Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva, đằng sau là tổng thống Nga Vladimir Putin trên màn ảnh khi ông dự lễ khai mạc thượng đỉnh BRICS tại Rio de Janeiro, Brazil, ngày 06/07/2025. © Ricardo Moraes / Reuters

 

 

Trong hai ngày 06 và 07/07/2025, nhóm BRICS họp thượng đỉnh tại Rio de Janeiro, Brazil. Ngoài cuộc chiến quan thuế do tổng thống Mỹ Donald Trump phát động nhắm vào các nước bất kể là đồng minh hay đối tác, nhóm các nền kinh tế đang trỗi dậy còn phải đối mặt với một nhiệm vụ được cho là « bất khả thi »: Tạo đồng tiền chung để bỏ qua đô-la Mỹ.

 

 

Chủ đề này rất có thể sẽ lại được mười nước thành viên nhóm BRICS đề cập đến trong kỳ họp thượng đỉnh lần này. Nhưng sự vắng mặt của hai nguyên thủ Nga và Trung Quốc có thể khiến cuộc thảo luận bị rút ngắn.

 

Tuy nhiên, theo nữ chuyên gia kinh tế trưởng Léa Dauphas tại TAC Economics, được Les Echos trích dẫn, tham vọng này của BRICS thể hiện một « lập trường mang tính chính trị nhiều hơn là một thực tế kinh tế ». Một phần là do « thiếu sự hội nhập tài chánh giữa các nước » và mặt khác vì « sự khác biệt về các lợi ích địa chính trị » giữa Trung Quốc và Nga, vốn dĩ đều chống phương Tây, với các nước thành viên kia như Ấn Độ, Nam Phi hay Brazil, chủ trương « hợp tác » nhiều hơn.

 

Việc mở rộng nhóm càng làm cho cơ hội tạo đồng tiền chung bị hạn chế trong khi những căng thẳng chính trị và kinh tế trong nội bộ nhóm đã tồn tại. Điều này thể hiện rõ qua việc BRICS gặp khó khăn trong việc đưa ra một lập trường chung trong tất cả những hồ sơ quốc tế quan trọng nhất.

 

Theo như quan sát từ Carlos Lopes, kinh tế gia đại học Cap, Nam Phi, trên đài RFI Pháp ngữ (07/07/2025), cuộc xung đột giữa Iran với Mỹ, Israel là một ví dụ điển hình: BRICS đã không ra được một tuyên bố chung nào về việc Iran – quốc gia thành viên nhóm BRICS – bị tấn công.

 

Tại thượng đỉnh Kazan 2024, thủ phủ nước Cộng hòa Tatarstan, thuộc Liên bang Nga, chính tổng thống Vladimir Putin đã nhấn mạnh đến việc tăng cường sử dụng đồng nội tệ của các nước BRICS trong trao đổi mậu dịch và tài chánh. Đây có thể được cho là một giải pháp.

 

 

Donald Trump có gián tiếp làm suy yếu đô-la?

Quả thật, qua quan sát, hiện tượng phi đô-la hóa đã diễn ra một phần. Theo như ý kiến của Léa Dauphas, tỷ lệ dự trữ đô-la Mỹ trong nhóm BRICS đã bị sụt giảm so với dự trữ vàng, từ mức 67% trong năm 2016 xuống còn 55% hiện nay. Và 37% giao thương toàn cầu các loại nguyên nhiên liệu được thực hiện bằng một loại đồng tiền của nhóm BRICS như trường hợp giữa Nga và Ấn Độ, với 90% trao đổi thương mại giữa hai nước là bằng nội tệ.

 

Trong xu hướng đó, liệu đồng nhân dân tệ của Trung Quốc có thể soán ngôi tờ bạc xanh hay không, vì nền kinh tế nước này chiếm một tỷ trọng khá lớn là 65% GDP của cả nhóm? Dù vậy, theo các chuyên gia được Les Echos dẫn lại, những điều này chưa đủ để đồng nội tệ Trung Quốc thay thế đô-la.

 

Một mặt, nhiều nước thành viên phản đối phi đô-la hóa. Mặt khác, việc Bắc Kinh kiểm soát các dòng vốn và việc đồng nhân dân tệ không thể hoàn toàn chuyển đổi đã cản trở mong muốn này của Trung Quốc.

 

Tuy nhiên, Maurice Obstfeld, cựu chuyên gia kinh tế trưởng tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, nhận định hiện tượng phi đô-la hóa cho đến hiện tại chỉ có thể đến từ Mỹ, do những chính sách thương mại mà ông đánh giá là « nguy hiểm » của Donald Trump. Trả lời Les Echos, ông phân tách: « Cuộc chiến thương mại do chính quyền Trump tiến hành sẽ khiến kim ngạch xuất – nhập cảng của Mỹ bị giảm, và điều này dẫn đến việc làm suy giảm sự hội nhập của Mỹ vào nền kinh tế thế giới và hạn chế vai trò quốc tế của đô-la Mỹ ».

 

Maurice Obstfeld cũng không quên nhắc đến một kẻ thù khác của đô-la Mỹ: Thâm hụt ngân sách và đà tăng nợ Mỹ. Trong trường hợp này, có lẽ Donald Trump sẽ là người làm suy yếu thế thống trị của đồng bạc xanh, tạo thuận lợi cho nhiệm vụ của BRICS! 

 

 

(Theo RFI)