Các quốc gia đã thực hiện lệnh cấm nhựa toàn bộ hoặc một phần. (Không bao gồm các quốc gia áp dụng thuế túi). Dữ liệu do Reuters cung cấp tính đến năm 2017. Nguồn: SBS

 

 

Vào ngày thứ Hai, khi các đại biểu đến từ 175 quốc gia tụ họp tại Busan, Nam Hàn, để tham gia vòng đàm phán thứ năm hướng đến một hiệp ước quốc tế nhằm hạn chế ô nhiễm nhựa, các nhân vật vận động môi trường đã nhấn mạnh rằng đây là cơ hội để Liên Hợp Quốc tạo nên những bước tiến quan trọng trong việc giải quyết vấn đề toàn cầu này.

 

Thành phố cảng Busan, Nam Hàn, tổ chức vòng đàm phán thứ năm và cũng là cuối cùng, bắt đầu từ hôm nay (25/11), để phát triển một công cụ pháp lý quốc tế ràng buộc nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa.

 

Trước thềm đàm phán, Greenpeace đã công bố một báo cáo nghiên cứu cho biết Nam Hàn hiện là quốc gia có ngành công nghiệp hóa dầu lớn nhất, với công suất sản xuất nhựa hàng năm đạt khoảng 19,92 triệu tấn, tương đương với tổng sản lượng của Nhật Bản và Đài Loan cộng lại.

 

Lãnh đạo Frankie Orona, giám đốc điều hành của tổ chức phi lợi nhuận Society of Native Nations, cho biết ông đang tìm kiếm những điều khoản cụ thể về việc giới hạn sản xuất trong văn bản hiệp ước.

 

 

Trích lời Frankie Orona:

"Chúng ta không thể chỉ nhìn vào các giải pháp quản lý rác thải mà không xét đến việc giới hạn sản xuất. Chúng ta cần giảm tốc và bắt đầu loại bỏ dần việc sản xuất nhựa và các sản phẩm nhựa, đặc biệt là nhựa dùng một lần. Chúng ta cần làm rõ và hiểu rằng tất cả nhựa đều bắt nguồn từ nhiên liệu hóa thạch, đều chứa hóa chất, và nếu không giải quyết các tác động đến sức khỏe thì chúng ta sẽ không bao giờ thực sự giải quyết được cuộc khủng hoảng nhựa."

 

 

Cuộc họp đã không đạt được thỏa thuận nhằm hạn chế sản xuất nhựa mà thay vào đó chỉ đưa ra hướng dẫn cho các nhóm kỹ thuật tập trung vào các hóa chất đáng lo ngại và các biện pháp khác. Điều này diễn ra sau khi các quốc gia sản xuất hóa dầu lớn như Ả Rập Saudi và Trung Quốc mạnh mẽ phản đối việc nhắm mục tiêu vào sản xuất nhựa.

 

 

Hoa Kỳ, hồi tháng Tám, đã tuyên bố ủng hộ giới hạn sản xuất nhựa trong hiệp ước, đồng quan điểm với EU, Kenya, Peru và các quốc gia khác thuộc liên minh High Ambition Coalition. Tuy nhiên, việc Donald Trump được bầu lại làm tổng thống đã làm dấy lên câu hỏi về quan điểm này, bởi trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông đã tránh xa các hiệp định đa phương và từ chối cam kết giảm hoặc ngừng sản xuất dầu và hóa dầu của Mỹ.

 

Phái đoàn Mỹ không trả lời liệu có thay đổi lập trường mới về việc ủng hộ giới hạn sản xuất nhựa hay không. Tuy nhiên, theo phát ngôn viên của Hội đồng Chất lượng Môi sinh Tòa Bạch Ốc, Mỹ "ủng hộ việc bảo đảm rằng công cụ toàn cầu sẽ giải quyết các sản phẩm nhựa, hóa chất sử dụng trong nhựa, và nguồn cung các polyme nhựa sơ cấp."

 

Đối với một quốc đảo Thái Bình Dương như Fiji, hiệp ước toàn cầu về nhựa là yếu tố sống còn để bảo vệ hệ sinh thái mong manh và sức khỏe cộng đồng. Sivendra Michael, Bộ trưởng Khí hậu Fiji và trưởng đoàn đàm phán về khí hậu và nhựa, cho biết mặc dù không sản xuất nhựa, Fiji lại chịu ảnh hưởng nặng nề từ ô nhiễm nhựa thải. Ông nhấn mạnh các nghiên cứu chỉ ra rằng hầu hết cá tiêu thụ tại Fiji đều bị ô nhiễm vi nhựa.

 

Lời phát biểu của Sivendra Michael:

"Những loại nhựa này sẽ đi đâu? Chúng nằm ở đại dương, bãi rác và ngay sau nhà chúng ta. Việc nhựa phân hủy thành các chất nhỏ hơn gây ra những tác động nghiêm trọng, không chỉ lên môi trường mà còn lên chúng ta, sức khỏe của chúng ta."

 

Tại COP29, Pháp, Kenya và Barbados đã đề xuất thiết lập một loạt thuế toàn cầu áp dụng cho một số ngành công nghiệp, nhằm tăng nguồn tài chính hỗ trợ các nước đang phát triển trong quá trình chuyển đổi năng lượng sạch và ứng phó với những tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu.

 

Đề xuất bao gồm khoản phí từ 60-70 USD/tấn đối với sản xuất polyme sơ cấp, chiếm trung bình khoảng 5-7% giá polyme, dự kiến có thể thu về 25-35 tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, các nhóm công nghiệp đã bác bỏ ý tưởng này, cho rằng nó sẽ làm tăng giá tiêu dùng.