(Ảnh minh họa) - Công trình xây dựng trên đảo Thị Tứ, được Philippines gọi là Pag-Asa, tại vùng Biển Đông đang có tranh chấp. Ảnh chụp ngày 06/11/2024 AP - Aaron Favila
Bắc Kinh không ngừng gây áp lực với Manila để khẳng định chủ quyền ở Biển Đông. Rất nhiều tàu dân sự Trung Quốc đang tập trung gần đảo Thị Tứ, được coi là tiền đồn quan trọng của Philippines. Ngày 28/11/2024, quân đội Trung Quốc cũng cho biết không quân và hải quân đã tiến hành tuần tra suốt từ đầu tháng 11 quanh bãi cạn Scarborough, mà Bắc Kinh coi là « vùng lãnh thổ » của Trung Quốc, chiếm quyền kiểm soát từ Philippines năm 2012.
Theo hãng tin Reuters, tại đảo Thị Tứ (Thitu) thuộc quần đảo Trường Sa, nằm ở phía nam bãi cạn Scaborough, khoảng 60 tàu Trung Quốc tập trung cách đó chưa đầy 2 dặm, theo ảnh chụp từ vệ tinh của công ty Maxar Technologies ngày 25/11 và được Reuters kiểm chứng ngày 28/11. Hệ thống theo dõi tàu thuyền trực tuyến cho thấy rất nhiều tàu trong ảnh vệ tinh là được đăng ký ở Trung Quốc.
Đảo Thị Tứ, được Philippines gọi là Pag-Asa, nằm gần một căn cứ hải quân của Trung Quốc và gần một đường băng trên đảo Xu Bi (Subi), thỉnh thoảng vẫn được sử dụng làm cảng neo đậu cho tàu thuyền Trung Quốc.
Phó đô đốc Alfonso Torres, chỉ huy bộ Tư lệnh miền Tây Philippines, xác nhận họ biết rõ những con tàu đó thuộc lực lượng dân quân biển và hợp tác với hải quân và hải cảnh Trung Quốc. Chuẩn đô đốc Roy Trinidad, người phát ngôn của Hải quân Philippines về Biển Đông, cáo buộc đội tàu này « hiện diện bất hợp pháp » nhưng « không phải là điều đáng lo ngại » và « điều quan trọng (đối với Philippines) là phải giữ vững tư thế ».
Theo Reuters, Bắc Kinh chủ trương củng cố hiện diện sau nhiều tháng đối đầu và xô xát giữa lực lượng hải cảnh và tàu cá Trung Quốc với tàu của Philippines, đặc biệt là ở bãi cạn Scarborough và Bãi Cỏ Mây (Second Thomas). Nhà nghiên cứu Collin Koh tại Singapore nhận định có lẽ Bắc Kinh đang trắc nghiệm phản ứng của Manila vào lúc nội bộ chính trị Philippines đang căng thẳng.
Để bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông, tàu sân bay Mỹ USS Abraham Lincoln đang hướng đến khu vực này sau khi ghé thăm cảng Klang ở Malaysia trong bốn ngày. Theo Hải quân Hoàng gia Malaysia, tàu USS Abraham Lincoln rời cảng ngày 27/11 cùng với tàu khu trục JS Samidare của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản.
(Theo RFI)