 

"Chúng tôi biết khu vực đó sẽ có gây nhiễu," ông nói. Lực lượng Không gian Hoa Kỳ đã bảo đảm việc gây nhiễu không có tác dụng, giúp các oanh tạc cơ B-2 bay đến gần mục tiêu và thả bom chính xác nhờ hệ thống định vị toàn cầu GPS.

 

 

Các đơn vị Lực lượng Không gian luôn sẵn sàng - 24 giờ một ngày, bảy ngày một tuần. Matthew Goddard/BBC

 

 

 

Các chuyên gia tác chiến điện tử thuộc đơn vị Delta 3 của Lực lượng Không gian Hoa Kỳ đã được khai triển tại thực địa khu vực đó từ trước.

 

Chỉ huy đơn vị, Đại tá Angelo Fernandez, chỉ cho tôi xem hàng loạt ăng-ten vệ tinh và các container chỉ huy di động mà có thể được khai triển đến bất kỳ đâu trên thế giới.

 

Các ăng-ten này, theo ông, có thể được dùng để ngăn chặn liên lạc của đối phương, rồi lấn át giao tiếp bằng cách "phát ra tiếng ồn lớn hơn."

 

Ông nói, "Chúng vừa có thể bảo vệ các tài sản của Mỹ, vừa mở ra hành lang bay an toàn cho chiến dịch".

 

Trước, trong và sau nhiệm vụ, các guardians thuộc đơn vị Delta 7 vẫn liên tục giám sát.

 

Đại tá Phoenix Hauser cho biết họ đã thành công theo dõi phổ điện từ để "xác định liệu Iran có biết chuyện gì đang xảy ra không, hay liệu họ có đưa ra bất kỳ cảnh báo chiến thuật nào về cuộc không kích có thể sắp diễn ra không".

 

Lực lượng này giúp bảo đảm yếu tố bất ngờ và cho phép đội bay tác chiến hoàn thành nhiệm vụ mà không bị phát hiện.

 

Dù là lực lượng non trẻ nhất trong quân đội Mỹ, nhưng Lực lượng Không gian Hoa Kỳ đang ngày càng chứng tỏ vai trò thiết yếu đối với sức mạnh quân sự toàn diện của Mỹ.

 

Tướng Miller khẳng định toàn bộ quân đội Mỹ "phụ thuộc vào việc duy trì ưu thế không gian."

 

Ông muốn bảo đảm điều đó sẽ không thay đổi. Và ông gửi lời cảnh báo đến mọi đối thủ bất kỳ:

"Khi quân đội Mỹ đã tập trung vào điều gì đó – thì cầu Chúa sẽ phù hộ cho họ!"

 

 

Matthew Goddard thực hiện bài viết và hình ảnh

 

 

(BBC News)

(Dan Viet phụ đính)